Bạn đang ở đây

Luật đất đai

Đất đã tặng cho có bị chia thừa kế không? Thời hiệu thừa kế?

Thời gian đọc: 11 Phút
Đất đang được sử dụng ổn định và đã được được cấp GCNQSDĐ nhưng bị các anh chị em khởi kiện đòi chia thừa kế thì cần xem xét các điều kiện để yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thừa kế.

 Bố cô X chết năm 1980. Năm 1987, cô X lập gia đình và được mẹ đẻ cho 1 mảnh đất với diện tích 2000m2. Vợ chồng cô X sử dụng, canh tác trên mảnh đất.

Năm 1988, vợ chồng cô X được nhà nước xây dựng nhà tình thương. Năm 2006, nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (sổ đỏ) đứng tên cô X.

Năm 2020, anh em cô X khởi kiện yêu cầu chia thừa kế với mảnh đất 2000m2 vì cho rằng đó là di sản mà bố cô X để lại. 

Cô X muốn hỏi: Sổ đỏ cô được địa phương cấp có hợp pháp không? Anh em của cô có được quyền yêu cầu thừa kế với mảnh đất 2000m2 không? 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Trước hết, xem xét tình trạng pháp lý với mảnh đất diện tích 2000m2 cô X đang sử dụng, nhận thấy: Mảnh đất 2000m2 cô X được mẹ đẻ cho đã được cô và chồng sử dụng ổn định, liên tục; cùng với đó là tài sản gắn liền với đất là nhà tình thương được xây dựng năm 1988.

Năm 2006, cô X được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Căn nhà được xây dựng trước khi địa phương cấp GCNQSDĐ. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền có thể đã xác lập đồng thời quyền sử dụng với mảnh đất 2000m2 và sở hữu căn nhà tình thương cho cô X. 

Luật đất đai định nghĩa khái niệm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được hiểu là:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Thông qua Giấy CNQSDĐ, Nhà nước đã xác nhận cô X có thể thực hiện các quyền, lợi ích của mình với mảnh đất 2000m2 và căn nhà tình thương được xây dựng trên mảnh đất. GCNQSDĐ là cơ sở pháp lý quan trọng, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của cô X. 

Ngoài ra, chứng cứ chứng minh tính hợp pháp trong quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của cô X còn thể hiện qua việc cô X sử dụng mảnh đất diện tích 2000m2 một cách ngay tình, tiên lục, trong quá trình sử dụng mảnh đất và sở hữu nhà ở không có tranh chấp đến trước năm 2020; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã được cơ quan địa phương cấp hợp pháp. 

Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa: Internet. 

Nghị định 43/2014/ NĐ-CP có hướng dẫn về căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định như sau:

Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định: 

1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).

2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:

a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;

b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;

c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;

d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;

e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;

g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;

h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;

i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;

k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.

Sử dụng đất ổn định là một trong các căn cứ quan trọng để chứng minh quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa: Internet

Trong trường hợp khởi kiện để chia thừa kế mà các đồng nguyên đơn là các anh chị em của cô X, tòa án vẫn sẽ thụ lý. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án, cô X có thể yêu cầu áp dụng thời hiệu mở thừa kế. Bộ Luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu: 

Điều 623. Thời hiệu thừa kế: 

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Tuy nhiên cô X cần lưu ý quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 khi yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, BLTTDS 2015 quy định: 

Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Khi cô X yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án có thể ra phán quyết đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện căn cứ tại Điều 217 BLTTDS 2015.

Về nguyên tắc, trong hoạt động TTDS trách nhiệm chứng minh thuộc về các bên đương sự, tức là anh chị em là đồng thừa kế, đưa ra yêu cầu khởi kiện thì phải có trách nhiệm chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ.

Với cô X, các chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp  trước tiên là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, cùng với đó là các giấy tờ chứng minh việc sử dụng đất ngay tình, ổn định trong suốt thời gian cô sử dụng đất và sở hữu nhà ở. 

Mời bạn nghe tư vấn của Luật sư Nguyễn Hồng Bách đối với tình huống pháp lý của cô X tại đây.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các vấn đề pháp lý

Thời gian đọc: 1 phút
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự trả lời trực tiếp các câu hỏi của độc giả tại Truyền hình Quốc hội về các vấn để liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

>> Ông bà tặng đất cho cháu có phải nộp thuế không?

Ngày 16/4/2021, trong chương trình trực tiếp Tư vấn pháp luật của Truyền hình Quốc hội, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự đã trả lời các câu hỏi của độc giả liên quan Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và các vấn đề pháp lý liên quan.

Đất của tôi nhưng hàng xóm lại trồng cây ăn quả trên đó thì giải quyết như thế nào?

Thời gian đọc: 9 Phút
Hiện nay những trường hợp tự ý trồng cây trên đất của người khác đã không còn quá xa lạ, thường thấy ở những vùng nông thôn. Khi gặp tình huống như vậy thì sẽ giải quyết như thế nào? Có được tự ý chặt cây mà người khác đã trồng lên đất của mình hay không?

Câu hỏi: Kính chào Luật sư, tôi đang có tranh chấp đất đai với nguòi hàng xóm. Tôi xin trình bày vụ việc cụ thể như sau: Khoảng 2 năm trước tôi có mua một mảnh đất ở quê đã được cấp sổ đỏ. Sau đó tôi phải đi ra nước ngoài làm việc. Nay khi tôi về thì thấy hàng xóm trồng cây trên đất của tôi.

Xin hỏi luật sư, vậy trong trường hợp này tôi có quyền chặt cây mà hàng xóm đã trồng không?

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách (hongbach.vn) có ý kiến tư vấn như sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. 

quyền của người sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất. Ảnh minh họa

Tại điều 166 Luật đất đai 2013 quy định quyền của người sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất:

“1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;  

    2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;   

  3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp; 

    4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp; 

    5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; 

    6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này;

    7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.”

Quyền của người sử dụng đất có thể hiểu là khả năng, công việc mà pháp luật cho phép người sử dụng đất được thực hiện những hành vi nhất định trong quá trình sử dụng đất phù hợp với mục đích, hợp lý và đạt hiệu quả kinh tế cao. Bạn tự mình thực hiện những hành vi này mà hoặc có thể thông qua ủy quyền cho người khác thực hiện thay mình. Người khác không có quyền thực hiện những hành vi đó nếu chưa được sự đồng ý cho phép từ bạn. 

Theo thông tin bạn chia sẻ bạn có mua một mảnh đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy bạn được Nhà nước bảo hộ quyền lợi của mình bởi mảnh đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bạn nên bạn có toàn quyền của người sử dụng đất được nêu trên, thực hiện những hành vi pháp luật cho phép trong quá trình sử dụng đất và những chủ thể khác phải tôn trọng quyền năng này của bạn.

Đối chiếu các quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật đất đai 2013 thì việc hàng xóm trồng cây trên đất của bạn là hành vi trái pháp luật bởi họ đã xâm phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của bạn. 

Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ; ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.”

Căn cứ quy định trên bạn có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Những biện pháp này được quy định cụ thể tại điều 11 Bộ luật dân sự 2015:

“Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.

5. Buộc bồi thường thiệt hại.

6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

7. Yêu cầu khác theo quy định của luật.”

Theo điều luật trên, bạn không có quyền chặt cây của người hàng xóm mà chỉ có thể giải quyết tranh chấp theo những phương thức được quy định trong pháp luật dân sự kể trên. Hành vi tự ý chặt cây của bạn sẽ không được coi là phương thức giải quyết hợp pháp bởi về bản chất cây mà hàng xóm trồng trên đất của bạn là tài sản của những người hàng xóm.

Nếu bạn tự ý chặt cây, bạn có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;”

Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự. Với tội danh này sẽ phụ thuộc giá trị tài sản mà bạn hủy hoại tức tùy vào giá trị cây của hàng xóm mà bạn chặt theo đó có các khung hình phạt tương ứng, cao nhất là lên tới 20 năm.  

Tại Điều 166 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền chung của người sử dụng đất thì người sử dụng đất có quyền khiếu nại, tố cáo; khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai. Như vậy trước hết bạn nên thỏa thuận, hòa giải với hàng xóm để đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất. Trường hợp các bên không thống nhất được phương án giải quyết thì bạn có thể gửi đơn tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được can thiệp và giải quyết. Trong vụ việc này thì Cơ quan Công an nơi có thửa đất có trách nhiệm giải quyết vụ việc.

Nếu bạn phát hiện và có căn cứ cho rằng hành vi của hàng xóm là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, bạn có thể tố giác tới cơ quan công an để họ có những biện pháp xác minh, biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của người hàng xóm. Bạn có thể làm đơn tố giác hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan công an. 

Trường hợp tố giác được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố giác phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố giác; họ tên, địa chỉ của bản thân bạn và cách thức liên hệ; hành vi vi phạm pháp luật bị tố giác của người hàng xóm; thông tin của người hàng xóm. Bạn phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố giác. 

Trường hợp bạn đến tố giác trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận sẽ hướng dẫn bạn viết đơn tố giác hoặc ghi lại nội dung tố giác bằng văn bản và yêu cầu bạn ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung nêu trên (Căn cứ Điều 23 Luật tố cáo 2018).

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Địa chỉ: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Chuyển mục đích sử dụng đất doanh nghiệp tư nhân từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở có được không?

Thời gian đọc: 10 Phút
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất là sự thay đổi về mục đích sử dụng đất so với loại đất ban đầu bằng quyết định hành chính trong trường hợp phải xin phép hoặc chỉ cần đăng ký đất đai trong trường hợp không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất doanh nghiệp tư nhân từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở phải chuẩn bị những hồ sơ gì?

Kính chào Luật sư, tôi xin trình bày vụ việc cụ thể như sau: Năm 2002, ông Vũ Mai Hoan (Ninh Bình) lập doanh nghiệp tư nhân chuyên buôn bán lương thực, thực phẩm.

Tháng 7/2002, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất của công ty khác không còn nhu cầu sử dụng giao cho doanh nghiệp của ông Hoan thuê để xây dựng khu chế biến nông sản. Thời hạn thuê đất 45 năm, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Tháng 10/2002, doanh nghiệp của ông Hoan được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.239m2 đất, thời hạn 45 năm, mục đích sử dụng đất là xây dựng khu sản xuất, chế biến nông sản.

Tháng 4/2014, doanh nghiệp ông làm đơn xin cấp đổi Giấy chứng nhận và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới với diện tích 1.236,0m2, mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh, thời hạn đến hết ngày 12/7/2047.
Hiện tại, vị trí đất ở mặt đường thị trấn, bám mặt đường 20m, dài gần 60m; phù hợp với quy hoạch đất ở của huyện.

Ông Hoan hỏi, ông muốn chuyển mục đích sử dụng đất doanh nghiệp tư nhân từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở có được không? Nếu được thì quy trình như thế nào?


Trả lời:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:

Với thông tin ông Hoan đưa ra, tháng 10/2002 doanh nghiệp của ông Hoan được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 1.239m2 đất, mục đích sử dụng đất là xây dựng khu sản xuất, chế biến nông sản. Tháng 4/2014, doanh nghiệp ông làm đơn xin cấp đổi Giấy chứng nhận và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới với diện tích 1.236,0m2, mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Như vậy tại thời điểm trước khi đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở thì đất mà ông Hoan được cấp Giấy chứng nhận thuộc loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Căn cứ điểm đ) khoản 2 điều 10 Luật đất đai 2013 quy định về phân loại đất: “2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;”

Căn cứ điều 52 Luật đất đai 2013 quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất:

“1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.”

Luật đất đai 2013 không quy đinh điều kiện cụ thể để được chuyển mục đích sử dụng đất mà sẽ tùy vào thời điểm thực tế, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt mà cơ quan có thẩm quyền quyết định cho hoặc không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. 

Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất doanh nghiệp tư nhân từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở

Tại khoản 2,3 điều 3 Luật đất đai 2013: 

"2.Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. 

3. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất."

Như vậy với tổng toàn bộ một diện tích đất trên địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh, tổ chức lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, đất sẽ phân ra từng vùng hoặc từng khu gắn với việc sử dụng đất như thế nào ví dụ như chỗ nào là đất nông nghiệp, chỗ nào có khả năng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư...

Kế hoạch sử dụng đất là việc sắp xếp phân chia và sử dụng quy hoạch sử dụng đất nêu trên theo thời gian. Chẳng hạn năm 2020 thì vùng, khu đất nào sẽ được quy hoạch để trở thành khu kinh doanh thương mại, năm 2021 thì vùng nào sẽ quy hoạch thành đất trồng cây lâu năm...

Nhu cầu sử dụng đất trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất thể hiện mong muốn của người sử dụng đất. Do không có hồ sơ chi tiết nên chúng tôi không thể phân tích và đánh giá xem kế hoạch sử dụng đất cũng như nhu cầu sử dụng đất đối với trường hợp của ông Hoan có thỏa mãn điều kiện để chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không. Hơn nữa tùy mục đích chuyển đổi mà cần phải có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Căn cứ điều 57 Luật đất đai 2013:

“1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;”

Với trường hợp của ông Hoan thì diện tích 1.236,0m2 đất ông Hoan đã được cấp Giấy chứng nhận muốn chuyển đổi sang đất ở thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy ông Hoan có thể chuyển mục đích sử dụng đất nhưng phải có quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình về việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở. 

Trình tự thủ tục chuyển đất doanh nghiệp tư nhân từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở:

Bước 1: Để được cấp phép, doanh nghiệp của ông Hoan cần chuẩn bị bộ hồ sơ để nộp đến Phòng tài nguyên và môi trường tỉnh Ninh Bình

Căn cứ điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT hồ sơ gồm có: 

- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới với diện tích 1.236,0m2;

- Biên bản xác minh thực địa;

- Bản sao báo cáo kinh tế - kỹ thuật của doanh nghiệp ông Hoan

- Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất;

- Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai và Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP

- Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.

Bước 2: Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thẩm tra hồ sơ (dựa vào căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất) sau đó trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ thông báo và hướng dẫn người sử dụng đất bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. 

Bước 3: Nộp tiền sử dụng đất 

Căn cứ khoản 2 điều 57 Luật đất đai 2013 đối vơi trường hợp của ông Hoan khi chuyển mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp của ông phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

Bước 4: Nhận kết quả

Căn cứ tại Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì thời hạn giải quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất) 

Trường hợp diện tích 1.236,0m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới mà doanh nghiệp ông Hoan hoạt động kinh doanh đặt tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại tỉnh Ninh Bình thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày. Đối với trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên của ông Hoan là không quá 25 ngày.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403, tầng 4 số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Xây nhà cho con trên mảnh đất vườn có được không?

Thời gian đọc: 3 Phút
Muốn xây nhà trên đất vườn thì cần thủ tục chuyển đổi mục địch sử dụng đất? Tại sao phải cần xin chuyển đổi mục địch sử dụng đất?

Gia đình tôi có mảnh vườn cạnh nhà. Hiện nay tôi muốn xây dựng thêm ngôi nhà cho con trai ra ở riêng trên mảnh vườn đó. Xin hỏi luật sư việc xây nhà trên đất vườn như vậy có được phép hay không?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Đối với câu hỏi của bạn, luật sư có những quan điểm như sau:

Theo quy định tại Điều 6 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất sử dụng đất phải dựa trên nguyên tắc Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”.

Và theo quy định tại Điều 12 về những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm “Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”. Do vậy, đất được công nhận đất vườn là loại đất nông nghiệp cần thực hiện chuyển mục đích sử dụng nếu phù hợp quy hoạch và có đơn đề nghị theo điều 14 Luật Đất đai Luật đất đai 2013: “Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất”.

Do vậy, khi muốn xây dựng nhà ở trên diện tích đât vườn, phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Người sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất và phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. (Điều 57)

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Các thủ tục khi chuyển nhượng mua bán đất và tài sản gắn liền với đất

Thời gian đọc: 6 Phút
Chuyển nhượng giữa các pháp nhân cần những gì? Thủ tục các bước như thế nào?

Câu hỏi : Kính chào luật sư, tôi đang có vấn đề về pháp lý mong luật sư tư vấn cho tôi, nội dung như sau: Công ty tôi đang được UBND thành phố H giao quyền sử dụng 10.000 m2 đất thuê trả tiền liên tục năm, trên đất Công ty tôi đã đầu tư xây dựng một số nhà phục vụ sản xuất đã được UBND thành phố H cấp giấy chứng nhận. Nay Công ty tôi muốn chuyển nhượng lại các tài sản cho đối tác. Như vậy, thủ tục được tiến hành như thế nào? Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách (hongbach.vn) có ý kiến tư vấn như sau:

  1. Tham chiếu luật văn bản
  • Luật đất đai 2013;
  • Nghị định 01/2017 / NĐ — CP ngày 06/01/2017;
  1. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Điều 175 của Luật Đất đai thì người sử dụng đất được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, trong trường hợp này Công ty bạn chỉ có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng các tài sản gắn liền với đất được thuê. Để có thể thực hiện việc chuyển nhượng tài sản trên đất thì Công ty bạn và công ty phía đối tác phải đáp ứng một số điều kiện chung sau đây:

Điều kiện đối với bên bán tài sản:

+ Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định;

+ Đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đã được phê duyệt chấp thuận.

Điều kiện đối với bên mua tài sản:

+  Có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư

+ Có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dự án đầu tư;

+ Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó.

1. Trình tự thủ tục thực hiện.

1.1. Thủ tục chuyển nhượng

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

+ Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng có Văn bản gửi Sở Tài Nguyên và Môi trường xin làm thủ tục chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất (bản chính);

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bản chính;

+ Giấy Đăng ký kinh doanh của bên mua chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (bản sao);

Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định các điều kiện sau:

+ Có đăng ký tài sản trên đất hay không?

+ Đất không có tranh chấp;

+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên đảm bảo thi hành án;

+ Đất có giấy chứng nhận;

+ Trong thời hạn sử dụng đất;

+ Kiểm tra thực tế việc sử dụng đất;

+ Và các điều kiện của bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng như vừa phân tích nêu trên;

Sau khi kiểm tra các điều kiện nêu trên thì Sở TN & MT có văn bản thông báo kết quả thẩm định đủ điều kiện để các bên tổ chức ký hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện thủ tục; đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện thủ tục ký hợp đồng chuyển nhượng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo.

(Thời gian giải quyết: không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.)

2. Thủ tục đăng ký biến động và trình tự giải quyết

Bước 1: Ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản trên đất. Căn cứ Văn bản thông báo kết quả thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường, các bên làm thủ tục lập Hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê theo quy định và chuyển 01 bản Hợp đồng (bản chính) cho Sở Tài nguyên và môi trường trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình UBND Thành phố quyết định thu hồi đất của bên chuyển nhượng, cho đơn vị nhận chuyển nhượng thuê đất để sử dụng cùng công trình đã xây dựng trong thời hạn thuê đất còn lại. (thời gian giải quyết 08 ngày làm việc từ ngày nhận được Hợp đồng)

Bước 3: Sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục liên quan đến Hợp đồng thuê đất gồm: Sau khi người sử dụng đất thực hiện xong các nghĩa vụ quy định tại quyết định cho thuê đất của UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường ký Giấy chứng nhận và thông báo cho tổ chức sử dụng đất trong cùng 01 ngày; thực hiện việc chỉnh lý, cập nhật biến động đất đai vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Thời gian giải quyết: trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Đối với trường hợp có yêu cầu chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thời gian giải quyết không quá mười lăm (15) ngày làm việc.

Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận GCNQSDĐ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, sau khi thực hiện các thủ tục nêu trên, thì công ty của bạn đã hoàn thành việc chuyển nhượng tài sản trên đất cho công ty đối tác thành công.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty chúng tôi, tôi liên quan đến nội dung mà bạn cần tư vấn, nếu cần xác định các thông tin, bạn sẽ phản hồi thông qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn