Bạn đang ở đây

thừa kế

Nghĩa vụ trả nợ cho người đã mất đối với người nhận di sản thừa kế?

Thời gian đọc: 5 Phút
Pháp luật quy định nghĩa vụ của người hưởng thừa kế như thế nào? Người thừa kế có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính của người để lại thừa kế không? Có thể từ chối thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản không?

Khi bố tôi mất, có để lại di chúc phân chia tài sản (một ngôi nhà và một mảnh đất) cho anh em chúng tôi. Nhưng khi mở di chúc, chúng tôi mới biết là bố tôi có một khoản vay thế chấp ngân hàng 3 tỷ VNĐ. Vậy khoản vay nợ, các nghĩa vụ phải thực hiện thì cá nhân có được đưa vào di chúc để yêu cầu các thừa kế của mình thực hiện hay không? Mong nhận được ý kiến tư vấn của Luật sư.

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Về nghĩa vụ của người thừa kế đối với phần di sản được hưởng. 

Căn cứ quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người lập di chúc có quyền sau đây:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản

Đồng thời, tại Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định:

- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Theo các quy định này, người lập di chúc có quyền đưa vào di chúc yêu cầu những người hưởng thừa kế phải thực hiện các nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện các nghĩa vụ tài sản của mình. Tuy nhiên, những người hưởng thừa kế theo di chúc chỉ có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại trong phạm vi di sản của người đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Ảnh minh họa: Internet

Về trường hợp người có tên trong di chúc hoặc được chia di sản theo pháp luật từ chối nhận di sản. 

Nghĩa vụ tài sản là nghĩa vụ của người chết, không phải là nghĩa vụ của những người hưởng thừa kế. Do đó, những người hưởng thừa kế không có nghĩa mang tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết chỉ được thực hiện trong phạm vi di sản do họ để lại.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015:

- Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
- Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
- Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Do đó, việc từ chối nhận di sản là quyền hợp pháp của người thừa kế. Khi đã từ chối nhận di sản thì họ sẽ không còn là người hưởng di sản thừa kế và do đó, họ sẽ không có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Các nghĩa vụ này sẽ được chuyển giao cho những người được hưởng di sản thừa kế khác.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Đã lập di chúc cho con nhà và đất, nay có được bán?

Thời gian đọc: 6 Phút
Thời điểm phát sinh hiệu lực của di chúc được luật quy định như thế nào? Tài sản đã được lập di chúc liệu có được chuyển nhượng?

Kinh chào Luật sư! Tôi có câu hỏi như sau: Năm 2018, vợ chồng tôi lập di chúc cho các con toàn bộ nhà đất của mình; tuy nhiên kinh tế của vợ chồng tôi đang gặp khó khăn. Lúc này vợ chồng tôi có được quyền bán một phần nhà đất đó hay không?

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Luật Đất đai 2013 cho phép người sử dụng đất thực hiện chuyển quyền sử dụng trong đó có quyền để lại thừa kế với quyền sử dụng đất. 

BLDS 2015 quy định hiệu lực của di chúc như sau: 

Điều 643. Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.    

Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

Như vậy, di chúc chỉ phát sinh hiệu lực khi người có tài sản chết. Người lập di chúc chưa chết đồng nghĩa quyền thừa kế chưa được phát sinh, di chúc chưa có giá trị pháp lý. Quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt tài sản vẫn thuộc về người lập di chúc.  

BLDS 2015 cũng có phép người lập di chúc có quyền:

Điều 640. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Từ các cứ trên, dù đã lập di chúc nhưng ông bà vẫn là chủ sử dụng của thửa đất và hoàn toàn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do đất và nhà là tài sản chung của hai vợ chồng nên khi thực hiện việc chuyển nhượng phải có sự đồng ý của vợ và chồng. Khi thực hiện việc chuyển nhượng, ông bà không cần phải hủy bản di chúc đã viết bởi theo quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 643 BLDS 2015: 

Điều 643. Hiệu lực của di chúc

3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Việc chuyển nhượng đất cần đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013:

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Một lưu ý cho ông bà là cần xem xét thửa đất đang sử dụng có được coi là tài sản chung của hộ gia đình không? Trong trường hợp là tài sản chung, việc chuyển nhượng cần có sự đồng ý, thống nhất hoặc ủy quyền của tất cả các thành viên trong gia đình

Bộ luật Dân sự 2015 quy định chi tiết về vấn đề này như sau:

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Như vậy, trường hợp nhà và đất là tài sản chung của hai vợ chồng ông thì dù đã lập di chúc, hai vợ chồng hoàn toàn có quyền chuyển nhượng tài sản. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Đất của gia đình nhà chồng, em dâu tự ý sang tên "sổ đỏ"

Thời gian đọc: 9 Phút
Hành vi sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khi chưa được sự đồng ý của những người có tên trong sổ đỏ liệu có hợp pháp không?

Kính chào Luật sư! Tôi cưới chồng năm 1984, gia đình chồng có 3 người con trong đó chồng tôi là cả. Mẹ chồng tôi đã mất từ lâu.

Năm 1982, gia đình chồng tôi được Nhà nước cấp 1 thửa đất có diện tích 1200m2, được đứng tên 4 người gồm Bố chồng, chồng tôi và 2 người em chồng.

Tôi và chồng chuyển ra nước ngoài sinh sống từ năm 1994 đến năm 2003 về nước. Trong khoảng thời gian chúng tôi sinh sống ở nước ngoài, bố chồng mất năm 1994, không để lại di chúc.

Năm 2003 chồng tôi mất, có di nguyện xây nhà thờ họ trên thửa đất 1200m2 và xây cho tôi một ngôi nhà trên mảnh đất để tôi tiện chăm sóc nhà thờ họ.

Tôi muốn thực hiện di nguyện của chồng nhưng các em không đồng ý với lý do vào năm 1998, nhà nước có chủ trương làm sổ đỏ, em trai chồng tôi được đứng tên trên thửa đất 1200m2.

Sau đó, mảnh đất 1200m2 đã được em dâu tách thành 2 sổ đỏ, 1 sổ đứng tên em dâu, 1 sổ đứng tên con trai em dâu (tức là cháu trai tôi). Tôi nên làm gì để đòi lại được đất? 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Từ các thông tin cô đưa ra, Luật sư nhận thấy, thửa đất 1200m2 được coi là tài sản chung của 4 người là Bố chồng cô, chồng cô,2 em chồng và tất cả được coi là các đồng sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền trên đất. Bởi thửa đất được ghi tên đầy đủ 4 người, đồng thời, Nhà nước đã cấp cho mỗi chủ sở hữu một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 43/2014 NĐ-CP quy định chi tiết các vấn đề về đồng sở hữu như sau:

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Điều 64. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

2. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.

Theo Luật quy định, với các tài sản là sở hữu chung thì việc thực hiện các quyền với quyền sử dụng đất như tặng cho, chuyển nhượng,... phải được sự thỏa thuận và đồng ý của tất cả các đồng sở hữu. 

Như vậy, trình tự, thủ tục chuyển đổi, sang tên quyền sử dụng đất cho người em chồng, em dâu đã được thực hiện không tuân thủ quy định của pháp luật.

Bởi một trong các đồng sở hữu, là chồng cô, không được biết, thỏa thuận hay đồng ý về việc sang tên. Và trên thực tế, chồng cô cũng chưa ký bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc chuyển nhượng, tách thửa. 

Về các quyền lợi trên thửa đất mà cô có thể được hưởng liên quan đến tài sản riêng của người chồng trong khối tài sản chung là thửa đất 1200m2, Luật sư có quan điểm như sau:

Năm 1994, bố chồng cô chết không để lại di chúc. Từ thời điểm đó, quyền thừa kế được phát sinh; đồng thời, thời hiệu thời kế với bất động sản là 30 năm chưa kết thúc nên di sản sẽ được chia theo quy định của pháp luật. 

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

Thửa đất 1200m2 được chia đều cho 4 đồng sở hữu nên mỗi người được 300m2.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự về thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất gồm:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Hợp đồng liên quan đến tài sản của nhóm chủ sở hữu phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền. Ảnh minh họa: Internet

Do mẹ chồng cô mất trước bố chồng nên hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật quy định, được hưởng di sản của bố chồng cô gồm chồng cô và 2 người em trai.

Những người này được chia đều phần di sản mà bố chồng cô để lại. Do vậy, mỗi người sẽ được 100m2 với thửa đất 1200m2, nếu không có những người khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Năm 2003, chồng cô mất, dẫn đến phát sinh quyền thừa kế di sản chồng cô để lại cho cô và các con. Như đã phân tích ở trên, mới thửa đất 1200m2 thì mỗi đồng sở hữu được 300m2 cùng với 100m2 là tài sản chồng cô được thừa kế trong phần di sản bố chồng để lại thì phần di sản của chồng cô trên khối tài sản chung là khoảng 400m2. 

Như vậy để có thể đảm bảo các quyền lợi của mình với thửa đất 1200m2, cô nên tìm hiểu các giấy tờ gốc liên quan đến việc sang tên, tách thửa của người em dâu và đề nghị việc sao chụp các giấy tờ gốc đó (lưu ý: việc sao chụp có thu phí).

Theo quy định các giấy tờ này sẽ được quản lý bởi Ủy ban Nhân dân xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường. Sau khi nghiên cứu các giấy tờ, cô có thể thực hiện một trong hai yêu cầu sau để bảo vệ quyền lợi của mình: 

Thứ nhất, làm đơn khiếu nại đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Ủy ban Nhân dân Xã. Trong nội dung khiếu nại cô có thể yêu cầu Ủy ban thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho em dâu và cháu trai.

Cần lưu ý, việc khiếu nại của cô cần tuân thủ theo đúng thời hiệu, hình thức, nội dung đơn khiếu nại được quy định trong Luật khiếu nại và các văn bản liên quan 

Thứ hai, cô làm đơn khởi kiện Dân sự với nội dung yêu cầu quyền Sử dụng đất phần tài sản của chồng trong khối tài sản chung. Với việc khởi kiện dân sự, cô nên có sự tư vấn, hỗ trợ của văn phòng Luật uy tín nhằm đảo bảo quyền, lợi nghĩa vụ được đảm bảo đúng theo pháp luật. 

Mời bạn nghe tư vấn của Luật sư Nguyễn Hồng Bách đối với tình huống pháp lý  tại đây.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Cha mẹ có quyền đuổi con ra khỏi nhà không?

Thời gian đọc: 7 Phút
Vợ chồng sinh sống cùng cha mẹ và đã có sổ hộ khẩu. Trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ muốn đuổi các con ra khỏi nhà thì các con nên giải quyết thế nào?

Kính chào luật sư, tôi có nội dung vướng mắc pháp lý, mong luật sư tư vấn và giải đáp cho tôi.

Nội dung sự việc cụ thể như sau: Vợ chồng tôi cùng sinh sống với cha mẹ chồng tại cùng một căn nhà, vợ chồng tôi đã có sổ hộ khẩu rồi. Thời gian gần đây cha chồng tôi nghe lời các chị của chồng đuổi vợ chồng tôi ra khỏi nhà. Tôi rất hoang mang không biết đi đâu về đâu khi căn nhà là nơi cư trú duy nhất của vợ chồng tôi.

Luật sư cho tôi hỏi pháp luật hiện nay quy định về trường hợp của tôi như thế nào? Xin chân thành cảm ơn Luật sư!


Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật cư trú 2020, do vợ chồng bạn đã đăng ký hộ khẩu thường trú tại căn nhà của cha chồng bạn nên theo quy định pháp luật thì đây được coi là việc vợ chồng bạn có chỗ ở hợp pháp.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật cư trú 2020 thì khái niệm chỗ ở hợp pháp được hiểu như sau:

Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật.

Khi vợ chồng bạn đăng ký thường trú và được cấp Sổ hộ khẩu thì vợ chồng bạn được Nhà nước bảo hộ các quyền về cư trú, trong đó có quyền yêu cầu cha chồng bạn chấm dứt hành vi đuổi vợ chồng bạn ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của mình.

Theo quy định tại khoản 2 điều 4 Luật cư trú Quyền về nơi cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong các trường hợp sau đây:

+ Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

+ Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

+ Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;

+ Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này;

+ Các trường hợp khác theo quy định của luật.

3. Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Nội dung, thời gian hạn chế quyền tự do cư trú thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền hoặc theo quy định của luật có liên quan.

Khi đã đăng ký thường trú và được cấp Sổ hộ khẩu thì sẽ Nhà nước bảo hộ các quyền về cư trú. Ảnh minh họa: Internet.

Luật sư nhận thấy, vợ chồng bạn không bị hạn chế các quyền về cư trú theo quy định trên. Do đó, trong trường hợp này bạn có quyền yêu cầu cha chồng bạn chấm dứt hành vi đuổi vợ chồng bạn ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của mình.

Trường hợp cha chồng bạn vẫn cố tình thực hiện các hành vi nhằm đuổi vợ chồng bạn ra khỏi nơi cư trú thì bạn có thể làm Văn bản trình báo gửi các cơ quan chức năng để báo tin hành vi vi phạm pháp luật của cha chồng bạn. 

Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của cha chồng bạn có tính chất nghiêm trọng, thì cha chồng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Xâm phạm chỗ ở người khác” theo quy định tại điều 158 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù có thể đến 5 năm. Cụ thể, điều luật quy định như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Đất đã tặng cho có bị chia thừa kế không? Thời hiệu thừa kế?

Thời gian đọc: 11 Phút
Đất đang được sử dụng ổn định và đã được được cấp GCNQSDĐ nhưng bị các anh chị em khởi kiện đòi chia thừa kế thì cần xem xét các điều kiện để yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thừa kế.

 Bố cô X chết năm 1980. Năm 1987, cô X lập gia đình và được mẹ đẻ cho 1 mảnh đất với diện tích 2000m2. Vợ chồng cô X sử dụng, canh tác trên mảnh đất.

Năm 1988, vợ chồng cô X được nhà nước xây dựng nhà tình thương. Năm 2006, nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (sổ đỏ) đứng tên cô X.

Năm 2020, anh em cô X khởi kiện yêu cầu chia thừa kế với mảnh đất 2000m2 vì cho rằng đó là di sản mà bố cô X để lại. 

Cô X muốn hỏi: Sổ đỏ cô được địa phương cấp có hợp pháp không? Anh em của cô có được quyền yêu cầu thừa kế với mảnh đất 2000m2 không? 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Trước hết, xem xét tình trạng pháp lý với mảnh đất diện tích 2000m2 cô X đang sử dụng, nhận thấy: Mảnh đất 2000m2 cô X được mẹ đẻ cho đã được cô và chồng sử dụng ổn định, liên tục; cùng với đó là tài sản gắn liền với đất là nhà tình thương được xây dựng năm 1988.

Năm 2006, cô X được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Căn nhà được xây dựng trước khi địa phương cấp GCNQSDĐ. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền có thể đã xác lập đồng thời quyền sử dụng với mảnh đất 2000m2 và sở hữu căn nhà tình thương cho cô X. 

Luật đất đai định nghĩa khái niệm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được hiểu là:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Thông qua Giấy CNQSDĐ, Nhà nước đã xác nhận cô X có thể thực hiện các quyền, lợi ích của mình với mảnh đất 2000m2 và căn nhà tình thương được xây dựng trên mảnh đất. GCNQSDĐ là cơ sở pháp lý quan trọng, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của cô X. 

Ngoài ra, chứng cứ chứng minh tính hợp pháp trong quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của cô X còn thể hiện qua việc cô X sử dụng mảnh đất diện tích 2000m2 một cách ngay tình, tiên lục, trong quá trình sử dụng mảnh đất và sở hữu nhà ở không có tranh chấp đến trước năm 2020; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã được cơ quan địa phương cấp hợp pháp. 

Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa: Internet. 

Nghị định 43/2014/ NĐ-CP có hướng dẫn về căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định như sau:

Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định: 

1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).

2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:

a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;

b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;

c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;

d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;

e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;

g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;

h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;

i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;

k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.

Sử dụng đất ổn định là một trong các căn cứ quan trọng để chứng minh quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa: Internet

Trong trường hợp khởi kiện để chia thừa kế mà các đồng nguyên đơn là các anh chị em của cô X, tòa án vẫn sẽ thụ lý. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án, cô X có thể yêu cầu áp dụng thời hiệu mở thừa kế. Bộ Luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu: 

Điều 623. Thời hiệu thừa kế: 

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Tuy nhiên cô X cần lưu ý quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 khi yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, BLTTDS 2015 quy định: 

Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Khi cô X yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án có thể ra phán quyết đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện căn cứ tại Điều 217 BLTTDS 2015.

Về nguyên tắc, trong hoạt động TTDS trách nhiệm chứng minh thuộc về các bên đương sự, tức là anh chị em là đồng thừa kế, đưa ra yêu cầu khởi kiện thì phải có trách nhiệm chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ.

Với cô X, các chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp  trước tiên là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, cùng với đó là các giấy tờ chứng minh việc sử dụng đất ngay tình, ổn định trong suốt thời gian cô sử dụng đất và sở hữu nhà ở. 

Mời bạn nghe tư vấn của Luật sư Nguyễn Hồng Bách đối với tình huống pháp lý của cô X tại đây.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Mẹ chỉ cho 3 anh em trai, các chị gái về đòi đất thì có được không?

Thời gian đọc: 0 Phút
Gia đình có 7 anh chị em, các chị gái đi lấy chồng, nay về đòi chia đất. Đất lại được "đổi" từ đất ruộng về đất ở. Tình huống của anh Chữ ở Hải Dương gọi đến chương trình truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Quốc hội đã được Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự trả lời.

Vợ có được toàn quyền bán đất khi chồng mất không?

Thời gian đọc: 0 Phút
Người chồng không may qua đời, vợ định bán đất nhưng anh em nhà chồng phản đối. Trường hợp này phải giải quyết ra sao? Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự đã trả lời trực tiếp độc giả của Truyền hình Quốc hội về vấn đề này.

Ông bà đã mất hơn 30 năm, mẹ tôi có quyền thừa kế tài sản không?

Thời gian đọc: 4 Phút
Do ông đã mất 30 năm, bà mất 28 năm nên liệu mẹ tôi và các chị em có được thừa kế đất còn lại của bà không? Khi cậu tôi mất, mợ tôi tự làm sổ đứng tên mình rồi bán cho người khác thì mẹ tôi có quyền đòi chia không?

Anh Ngô Văn Hải sinh năm 1984 – sốđiện thoại 037710xxxx hỏi: Ông bà ngoại tôi có mảnh đất. Ông bà có 4 người con, cậu tôi là con trai và 3 chị em gái. Ông tôi mất năm 1978, bà tôi mất năm 1984.

Tôi có xem luật thừa kếdi sản thì do ông đã mất hơn 30 năm thì không còn thừa hưởng được gì, bà thì mất năm  1984 nên liệu mẹ tôi và các chị em có được thừa kếđất còn lại của bà không? Vấn đề là khi cậu tôi mất, mợ tôi tự làm sổ đứng tên mình rồi bán cho người khác, thời hạn hai bên chốt ký kết chỉ còn tầm 8-9 ngày.

Trả lời trực tiếp câu hỏi của anh Hải trên sóng trực tiếp Chương trình VTV Cab ON và phát thanh trực tiếp trên 91.COM.VN sáng 8/4/2022, Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự- Hongbach.vn có ý kiến như sau:

Chúng tôi nhận thấy, ông bạn chết năm 1978 tính đến nay đã 44 năm và bà của bạn chết năm 1984 tính đến nay đã 34 năm. Theo quy định của pháp luật, thời hiệu thừa kế đối với các trường hợp chết trước năm 1990 được tính từ ngày 10/9/1990 (ngày công bố pháp lệnh thừa kế) thì tính đến thời điểm hiện tại, thời hiệu thừa kế để chia di sản thừa kế đối với tài sản của ông bà ngoại bạn để lại đã hết. 

Phân chia thừa kế thế nào khi cha mẹ mất đã hơn 30 năm?

Tại điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi hết thời hiệu thừa kế thì di sản thừa kế thuộc về người đang quản lý di sản. Như vậy, di sản của ông bà ngoại của bạn sẽ thuộc về người đang trực tiếp quản lý di sản của ông bà bạn. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 02/2004NQ-HĐTP Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành ngày 10/4/2004 quy định, trong trường hợp hết thời hiệu thừa kế nhưng các đồng thừa kế có văn bản xác nhận không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận là di sản thừa kế thì di sản thừa kế được chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. 

Như vậy, trong trường hợp này nếu mẹ bạn và những người thừa kế của ông bà bạn có văn bản xác nhận về hàng thừa kế và thống nhất các tài sản của ông bà bạn chết để lại thì mẹ bạn vẫn được chia tài sản từ việc ông bà bạn chết để lại.

Về trường hợp mợ củ bạn đã tự làm sổ đứng tên của mợ và đang có ý định chuyển nhượng cho người khác thì bạn có thể làm đơn ngăn chặn các bên thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất và yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho mợ bạn.

Trên đây là tư vấn của Hongbach.vn về tình huống gia đình anh Hải. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì anh Hải có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666;  Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn


 

Thủ tục để lập di chúc chia tài sản cho con, cháu gồm những gì?

Thời gian đọc: 5 Phút
Di chúc là ý chí của riêng người để lại tài sản mà không phụ thuộc vào các cá nhân khác. Trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

Xin chào Luật sư! Hiện tại, do tuổi đã cao, nhà đông con nên trong lúc còn khỏe mạnh minh mẫn, bản thân tôi muốn lập di chúc để phân chia tài sản cho các con, cháu sau khi mất. Tuy nhiên tôi chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này, xin hỏi Luật sư khi tôi lập di chúc thì có cần chữ ký của tất cả các con không? Mong các Luật sư giải đáp thắc mắc này cho tôi, xin chân thành cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, theo pháp luật Việt Nam hiện hành, các vấn đề về khái niệm, điều kiện và quyền của người lập di chúc đã được quy định rất rõ trong các Điều 624, Điều 625, Điều 626 và Điều 630 Bộ luật dân sự 2015.

Theo đó, di chúc là ý chí của riêng người để lại tài sản mà không phụ thuộc vào các cá nhân khác (Điều 624 BLDS). Về người lập di chúc, Điều 625 BLDS khẳng định người đã thành niên có toàn quyền định đoạt tài sản của mình. Không chỉ vậy, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 BLDS nêu rõ các quyền như sau:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Đồng thời, trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS).

Thứ hai, tại Bộ luật Dân sự 2015, di chúc có thể lập bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Theo đó, di chúc chỉ có chữ ký của người khác trong các trường hợp sau:

- Di chúc miệng, di chúc trong trường hợp này chỉ được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn các điều kiện nêu tại khoản 5 Điều 630 BLDS. Người để lại di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng, ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ, sau đó trong vòng 05 ngày sau di chúc phải được cơ quan có thẩm quyền hoặc công chứng viên chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Lập di chúc

Do đó, trong trường hợp này, di chúc sẽ có chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng và xác nhận chữ ký của người làm chứng do cơ quan có thẩm quyền hoặc công chứng viên thực hiện.

- Trường hợp di chúc được lập bằng văn bản có người làm chứng. Căn cứ vào các quy định tại Điều 632 BLDS 2015, thì khi người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, di chúc được lập sẽ cần cả chữ ký của người lập di chúc và ít nhất 02 người làm chứng.

Ngoài ra, về điều kiện của người làm chứng đã được quy định rất rõ trong Điều 634 BLDS, theo đó mọi người đều có quyền làm chứng trong trường hợp này, chỉ trừ những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 644 BLDS quy định về người thừa kế theo di chúc, Điều 651 BLDS quy định về người thừa kế theo pháp luật, thì trong trường hợp này con cái của người lập di chúc không có quyền làm chứng đồng thời ký vào di chúc của cha mẹ mình.

Như vậy, từ các căn cứ trên, có thể thấy khi bạn lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản của mình mà không phải phụ thuộc vào bất cứ cá nhân, tổ chức nào, kể cả con cái, hay nói cách khác, khi bạn lập di chúc thì không cần phải có sự đồng ý của các con. Việc quyết định ai là người được hưởng di sản thừa kế và hưởng phần di sản thừa kế như thế nào hoàn toàn dự vào ý chí của bạn. Đồng thời trong mọi trường hợp di chúc của bạn cũng không cần có chữ ký của các con.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu bạn còn những vướng mắc cụ thể, bạn phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Nên tặng cho, hay để thừa kế khi sang tên sổ đỏ cho con?

Thời gian đọc: 12 Phút
Nhiều gia đình, bố mẹ muốn sang tên sổ đỏ cho con. Chọn phương thức viết di chúc thừa kế quyền sử dụng đất hay tặng cho quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là lựa chọn tốt nhất?

Kính chào Luật sư! Tôi xin trình bày vụ việc cụ thể như sau: Tôi hiện đang đứng tên chủ sử dụng quyền sử dụng đất đối với một mảnh đất ở Long Biên, Hà Nội. Vợ mất sớm, tôi có 2 người con trai đang ở cùng.

Hiện nay, tôi muốn sang tên sổ đỏ cho một trong hai người con của tôi thì tôi nên chọn phương thức nào? Viết di chúc thừa kế quyền sử dụng đất hay tặng cho quyền sử dụng đất khi sang tên sổ đỏ. Xin cảm ơn Luật sư. 

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư có quan điểm tư vấn như sau: 

Sang tên "sổ đỏ" là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Sang tên sổ đỏ còn có tên gọi khác theo cách gọi thông thường là mua bán chuyển nhượng đất đai.

Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này". Như vậy, bạn có thể sang tên sổ đỏ bằng hình thức tặng cho hoặc thừa kế quyền sử dụng đất cho 2 người con của bạn. 

1. Tặng cho quyền sử dụng đất

Căn cứ Điều 115 Bộ luật dân sự 2015: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Như vậy có thể thấy quyền sử dụng đất là quyền tài sản, một loại tài sản vô hình đặc biệt không thể nắm giữ chiếm hữu theo cách thông thường. Người đứng tên quyền sử dụng đất chính là người có quyền sử dụng đất hợp pháp được Nhà nước công nhận bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Điều 547 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận".

Căn cứ điều luật trên có thể hiểu tặng cho quyền sử dụng đất là việc người sử dụng đất chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho người khác mà không yêu cầu đền bù và bên được tặng cho đồng ý nhận. Như vậy bạn muốn sang tên sổ đỏ bằng cách tặng cho con trai bạn thì điều kiện tiên quyết là con bạn phải đồng ý nhận thì việc tặng cho mới diễn ra.

Việc tặng cho quyền sử dụng đất không yêu cầu đền bù. Tức một bên chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho còn bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại bên tặng cho bất kì lợi ích nào. 

Theo quy định tại điểm a, d Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:

"a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã”. Như vậy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất buộc phải được công chứ hoặc chứng thực. 

2. Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc

Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản. Điều 612 Bộ luật dân sự 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

Căn cứ mục 1 về xác định quyền sử dụng đất là di sản tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì quyền sử dụng đất được coi là di sản. Như vậy thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết cho người được thừa kế. 

Tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Như vậy thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí nguyện vọng của người để lại di sản trước khi chết. Bạn có thể để lại tài sản của mình cho bất kỳ ai bởi thừa kế theo di chúc thể hiện mong muốn của bạn.

Bạn cũng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoặc hủy bỏ di chúc nếu di chúc đó chưa phải di chúc cuối cùng của bạn. Tuy nhiên theo thông tin bạn chia sẻ bạn có 2 người con, không rõ độ tuổi của con bạn là bao nhiêu tuổi nên nếu một trong hai người con của bạn chưa thành niên (ít hơn 18 tuổi) hoặc thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) nhưng không có khả năng lao động thì dù trong nội dung di chúc không có tên người con này thì cháu vẫn được hưởng thừa kế căn cứ Điều 644 Bộ luật dân sự 2015.

3. Lựa chọn tặng cho hay thừa kế khi sang tên sổ đỏ

Ưu điểm, hạn chế của thừa kế quyền sử dụng đất:

Thừa kế theo di chúc quyền sử dụng đất phù hợp với ý chí của bạn là sang tên sổ đỏ cho một người con. Bạn chỉ cần lập di chúc văn bản, nội dung có tên người nhận thừa kế là một trong hai người con. Nội dung cũng như hình thức của di chúc cũng phải thỏa mãn các điều kiện pháp luật quy định.

Bạn cũng có thể sửa đổi nội dung hoặc thay di chúc nếu một trong hai cháu không vừa ý bạn, bất hiếu hoặc bất kính với bạn. Căn cứ tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực. Như vậy khi bạn mất thì bản di chúc bạn lập cuối cùng mới là bản di chúc có hiệu lực và con bạn phải căn cứ vào bản di chúc sau cùng này để phân chia di sản thừa kế. 

Việc sang tên sổ đỏ bằng phương thức thừa kế qua di chúc được sẽ được thực hiện khi cha mẹ mất. Như vậy sau khi cha mẹ mất cũng rất dễ xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất. Bởi vì lúc này việc thay đổi di chúc hay sửa đổi di chúc sẽ không thể thực hiện được nữa, do đó không có tác động của chủ tài sản, trong trường hợp này là người có sổ đỏ.

Tranh chấp quyền sử dụng đất thường xuất phát từ sự tham lam muốn chiếm đoạt tài sản của người mất để lại do đó người không được hưởng thừa kế theo di chúc, thường viện vào tính hợp pháp của di chúc như việc không lập di chúc bằng văn bản hoặc lập di chúc bằng văn bản nhưng không hợp pháp để gian dối, tạo nên sự tranh chấp.

Chẳng hạn bạn lập di chúc bằng văn bản để lại tài sản cho con trai cả nhưng con trai thứ hai lại lấy lý do bạn bị con cả lừa hoặc ép buộc phải viết di chúc, di chúc lại không có công chứng chứng thực dẫn đến việc hai người con tranh chấp xem ai mới có quyền sử dụng đất, yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật hiện hành; cũng có thể là xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

Ưu điểm, hạn chế của tặng, cho tài sản

Như đã trình bày ở trên, bạn có quyền tặng cho quyền sử dụng đất nếu bạn thỏa mãn các điều kiện theo pháp luật quy định. Việc tặng cho sẽ không diễn ra tuy nhiên việc tặng, cho quyền sử dụng đất để sang tên sổ đỏ cũng thể hiện nhiều mặt hạn chế. Bởi lẽ tặng cho xuất phát từ ý chí của người có tài sản, không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố pháp luật như thừa kế. Bạn tặng cho quyền sử dụng đất cho một trong hai người con thì có thể người con còn lại sẽ không đồng ý và không bằng lòng, dễ mâu thuẫn trong gia đình. 

Việc tặng cho có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, con của bạn có thể nhận được tài sản trong lúc bạn còn sống. Điểm này khác có với việc sang tên sổ đỏ bằng phương thức thừa kế là khi bạn mất thì nội dung thực hiện chia thừa kế theo di chúc hay pháp luật mới có hiệu lực. Do đó nếu trường hợp bạn đứng tên chủ sử dụng quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đó nhưng bạn lại có nhiều công việc khác cần phải giải quyết hơn, muốn để cho con bạn quản lý ngay thì có thể chọn phương thức tặng cho quyền sử dụng đất. 

Về tặng cho quyền sử dụng đất thì một bên chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho còn bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại bên tặng cho bất kì lợi ích nào. Tuy nhiên bạn có thể ràng buộc điều kiện trong hợp đồng tặng cho căn cứ Điều 462 Bộ luật dân sự 2015: “1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội".

Như vậy bạn có thể thêm điều kiện tặng cho và chỉ cần con của bạn không thực hiện đúng thì bạn có thể hủy hợp đồng tặng cho và tặng cho quyền sử dụng đất cho người khác.

Việc lựa chọn phương thức nào thuộc về cá nhân bạn bởi cả tặng cho và thừa kế đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, không có phương thức nào tối ưu hơn cả, tùy thuộc vào tình huống hoàn cảnh của bạn. Với thông tin bạn chia sẻ, Luật sư tư vấn của công ty Luật Hồng Bách và Cộng Sự tư vấn bạn chọn phương thức sang tên sổ đỏ bằng thừa kế di chúc. Bởi di chúc có hiệu lực khi bạn mất, trong khoảng thời gian đó bạn vẫn đứng tên quyền sử dụng đất, có tác động đến tài sản và có thể thay đổi di chúc bất cứ lúc nào để từ đó lựa chọn người phù hợp để hưởng thừa kế của bạn. 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn