Bạn đang ở đây

cấp sổ đỏ

Đất khai hoang có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Thời gian đọc: 6 Phút
Đất khai hoang có được cấp quyền sử dụng đất hay không là một vấn đề được nhiều người quan tâm khi họ đang sinh sống và lao động ổn định, lâu dài trên đất khai hoang này.

Thưa luật sư, hộ gia đình nhà tôi có 4ha đất trồng nhãn (đất nông nghiệp) của Hợp tác xã chưa sử dụng. Diện tích đất trên được gia đình tôi khai hoang từ năm 1980 và sử dụng liên tục, không xảy ra tranh chấp, nhưng diện tích đất đó chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đầu năm 2019, một cán bộ xã đến nhà tôi thông báo rằng diện tích 4ha này không có giấy tờ rõ ràng và là đất lấn chiếm nên bị thu hồi và bị xử phạt hành chính.

Tôi rất lo lắng với thông báo của cán bộ xã nên mong muốn nhà nước hợp thức hoá quyền sử dụng diện tích đất trên cho gia đình tôi.

Vậy gia đình tôi có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Nếu được thì gia đình cần làm những thủ tục gì? Xin cảm ơn!


Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

- Luật đất đai 2013

- Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai

Trong trường hợp của bạn luật sư tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 164 Luật Đất đai 2013 quy định về Quản lý đất chưa sử dụng như sau:

“Điều 164. Quản lý đất chưa sử dụng

1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương và đăng ký vào hồ sơ địa chính.”
Ngoài ra nhà nước có những chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư sức lao động, vật tư, tiền vốn để khai hoang, phục hoá, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hoá, vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Căn cứ theo khoản 1 Điều 165 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Điều 165. Đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân các cấp có kế hoạch đầu tư, khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.”

Việc khai hoang mà không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được coi là không hợp pháp. Tuy nhiên, 4ha trồng nhãn của hộ gia đình nhà bạn đã được khai hoang năm 1980 và sử dụng liên tục cho đến nay, không tranh chấp với ai nên hộ gia đình bạn có thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận, công nhận quyền sử dụng đất. 

Việc khai hoang mà không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được coi là không hợp pháp. Ảnh minh họa: Internet.

Theo Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai 2013 quy định về Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất:

“2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

Bên cạnh đó tại Khoản 4, Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai cũng chỉ rõ:

“4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; nếu vượt hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê.”

Trong trường hợp của gia đình bạn do việc sử dụng đất bắt đầu từ năm 1980 nên 4ha đất trồng nhãn thoả mãn điều kiện là đất đã được sử dụng trước ngày 1/7/2004 Quyền sử dụng 4ha đất này của gia đình bà bạn có thể được Nhà nước công nhận nếu như phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp. 

Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình bạn cần tiến hành nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh X hoặc có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn


 

Phải làm gì khi cán bộ địa chính xã "gây khó" khi cấp "sổ đỏ"?

Thời gian đọc: 12 Phút
Khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - sổ đỏ) thì trong một số trường hợp, cơ quan nhà nước lại không cấp sổ đỏ. Vậy do đâu mà người sử dụng đất không được cấp sổ đỏ?

Tôi là Nguyễn Văn D. Năm 1989, tôi có mua 54m2 của UBND xã (có hóa đơn mua bán) tuy nhiên diện tích thực tế sử dụng là 60m2. Cùng năm mua đất, tôi xây nhà trên mảnh đất đó và sinh sống ổn định đến nay.

Tôi thực hiện đầy đủ việc đóng thuế sử dụng với 60m2 đất. Hiện nay, tôi có nhu cầu làm sổ đỏ nhưng UBND xã cho rằng diện tích tôi đang ở là đất công chưa có sổ đỏ nên không cho tôi làm. Vậy làm thế nào để tôi được đứng tên trên mảnh đất mình đang sinh sống.

Chính quyền địa phương có kế hoạch làm cống tại đất nhà tôi, tôi cho rằng nếu làm cống có thể gây nguy hiểm cho gia đình tôi. Tôi phải làm gì?

Ngoài ra tôi có một mảnh đất khác với diện tích 511m2, tôi muốn chuyển nhượng 20m2 cho cháu trai, cán bộ phường yêu cầu phải thuê 1 đơn vị đơn đạc tư nhân mới được thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhưng tôi không đồng ý. Cán bộ phường có được yêu cầu tôi thuê đơn vị đo đạc tư nhân không? 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Thứ nhất, liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Luật Đất đai năm 2013 quy định các điều kiện sau để được cấp GCNQSDĐ: 

Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất: 

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và đất đó không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

3. Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Mảnh đất của ông D mua của UBND xã từ năm 1989, có hóa đơn. Cùng năm đó, ông D xây nhà và sống ổn định trên mảnh đất đến nay. Trong thời gian sử dụng đất ông có đóng thuế đầy đủ. Như vậy, trong trường hợp của ông D: 54m2 đất được sử dụng liên tục; ông D thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính và không có tranh chấp đến thời điểm hiện tại thì mảnh đất đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai.

Đất không giấy tờ phù hợp với quy hoạch, không xâm phạm đến các vấn đề khác, được sử dụng ngay tình, liên tục, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, không có tranh chấp thì sẽ được xem xét để cấp quyền sử dụng. Ảnh minh họa: Internet. 

Theo hóa đơn ông D mua đất diện tích mua là 54m2, tuy nhiên diện tích thực tế đang sử dụng là 60m2, dư 6m2, ông D có thể xem xét quy định sau của Luật Đất đai 2013: 

Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất: 

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, trong trường hợp 6m2 dư ra phù hợp với quy hoạch, không xâm phạm đến các vấn đề khác, được ông D sử dụng ngay tình, liên tục, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, không có tranh chấp thì sẽ được xem xét để cấp quyền sử dụng trên diện tích thực tế mà đang sử dụng. 

Tuy nhiên ông D cần lưu ý, UBND cấp xã không có quyền bán đất. Trong trường hợp này hợp thức hóa các vấn đề nhằm phù hợp với quy định của pháp luật đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích của người đã thực hiện nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước.

Thứ hai, với việc cơ quan chức năng có quy hoạch cống tại mảnh đất của ông D. Trong trường hợp trong quy hoạch xây dựng đường không xâm phạm đến diện tích đất mà ông đang sử dụng thì ông phải tuân thủ các quy định pháp luật về chuyên ngành có liên quan (giao thông đường bộ, đầu tư, xây dựng…) trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp ông D có căn cứ về việc quy hoạch nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp, không đảm bảo an toàn đến quá trình sinh sống trên phần diện tích đất đang sinh sống thì ông có thể kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét. 

Thứ ba, về việc yêu cầu thuê đơn vị tư nhân đo đất của chính quyền địa phương là không đúng. Căn cứ vào Thông tư số 13/2019/TT-BNV thì công chức địa chính phải thực hiện các nhiệm vụ sau: 

Điều 2. Nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã: 

4. Công chức Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc công chức Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã)

b) Trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thu thập thông tin, tổng hợp số liệu, lập sổ sách các tài liệu và xây dựng các báo cáo về đất đai, địa giới hành chính, tài nguyên, môi trường và đa dạng sinh học, công tác quy hoạch, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật. 

Nghị định 43/2014/NĐ-CP, cũng quy định về trách nhiệm của cán bộ địa chính trong trình tự thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp nhất thửa như sau: 

Điều 75. Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất

2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;

c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Việc cán bộ địa chính yêu cầu thuê đơn vị tư nhân sẽ phù hợp trong trường hợp đất có tranh chấp. Trường hợp ông D muốn thực hiện việc chuyển nhượng một phần mảnh đất thì ông làm đơn đề nghị xác định lại diện tích đất ở, cán bộ địa chính sẽ có trách nhiệm phải trực tiếp xuống đo đạc và xem xét diện tích phần chuyển nhượng có đúng theo quy định pháp luật không?

Trường hợp chuyển nhượng 1 phần trên mảnh đất đúng pháp luật thì cán bộ địa lý phải lập một hệ thống về khung thửa, số đo và hướng dẫn ông các thủ tục chuyển nhượng theo luật định. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Diện tích đất được cấp tối đa đối với một "sổ đỏ" tại Hà Nội

Thời gian đọc: 8 Phút
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có một số các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi không có giấy tờ căn cứ theo Điều 101 Bộ Luật Đất đai năm 2013.

Bố mẹ tôi có mua một mảnh đất ở Hà Nội và sử dụng ổn định, không có tranh chấp gì từ năm 1998 đến nay nhưng chưa có sổ đỏ, diện tích khoảng 500m2.

Hiện tại, tôi muốn làm sổ nhưng khi mang hồ sơ lên xã, cán bộ xã yêu cầu tôi phải tách thửa, làm 2 quyển sổ đỏ khác nhau. Xin hỏi luật sư tại sao mảnh đất trên lại phải tách thửa và việc tách thửa có làm tăng thêm phí sổ đỏ không.

Tôi xin cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

Luật Đất đai 2013;

Quyết định số 20/2017/QĐ – UBND thành phố Hà Nội;

Diện tích tối đa được cấp sổ đỏ là gì?

Về vấn đề này, hiện nay Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan không có quy định về diện tích tối đa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là bao nhiêu. Trong trường hợp người sử dụng đất sử dụng một thửa đất mà nếu thửa đất đó đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) theo quy định pháp luật thì sẽ được cấp GCN cho toàn bộ diện tích đất này.

Mặt khác, pháp luật chỉ có quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở. Tức là, có thể hiểu rằng người sử dụng đất có thể được cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích mà mình đang sử dụng nhưng trong số đó, diện tích đất ở chỉ được công nhận trong một hạn mức nhất định, tránh tình trạng hiểu lầm rằng sử dụng bao nhiêu đất sẽ được công nhận bấy nhiêu là đất ở.

Điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa)

Điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Luật hiện hành chia điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thành 02 trường hợp, đó là: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có một số các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi không có giấy tờ căn cứ theo Điều 101 Bộ Luật Đất đai năm 2013 có quy định như sau:

Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Như vậy, căc cứ từ những quy định tên, người sử dụng đất không có giấy tờ được quy định tại điều 100 luật đất đai 2013 được cấp GCNQSDĐ khi có đủ các điều kiện sau đây:

Đối với đất nông nghiệp:

Đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014;

Có hộ khẩu thường trú tại địa phương;

Trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn,

Được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.

Đối với đất ở:

Đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004;

Không vi phạm pháp luật về đất đai

Được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.

Hạn mức tối đa khi làm sổ đỏ tại Hà Nội

Căn cứ từ những phân tích ở trên, hiện nay không có quy định nào về diện tích tối đa được cấp sổ đỏ, do đó, với thửa đất gia đình bạn đang sử dụng nếu đủ điều kiện cấp sổ đỏ theo quy định trên thì bạn hoàn toàn có thể xin cấp sổ toàn bộ cho diện tích đất này.

Tuy nhiên, trong số diện tích đất trên sẽ không được công nhận toàn bộ là đất ở, diện tích đất ở chỉ được công nhận theo hạn mức do UBND thành phố quy định hoặc nếu được công nhận toàn bộ là đất ở thì già đình sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế cao hơn đối với phần diện tích trong hạn mức. Quy định về hạn mức, công nhận quyền sử dụng đất tại Hà Nội được quy định tại Quyết định 20/2017/QĐ – UBND.

Vậy căn cứ quy định trên, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất tại Hà Nội được quy định theo từng khu vực với các mức cụ thể là: 90m2, 120m2, 180m2, 240m2 và 300m2. 

Do đó, trong trường hợp của bạn, mặc dù diện tích đất gia đình bạn đang sử dụng là 500m2, tuy nhiên khi cấp sổ đỏ sẽ chỉ được cấp 90, 120, 180, 240 hoặc 300m2 là đất ở theo hạn mức của UBND thành phố quy định. Nếu bạn muốn được công nhận toàn bộ diện tích này là đất ở thì phải có đơn đề nghị và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính lớn hơn.

Và cũng không có quy định nào về việc người sử dụng đất bắt buộc phải tách thửa đất khi cấp sổ đỏ. Bạn có thể trao đổi với UBND xã để biết lý do yêu cầu gia đình bạn tách thửa đất là gì? Căn cứ quy định nào?

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:
 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn