Bạn đang ở đây

hợp đồng lao động

Công ty được quyền cho người lao động nghỉ việc với lý do đi bộ đội ?

Thời gian đọc: 5 Phút
Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự có được coi là căn cứ cho nghỉ việc? Pháp luật quy định trường hợp nào người lao động được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Thưa luật sư trong thời gian qua tôi là lao động của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây Ban chỉ huy quân sự địa phương có giấy báo tôi nhập ngũ. Lấy lý do này, ban lãnh đạo Công ty đã cho tôi nghỉ việc để đi bộ đội. Tôi không đồng tình với lý do cho nghỉ của Ban lãnh đạo Công ty, Luật sư cho tôi hỏi Ban lãnh đạo Công ty cho tôi nghỉ có đúng quy định pháp luật hay không? Xin cảm ơn luật sư !

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Theo đó, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân đủ 18 tuổi đến 25 tuổi sẽ phải thực hiện đi nghĩa vụ Quân sự. Đối với sinh viên đang theo học chính quy tại các trường Đại học hay Cao đẳng thì có thể tạm hoãn đến năm 27 tuổi.

Người lao động có thể được xét tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự trong một số trường hợp đặc biệt. Ảnh minh họa:Internet. 

Đối với người đang có hợp đồng lao động thì vẫn có thể được xét tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự nếu thuộc vào các diện sau:

- Người lao động là lao động duy nhất trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân bị mất khả năng lao động hoặc thân nhân chưa đến tuổi lao động.

- Người lao động là lao động duy nhất trong gia đình bị thiệt hại nặng nề về tài sản và người trong các thiên tai, tai nạn, dịch bệnh nguy hiểm. Điều này phải được xác nhận bởi Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Có xác nhận chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ. Bản xác nhận này phải được Hội Đồng khám sức khỏe nghĩa vụ cấp.

- Lao động thuộc diện di dân, giãn dân đến các xã đặc biệt khó khăn theo các dự án về kinh tế – xã hội của Nhà Nước, có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên cấp.

- Người lao động là cán bộ, viên chức, công chức, thanh niên xung phong được lệnh điều động đến công tác tại các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

- Người lao động có anh chị em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ hoặc là hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân.

- Người lao động là con của liệt sĩ hoặc thương binh hạng 1.

Đồng thời, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 30 Bộ luật lao động 2019 thì đối tượng Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự thuộc một trong các trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Cụ thể:

Điều 30. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

Như vậy, việc Ban lãnh đạo Công ty cho bạn nghỉ với lý do bạn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự là sai. Bạn có thể yêu cầu Công ty thanh toán cho mình các chế độ theo quy định của pháp luật do Ban lãnh đạo Công ty đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái các quy định pháp luật. Trường hợp các Bên không thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp thì bạn có thể khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Chuyển từ hợp đồng lao động xác định thời hạn sang hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người lao động có bị thiệt?

Thời gian đọc: 9 Phút
Liệu người lao động có bị thiệt khi ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn? Người sử dụng lao động có được tự ý sa thải người lao động?

Kính chào Luật sư! Tôi được công ty báo sẽ ký hợp đồng lao động không thời hạn sau 4 năm làm việc nhưng nhiều người khuyên không nên đồng ý. Họ nói rằng, khi ký hợp đồng lao động vô thời hạn, công ty có thể đuổi việc tôi bất cứ khi nào mà không vi phạm luật lao động.

Tôi lại cứ nghĩ mình được ký hợp đồng không thời hạn, có nghĩa đã được công ty coi như "người nhà", các chế độ đãi ngộ cũng sẽ tốt hơn các nhân viên hợp đồng một năm, ba năm khác.

Vậy bản chất của hợp đồng lao động vô thời hạn là gì? Bạn tôi nói có đúng không? Những ưu và nhược điểm của việc ký hợp đồng lao động vô thời hạn với công ty có thể gặp phải là gì? Mong luật sư tư vấn cho tôi. 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Trước tiên, bạn cần phải tìm hiểu khái niệm của hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn. Bộ Luật Lao động (BLLĐ) 2019 đưa ra định nghĩa về hai loại hợp đồng này như sau: 

Điều 20. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Như vậy điểm khác biệt lớn nhất của hai loại hợp đồng lao động (HĐLĐ) này nằm ở thời hạn, thời điểm chấm dứt hợp đồng. Với hợp đồng xác định thời hạn, thì bắt buộc không quá 36 tháng, tức 3 năm, người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải kí lại một hợp đồng lao động mới.

Khi HĐLĐ đầu tiên là hợp đồng xác định thời hạn hết hiệu lực, nếu muốn tiếp tục làm việc, bạn và NSDLĐ chỉ được phép kí tối đa 2 HĐLĐ xác định thời hạn nữa. Cần lưu ý luật bắt buộc các bên phải kí hợp đồng lao động không thời hạn khi 2 hợp đồng này hết hiệu lực 

Điểm khác biệt lớn nhất của hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn
nằm ở thời hạn, thời điểm chấm dứt hợp đồng. Ảnh minh họa:Internet

Thứ hai, về quyền lợi của NLĐ, dù thực hiện lao động theo HĐLĐ xác định thời hạn hay không xác định thời hạn thì NLĐ cũng được hưởng có quyền lợi như nhau theo quy định tại Điều 5 BLLĐ 2019: 

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

1. Người lao động có các quyền sau đây:

a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

e) Đình công;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, BLLĐ 2019 quy định về đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ như sau: 

Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Do đó, không phụ thuộc vào HĐLĐ xác định thời hạn hay HĐLĐ không xác định thời hạn, NSDLĐ không được phép tự ý chấm dứt hợp đồng với NLĐ khi không có lí do. Đồng thời, khi có căn cứ để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì NSDLĐ cũng cần phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục của BLLĐ 2019 và các văn bản liên quan. 

Ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn giúp người lao động được tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm. Ảnh minh họa: Internet

Thứ tư, về ưu điểm của hợp đồng không xác định thời hạn với hợp đồng xác định thời hạn thì theo quan điểm của Luật sư: 

Ưu điểm đầu tiên của hợp đồng này là do không xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng nên bạn không phải quan tâm nhiều đến thời hạn hợp đồng và cũng không phải kí nhiều hợp đồng lao động với NSDLĐ. 

Ưu điểm thứ hai của hợp đồng lao động không xác định thời hạn là bạn được tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm như: Bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp; Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu có); Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn thì việc tham gia bảo hiểm phụ thuộc và thời hạn của hợp đồng. Với một số loại bảo hiểm như Bảo hiểm thất nghiệp thì bắt buộc hợp đồng lao động phải có thời hạn từ 12 tháng trở lên. 

Từ những phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy bạn không cần phải lo lắng khi kí kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với NSDLĐ. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Có được hoãn Hợp đồng lao động khi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không?

Thời gian đọc: 4 Phút
Đang làm tại công ty đã được 2 năm thì nhận được lệnh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trường hợp này có được tạm hoãn hợp đồng lao động không?

Bạn Hải Nam có câu hỏi gửi đến Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự mong muốn được tư vấn. Câu hỏi như sau: Hiện tại em đang làm việc ở một Công ty liên doanh Việt Nam - Hàn Quốc liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa về nông sản. Em làm tại Công ty được 02 năm thì mới đây em nhận được lệnh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Em muốn hỏi trường hợp của em có được tạm hoãn hợp đồng lao động theo quy định pháp luật không? Và sau khi em hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, quy trở về em có được Công ty tại nơi em làm việc hiện tại nhận em trở lại làm việc không khi Hợp đồng lao động vẫn còn thời hạn làm việc chưa kết thúc?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:

1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;

đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Và cũng căn cứ theo quy định tại Điều 31 Bộ luật lao động năm 2019 quy định cụ thể như sau:

Điều 31. Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, trường hợp của bạn Hải Nam được hoãn hợp đồng lao động theo quy định nêu trên. Tuy nhiên, trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, bạn Hải Nam không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác. Ngoài ra, bạn Hải Nam sau khi quay trở lại làm việc các chế độ, tiền lương, vị trí công việc của người lao động vẫn được giữ nguyên.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Website: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Đòi giữ bằng, chứng chỉ gốc của người lao động, doanh nghiệp có thể bị phạt đến 25 triệu đồng

Thời gian đọc: 6 Phút
Bằng cấp, chứng chỉ là một trong các loại giấy tờ nhân thân thuộc quyền sở hữu của cá nhân, được pháp luật bảo vệ.

Bạn Thùy Trang ở Hà Nội hỏi: Tôi mới được nhận vào công ty. Công ty yêu cầu trước khi vào làm tôi phải nộp bằng đại học và tất cả các chứng chỉ gốc của tôi cho công ty, công ty sẽ giữ bằng của tôi trong vòng 3 năm sau đó mới trả lại. Đây là lần đầu tiên tôi thấy có công ty yêu cầu như vậy. Thưa luật sư, việc công ty yêu cầu tôi như vậy thì có đúng không, pháp luật có quy định nào về việc này không?

Luật Hồng Bách xin cảm ơn sự quan tâm của Qúy khách hàng đã tin tưởng và sử dụng các dịch vụ pháp lý do Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự cung cấp. Với nội dung câu hỏi của bạn Hongbach.vn có quan điểm tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý 

- Luật lao động 2019

- Nghị định 28/2020/NĐ-CP

Bằng cấp, chứng chỉ là một trong các loại giấy tờ nhân thân thuộc quyền sở hữu của cá nhân và được pháp luật bảo vệ

Hiện nay, nhiều công ty yêu cầu người lao động trước khi được vào làm việc phải nộp chứng chỉ bằng cấp gốc của mình cho công ty, công ty sẽ giữ bằng của người lao động trong vòng 1 năm, 2 năm,.. nhằm mục đích giữ chân người lao động, không để cho người lao động trong công ty chuyển việc gây xáo trộn trong nhân sự, mất thời gian tuyển dụng và đào tạo. 

Đòi giữ bằng, chứng chỉ gốc của người lao động, doanh nghiệp có thể bị phạt đến 25 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Nhiều người lao động sau khi nộp chứng chỉ bằng cấp gốc đã gặp nhiều các rắc rối như không thể rời khỏi công ty, phải lệ thuộc và buộc phải thực hiện các công việc theo yêu cầu của công ty nếu như muốn lại được giấy tờ. 

Điều 17 Luật lao động 2019 quy định về Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Điều 165 Luật lao động 2019 quy định về Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động

1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

Theo các quy định trên, hành vi người sử dụng lao động Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động là trái với quy định của pháp luật. Người sử dung lao động Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động như sau:

Điều 8. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, đơn vị người sử dụng lao động không được phép giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, nếu thực hiện sẽ bị phạt tiền trong mức từ 20 triệu đến 25 triệu đồng đồng thời phải thực hiên biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Thời gian đọc: 4 Phút
Cách tính những ngày người lao động không được làm việc theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019.

Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động mà người lao động đã có công việc mới, đóng bảo hiểm xã hội trước khi khởi kiện vụ án lao động hoặc trước khi Tòa án xét xử thì ngày người lao động không được làm việc quy định tại Điều 41 BLLĐ năm 2019 được hiểu là tính đến ngày Tòa án ra bản án hay đến ngày người lao động có công việc mới? (Bạn Hoàng Hải Hà ỏ Hoàng Mai, Hà Nội hỏi).

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý.

Bộ luật lao động 2019.

Cách tính những ngày người lao động không được làm việc theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019. 

Các nội dung cần chú ý

Khoản 1 Điều 41 BLLĐ năm 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định chi tiết hoặc hướng dẫn về cách tính những ngày người lao động không được làm việc trong trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, có thể tham khảo cách tính những ngày người lao động không được làm việc tại Giải đáp số 6183/VKSNDTC-V14 ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp vướng mắc về pháp luật dân sự, hành chính như sau:

Trường hợp người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nhưng họ đã có công việc mới, đóng bảo hiểm xã hội trước khi khởi kiện hoặc trước khi Tòa án xét xử thì những ngày người lao động không được làm việc trong quy định trên được hiểu là tính đến ngày người lao động có công việc mới.

Về bản chất, khoản tiền người sử dụng lao động phải trả cho người lao động trong những ngày người lao động không được làm việc trong trường hợp này là khoản tiền bồi thường thiệt hại cho người lao động bị giảm thu nhập do hành vi trái pháp luật của người sử dụng lao động gây ra. Trong khi đó, về nguyên tắc, pháp luật luôn đòi hỏi chủ thể có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình. Việc tính những ngày người lao động không được làm việc đến ngày Tòa án ra bản án có thể dẫn đến việc người lao động lợi dụng quy định, cố tình không tìm việc làm mới để được người sử dụng lao động bồi thường.

Do vậy, chúng tôi cho rằng nội dung giải đáp trên của Vụ 14 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là có cơ sở và có thể vận dụng để giải quyết câu hỏi của bạn./.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Doanh nghiệp cần có trách nhiệm gì đối với người lao động khi ngừng hoạt động vì Covid-19?

Thời gian đọc: 6 Phút
Do dịch bệnh nhiều công ty phải ngừng hoạt động. Doanh nghiệp và người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp?

Do dịch bệnh nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Vậy doanh nghiệp cần phải có các trách nhiệm như thế nào đối với người lao động? Đồng thời người lao động cần làm gì để bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình thưa luật sư?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 36 Luật Lao động 2019 quy định về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:

Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.

Như vậy doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động khi phải di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

 Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động số ngày nhất định tùy theo hợp đồng lao động đã ký với người lao động theo quy định của pháp luật.

 Về câu hỏi Để đảm bảo quyền lợi của mình, ngươi lao động cần nắm rõ được những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ  người lao động, nhận biết  được những hành vi đơn phương chấm dứt hợp dồng lao động trái pháp luật từ đó có cơ sở để đòi lại quyền lợi của mình

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Án lệ số 20: Về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc

Thời gian đọc: 21 Phút
Án lệ số 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.

Án lệ số 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 01/2017/LĐ-GĐT ngày 09-8-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án lao động “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” tại tỉnh Bình Thuận giữa nguyên đơn là ông Trần Công T với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn L (đại diện theo pháp luật là ông H).

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 2, 3 phần “Nhận định của Toà án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Người sử dụng lao động có thư mời làm việc với nội dung xác định loại hợp đồng lao động và thời gian thử việc. Người lao động đã thử việc theo đúng thời gian thử việc trong thư mời làm việc.

Hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không có thoả thuận nào khác.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, phải xác định người lao động và người sử dụng lao động đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29 của Bộ luật Lao động năm 2012.

Từ khóa của án lệ:

“Thử việc”; “Thời gian thử việc”; “Thư mời làm việc”; “Không ký hợp đồng lao động khi hết thời gian thử việc”; “Hợp đồng lao động”.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Ông Trần Công T làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn L - Siêu thị L - Chi nhánh B từ ngày 09-9-2013 theo Thư mời làm việc ngày 20-8-2013 của Công ty trách nhiệm hữu hạn L. Theo nội dung thư mời làm việc, ông T làm việc với vị trí Trưởng bộ phận phi thực phẩm, loại hợp đồng lao động: Xác định thời hạn (12 tháng hoặc hơn), thời gian thử việc: 02 tháng, tổng lương gộp trong thời gian thử việc: 15.300.000 VNĐ, mức lương chính hàng tháng: 12.600.000 VNĐ, phụ cấp hàng tháng là 5.400.000 VNĐ.

Ông T bắt đầu làm việc từ ngày 09-9-2013. Hết thời gian thử việc 02 tháng (từ ngày 09-9-2013 đến ngày 09-11-2013), ông T vẫn tiếp tục làm việc. Ngày 19-12-2013, ông T nghỉ việc. Ngày 28-12-2013, Phòng Nhân sự Công ty trách nhiệm hữu hạn L có giấy mời ông T đến Công ty họp và lập “Biên bản thỏa thuận V/v: Kết thúc hợp đồng lao động trước thời hạn”.

Ông T ghi ý kiến vào biên bản nội dung: Không đồng ý việc giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 29-12-2013, Công ty trách nhiệm hữu hạn L ra Quyết định số 15/QĐKL- 2013 với nội dung đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Trần Công T, với lý do: Thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng; thời hạn chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 28-12-2013. Ngày 06-01-2014, ông T nhận được Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nói trên.

Ngày 24-02-2014, ông Trần Công T có đơn khởi kiện về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, với các yêu cầu:

1. Hủy Quyết định số 15/QĐKL-2013 ngày 29-12-2013 của Công ty trách nhiệm hữu hạn L về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông.

2. Yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn L phải thanh toán các khoản tiền sau:

- Tiền vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày, số tiền 27.000.000 đồng.

- Bồi thường 02 tháng lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 36.000.000 đồng, Công ty đã chi trả 19.466.000 đồng, nay Công ty còn phải trả 16.534.000 đồng.

- Trả tiền công làm thêm giờ trong 45 ngày, số tiền 48.150.000 đồng.

- Trả tiền công của những ngày đã làm việc chưa được nghỉ phép năm là 11 ngày, số tiền là 6.600.000 đồng.

- Thanh toán tiền công những ngày đã làm việc nhưng chưa được nghỉ bù là 11 ngày, số tiền là 6.600.000 đồng.

- Thanh toán tiền lương còn thiếu của tháng 11 và tháng 12, theo mức lương 18.000.000 đồng/tháng, số tiền 5.400.000 đồng.

- Trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tổng cộng là 24.696.000 đồng.

-Tiền bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 42 Bộ luật Lao động, tính từ tháng 01-2014 đến ngày xét xử, mỗi tháng 18.000.000 đồng. Tạm tính là 07 tháng, số tiền là 126.000.000 đồng.

- Bồi thường tổn thất tinh thần do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Người đại diện theo ủy quyền của Công ty trách nhiệm hữu hạn L cho rằng: Lý do Công ty trách nhiệm hữu hạn L chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T là do ông T thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng; cụ thể là: Sau thời gian thử việc 02 tháng, theo Bản kế hoạch và đánh giá thành tích ngày 10-11-2013, nhận thấy ông T chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc với nhiệm vụ là Trưởng bộ phận ngành phi thực phẩm nên Giám đốc siêu thị L- Chi nhánh B đã quyết định cho ông T thử việc thêm 01 tháng để tạo điều kiện cho ông T hoàn thành nhiệm vụ và để có thêm thời gian đánh giá năng lực của ông T. Việc kéo dài thời gian thử việc vì lý do: Đến ngày 05-12-2013, Siêu thị L - Chi nhánh B mới chính thức khai trương. Tuy nhiên, qua thời gian thử việc thêm 01 tháng, ngày 12-12-2013, Trưởng bộ phận giám sát bán hàng Siêu thị L - chi nhánh B đánh giá ông T không đạt yêu cầu, đề nghị có kế hoạch thay ông T.

Ngày 24-12-2013, tại Biên bản cuộc họp số 10 về việc họp đánh giá hiệu quả công việc ngành hàng phi thực phẩm do ông T phụ trách, Giám đốc Siêu thị L - Chi nhánh B đã: “Đề xuất Ban Giám đốc thay thế ông T bằng một người có kinh nghiệm trong việc quản lý ngành hàng phi thực phẩm ”.

Ngày 28-12-2013, Công ty có thư mời ông T đến tham dự cuộc họp bàn về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Tại Biên bản họp về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, Công ty đánh giá ông T như sau: “Xét quá trình làm việc của ông T từ ngày 9-9-2013 – 19-12-2013 (kể cả thời gian thử việc 02 tháng), Công ty đánh giá ông T không phù hợp với vị trí công việc hiện đang làm (kèm bảng đánh giá của Giám đốc Siêu thị L - Chi nhánh B ), nay Công ty thỏa thuận chấm đứt hợp đồng và thực hiện việc thanh toán ngày công, ngày nghỉ nếu có và bồi thường 01 tháng tiền lương cho thời gian báo trước”, ông T không đồng ý với đánh giá của Công ty.

Cùng ngày 28-12-2013, Công ty trách nhiệm hữu hạn L lập biên bản thỏa thuận về việc kết thúc hợp đồng lao động trước thời hạn đối với ông T. Công ty thông báo ông T sẽ chấm dứt làm việc tại Công ty bắt đầu kể từ ngày 28-12-2013; Công ty sẽ thanh toán tất cả các khoản lương, tiền phép và chi trả 01 tháng lương thay cho thời gian báo trước. Ông T không đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Phía công ty cho rằng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T là đúng quy định của Bộ luật Lao động. Công ty đã chi trả cho ông T 01 tháng lương cho thời gian báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông T, Công ty đồng ý trả cho ông T tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà Công ty phải đóng trong 02 tháng (sau khi hết thời gian thử việc), với số tiền là 5.292.000 đồng và 11 ngày ông T làm việc chưa được nghỉ bù là 6.600.000 đồng. Các yêu cầu bồi thường khác của ông T, Công ty không đồng ý.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2014/LĐ-ST ngày 12-8-2014, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã quyết định:

Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Trần Công T đối với yêu cầu hủy quyết định số 15/QĐKL-2013 ngày 29-12-2013 của Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn L, về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T.

Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - ông Trần Công T đối với yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn L phải bồi thường và thanh toán các khoản tiền lương; tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian ông T không được làm việc tại Siêu thị L - Chi nhánh B.

Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty trách nhiệm hữu hạn L về việc: Công ty trách nhiệm hữu hạn L chi trả và hỗ trợ cho ông T khoản tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trong 02 tháng (tháng 11 và tháng 12), với số tiền là 5.292.000 đồng; khoản tiền của 11 ngày ông T làm việc chưa được nghỉ bù là 6.600.000 đồng. Tổng cộng 02 khoản trên, Công ty trách nhiệm hữu hạn L phải chi trả cho ông T với số tiền là: 11.892.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 26-8-2014, ông Trần Công T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại Bản án lao động phúc thẩm số 01/2015/LĐ-PT ngày 13-4-2015, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

Ngày 07-4-2016, ông Trần Công T có đơn đề nghị xem xét lại Bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định số 04/2016/KN-LĐ ngày 26-12-2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án lao động phúc thẩm số 01/2015/LĐ-PT ngày 13-4-2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án lao động phúc thẩm số 01/2015/LĐPT ngày 13-4-2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án lao động sơ thẩm số 01/2014/LĐ-ST ngày 12-8-2014 cùa Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Về thẩm quyền giải quyết vụ án:

[1] Theo quy định tại Điều 34, Điều 35, Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là ông Trần Công T với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn L thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật.

Về xác định quan hệ lao động:

[2] Ông Trần Công T vào làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn L theo Thư mời nhận việc ngày 20-8-2013 với nội dung: “Loại hợp đồng lao động: Xác định thời hạn (12 tháng hoặc hơn). Thời gian thử việc: 02 tháng. Hết thời gian thử việc (từ ngày 09-9-2013 đến ngày 09-11-2013), ông T không nhận được thông báo kết quả thử việc nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Công ty trách nhiệm hữu hạn L cho rằng sau 02 tháng thử việc, ông T không đáp ứng được yêu cầu của công việc, nên Công ty đã quyết định cho ông T thử việc thêm 01 tháng để tạo điều kiện cho ông T hoàn thành nhiệm vụ và để có thêm thời gian đánh giá năng lực của ông T. Tuy nhiên, không có tài liệu nào thể hiện giữa ông T và Công ty trách nhiệm hữu hạn L đã có thỏa thuận với nhau về việc kéo dài thời gian thử việc.

[3] Khoản 1 Điều 27 Bộ luật Lao động quy định thời gian thử việc “Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên". Tại Bản tự khai ngày 14-6-2014, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn L trình bày: “Công ty hiểu rõ rằng, sau khi kết thúc thời gian thử việc (60 ngày) nếu chưa ký HĐLĐ thì người lao động được làm việc chính thức theo loại hợp đồng xác định thời hạn 12 tháng”. Như vậy, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn L thừa nhận rằng sau khi hết thời gian thử việc, ông T đã trở thành người lao động chính thức theo hợp đồng lao động có thời hạn là 12 tháng. Trên thực tế, Công ty trách nhiệm hữu hạn L đã thương lượng với ông T về việc chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 28-12-2013; khi thương lượng không có kết quả, ngày 29-12-2013 Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn L ra Quyết định số 15/QĐKL-2013 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T. Do đó, có đủ cơ sở để khẳng định quan hệ giữa ông T với Công ty trách nhiệm hữu hạn L sau khi hết thời gian thử việc là quan hệ hợp đồng lao động.

Về tính hợp pháp của việc chấm dứt hợp đồng lao động:

[4] Công ty trách nhiệm hữu hạn L đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Trần Công T ngày 29-12-2013; lý do chấm dứt hợp đồng lao động là “Thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động”, thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012. Tại thời điểm Công ty trách nhiệm hữu hạn L đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông T, pháp luật lao động không có quy định nào được áp dụng làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

[5] Trước khi Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực, căn cứ để xác định người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09-5-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, như sau:

“1. Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục.

Mức độ không hoàn thành công việc được ghi trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động của đơn vị.”

Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09-5-2003 của Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2013. Tuy nhiên, quy định tại khoản 1 Điều 12 nêu trên không trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Lao động nên được áp dụng làm căn cứ giải quyết vụ án.

[6] Công ty trách nhiệm hữu hạn L xuất trình bản Mô tả công việc, Thông báo nhắc nhở vi phạm ngày 06-12-2013 và Thông báo nhắc nhở vi phạm ngày 16-12-2013, Bảng kế hoạch và đánh giá thành tích ngày 12-12-2013 và căn cứ vào các tài liệu này để cho rằng ông T không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Ông T cho rằng ông không được giao bản mô tả công việc, không nhận được 02 thông báo nhắc nhở của Công ty. Phía Công ty trách nhiệm hữu hạn L không cung cấp được chứng cứ chứng minh là ông T đã được Công ty giao bản mô tả công việc và thư nhắc nhở vi phạm. Như vậy, chứng cứ do Công ty trách nhiệm hữu hạn L cung cấp chưa đủ cơ sở để xác định ông Trần Công T thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 44/2003/ND-CP ngày 09-5-2003 của Chính phủ.

[7] Sau khi hết thời gian thử việc, Công ty trách nhiệm hữu hạn L chưa ký kết hợp đồng lao động với ông Trần Công T; Công ty cũng chưa có thỏa ước lao động tập thể, chưa có nội quy lao động. Do đó, không có căn cứ để đánh giá mức độ không hoàn thành công việc của người lao động. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết luận ông Trần Công T thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T là không có căn cứ.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 343, khoản 1, khoản 2 Điều 345 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm số 04/2016/KN-LĐ ngày 26-12-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; huỷ toàn bộ Bản án lao động phúc thẩm số 01/2015/LĐ-PT ngày 13-4-2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án lao động sơ thẩm số 01/2014/LĐ-ST ngày 12-8-2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận về vụ án tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là ông Trần Công T và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn L.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[2] Ông Trần Công T vào làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn L theo Thư mời nhận việc ngày 20-8-2013 với nội dung: “Loại hợp đồng lao động: Xác định thời hạn (12 tháng hoặc hơn). Thời gian thử việc: 02 tháng. Hết thời gian thử việc (từ ngày 09-9-2013 đến ngày 09-11-2013), ông T không nhận được thông báo kết quả thử việc nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Công ty trách nhiệm hữu hạn L cho rằng sau 02 tháng thử việc, ông T không đáp ứng được yêu cầu của công việc, nên Công ty đã quyết định cho ông T thử việc thêm 01 tháng để tạo điều kiện cho ông T hoàn thành nhiệm vụ và để có thêm thời gian đánh giá năng lực của ông T. Tuy nhiên, không có tài liệu nào thể hiện giữa ông T và Công ty trách nhiệm hữu hạn L đã có thỏa thuận với nhau về việc kéo dài thời gian thử việc.

[3] Khoản 1 Điều 27 Bộ luật Lao động quy định thời gian thử việc “Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên". Tại Bản tự khai ngày 14-6-2014, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn L trình bày: “Công ty hiểu rõ rằng, sau khi kết thúc thời gian thử việc (60 ngày) nếu chưa ký HĐLĐ thì người lao động được làm việc chính thức theo loại hợp đồng xác định thời hạn 12 tháng”. Như vậy, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn L thừa nhận rằng sau khi hết thời gian thử việc, ông T đã trở thành người lao động chính thức theo hợp đồng lao động có thời hạn là 12 tháng. Trên thực tế, Công ty trách nhiệm hữu hạn L đã thương lượng với ông T về việc chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 28-12-2013; khi thương lượng không có kết quả, ngày 29-12-2013 Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn L ra Quyết định số 15/QĐKL-2013 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T. Do đó, có đủ cơ sở để khẳng định quan hệ giữa ông T với Công ty trách nhiệm hữu hạn L sau khi hết thời gian thử việc là quan hệ hợp đồng lao động.”

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn