Câu hỏi: Xin chào luật sư! Mong luật sư giải đáp cho tôi vướng mắc pháp lý sau đây: Trong thời gian gần đây tôi thấy các giao dịch mua bán hoa lan đột biến diễn ra sôi động với những giao dịch hoa lan cả trăm tỷ đồng. Vậy, Cơ quan thuế có thể thu được những khoản thuế nào liên quan đến các giao dịch hoa lan đột biến này?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng vào các dịch vụ pháp lý do Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự cung cấp trong thời gian vừa qua. Với nội dung bạn đang vướng mắc Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:
Thời gian vừa qua trên cả nước diễn ra một số thương vụ mua bán hoa lan đột biến có giá cả tới trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tiến hành xác minh thông thì lại khẳng định các giao dịch này là không có thật, không có việc mua bán, thậm chí một số đối tượng còn bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy, giả sử các giao dịch liên quan đến lan đột biến có thật thì hiện nay, vấn đề về xác định thuế đối với các giao dịch chuyển quyền lan đột biến vẫn còn rất nhiều tranh cãi liên quan đến việc này. Bởi:
Thứ nhất, cần khẳng định cây lan đột biến là sản phẩm có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó tại Thông tư 111/2013TT-BTC hướng dẫn về luật thuế thu nhập cá nhân có xác định một số trường hợp miễn thuế đối với việc chuyển nhượng sản phẩn từ nông nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
e.1) Có quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, quyền sử dụng mặt nước, quyền thuê mặt nước hợp pháp để sản xuất và trực tiếp tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản.
e.2) Thực tế cư trú tại địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn này là quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là đơn vị hành chính cấp huyện) hoặc huyện giáp ranh với nơi diễn ra hoạt động sản xuất.
e.3) Các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng đánh bắt thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc mới chỉ sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.
Như vậy, đối chiếu quy định nêu trên, nếu người trồng lan trực tiếp mang bán cho người khác thì không phải chịu thuế thu nhập phát sinh từ hoạt động giao dịch chuyển quyền này.
Thứ hai, tại khoản 5 điều 5 Thông tư 219 /2013 TT-BTC quy định về trường hợp phải nộp thuế đối với sản phẩm nông nghiệp khi chuyển nhượng như sau:
Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
Trong khi đó tại khoản 1 điều 3 Nghị định 29/2007 NĐ-CP quy định về các trường hợp cá nhân hoạt động thương mại không phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh như sau:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Như vậy, theo chúng tôi nhận định vấn đề pháp lý mấu chốt đặt ra ở đây khi nhà nước muốn thu thuế đối với hoạt động chuyển quyền đối với lan đột biến là vấn đề xác định mục đích lợi nhuận trong các thương vụ mua bán lan của những người kinh doanh lan thì đã rõ. Nhưng ở đây các Cơ quan chức năng có xác định được người mua bán hoa lan có là đối tượng cá nhân kinh doanh được điều chỉnh theo Luật Thương mại, và luật doanh nghiệp hay không lại là một vấn đề đáng bàn luận và nếu không thì những người buôn bán lan có thuộc các trường hợp được quy định tại Nghị định 29/2007/NĐ-CP hay không? Như vậy, đang có sự xung đột giữa các quy phạm pháp luật về điều chỉnh vấn đề cá nhân kinh doanh giữa các Văn bản pháp luật (Nếu xác định được cá nhân kinh doanh thì thuế suất tính thuế thu nhập cá nhân sẽ là 0,5% tổng giá trị giao dịch theo điểm a khoản 3 điều 10 Luật sửa đổi các luật về thuế 2014).
Đối với việc xuất hóa đơn GTGT của người bán hàng không được coi là thương nhân sẽ được thực hiện theo quy định tại điều 13 của thông tư 39/2014/TT-BTC. Cụ thể:
1. Cơ quan thuế cấp hóa đơn cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.
Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn.
Như vậy, để tính thuế và xác định các nghĩa vụ tài chính đối với các giao dịch về chuyển quyền lan đột biến (nếu có) cũng không phải là vấn đề đơn giản đối với các Cơ quan chức năng và tất yếu cần đặt ra đối với các Cơ quan chức năng là cần phải sửa đổi, bổ sung quy phạm pháp luật để kịp thời điều chỉnh các quan hệ pháp luật này.
Nếu còn những vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý này bạn phản hồi với Công ty chúng tôi qua địa chỉ:
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403, tầng 4 số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn