Bạn đang ở đây

di sản thừa kế

Đã lập di chúc cho con nhà và đất, nay có được bán?

Thời gian đọc: 6 Phút
Thời điểm phát sinh hiệu lực của di chúc được luật quy định như thế nào? Tài sản đã được lập di chúc liệu có được chuyển nhượng?

Kinh chào Luật sư! Tôi có câu hỏi như sau: Năm 2018, vợ chồng tôi lập di chúc cho các con toàn bộ nhà đất của mình; tuy nhiên kinh tế của vợ chồng tôi đang gặp khó khăn. Lúc này vợ chồng tôi có được quyền bán một phần nhà đất đó hay không?

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Luật Đất đai 2013 cho phép người sử dụng đất thực hiện chuyển quyền sử dụng trong đó có quyền để lại thừa kế với quyền sử dụng đất. 

BLDS 2015 quy định hiệu lực của di chúc như sau: 

Điều 643. Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.    

Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

Như vậy, di chúc chỉ phát sinh hiệu lực khi người có tài sản chết. Người lập di chúc chưa chết đồng nghĩa quyền thừa kế chưa được phát sinh, di chúc chưa có giá trị pháp lý. Quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt tài sản vẫn thuộc về người lập di chúc.  

BLDS 2015 cũng có phép người lập di chúc có quyền:

Điều 640. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Từ các cứ trên, dù đã lập di chúc nhưng ông bà vẫn là chủ sử dụng của thửa đất và hoàn toàn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do đất và nhà là tài sản chung của hai vợ chồng nên khi thực hiện việc chuyển nhượng phải có sự đồng ý của vợ và chồng. Khi thực hiện việc chuyển nhượng, ông bà không cần phải hủy bản di chúc đã viết bởi theo quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 643 BLDS 2015: 

Điều 643. Hiệu lực của di chúc

3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

Việc chuyển nhượng đất cần đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013:

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Một lưu ý cho ông bà là cần xem xét thửa đất đang sử dụng có được coi là tài sản chung của hộ gia đình không? Trong trường hợp là tài sản chung, việc chuyển nhượng cần có sự đồng ý, thống nhất hoặc ủy quyền của tất cả các thành viên trong gia đình

Bộ luật Dân sự 2015 quy định chi tiết về vấn đề này như sau:

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Như vậy, trường hợp nhà và đất là tài sản chung của hai vợ chồng ông thì dù đã lập di chúc, hai vợ chồng hoàn toàn có quyền chuyển nhượng tài sản. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Đất đã tặng cho có bị chia thừa kế không? Thời hiệu thừa kế?

Thời gian đọc: 11 Phút
Đất đang được sử dụng ổn định và đã được được cấp GCNQSDĐ nhưng bị các anh chị em khởi kiện đòi chia thừa kế thì cần xem xét các điều kiện để yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thừa kế.

 Bố cô X chết năm 1980. Năm 1987, cô X lập gia đình và được mẹ đẻ cho 1 mảnh đất với diện tích 2000m2. Vợ chồng cô X sử dụng, canh tác trên mảnh đất.

Năm 1988, vợ chồng cô X được nhà nước xây dựng nhà tình thương. Năm 2006, nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (sổ đỏ) đứng tên cô X.

Năm 2020, anh em cô X khởi kiện yêu cầu chia thừa kế với mảnh đất 2000m2 vì cho rằng đó là di sản mà bố cô X để lại. 

Cô X muốn hỏi: Sổ đỏ cô được địa phương cấp có hợp pháp không? Anh em của cô có được quyền yêu cầu thừa kế với mảnh đất 2000m2 không? 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Trước hết, xem xét tình trạng pháp lý với mảnh đất diện tích 2000m2 cô X đang sử dụng, nhận thấy: Mảnh đất 2000m2 cô X được mẹ đẻ cho đã được cô và chồng sử dụng ổn định, liên tục; cùng với đó là tài sản gắn liền với đất là nhà tình thương được xây dựng năm 1988.

Năm 2006, cô X được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Căn nhà được xây dựng trước khi địa phương cấp GCNQSDĐ. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền có thể đã xác lập đồng thời quyền sử dụng với mảnh đất 2000m2 và sở hữu căn nhà tình thương cho cô X. 

Luật đất đai định nghĩa khái niệm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được hiểu là:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Thông qua Giấy CNQSDĐ, Nhà nước đã xác nhận cô X có thể thực hiện các quyền, lợi ích của mình với mảnh đất 2000m2 và căn nhà tình thương được xây dựng trên mảnh đất. GCNQSDĐ là cơ sở pháp lý quan trọng, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của cô X. 

Ngoài ra, chứng cứ chứng minh tính hợp pháp trong quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của cô X còn thể hiện qua việc cô X sử dụng mảnh đất diện tích 2000m2 một cách ngay tình, tiên lục, trong quá trình sử dụng mảnh đất và sở hữu nhà ở không có tranh chấp đến trước năm 2020; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã được cơ quan địa phương cấp hợp pháp. 

Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa: Internet. 

Nghị định 43/2014/ NĐ-CP có hướng dẫn về căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định như sau:

Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định: 

1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).

2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:

a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;

b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;

c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;

d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;

e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;

g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;

h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;

i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;

k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.

Sử dụng đất ổn định là một trong các căn cứ quan trọng để chứng minh quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa: Internet

Trong trường hợp khởi kiện để chia thừa kế mà các đồng nguyên đơn là các anh chị em của cô X, tòa án vẫn sẽ thụ lý. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án, cô X có thể yêu cầu áp dụng thời hiệu mở thừa kế. Bộ Luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu: 

Điều 623. Thời hiệu thừa kế: 

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Tuy nhiên cô X cần lưu ý quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 khi yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, BLTTDS 2015 quy định: 

Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Khi cô X yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án có thể ra phán quyết đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện căn cứ tại Điều 217 BLTTDS 2015.

Về nguyên tắc, trong hoạt động TTDS trách nhiệm chứng minh thuộc về các bên đương sự, tức là anh chị em là đồng thừa kế, đưa ra yêu cầu khởi kiện thì phải có trách nhiệm chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ.

Với cô X, các chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp  trước tiên là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, cùng với đó là các giấy tờ chứng minh việc sử dụng đất ngay tình, ổn định trong suốt thời gian cô sử dụng đất và sở hữu nhà ở. 

Mời bạn nghe tư vấn của Luật sư Nguyễn Hồng Bách đối với tình huống pháp lý của cô X tại đây.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Án lệ số 5: Về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế”

Thời gian đọc: 18 Phút
Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 09-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

>>> Án lệ số 6: Về vụ án “Tranh chấp thừa kế”

>>> Án lệ số 16: Về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế

Án lệ số 05/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 09-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 09-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Xuân với bị đơn là ông Nguyễn Chí Trải (Cesar Trai Nguyen), chị Nguyễn Thị Thuý Phượng, bà Nguyễn Thị Bích Đào; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Nguyễn Thị Xê, Nguyễn Chí Đạt (Danforth Chi Nguyen), Nguyễn Thuần Lý, Nguyễn Thị Trinh, Nguyễn Chí Đức, Nguyễn Thị Thuý Loan, Phạm Thị Liên, Phạm Thị Vui, Trần Đức Thuận, Trần Thành Khang.

Khái quát nội dung của án lệ:

Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế; nếu Tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Khoản 1 Điều 5 và Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004;

Từ khóa của án lệ:

“Yêu cầu khởi kiện”; “Yêu cầu phản tố”; “Công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 18-7-2008 và trong quá trình giải quyết vụ án, bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Xuân trình bày: Cha mẹ các bà là cụ Nguyễn Văn Hưng (chết năm 1978), cụ Lê Thị Ngự (chết năm 1992) có 06 người con là bà Nguyễn Thị Xê, ông Nguyễn Chí Trải, bà Nguyễn Thị Xuân, bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Trinh và ông Nguyễn Chí Trai.

Ông Trai có vợ là bà Ông Thị Mạnh và có 05 người con là anh Nguyễn Thuần Lý, anh Nguyễn Thuần Huy, chị Nguyễn Thị Quới Đường, anh Nguyễn Chí Đạt (sinh năm 1966) và anh Nguyễn Chí Đạt (sinh năm 1968). Tại Quyết định số 413/2008 ngày 31-3-2008, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bố ông Trai, bà Mạnh, anh Thuần Huy, chị Quới Đường, anh Nguyễn Chí Đạt (sinh năm 1968) là đã chết.

Căn nhà số 263 đường Trần Bình Trọng, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh do cụ Hưng, cụ Ngự nhận chuyển nhượng đất của ông Đào Thành Phụng năm 1953, đến năm 1966 thì hai cụ xây dựng nhà ở như hiện nay. Nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất, chỉ mới kê khai năm 1999.

Cụ Hưng, cụ Ngự chết đều không để lại di chúc, căn nhà hiện nay do chị Nguyễn Thị Thuý Phượng là con ông Nguyễn Chí Trải đang quản lý. Quá trình quản lý, chị Phượng cho bà Nguyễn Thị Bích Đào thuê một phần căn nhà để làm lò bánh mì. Khi chị Phượng ở đây có sửa chữa nhà nhưng không đáng kể. Vợ chồng ông Trải không có đóng góp gì vào việc xây dựng và sửa chữa vì ông Trải đi cải tạo, còn bà Tư vợ ông Trải không có nghề nghiệp, con còn bé không có thu nhập để có tiền đóng góp. Nếu chị Phượng có chứng cứ chứng minh chi phí sửa chữa và yêu cầu thì các bà sẽ trả.

Các nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế căn nhà này theo quy định của pháp luật và xin được nhận nhà, hoàn lại bằng tiền cho các thừa kế khác. Chị Phượng không thuộc diện thừa kế nên phải trả lại nhà, không đồng ý hỗ trợ chị Phượng đi nơi khác.

Bị đơn là chị Nguyễn Thị Thuý Phượng trình bày: Chị thống nhất về quan hệ gia đình. Cha chị là ông Nguyễn Chí Trải, mẹ chị là bà Nguyễn Thị Tư có 03 người con gồm chị, anh Nguyễn Chí Đức, chị Nguyễn Thị Thuý Loan (anh Đức, chị Loan hiện sống ở Canada). Căn nhà số 263 đường Trần Bình Trọng là của ông bà nội chị mua từ năm 1953, khi đó là nhà ngói, vách ván. Năm 1955, cha chị kết hôn với mẹ chị và cha mẹ chị ở tại căn nhà này. Năm 1978 cha chị xuất cảnh sang Mỹ, mẹ chị chết năm 1980.

Chị sống tại căn nhà này từ nhỏ đến nay, đã sửa chữa nhà nhiều lần như làm cửa nhôm, xây tường phần gác lửng, lát gạch men sân thượng, xây tường phía sau nhà. Chị có phần thừa kế của cha chị vì năm 2006 cha chị đã lập tờ cho đứt chị tài sản thừa kế ở Việt Nam nên chị được phần thừa kế mà cha chị được hưởng của cụ Hưng, cụ Ngự. Chị không đồng ý yêu cầu của các nguyên đơn, vì thời hiệu chia thừa kế đã hết, hiện tại chị và 02 con của chị đang sống tại căn nhà này. Chị có cho bà Nguyễn Thị Bích Đào thuê một phần nhà làm lò bánh mì, chị và bà Đào sẽ tự giải quyết với nhau về việc thuê nhà.

Bị đơn là ông Nguyễn Chí Trải trình bày: Tại văn bản ngày 14-10-2009, ông Trải có đơn đề nghị có nội dung ngày 25-4-2006 ông có giấy cho đứt tài sản thừa kế của ông cho chị Phượng được hưởng phần tài sản thừa kế mà ông được hưởng của cha mẹ tại Việt Nam, nay ông xin huỷ bỏ văn bản trên và bằng văn bản này ông xin uỷ quyền cho bà Thưởng, bà Xuân thay mặt ông tại Tòa án, khi Tòa xét xử xong phần tài sản thừa kế của ông xin được trao hết cho con trai ông là anh Nguyễn Chí Đức hiện cư trú tại Canada.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 22-4-2010, ông Trải có Đơn tường trình nội dung ông không đồng ý chia thừa kế nhà 263 Trần Bình Trọng mà giao cho chị Phượng tiếp tục trông nom để ở, ông và vợ ông đã có công sức đóng góp tiền của vào căn nhà này. Nhưng đến ngày 14-7-2010, ông Trải lại có văn bản có nội dung ông cho con trai là anh Nguyễn Chí Đức phần tài sản ông được nhận thừa kế của cha mẹ. Ngày 11-3-2011, ông Trải có Tờ tường trình nội dung ông đồng ý với quyết định của Bản án sơ thẩm, ông không kháng cáo.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Nguyễn Thị Trinh (là con cụ Hưng, cụ Ngự) trình bày: Bà thống nhất như trình bày của các nguyên đơn về quan hệ gia đình và nguồn gốc tài sản. Năm 1966 nhà bị hư dột, cha mẹ bà có sửa lại nhà có sự đóng góp của các con trong đó có bà nhưng bà không yêu cầu phần bà đã đóng góp. Việc chị Phượng cho rằng cha mẹ chị và chị có đóng góp trong việc sửa chữa nhà là không đúng. Bà đề nghị kỷ phần thừa kế của bà giao cho bà Xuân, bà Thưởng quản lý; đề nghị bà Đào, chị Phượng trả lại nhà.

- Anh Nguyễn Chí Đạt (sinh năm 1966), anh Nguyễn Thuần Lý trình bày: Cha mẹ các anh là ông Nguyễn Chí Trai, bà Ông Thị Mạnh cùng 03 người em của các anh đều đã chết trên biển khi vượt biên vào năm 1982. Các anh đồng ý với ý kiến của nguyên đơn về việc chia thừa kế, xin được hưởng thừa kế tài sản của cụ Hưng, cụ Ngự và giao cho bà Thưởng, bà Xuân quản lý.

- Bà Nguyễn Thị Xê (là con của cụ Hưng, cụ Ngự) thống nhất với trình bày của các nguyên đơn về quan hệ gia đình và yêu cầu của các nguyên đơn, kỷ phần thừa kế bà được hưởng cho 02 con của bà là Phạm Thị Vui và Phạm Thị Liên.

- Lời khai của chị Nguyễn Thị Thuý Loan, anh Nguyễn Chí Đức theo giấy uỷ quyền lập ngày 21-5-2007 (đã được hợp pháp hoá lãnh sự) thì chị Loan, anh Đức ủy quyền cho chị Phượng quyết định mọi sự việc liên quan đến những tranh chấp hay phân chia tài sản và nhà đất bên Việt Nam (Giấy ủy quyền này do chị Phượng xuất trình theo đơn của chị Phượng đề ngày 25-3-2011, sau khi xét xử sơ thẩm).

Chị Loan có đơn (kèm theo văn bản uỷ quyền) có nội dung xin vắng mặt phiên toà ngày 13-8-2009. Về tài sản tranh chấp cha mẹ chị có tiền đóng góp, còn các cô chú khác không đóng góp gì. Sau năm 1975, mọi người đi hết, chỉ còn mình chị Phượng ở với ông bà, đề nghị Tòa cho chị Phượng ở lại nhà đất tranh chấp.

Án lệ số 05/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 09-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại Thành phố Hồ Chí Minh ( Ảnh minh họa )

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 3363/2009/DSST ngày 18-11-2009, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

- Xác định nhà đất tại 263 Trần Bình Trọng là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Hưng, cụ Lê Thị Ngự; mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng là 10.655.687.000: 6 =1.775.947.800 đồng.

- Buộc mẹ con chị Phượng và bà Đào giao lại nhà đất tranh chấp cho bà Thưởng, bà Xuân. Bà Thưởng, bà Xuân có trách nhiệm trả cho các thừa kế khác bằng tiền mà họ được hưởng.

- Ghi nhận việc ông Nguyễn Chí Trải cho con là anh Nguyễn Chí Đức được nhận kỷ phần thừa kế của ông.

Ngày 30-11-2009, chị Nguyễn Thị Thuý Phượng có đơn kháng cáo có nội dung cho rằng cụ Hưng, cụ Ngự chết đã quá 10 năm nên thời hiệu khởi kiện về thừa kế không còn.

Ngày 15-3-2011, chị Phượng có đơn kháng cáo bổ sung nội dung:

- Cha chị là ông Trải không đồng ý chia và đồng ý cho chị quản lý căn nhà này. Các đồng thừa kế không có văn bản xác nhận nhà tranh chấp là tài sản chung chưa chia. Cha mẹ chị và các con trong đó có chị đã sống ổn định hơn 50 năm tại căn nhà này, đã bảo quản, giữ gìn căn nhà nhưng nay lại buộc mẹ con chị phải ra khỏi nhà là không thấu tình đạt lý.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 116/2011/DS-PT ngày 10-5-2011, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Ngày 16-6-2011, chị Nguyễn Thị Thuý Phượng có đơn đề nghị giám đốc thẩm Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định số 158/2014/KN-DS ngày 06-5-2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và Bản án dân sự sơ thẩm số 3363/2009/DSST ngày 18-11-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định:

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Hưng (chết năm 1978), cụ Lê Thị Ngự (chết năm 1992) có 06 người con gồm bà Nguyễn Thị Xê, ông Nguyễn Chí Trải, bà Nguyễn Thị Xuân, bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Trinh và ông Nguyễn Chí Trai. Vợ chồng ông Nguyễn Chí Trai, bà Ông Thị Mạnh có 05 người con là anh Nguyễn Thuần Lý, anh Nguyễn Thuần Huy, chị Nguyễn Thị Quới Đường, anh Nguyễn Chí Đạt (sinh năm 1966), anh Nguyễn Chí Đạt (sinh năm 1968). Ông Trai, bà Mạnh, anh Huy, chị Đường, anh Nguyễn Chí Đạt (sinh năm 1968) bị tuyên bố chết ngày 31-3-2008 theo Quyết định số 413/2008 ngày 31-3-2008 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ Hưng, cụ Ngự chết đều không để lại di chúc. Các con của hai cụ và chị Phượng (con ông Trải) đều thừa nhận căn nhà số 263 đường Trần Bình Trọng, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh do cụ Hưng, cụ Ngự nhận chuyển nhượng của ông Đào Thành Phụng năm 1953 là tài sản của hai cụ tạo lập, hiện tại đang do chị Phượng quản lý, sử dụng.

Năm 2008, bà Xuân, bà Thưởng khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Hưng, cụ Ngự để lại.

Các đương sự đều xác định ông Trải định cư tại Mỹ trước ngày 01-7-1991. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với di sản của cụ Hưng vẫn còn là có cơ sở. Đối với di sản của cụ Ngự thì đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, nhưng ông Trải và các đồng thừa kế của hai cụ đều thừa nhận di sản của cụ Ngự là tài sản chung của các thừa kế chưa chia và đều nhất trí chia đều cho các thừa kế. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ tiểu mục a điểm 2.4 mục 2 phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình để chia phần di sản của cụ Ngự cho các thừa kế là có căn cứ.

Cụ Hưng chết năm 1978, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì ông Trải được hưởng 1/7 kỷ phần thừa kế của cụ Hưng. Phần tài sản ông Trải được hưởng của cụ Hưng là tài sản chung của vợ chồng ông Trải, bà Tư. Bà Tư chết năm 1980, các thừa kế của bà Tư gồm ông Trải và 03 người con của ông Trải, bà Tư trong đó có chị Phượng. Như vậy, chị Phượng được hưởng một phần tài sản của mẹ là bà Tư, nhưng ông Trải đã định đoạt toàn bộ kỷ phần thừa kế mà ông được hưởng của cụ Hưng cho anh Đức là chưa đúng.

Chị Phượng sinh năm 1953 và các đương sự xác định chị Phượng ở tại nhà của ông, bà từ nhỏ đến nay. Từ năm 1982, chị Phượng đã là chủ hộ khẩu tại nhà đất này, cụ Ngự còn sống nhưng ở nơi khác, bà Thưởng chuyển hộ khẩu về tại đây từ năm 1979 nhưng không ở đây, nên chị Phượng đã trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất tranh chấp từ sau khi cụ Ngự chết đến nay.

Các đương sự khác đều có nơi ở ổn định nơi khác. Khi chia thừa kế và tài sản chung, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét tạo điều kiện cho chị Phượng có chỗ ở mà buộc chị Phượng phải giao lại nhà cho các nguyên đơn trong đó có phần quyền tài sản chị Phượng được hưởng thừa kế của mẹ là bà Tư là chưa phù hợp.

Tuy chị Phượng không phải thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hưng, cụ Ngự, nhưng là cháu nội của hai cụ và có nhiều công sức quản lý, đã chi tiền sửa chữa nhà nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, chị Phượng không yêu cầu xem xét công sức vì chị Phượng cho rằng vụ án đã hết thời hiệu chia thừa kế, không đồng ý trả nhà đất cho các thừa kế. Như vậy, yêu cầu của chị Phượng đề nghị xác định quyền lợi là lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét công sức cho chị Phượng là giải quyết chưa triệt để yêu cầu của đương sự.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 1, 2 Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011;

QUYẾT ĐỊNH

Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 116/2011/DS-PT ngày 10-5-2011 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 3363/2009/DSST ngày 18-11-2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Xuân với bị đơn là chị Nguyễn Thị Thuý Phượng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“Cụ Hưng chết năm 1978, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì ông Trải được hưởng 1/7 kỷ phần thừa kế của cụ Hưng. Phần tài sản ông Trải được hưởng của cụ Hưng là tài sản chung của vợ chồng ông Trải, bà Tư. Bà Tư chết năm 1980, các thừa kế của bà Tư gồm ông Trải và 03 người con của ông Trải, bà Tư trong đó có chị Phượng.

Tuy chị Phượng không phải thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hưng, cụ Ngự, nhưng là cháu nội của hai cụ và có nhiều công sức quản lý, đã chi tiền sửa chữa nhà nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, chị Phượng không yêu cầu xem xét công sức vì chị Phượng cho rằng vụ án đã hết thời hiệu chia thừa kế, không đồng ý trả nhà đất cho các thừa kế. Như vậy, yêu cầu của chị Phượng đề nghị xác định quyền lợi là lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét công sức cho chị Phượng là giải quyết chưa triệt để yêu cầu của đương sự.”.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Án lệ số 16: Về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế

Thời gian đọc: 20 Phút
Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.

Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng.

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 573/2013/DS-GĐT ngày 16-12-2013 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản” tại tỉnh Vĩnh Phúc giữa nguyên đơn là chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P với bị đơn là anh Phùng Văn T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm chị Phùng Thị N2, chị Phùng Thị H3.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 2 phần “Nhận định của Toà án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Khoản 2 Điều 170, Điều 234, Điều 634, Điều 697 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương đương với khoản 2 Điều 221, Điều 223, Điều 612, Điều 500 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Từ khóa của án lệ:

“Xác lập quyền sở hữu theo thỏa thuận”; “Di sản”; “Di sản thừa kế là bất động sản”; “Đồng thừa kế”; “Chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo đơn khởi kiện ngày 02-4-2011 và các lời khai tiếp theo nguyên đơn chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị P, chị Phùng Thị H2 trình bày:

Bố mẹ nguyên đơn là ông Phùng Văn N và bà Phùng Thị G sinh được 06 người con là: Phùng Thị N1, Phùng Thị N2, Phùng Thị H2, Phùng Văn T, Phùng Thị P, Phùng Thị H1.

Tài sản chung của ông Phùng Văn N và bà Phùng Thị G là 01 ngôi nhà cấp 4 cùng công trình phụ trên diện tích đất 398m2 ở tại khu L, phường M, thành phố N, tỉnh Vĩnh Phúc, nguồn gốc đất do cha ông để lại. Ngày 07-7-1984 ông Phùng Văn N chết (trước khi chết không để lại di chúc) bà Phùng Thị G và anh Phùng Văn T quản lý và sử dụng nhà đất trên.

Năm 1991 bà Phùng Thị G chuyển nhượng cho ông Phùng Văn K một phần diện tích đất trên với diện tích đất là 131m2, còn lại diện tích 267m2, năm 1999 bà Phùng Thị G được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà Phùng Thị G muốn cho con gái là chị Phùng Thị H1 một phần diện tích đất của bà để làm nhà ở vì hoàn cảnh của chị Phùng Thị H1 đi lấy chồng ở xa, chồng chết nên bà muốn chị về ở cùng, nhưng anh Phùng Văn T giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bà Phùng Thị G không tách đất cho chị Phùng Thị H1 được.

Vì vậy, chị khởi kiện ra Tòa án buộc anh Phùng Văn T trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phùng Thị G. Tòa án đã xử buộc anh Phùng Văn T phải trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phùng Thị G nhưng anh Phùng Văn T không trả.

Vì vậy tháng 3-2010 bà Phùng Thị G đã lập di chúc với nội dung: Để lại cho chị Phùng Thị H1 diện tích đất 90m2 và toàn bộ cây cối lâm lộc trên diện tích đất có các chiều cạnh: Phía Đông giáp diện tích đất của bà Phùng Thị G, phía Tây giáp nhà ông N, phía Nam giáp đường T, phía Bắc giáp nhà anh C.

Khi lập di chúc bà Phùng Thị G hoàn toàn minh mẫn khỏe mạnh, có người làm chứng và di chúc đó đã được Ủy ban nhân dân phường M chứng thực. Toàn bộ diện tích 398m2 là của bà Phùng Thị G vì khi ông Phùng Văn N chết thì bà Phùng Thị G được toàn quyền sử dụng.

Ngày 19-12-2010 bà Phùng Thị G chết, toàn bộ khối tài sản trên vợ chồng anh Phùng Văn T vẫn quản lý sử dụng. Nay các nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế theo di chúc bà Phùng Thị G để lại cho chị Phùng Thị H1 là 90m2, phần còn lại là 177m2 đề nghị chia theo pháp luật, kỷ phần thừa kế của chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị P, chị Phùng Thị H2 nhường cho chị Phùng Thị H1 sử dụng. Ngoài ra tài sản cây cối trên đất và phần diện tích đất nông nghiệp của bà Phùng Thị G các nguyên đơn không đề nghị Tòa án giải quyết.

Bị đơn anh Phùng Văn T do chị Phùng Thị H3(là vợ) đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: chị xác nhận mối quan hệ bố mẹ, anh chị em trong gia đình, tài sản bố mẹ để lại là diện tích đất 398m2 ở tại khu L, phường M, thành phố N và thời gian bố mẹ chết như các nguyên đơn trình bày là đúng nhưng toàn bộ công trình xây dựng trên đất là do vợ chồng anh chị xây dựng năm 1997. Năm 1991 bà Phùng Thị G tự ý bán 131m2 cho ông Phùng Văn K không bàn bạc với anh Phùng Văn T, được bao nhiêu tiền bà sử dụng vào việc gì anh Phùng Văn T không biết.

Đến năm 1999 bà Phùng Thị G được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích còn lại là 267,4m2, ông Phùng Văn K cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mua của bà Phùng Thị G. Khi bà Phùng Thị G còn sống có lập di chúc hay không anh chị không biết. Nay các chị em trong gia đình khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo di chúc và theo pháp luật, quan điểm của anh Phùng Văn T không đồng ý vì bố mẹ anh chỉ có một mình anh là con trai nên anh sử dụng để ở và thờ cúng tổ tiên, không đồng ý phân chia thừa kế. Ngoài ra bà Phùng Thị G còn có diện tích đất nông nghiệp nhưng anh Phùng Văn T không đề nghị phân chia thừa kế.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phùng Thị N2 trình bày: chị xác nhận mối quan hệ bố mẹ, anh chị em trong gia đình, tài sản bố mẹ để lại diện tích đất 398m2 ở tại khu L, phường M, thành phố N và thời gian bố mẹ chết như các nguyên đơn trình bày là đúng. Đến năm 1991 mẹ chị đã chuyển nhượng cho ông Phùng Văn K diện tích 131m2, khi chuyển nhượng các chị đều biết việc này, nhưng số tiền bao nhiêu chị không biết, chỉ biết mẹ chị đã dùng số tiền đó để trang trải nợ nần và nuôi các con.

Còn lại diện tích 267,4m2 đến năm 1999 mẹ chị đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Phùng Thị G mà hiện nay anh Phùng Văn T đang sử dụng quản lý. Khi mẹ chị còn sống có lập di chúc hay không chị không biết nay các chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P yêu cầu chia thừa kế diện tích đất trên chị không đồng ý vì bố mẹ chị chỉ có anh Phùng Văn T là con trai nên phải để anh Phùng Văn T ở và thờ cúng. Nếu Tòa án giải quyết phân chia thừa kế theo pháp luật kỷ phần thừa kế của bà, chị không nhận mà nhường cho anh Phùng Văn T được hưởng.

Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng ( Ảnh minh họa )

Với nội dung vụ án như trên;

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2011/DSST ngày 04-10-2011 Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên quyết định:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Phùng Thị H1, buộc anh Phùng Văn T phải có trách nhiệm thanh toán cho chị Phùng Thị H1 tổng số tiền là 340.000.000đ (trị giá 68m2 đất). Giao anh Phùng Văn T được sử dụng diện tích đất 68m2 tại tờ bản đồ số 32, số thửa 81 ở khu phố khu L, phường M, thành phố N, tỉnh Vĩnh Phúc (có tứ cận).

- Không chấp nhận yêu cầu của chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P khởi kiện chia thừa kế tài sản của bà Phùng Thị G theo pháp luật.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 18-01-2011 các nguyên đơn chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P, chị Phùng Thị H1 kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án chia thừa kế theo di chúc và theo pháp luật.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 06/2012/DSPT ngày 23-2-2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định: sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2011/DSST ngày 4-10-2011 của Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên.

- Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị P.

- Giao cho anh Phùng Văn T và người đại diện theo pháp luật của anh Phùng Văn T là chị Phùng Thị H3 diện tích 267,4m2, trị giá 1.337.000.000đồng số thửa 81, tờ bản đồ số 32 ở khu phố L, phường M, thành phố N.

- Anh Phùng Văn T và người đại diện theo pháp luật của anh Phùng Văn T là chị Phùng Thị H3 có trách nhiệm thanh toán trị giá phần thừa kế cho chị Phùng Thị H1 là 982.200.000 đồng.

Kể từ ngày chị Phùng Thị H1 có đơn yêu cầu thi hành án nếu anh Phùng Văn T và người đại diện theo pháp luật của anh Phùng Văn T là chị Phùng Thị H3 không thanh toán số tiền trên thì hàng tháng anh Phùng Văn T, chị Phùng Thị H3 còn phải chịu lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

Sau khi xét xử phúc thẩm chị Phùng Thị H3, anh Phùng Văn T có đơn yêu cầu xem xét lại bản án dân sự phúc thẩm nêu trên của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại Quyết định số 131/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 12-11-2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 06/2012/DSPT ngày 23-2-2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; với nhận định:

Tòa án cấp phúc thẩm không đưa diện tích đất bà Phùng Thị G đã bán cho ông Phùng Văn K vào khối tài sản để chia là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản là tổng diện tích đất 398m2 (bao gồm cả phần đất đã bán cho ông Phùng Văn K) để chia là không đúng.

Tuy nhiên, diện tích 267m2 đất đứng tên bà Phùng Thị G phải được xác định là tài sản chung của vợ chồng ông Phùng Văn N và bà Phùng Thị G chưa chia. Bà Phùng Thị G chỉ có quyền định đoạt ½ diện tích đất trong tổng diện tích 267m2 đất chung của vợ chồng bà là 133,5m2 – 90m2 (đã cho chị Phùng Thị H1) còn lại là 43,5m2 được chia cho 5 thừa kế.

Đối với ½ diện tích đất trong tổng diện tích 267m2 đất chung của vợ chồng là phần di sản của ông Phùng Văn N để lại nay đã hết thời hiệu chia thừa kế, anh Phùng Văn T đang quản lý thì được tiếp tục quản lý. Tòa án cấp phúc thẩm xác định toàn bộ diện tích 267m2 đất là di sản của bà Phùng Thị G để chia theo di chúc cho chị Phùng Thị H1 90m2 đất và phần đất còn lại 177,4m2 chia theo pháp luật cho 5 kỷ phần là không đúng.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên nội dung kháng nghị của Viện trưởng, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì diện tích 398m2 đất tọa lạc tại khu phố L, phường M, thành phố N, Vĩnh Phúc có nguồn gốc là tài sản chung vợ chồng ông Phùng Văn N và bà Phùng Thị G. Ông Phùng Văn N và bà Phùng Thị G có 06 người con chung là chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, anh Phùng Văn T, chị Phùng Thị P, chị Phùng Thị N2. Ngày 07-7-1984 ông Phùng Văn N chết không để lại di chúc, bà Phùng Thị G và anh Phùng Văn T quản lý và sử dụng nhà đất trên.

[2] Năm 1991, bà Phùng Thị G chuyển nhượng cho ông Phùng Văn K diện tích 131m2 trong tổng diện tích 398m2 của thửa đất trên; phần diện tích đất còn lại của thửa đất là 267,4m2. Năm 1999 bà Phùng Thị G đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 267,4m2, bà Phùng Thị G cùng vợ chồng anh Phùng Văn T vẫn quản lý sử dụng nhà đất này. Việc bà Phùng Thị G chuyển nhượng đất cho ông Phùng Văn K các con bà Phùng Thị G đều biết, nhưng không ai có ý kiến phản đối gì, các con của bà Phùng Thị G có lời khai bà Phùng Thị G bán đất để lo cuộc sống của bà và các con.

Nay ông Phùng Văn K cũng đã được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, có cơ sở để xác định các con bà Phùng Thị G đã đồng ý để bà Phùng Thị G chuyển nhượng diện tích 131m2 nêu trên cho ông Phùng Văn K. Tòa án cấp phúc thẩm không đưa diện tích đất bà Phùng Thị G đã bán cho ông Phùng Văn K vào khối tài sản để chia là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản là tổng diện tích đất 398m2 (bao gồm cả phần đất đã bán cho ông Phùng Văn K) để chia là không đúng.

[3] Ngày 19-12-2010 bà Phùng Thị G chết, trước khi chết bà đã để lại di chúc lập ngày 05-3-2009 có nội dung để lại cho chị Phùng Thị H1 (con gái bà Phùng Thị G) diện tích 90m2 đất trong tổng diện tích 267m2 đất trên, di chúc có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường M ngày 7-3-2009. Tuy di chúc được lập và chứng thực không cùng ngày qua ý kiến của Ủy ban nhân dân phường và lời khai của những người làm chứng trong di chúc thì có căn cứ để xác định bà Phùng Thị G lập di chúc khi còn minh mẫn và nội dung di chúc theo ý nguyện của bà Phùng Thị G nên Tòa án hai cấp chấp nhận di chúc là có lý, có tình.

[4] Tuy nhiên, diện tích 267m2 đất đứng tên bà Phùng Thị G, nhưng được hình thành trong thời gian hôn nhân nên phải được xác định là tài sản chung của vợ chồng ông Phùng Văn N và bà Phùng Thị G chưa chia. Bà Phùng Thị G chỉ có quyền định đoạt ½ diện tích đất trong tổng diện tích 267m2 đất chung của vợ chồng bà. Do đó, phần di sản của bà Phùng Thị G để lại là ½ khối tài sản (133,5m2) được chia theo di chúc cho chị Phùng Thị H1 (con gái bà Phùng Thị G) là 90m2, còn lại là 43,5m2 được chia cho 5 kỷ phần còn lại (trong đó chị N2 nhường kỷ phần thừa kế cho anh Phùng Văn T; chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị N1 và chị Phùng Thị P nhường kỷ phần cho chị Phùng Thị H1).

Đối với 1/2 diện tích đất trong tổng diện tích 267m2 đất chung của vợ chồng là phần di sản của ông Phùng Văn N để lại nay đã hết thời hiệu chia thừa kế, anh Phùng Văn T là một trong các thừa kế không đồng ý chia, theo quy định tại tiểu mục 2.4 mục 2 phần I của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì không đủ điều kiện để chia tài sản chung nên phần diện tích đất này ai đang quản lý, sử dụng thì được tiếp tục quản lý, sử dụng.

[5] Tòa án cấp phúc thẩm xác định toàn bộ diện tích 267m2 đất là di sản của bà Phùng Thị G để chia theo di chúc cho chị Phùng Thị H1 90m2 đất và phần đất còn lại 177,4m2 chia theo pháp luật cho 5 kỷ phần là không đúng.

[6] Ngoài ra, anh Phùng Văn T không kháng cáo nhưng Tòa án lại tuyên anh Phùng Văn T phải chịu 200.000 đồng án phí phúc thẩm. Chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P tự nguyện nhường kỷ phần của các chị cho chị Phùng Thị H1 và được Tòa chấp nhận, chị Phùng Thị H1 là hộ nghèo được miễn toàn bộ án phí nhưng Tòa cấp phúc thẩm không tuyên trả lại tiền tạm ứng án phí sơ thẩm cho chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P đều là không đúng. Vì vậy, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là có căn cứ chấp nhận.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH:

Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 06/2012/DSPT ngày 23-02-2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2011/DS-ST ngày 04-10-2011 của Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản” giữa nguyên đơn chị Phùng Thị H1, chị Phùng Thị N1, chị Phùng Thị H2, chị Phùng Thị P với bị đơn là anh Phùng Văn T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm chị Phùng Thị N2, chị Phùng Thị H3.

Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[2] Năm 1991, bà Phùng Thị G chuyển nhượng cho ông Phùng Văn K diện tích 131m2 trong tổng diện tích 398m2 của thửa đất trên; phần diện tích đất còn lại của thửa đất là 267,4m2. Năm 1999 bà Phùng Thị G đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 267,4m2, bà Phùng Thị G cùng vợ chồng anh Phùng Văn T vẫn quản lý sử dụng nhà đất này. Việc bà Phùng Thị G chuyển nhượng đất cho ông Phùng Văn K các con bà Phùng Thị G đều biết, nhưng không ai có ý kiến phản đối gì, các con của bà Phùng Thị G có lời khai bà Phùng Thị G bán đất để lo cuộc sống của bà và các con.

Nay ông Phùng Văn K cũng đã được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, có cơ sở để xác định các con bà Phùng Thị G đã đồng ý để bà Phùng Thị G chuyển nhượng diện tích 131m2 nêu trên cho ông Phùng Văn K. Tòa án cấp phúc thẩm không đưa diện tích đất bà Phùng Thị G đã bán cho ông Phùng Văn K vào khối tài sản để chia là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản là tổng diện tích đất 398m2 (bao gồm cả phần đất đã bán cho ông Phùng Văn K) để chia là không đúng.”

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn