Bạn đang ở đây

tranh chấp đất đai

Em trai hành hung các chị gái, chiếm đất bố mẹ để lại

Thời gian đọc: 1 phút
Chương trình VTV Cab ON và phát thanh trực tiếp trên 91.COM.VN sáng 8/4/2022 nhận được câu hỏi của về vấn đề tranh chấp đất đai của các anh chị em trong gia đình cô X. Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự, có những tư vấn, chia sẻ nhằm giải quyết các vướng mắc của cô X .

Bố lập di chúc để lại cho các anh, chị, em với thể hiện nội dung các con cùng nhau quản lý phần diện tích đất thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, người em trai có hành vi đánh đập, đe dọa các anh chị để đòi phần đất này. Quan điểm của Luật sư Nguyễn Hồng Bách về trường hợp này như thế nào?

Xin mời quý khách hàng xem phần trình bày của Luật sư Nguyễn Hồng Bách tại Chương trình VTV Cab ON và phát thanh trực tiếp trên 91.COM.VN sáng 8/4/2022. 

Đất của gia đình nhà chồng, em dâu tự ý sang tên "sổ đỏ"

Thời gian đọc: 9 Phút
Hành vi sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khi chưa được sự đồng ý của những người có tên trong sổ đỏ liệu có hợp pháp không?

Kính chào Luật sư! Tôi cưới chồng năm 1984, gia đình chồng có 3 người con trong đó chồng tôi là cả. Mẹ chồng tôi đã mất từ lâu.

Năm 1982, gia đình chồng tôi được Nhà nước cấp 1 thửa đất có diện tích 1200m2, được đứng tên 4 người gồm Bố chồng, chồng tôi và 2 người em chồng.

Tôi và chồng chuyển ra nước ngoài sinh sống từ năm 1994 đến năm 2003 về nước. Trong khoảng thời gian chúng tôi sinh sống ở nước ngoài, bố chồng mất năm 1994, không để lại di chúc.

Năm 2003 chồng tôi mất, có di nguyện xây nhà thờ họ trên thửa đất 1200m2 và xây cho tôi một ngôi nhà trên mảnh đất để tôi tiện chăm sóc nhà thờ họ.

Tôi muốn thực hiện di nguyện của chồng nhưng các em không đồng ý với lý do vào năm 1998, nhà nước có chủ trương làm sổ đỏ, em trai chồng tôi được đứng tên trên thửa đất 1200m2.

Sau đó, mảnh đất 1200m2 đã được em dâu tách thành 2 sổ đỏ, 1 sổ đứng tên em dâu, 1 sổ đứng tên con trai em dâu (tức là cháu trai tôi). Tôi nên làm gì để đòi lại được đất? 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Từ các thông tin cô đưa ra, Luật sư nhận thấy, thửa đất 1200m2 được coi là tài sản chung của 4 người là Bố chồng cô, chồng cô,2 em chồng và tất cả được coi là các đồng sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền trên đất. Bởi thửa đất được ghi tên đầy đủ 4 người, đồng thời, Nhà nước đã cấp cho mỗi chủ sở hữu một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 43/2014 NĐ-CP quy định chi tiết các vấn đề về đồng sở hữu như sau:

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Điều 64. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

2. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.

Theo Luật quy định, với các tài sản là sở hữu chung thì việc thực hiện các quyền với quyền sử dụng đất như tặng cho, chuyển nhượng,... phải được sự thỏa thuận và đồng ý của tất cả các đồng sở hữu. 

Như vậy, trình tự, thủ tục chuyển đổi, sang tên quyền sử dụng đất cho người em chồng, em dâu đã được thực hiện không tuân thủ quy định của pháp luật.

Bởi một trong các đồng sở hữu, là chồng cô, không được biết, thỏa thuận hay đồng ý về việc sang tên. Và trên thực tế, chồng cô cũng chưa ký bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc chuyển nhượng, tách thửa. 

Về các quyền lợi trên thửa đất mà cô có thể được hưởng liên quan đến tài sản riêng của người chồng trong khối tài sản chung là thửa đất 1200m2, Luật sư có quan điểm như sau:

Năm 1994, bố chồng cô chết không để lại di chúc. Từ thời điểm đó, quyền thừa kế được phát sinh; đồng thời, thời hiệu thời kế với bất động sản là 30 năm chưa kết thúc nên di sản sẽ được chia theo quy định của pháp luật. 

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

Thửa đất 1200m2 được chia đều cho 4 đồng sở hữu nên mỗi người được 300m2.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự về thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất gồm:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Hợp đồng liên quan đến tài sản của nhóm chủ sở hữu phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền. Ảnh minh họa: Internet

Do mẹ chồng cô mất trước bố chồng nên hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật quy định, được hưởng di sản của bố chồng cô gồm chồng cô và 2 người em trai.

Những người này được chia đều phần di sản mà bố chồng cô để lại. Do vậy, mỗi người sẽ được 100m2 với thửa đất 1200m2, nếu không có những người khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Năm 2003, chồng cô mất, dẫn đến phát sinh quyền thừa kế di sản chồng cô để lại cho cô và các con. Như đã phân tích ở trên, mới thửa đất 1200m2 thì mỗi đồng sở hữu được 300m2 cùng với 100m2 là tài sản chồng cô được thừa kế trong phần di sản bố chồng để lại thì phần di sản của chồng cô trên khối tài sản chung là khoảng 400m2. 

Như vậy để có thể đảm bảo các quyền lợi của mình với thửa đất 1200m2, cô nên tìm hiểu các giấy tờ gốc liên quan đến việc sang tên, tách thửa của người em dâu và đề nghị việc sao chụp các giấy tờ gốc đó (lưu ý: việc sao chụp có thu phí).

Theo quy định các giấy tờ này sẽ được quản lý bởi Ủy ban Nhân dân xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường. Sau khi nghiên cứu các giấy tờ, cô có thể thực hiện một trong hai yêu cầu sau để bảo vệ quyền lợi của mình: 

Thứ nhất, làm đơn khiếu nại đối với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Ủy ban Nhân dân Xã. Trong nội dung khiếu nại cô có thể yêu cầu Ủy ban thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho em dâu và cháu trai.

Cần lưu ý, việc khiếu nại của cô cần tuân thủ theo đúng thời hiệu, hình thức, nội dung đơn khiếu nại được quy định trong Luật khiếu nại và các văn bản liên quan 

Thứ hai, cô làm đơn khởi kiện Dân sự với nội dung yêu cầu quyền Sử dụng đất phần tài sản của chồng trong khối tài sản chung. Với việc khởi kiện dân sự, cô nên có sự tư vấn, hỗ trợ của văn phòng Luật uy tín nhằm đảo bảo quyền, lợi nghĩa vụ được đảm bảo đúng theo pháp luật. 

Mời bạn nghe tư vấn của Luật sư Nguyễn Hồng Bách đối với tình huống pháp lý  tại đây.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Chồng qua đời, anh em nhà chồng đòi đất, khởi kiện tới Tòa Tối cao

Thời gian đọc: 0 Phút
Chị Hà có mảnh đất từ năm 1986. Sau khi chồng mất, suốt gần 20 năm, anh chị em nhà chồng bắt đầu khởi kiện tranh chấp quanh mảnh đất của chị. Tình huống của chị Hà gọi đến chương trình truyền hình trực tiếp của Truyền hình Quốc hội đã được Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự trả lời.

Tranh chấp đất với hàng xóm thì phải làm sao?

Thời gian đọc: 9 Phút
Tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải được thì bắt buộc phải qua bước hòa giải tại cơ sở là UBND xã/phường nơi có đất tranh chấp. Nếu hòa giải không thành, bạn có quyền nộp hồ sơ lên Tòa án nhân dân cấp quận, huyện có thẩm quyền nơi có đất tranh chấp để được giải quyết.

Câu hỏi của bạn Hoàng Minh Trí - TP Hồ Chí Minh, gửi đến Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự  với mong muốn được tư vấn pháp lý về vụ việc gia đình gặp phải như sau:

Gia đình tôi có diện tích 01 thửa đất là 720m2. Đất của gia đình tôi có nguồn gốc là do bố mẹ chồng để lại và cho gia đình tôi và vợ chồng tôi đã sử dụng, quản lý diện tích thửa đất này từ rất lâu, sử dụng ổn định lâu dài, không xảy ra tranh chấp với bất kì cá nhân nào hết. Năm 2009 đất gia đình tôi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đó đã được xây dựng tường bao quanh.

Nay nhà hàng xóm là ông Việt mới đến đây ở và xây dựng nhà trên thửa đất cạnh nhà gia đình tôi. Tuy nhiên suốt ngày ông Việt chửi bới gia đình tôi, thậm chí còn cho người đe dọa đòi đánh con trai tôi vì ông cho rằng gia đình tôi đã lấn chiếm đất của gia đình ông.

Chúng tôi đã cãi nhau rất nhiều lần, hai bên không thể ngồi lại nói chuyện với nhau được và gia đình tôi cũng thể hiện rõ ràng quan điểm gia đình mình, đất tôi đang ở và quản lý không có việc lấn chiếm đất của gia đình ông Việt. Sự việc này đã xảy ra và việc cãi vã lời qua tiếng lại kéo dài rất nhiều lần  tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định rồi, gia đình tôi rất mệt mỏi.

Giờ tôi muốn làm rõ mọi vấn đề liên quan đến thửa đất tôi đang sinh sống trên, tránh việc xảy ra tranh chấp không đáng có gây ảnh hưởng đến gia đình tôi sau này.

Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên thửa đất này, gia đình tôi nên làm thế nào? Có nên đưa sự việc này ra Ủy ban nhân xã để tự hòa giải và giải quyết với nhau hay không? Hay khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ vào các quy định tại Điều 202 và Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 có quy định:

“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

 Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo lao động

Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này; b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

 3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

 a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

 b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

 4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”

Như vậy, UBND xã chỉ có thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai.

Tuy nhiên, tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải được thì bắt buộc phải qua bước hòa giải tại cơ sở là UBND xã/phường nơi có đất tranh chấp.

Do đó, trước hết để giải quyết vấn đề của bạn, bạn nên làm đơn rồi chuẩn bị hồ sơ, tài liệu giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình gửi lên UBND xã để được hòa giải tại cơ sở theo quy định của pháp luật. UBND xã có trách nhiệm hòa giải đối với vấn đề bạn gặp phải.

Nếu trường hợp bên gia đình bạn và gia đình ông Việt không hòa giải được thì UBND xã sẽ lập “Biên bản hòa giải không thành” cho bạn. Khi đó, bạn có thể làm đơn khởi kiện cùng toàn bộ hồ sơ, tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của bạn để làm căn cứ hợp pháp cho gia đình bạn nộp hồ sơ lên Tòa án nhân dân cấp quận, huyện có thẩm quyền nơi có đất tranh chấp để được giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

 

Án lệ số 49: Về xác định quyết định hành chính ban hành không đúng thẩm quyền

Thời gian đọc: 20 Phút
Án lệ số 49/2021 được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2021 và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

ÁN LỆ SỐ 49/2021/AL

Về xác định quyết định hành chính ban hành không đúng thẩm quyền

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2021 và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 06/2019/HC-GĐT ngày 02/04/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai” giữa người khởi kiện là ông Thái Văn N với người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Nhà thờ V.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 3 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung án lệ:

- Tình huống án lệ:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân ban hành quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai mà tranh chấp đó liên quan đến hợp đồng về quyền sử dụng đất.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định tranh chấp hợp đồng về quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Chủ tịch Ủy ban nhân dân ban hành quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai là không đúng thẩm quyền.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Khoản 3 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (tương ứng với khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015);

- Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với Điều 203 Luật Đất đai năm 2013).

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Tại Đơn khởi kiện đề ngày 24/9/2012 và trong quá trình giải quyết, ông Thái Văn N trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp giữa Nhà thờ V (gọi tắt là Nhà thờ) với hộ gia đình ông Thái Văn N là của Nhà thờ, do cụ Nguyễn Văn Q và cụ Nguyễn Thị S là cha, mẹ của ông Nguyễn Phước T và một phần do ông Nguyễn Văn E hiến cho Nhà thờ năm 1960.

Năm 1961, Nhà thờ được xây dựng với chiều ngang 11m. Năm 1976, Nhà thờ cho ông N cất nhà ở trên đất Nhà thờ và trông coi Nhà thờ (do ông N là giáo dân họ đạo), với diện tích chiều ngang 16m, dài từ Quốc lộ 80 đến sông P (khoảng 30m). Ông N cất nhà ở trên phần đất ngang 5m, phần đất chiều ngang còn lại, ông N trồng chuối và xoài. Trong quá trình sử dụng đất, năm 1986 gia đình ông N có xây thêm 02 phòng ở và 01 nhà bếp giáp với nhà chính.

Năm 1999, đất Nhà thờ bị sạt lở nên Nhà thờ đã di dời sang phần đất đối diện (bên kia Quốc lộ 80). Phần đất cũ của Nhà thờ được giao một phần cho ông Nguyễn Phước T là con của cụ Q (chủ đất cũ) và giao một phân cho vợ chồng bà M, ông K để đổi lấy vật tư xây dựng Nhà thờ. Riêng diện tích đất của gia đình ông N sử dụng làm nhà ở (gồm nhà xây dựng năm 1976 và 02 phòng ngủ, 01 phòng bếp xây dựng năm 1986) gia đình ông N vẫn tiếp tục sử dụng.

Ngày 18/01/2003, Linh mục quản nhiệm Nguyễn Quang D cùng đại diện Ban Quới chức Họ đạo Nhà thờ V lập “Tờ giao đất” giao cho ông N sử dụng phần đất chiều ngang 10m, chiều dài từ Quốc lộ 80 đến sông P 30m, tổng diện tích là 300m2.

Năm 2009, ông N sửa chữa nhà chính kiên cố và cất thêm cửa hàng mua bán điện thoại di động, Nhà thờ không đồng ý nên xảy ra tranh chấp, ông N cho rằng ông đã được Linh mục quản nhiệm Nguyễn Quang D cùng đại diện Ban Quới chức Họ đạo Nhà thờ V cho đất theo “Tờ giao đất” ngày 18/01/2003. Theo Trích đo bản đồ địa chính do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện P ngày 01/9/2011 thì nhà chính của ông N có diện tích 134,7m2 (ngang 5,8m), cửa hàng điện thoại di động 102,2m2 (ngang 4,4m).

Nhà thờ đã có đơn đến Ủy ban nhân dân tỉnh Đ đề nghị giải quyết.

Ngày 14/5/2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ ban hành Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ giải quyết tranh chấp đất đai, có nội dung:

“Điều 1: Công nhận quyền sử dụng đất cho ông Thái Văn N phần diện tích có vị trí khu vực như sau:

+ Phía Đông giáp ông Nguyễn Phước T, cạnh 23,8m.

+ Phía Tây giáp đất Nhà thờ, cạnh 24,3m.

+ Phía Nam giáp QL 80, cạnh 5,8m.

+ Phía Bắc giáp sông P, cạnh 5,4m.

- Công nhận quyền sử dụng đất cho Nhà thờ V diện tích có vị trí khu vực như sau:

+ Phía Đông giáp ông Thái Văn N, cạnh 24,3m.

+ Phía Tây giáp bà Huỳnh Thị M, cạnh 23,7m.

+ Phía Nam giáp QL 80, cạnh 4,4m.

+ Phía Bắc giáp sông P, cạnh 4,2m.

(Kèm theo bản đồ trích đo của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện P xác lập ngày 01/9/2011).

Buộc ông N di dời vật kiến trúc, cây trồng (nếu có) để giao trả lại phần đất trên cho nhà thờ sử dụng”.

Ngày 24/9/2012, ông N có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án hủy Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ ngày 14/5/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ.

- Ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Đ: Nguồn gốc đất là của ông Nguyễn Văn Q và ông Nguyễn Văn E hiến cho Nhà thờ năm 1960, diện tích ngang 28m, dài từ Quốc lộ 30 đến sông P. Nhà thờ xây dựng năm 1969, diện tích chiều ngang 8m. Năm 1976, Nhà thờ giao cho ông N phần đất ngang khoảng 4m dài từ Quốc lộ 80 đến sông P để cất nhà ở và trông coi Nhà thờ, phần đất còn lại ông N trồng một số cây ăn trái. Năm 1999, Nhà thờ xuống cấp nên di chuyển đến vị trí khác. Đất đã giao cho chủ cũ một phần, một phần trao đổi với ông K để lấy vật tư xây dựng Nhà thờ mới.

Ngày 18/01/2003, Linh mục quản nhiệm Nguyễn Quang D cùng đại diện Ban Quới chức Họ đạo Nhà thờ V lập “Tờ giao đất” giao cho ông N sử dụng phần đất chiều ngang 10m, chiều dài từ Quốc lộ 80 đến sông P, diện tích 300m2.

Năm 2009, ông N sửa chữa, xây dựng mới nhà, mở rộng cất hết phần đất chiều ngang 10m thì xảy ra tranh chấp với Nhà thờ. Khi Nhà thờ khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ giải quyết bằng Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ ngày 14/5/2012 giao cho ông N được quyền sử dụng diện tích ngang cạnh là 5,8m và 5,4m, chiều dài cạnh 23,8 m và 24,3 m, phần còn lại buộc ông N phải di dời vật kiến trúc, cây trồng trả lại diện tích đất cho Nhà thờ sử dụng. Quyết định trên là đã xem xét quá trình sử dụng đất của gia đình ông N, tuy năm 2003 Linh mục Nhà thờ V có làm “Tờ giao đất” cho ông N nhưng chưa được chính quyền địa phương chứng thực nên không có giá trị pháp lý. Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đ là có căn cứ, đề nghị không chấp nhận yêu cầu của ông N.

- Ý kiến của Nhà thờ V: Nguồn gốc đất của Nhà thờ được giáo dân họ đạo là ông Q hiến diện tích ngang 21m, dài từ Quốc lộ 80 đến sông P và ông E bán diện tích ngang 7m dài từ Quốc lộ 80 đến sông P vào năm 1960. Tổng cộng chiều ngang 28m dài từ Quốc lộ 80 đến sông P. Năm 1961, xây dựng Nhà thờ chiều ngang 11m. Năm 1976, Nhà thờ có cho gia đình ông N (gia đình ông N là giáo dân họ đạo) sử dụng phần đất ngang 4m, chiều dài từ Quốc lộ 80 đến mé sông để cất nhà ở và trông coi Nhà thờ, diện tích đất còn lại thì gia đình ông N trồng cây ăn trái (xoài, chuối). Năm 1986, gia đình ông N xây cất thêm hai phòng ở và một nhà bếp giáp với nhà chính.

Năm 1999, đất Nhà thờ bị sạt lở, Nhà thờ được sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh di dời sang phần đất đối diện để xây dựng lại. Phần đất cũ của Nhà thờ, Nhà thờ giao lại cho ông T 01 phần, do ông T là con của ông Q (chủ đất cũ) và giao cho vợ chồng bà M, ông K một phần đất để đổi lấy vật tư xây dựng Nhà thờ.

Ngày 18/01/2003, Linh mục quản nhiệm Nhà thờ là ông Nguyễn Quang D cùng Ban Quới chức họ đạo Nhà thờ V có làm tờ giao đất cho gia đình ông N chiều ngang 10m, chiều dài từ Quốc lộ 80 xuống mé sông. Hai bên thoả thuận miệng, mục đích là để trao đổi vật tư xây dựng Nhà thờ, nhưng gia đình ông N không thực hiện, nên Nhà thờ không ra Ủy ban nhân dân xã để xác nhận giấy giao đất cho ông N.

Năm 2009, ông N xây dựng nhà kiên cố và xây thêm phần nhà mua bán điện thoại, Nhà thờ không đồng ý nên phát sinh tranh chấp. Nhà thờ chỉ đồng ý cho ông N sử dụng phần đất chiều ngang 4m, phần đất chiều ngang 1,2m phải thỏa thuận giá với Nhà thờ, diện tích còn lại chiều ngang 4,4m dài từ Quốc lộ 80 đến sông P phải trả lại cho Nhà thờ.

Nhà thờ thống nhất theo Quyết định số 197/QĐ-UBNĐ-NĐ ngày 14/5/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đề nghị Tòa án bác yêu cầu của ông N.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2014/HC-ST ngày 27/6/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết định:

Bác yêu cầu của ông Thái Văn N về việc yêu cầu hủy Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ ngày 14/5/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ.

Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí.

Ngày 10/7/2014, ông N có đơn kháng cáo toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm.

Tại Quyết định kháng nghị số 89/QĐKNPT-P5 ngày 11/7/2014, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp kháng nghị Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2014/HC-ST ngày 27/6/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, hủy một phần Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ ngày 14/5/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh rút toàn bộ quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 65/2015/HC-PT ngày 09/9/2015, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Quyết định kháng nghị số 89/QĐKNPT-P5 ngày 11/7/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Thái B (đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện). Giữ y án sơ thẩm số 02/2014/HC-ST ngày 27/6/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Áp dụng Điều 31 Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ quy định về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thái Văn N về việc yêu cầu hủy Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ ngày 14/5/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ.

Tòa án cấp phúc thẩm quyết định về án phí.

Ngày 17/11/2015, ông N có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 65/2015/HC-PT ngày 09/9/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các ngày 01/02/2018, 09/5/2018 và 09/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Đ có Văn bản số 32/UBND-NC, 232/UBND-NC và 349/UBND-NC đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 65/2015/HC-PT ngày 09/9/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Quyết định kháng nghị số 25/2018/KN-HC ngày 09/11/2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án hành chính phúc thẩm số 65/2015/HC-PT ngày 09/9/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh theo thủ tục giám đốc thẩm và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án hành chính phúc thẩm số 65/2015/HC-PT ngày 09/9/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2014/HC-ST ngày 27/6/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp:

[2] Phần đất gia đình ông Thái Văn N đang sử dụng được xác định là 202,2m2 (trên đất có cửa hàng mua bán điện thoại của gia đình ông N) thuộc một phần thửa đất số 42 tờ bản đo địa chính số 8a xã V, huyện P, tỉnh Đồng Tháp có nguồn gốc do một số giáo dân hiến cho Nhà thờ. Năm 1976, Nhà thờ cho gia đình ông N sử dụng một phần đất có chiều ngang 4m, chiều dài từ Quốc lộ 80 đến mé sông để cất nhà ở và trông coi Nhà thờ. Ngày 18/01/2003, Linh mục Nguyễn Quang D cùng Ban Quới chức Họ đạo Nhà thờ lập “Tờ giao đất” cho ông N sử dụng phần đất chiều ngang 10m, chiều dài từ Quốc lộ 80 đến sông P 30m, diện tích 300m2.

[3] Năm 2009, ông N sửa chữa nhà chính kiên cố và cất thêm cửa hàng mua bán điện thoại di động, Nhà thờ không đồng ý nên xảy ra tranh chấp. Ông N cho rằng ông đã được Linh mục quản nhiệm Nguyễn Quang D cùng đại diện Ban Quới chức họ đạo Nhà thờ V cho đất theo “Tờ giao đất” lập ngày 18/01/2003. Đại diện Nhà thờ V thừa nhận có Tờ giao đất như ông N trình bày, nhưng cho rằng ông N không thực hiện việc trao đổi vật tư để xây dựng Nhà thờ mới nên Nhà thờ không ra Ủy ban nhân dân xã xác nhận giấy giao đất cho ông N. Do vậy, tranh chấp giữa hai bên có liên quan đến hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa Nhà thờ V với ông N, nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ ban hành Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ ngày 14/5/2012 giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa Nhà thờ V với ông Thái Văn N là không đúng thẩm quyền.

[4] Về nội dung:

[5] Nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của ông N: Phần đất của Nhà thờ V trước đây có nguồn gốc là do một số giáo dân dâng hiến. Năm 1976, Nhà thờ V đã cho ông N một phần đất ngoài phần đã xây dựng Nhà thờ, ông N đã làm nhà trên một phần đất được Nhà thờ giao (theo hiện trạng là 134,7m2), phần đất còn lại (theo hiện trạng là 102,2m2) ông N trồng xoài và chuối, việc này cũng được Ủy ban nhân dân tỉnh Đ và Nhà thờ xác nhận.

[6] Như vậy, gia đình ông N đã sử dụng đất được Nhà thờ giao cho liên tục từ năm 1976 đến năm 2009 (quá trình sử dụng đất có đóng thuế với nhà nước). Tuy nhiên, các biên lai nộp thuế không xác định diện tích, trong quá trình sử dụng đất, ông N không kê khai đăng ký quyền sử dụng.

[7] Năm 1999, do Nhà thờ V chuyển đi nơi khác, phần đất xây dựng trụ sở Nhà thờ, Nhà thờ đã giao trả lại cho chủ cũ là ông Nguyễn Phước T và giao một phần đất cho vợ chồng bá Huỳnh Thị Mai H và ông Đặng Văn K để trao đổi vật tư xây dựng Nhà thờ, giữa các gia đình này không có tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất.

[8] Ngày 18/01/2003, Linh mục quản nhiệm cùng đại diện Ban Quới chức họ đạo Nhà thờ V đã lập “Tờ giao đất” cho ông N, có nội dung: “Nay làm giấy này để làm bằng chứng nhằm giao phần đất nền cũ của Nhà thờ V được tọa lạc tại ấp B, xã V. Được tính từ lộ 80 đến mé sông (kênh P). Với chiều dài: 30 mét, rộng: 10 mét. Diện tích tổng cộng là: 300 mét vuông. Lý do: Phần đất này là của Nhà thờ. Gia đình của ông Thái Văn N và bà Huỳnh Thị Mai H đã được Nhà thờ cho phép ở và bồi bổ, gây dựng đến nay. Nay Nhà thờ đã di dời phần đất này không sử dụng xin giao cho ông, bà N toàn quyền kê khai và sử dụng”.

[9] Nội dung giấy giao đất nêu trên không phải là hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, thực chất là Nhà thờ V xác nhận việc giao đất cho ông N có quyền sử dụng (như một hợp đồng tặng cho đất) để ông N có cơ sở đăng ký quyền sử dụng đất như hộ ông T và ông K. Trên thực tế, khi Nhà thờ giao đất cho ông N thì ông N vẫn đang sử dụng đất này, Nhà thờ đã không sử dụng từ năm 1999. Từ khi có văn bản giao đất, Nhà thờ không có ý kiến gì về việc giao đất này; đồng thời, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Nhà thờ cũng xác nhận: “Khi linh mục B về bàn giao tài sản, có xác nhận nhưng không có biên nhận tiếp nhận tài sản đất đai là bao nhiêu”.

[10] Như vậy, phần diện tích đất tranh chấp ông N đã sử dụng liên tục từ năm 1976 cho đến nay, Nhà thờ không trực tiếp sử dụng và gia đình ông N có nhu cầu sử dụng.

[11] Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ ban hành Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ ngày 14/5/2012 buộc gia đình ông N di dời vật kiến trúc, cây trồng (nếu có) để giao trả lại 102,2m2 đất cho Nhà thờ sử dụng là không đúng.

[12] Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ trên cơ sở diện tích đất ông N đã xây dựng nhà ở và lời khai của đại diện Nhà thờ để cho rằng ông N được quyền sử dụng 134,7m2 là không đúng với thực tế khách quan vụ án; đồng thời cho rằng văn bản giao đất của Nhà thờ không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nên không có giá trị pháp lý để bác yêu cầu khởi kiện của ông N là không có căn cứ.

[13] Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ ban hành Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ ngày 04/5/2012 giải quyết tranh chấp đất đai không đúng thẩm quyền, đường lối giải quyết vụ án cũng không đúng pháp luật.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 271, khoản 3 Điều 272, khoản 2 Điều 274 Luật Tố tụng hành chính;

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 25/2018/KN-HC ngày 09/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 65/2015/HC-PT ngày 09/9/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh;

2. Hủy Bản án hành chính phúc thẩm số 65/2015/HC-PT ngày 09/9/2015 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh;

3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[3] ... Ông N cho rằng ông đã được Linh mục quản nhiệm Nguyễn Quang D cùng đại diện Ban Quới chức họ đạo Nhà thờ V cho đất theo “Tờ giao đất lập ngày 18/01/2003. Đại diện Nhà thờ V thừa nhận có “Tờ giao đất” như ông N trình bày, nhưng cho rằng ông N không thực hiện việc trao đổi vật tư để xây dựng Nhà thờ mới nên Nhà thờ không ra Ủy ban nhân dân xã xác nhận giấy giao đất cho ông N. Do vậy, tranh chấp giữa hai bên có liên quan đến hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa Nhà thờ V với ông N, nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ ban hành Quyết định số 197/QĐ-UBND-NĐ ngày 14/5/2012 giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa Nhà thờ V với ông Thái Văn N là không đúng thẩm quyền.”

 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa,  Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666;  Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án tranh chấp đất đai

Thời gian đọc: 4 Phút
Người dân muốn khởi kiện đến Tòa án để giải quyết việc tranh chấp thì phải thực hiện thế nào để được Tòa án thụ lý giải quyết?

Chị Lâm Thanh Mai ở Nghệ An hỏi: Gia đình tôi hiện đang có trang chấp mảnh đất có diện  tích 570m tại thị xã Cửa Lò. Tôi muốn khởi kiện đến Tòa án để giải quyết việc tranh chấp thì phải thực hiện như thế nào để được Tòa án thụ lý giải quyết?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Về điều kiện để khởi kiện vụ án ra trước Tòa án: Trước khi gửi đơn đến Tòa Án chị phải gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã, phường theo điều 202 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 88 Nghị Đinh số 43/2014 NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai để UNBD cấp xã, phường hòa giải. Khi UBND cấp xã, phường hòa giải không thành thì Tòa án mới thụ lý vụ án.

Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Trường hợp tranh chấp đất đai của gia đình chị mà không có giấy CNQSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 Luật Đất đai thì được lựa chọn một trong 2 hình thức giải quyết tranh chấp đất đai: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của  pháp luật về tố tụng dân sự.

Chúc bạn và gia đình có biện pháp giải quyết một cách ổn thỏa.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề mà bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã như thế nào ?

Thời gian đọc: 7 Phút
Gia đình tôi phát sinh tranh chấp đất đai với gia đình hàng xóm thủ tục giải quyết như thế nào ?

Câu hỏi: Kính chào Luật sư mong Luật sư tư vấn cho tôi nội dung sau đây: Gia đình tôi đang sử dụng mảnh đất 300 m2 có nguồn gốc khai hoang đât chưa được cấp Sổ đỏ. Nhưng hiện nay nhà ông hàng xóm cho rằng 1 phần mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của nhà ông và gia đình ông đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND. Vậy luật sư cho tôi hỏi thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai pháp luật quy định như thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với nội dung câu của bạn Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:

  1. Văn bản pháp luật tham khảo;
  • Luật đất đai 2013;
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đất đai;
  • Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai;
  1. Nội dung tư vấn;
    1. Căn cứ theo các quy định của Luật đất đai và các Văn bản hướng dẫn thi hành thì việc phát sinh tranh chấp đất đai giữa các bên phải được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Đối với trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai không thành thì do đất của bạn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các bên có thể gửi Đơn khởi kiện tranh chấp đất đai đến Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp (giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Tòa án) hoặc một trong các bên có thể gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đến UBND cấp huyện để được giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên (giải quyết theo thủ tục hành chính)

2.2 Về thủ tục, thành phần hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện như sau:

Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai do người dân gửi đến thì , Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

+ Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.

+ Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

+ Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

Như vậy, đối chiếu các quy định của pháp luật thì việc ông hàng xóm gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình bạn và gia đình ông hàng xóm tới UBND cấp xã để được giải quyết là đúng thủ tục, quy định của pháp luật.

Trên đây là những nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề bạn đang vướng mắc. Nếu còn nội dung chưa rõ đề nghị bạn liên hệ, phản hồi với Công ty chúng tôi theo địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Địa chỉ: Phòng 403, tầng 4 số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666                 Email: info@hongbach.vn