Bạn đang ở đây

Nên tặng cho, hay để thừa kế khi sang tên sổ đỏ cho con?

24/03/22 14:26:29 | Lượt xem: 11708
Thời gian đọc: 12 Phút
Nhiều gia đình, bố mẹ muốn sang tên sổ đỏ cho con. Chọn phương thức viết di chúc thừa kế quyền sử dụng đất hay tặng cho quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là lựa chọn tốt nhất?

Kính chào Luật sư! Tôi xin trình bày vụ việc cụ thể như sau: Tôi hiện đang đứng tên chủ sử dụng quyền sử dụng đất đối với một mảnh đất ở Long Biên, Hà Nội. Vợ mất sớm, tôi có 2 người con trai đang ở cùng.

Hiện nay, tôi muốn sang tên sổ đỏ cho một trong hai người con của tôi thì tôi nên chọn phương thức nào? Viết di chúc thừa kế quyền sử dụng đất hay tặng cho quyền sử dụng đất khi sang tên sổ đỏ. Xin cảm ơn Luật sư. 

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư có quan điểm tư vấn như sau: 

Sang tên "sổ đỏ" là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Sang tên sổ đỏ còn có tên gọi khác theo cách gọi thông thường là mua bán chuyển nhượng đất đai.

Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này". Như vậy, bạn có thể sang tên sổ đỏ bằng hình thức tặng cho hoặc thừa kế quyền sử dụng đất cho 2 người con của bạn. 

1. Tặng cho quyền sử dụng đất

Căn cứ Điều 115 Bộ luật dân sự 2015: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Như vậy có thể thấy quyền sử dụng đất là quyền tài sản, một loại tài sản vô hình đặc biệt không thể nắm giữ chiếm hữu theo cách thông thường. Người đứng tên quyền sử dụng đất chính là người có quyền sử dụng đất hợp pháp được Nhà nước công nhận bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Điều 547 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận".

Căn cứ điều luật trên có thể hiểu tặng cho quyền sử dụng đất là việc người sử dụng đất chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho người khác mà không yêu cầu đền bù và bên được tặng cho đồng ý nhận. Như vậy bạn muốn sang tên sổ đỏ bằng cách tặng cho con trai bạn thì điều kiện tiên quyết là con bạn phải đồng ý nhận thì việc tặng cho mới diễn ra.

Việc tặng cho quyền sử dụng đất không yêu cầu đền bù. Tức một bên chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho còn bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại bên tặng cho bất kì lợi ích nào. 

Theo quy định tại điểm a, d Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định:

"a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã”. Như vậy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất buộc phải được công chứ hoặc chứng thực. 

2. Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc

Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản. Điều 612 Bộ luật dân sự 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

Căn cứ mục 1 về xác định quyền sử dụng đất là di sản tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì quyền sử dụng đất được coi là di sản. Như vậy thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết cho người được thừa kế. 

Tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Như vậy thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí nguyện vọng của người để lại di sản trước khi chết. Bạn có thể để lại tài sản của mình cho bất kỳ ai bởi thừa kế theo di chúc thể hiện mong muốn của bạn.

Bạn cũng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoặc hủy bỏ di chúc nếu di chúc đó chưa phải di chúc cuối cùng của bạn. Tuy nhiên theo thông tin bạn chia sẻ bạn có 2 người con, không rõ độ tuổi của con bạn là bao nhiêu tuổi nên nếu một trong hai người con của bạn chưa thành niên (ít hơn 18 tuổi) hoặc thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) nhưng không có khả năng lao động thì dù trong nội dung di chúc không có tên người con này thì cháu vẫn được hưởng thừa kế căn cứ Điều 644 Bộ luật dân sự 2015.

3. Lựa chọn tặng cho hay thừa kế khi sang tên sổ đỏ

Ưu điểm, hạn chế của thừa kế quyền sử dụng đất:

Thừa kế theo di chúc quyền sử dụng đất phù hợp với ý chí của bạn là sang tên sổ đỏ cho một người con. Bạn chỉ cần lập di chúc văn bản, nội dung có tên người nhận thừa kế là một trong hai người con. Nội dung cũng như hình thức của di chúc cũng phải thỏa mãn các điều kiện pháp luật quy định.

Bạn cũng có thể sửa đổi nội dung hoặc thay di chúc nếu một trong hai cháu không vừa ý bạn, bất hiếu hoặc bất kính với bạn. Căn cứ tại khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực. Như vậy khi bạn mất thì bản di chúc bạn lập cuối cùng mới là bản di chúc có hiệu lực và con bạn phải căn cứ vào bản di chúc sau cùng này để phân chia di sản thừa kế. 

Việc sang tên sổ đỏ bằng phương thức thừa kế qua di chúc được sẽ được thực hiện khi cha mẹ mất. Như vậy sau khi cha mẹ mất cũng rất dễ xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất. Bởi vì lúc này việc thay đổi di chúc hay sửa đổi di chúc sẽ không thể thực hiện được nữa, do đó không có tác động của chủ tài sản, trong trường hợp này là người có sổ đỏ.

Tranh chấp quyền sử dụng đất thường xuất phát từ sự tham lam muốn chiếm đoạt tài sản của người mất để lại do đó người không được hưởng thừa kế theo di chúc, thường viện vào tính hợp pháp của di chúc như việc không lập di chúc bằng văn bản hoặc lập di chúc bằng văn bản nhưng không hợp pháp để gian dối, tạo nên sự tranh chấp.

Chẳng hạn bạn lập di chúc bằng văn bản để lại tài sản cho con trai cả nhưng con trai thứ hai lại lấy lý do bạn bị con cả lừa hoặc ép buộc phải viết di chúc, di chúc lại không có công chứng chứng thực dẫn đến việc hai người con tranh chấp xem ai mới có quyền sử dụng đất, yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật hiện hành; cũng có thể là xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

Ưu điểm, hạn chế của tặng, cho tài sản

Như đã trình bày ở trên, bạn có quyền tặng cho quyền sử dụng đất nếu bạn thỏa mãn các điều kiện theo pháp luật quy định. Việc tặng cho sẽ không diễn ra tuy nhiên việc tặng, cho quyền sử dụng đất để sang tên sổ đỏ cũng thể hiện nhiều mặt hạn chế. Bởi lẽ tặng cho xuất phát từ ý chí của người có tài sản, không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố pháp luật như thừa kế. Bạn tặng cho quyền sử dụng đất cho một trong hai người con thì có thể người con còn lại sẽ không đồng ý và không bằng lòng, dễ mâu thuẫn trong gia đình. 

Việc tặng cho có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, con của bạn có thể nhận được tài sản trong lúc bạn còn sống. Điểm này khác có với việc sang tên sổ đỏ bằng phương thức thừa kế là khi bạn mất thì nội dung thực hiện chia thừa kế theo di chúc hay pháp luật mới có hiệu lực. Do đó nếu trường hợp bạn đứng tên chủ sử dụng quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đó nhưng bạn lại có nhiều công việc khác cần phải giải quyết hơn, muốn để cho con bạn quản lý ngay thì có thể chọn phương thức tặng cho quyền sử dụng đất. 

Về tặng cho quyền sử dụng đất thì một bên chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho còn bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại bên tặng cho bất kì lợi ích nào. Tuy nhiên bạn có thể ràng buộc điều kiện trong hợp đồng tặng cho căn cứ Điều 462 Bộ luật dân sự 2015: “1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội".

Như vậy bạn có thể thêm điều kiện tặng cho và chỉ cần con của bạn không thực hiện đúng thì bạn có thể hủy hợp đồng tặng cho và tặng cho quyền sử dụng đất cho người khác.

Việc lựa chọn phương thức nào thuộc về cá nhân bạn bởi cả tặng cho và thừa kế đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, không có phương thức nào tối ưu hơn cả, tùy thuộc vào tình huống hoàn cảnh của bạn. Với thông tin bạn chia sẻ, Luật sư tư vấn của công ty Luật Hồng Bách và Cộng Sự tư vấn bạn chọn phương thức sang tên sổ đỏ bằng thừa kế di chúc. Bởi di chúc có hiệu lực khi bạn mất, trong khoảng thời gian đó bạn vẫn đứng tên quyền sử dụng đất, có tác động đến tài sản và có thể thay đổi di chúc bất cứ lúc nào để từ đó lựa chọn người phù hợp để hưởng thừa kế của bạn. 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan