Bạn đang ở đây

vay tiền

Vay tiền có điều kiện mà không trả coi chừng đi tù

Thời gian đọc: 6 Phút
Khi người quen vay tiền cố tình không trả thì người cho vay cần làm gì để lấy lại số tiền? Trường hợp nào người vay tiền có thể phải chịu trách nhiệm hình sự?

 Thưa luật sư, thời gian qua tôi có cho người bạn vay 100.000.000 đồng để làm ăn, người bạn này hứa và cam kết với tôi trong thời hạn 01 năm sẽ trả toàn bộ nợ gốc và nợ lãi cho tôi. Tuy nhiên, đến hẹn trả nợ người bạn này liên tục tắt máy không nghe máy tôi đến nhà thì bỏ đi không tiếp tôi. Tôi được biết quá trình làm ăn của người bạn này rất thành công có tiền đầu tư vào nhiều công việc khác và có mua xe ô tô đi lại. Vậy, luật sư cho tôi hỏi tôi có lấy lại được tiền từ người bạn này hay không? Tôi phải làm gì để lấy lại số tiền? Xin cảm ơn luật sư!

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo nội dung bạn trình bày chúng tôi nhận thấy người bạn của bạn có dấu hiệu thực hiện hành vi “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản” của bạn. Cụ thể, Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Có đủ điều kiện trả nợ nhưng đến thời hạn cố tình trốn tránh không trả nợ là hành vi cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ảnh:Internet.

Như vậy, có thể thấy người bạn của bạn đã có hành vi khi đến thời hạn trả nợ cho bạn tuy có điều kiện trả nợ nhưng cố tình thực hiện các hành vi nhằm không trả nợ cho bạn và hành vi này đủ yếu tố để cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Do đó, để đòi được lại số tiền căn cứ theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015, bạn có thể làm đơn tố giác tới Cơ quan Cảnh sát điều tra nơi người bạn của bạn cư trú hoặc nơi các bạn thực hiện giao dịch vay tiền để được giải quyết theo quy định pháp luật.

Trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền giải quyết vụ việc ban hành Văn bản có nội dung vụ việc không có dấu hiệu tội phạm, không khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì căn cứ theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bạn có thể làm đơn khởi kiện người bạn để đòi lại được số tiền. Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc là Tòa án nơi người bạn của bạn cư trú hoặc Tòa án diễn ra hoạt động bạn cho người bạn vay tiền. Vụ việc sẽ được giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn


 

Con dâu bỏ trốn, bố mẹ chồng có phải trả nợ thay? 

Thời gian đọc: 11 Phút
Con dâu vay tiền, bố mẹ chồng có nghĩa vụ trả nợ không? Phải làm gì khi bị các đối tượng đòi nợ gây rối, đe dọa,..

Kính chào Luật sư! Con trai tôi cưới vợ năm 2008. Vì công việc nên con tôi luôn phải đi làm ăn xa, không ở nhà thường xuyên. Vợ chồng tôi có cho con dâu và các cháu ở nhờ nhà để tiện chăm sóc.

Con dâu tôi giấu chồng và chúng tôi đi vay nặng lãi của nhóm đối tượng tự xưng làm ở công ty tài chính. Khi không trả được nợ thì cháu mới nói cho chúng tôi biết. Giờ con dâu tôi đã bỏ trốn, con trai tôi lại đi làm ăn xa. Vợ chồng tôi chắt góp trả được một phần nợ.

Những ngày gần đây, có nhiều nhóm đối tượng đến đe dọa, tạt sơn, ném gạch vào nhà tôi. Đỉnh điểm, chúng còn đánh liên tục vào mặt, người tôi và chỉ dừng đến khi người xung quanh can thiệp.

Tôi muốn hỏi luật sư trong trường hợp này tôi phải làm gì để nhóm người kia dừng lại? Tôi có trách nhiệm phải trả số nợ cho con dâu không? 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Trước hết về nghĩa vụ trả nợ, ông cần nắm rõ các thông tin cơ bản như về đối tượng cho vay? Hợp đồng cho vay? Việc vay tiền con dâu ông thực hiện dưới hình thức nào, thời gian, địa điểm? Lãi suất? Việc vay mượn có được đảm bảo bằng tài sản không?

Biết được các thông tin này giúp ông tìm hiểu được các vấn đề như: Bên cho vay tự nhận là công ty tài chính có đủ điều kiện luật định để được nhà nước cho phép, công nhận là một tổ chức tài chính không? Nội dung, hình thức hợp đồng cho vay có hợp pháp? Lãi suất của hợp đồng cho vay có vượt quá lãi suất pháp luật quy định không? Từ đó làm rõ các tính hợp pháp trong hoạt động vay tiền giữa con dâu ông và công ty tài chính. 

Theo Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), nghĩa vụ trả tiền thuộc về bên vay tài sản, Điều 466 BLDS 2015 quy định:   

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Những ngày gần đây, nhiều nhóm đối tượng đến nhà tôi để đe dọa, tạt sơn, ném gạch vào nhà. Ảnh minh họa: Internet. 

Trong trường hợp của ông, do không phải là người trực tiếp vay nợ nên ông không có nghĩa vụ phải trả tiền. Tuy nhiên, cần lưu ý, trong trường hợp con dâu của ông vay tiền và sử dụng tiền vào các mục đích phục vụ sinh hoạt chi tiêu trong gia đình và các thành viên biết không phản đối thì các thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm và nghĩa vụ trả khoản nợ này.

Cụ thể, Điều 103 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định. 

Điều 103. Trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

1. Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên. 

Do không xác định được phạm vi trách nhiệm trả nợ của từng thành viên, vậy nên trong trường hợp này, các thành viên có nghĩa vụ liên đới trả khoản nợ mà người con dâu thực hiện vay.

Theo quy định tại Điều 288 BLDS 2015: 

Điều 288. Thực hiện nghĩa vụ liên đới.

1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Trường hợp khi người con dâu thực hiện khoản vay không nhằm mục đích sử dụng khoản vay không nhằm mục đích chi tiêu, sinh hoạt cho các thành viên trong hộ gia đình thì khoản nợ này được xác định là nghĩa vụ của vợ chồng con trai ông bao gồm con trai và con dâu. Mặc dù, người đứng tên vay tiền là vợ.

Theo quy định của BLDS 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (HN&GĐ 2014), vợ chồng phải chịu liên đới trách nhiệm với các giao dịch sau: 

Luật HN&GĐ 2014 quy định cụ thể: 

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng: 

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Việc nhóm người đòi nợ có hành vi đánh đập, đe dọa, ném đá, tạt sơn,… là những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu tài sản của công dân. Để chấm dứt hành vi này, ông cần gửi Đơn tố giác đến cơ quan có thẩm quyền như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án tại địa phương để được giải quyết. 

Việc nhóm người đòi nợ có hành vi đánh đập, đe dọa, ném đá, tạt sơn,… là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu tài sản của công dân. Ảnh minh họa: Internet. 

Xem xét hành vi của nhóm đối tượng, Luật sư có quan điểm như sau: 

Thứ nhất, đối với hành vi đe dọa ông gây hư hỏng tài sản của ông, nhóm đối tượng có thể bị truy cứu tội danh Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tại Điều 178 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhóm đối tượng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021 NĐ-CP: 

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác:

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này. 

Thứ hai, đối với hành vi đe dọa, chửi bới, ném gạch đá, tạt sơn bẩn,...  có thể phạm tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhóm đối tượng có thể chịu trách nhiệm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021 NĐ-CP: 

Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu;

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;

Thứ ba, đối với hành vi đe dọa gây ra tổn hại đến sức khỏe người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác tại Điều 134 BLHS 2015. Khung hình phạt cao nhất của tội lên đến chung thân. Trong trường hợp không đủ cấu thành tội phạm, nhóm đối tượng có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021 NĐ-CP: 

Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Ngoài ra, trong quá trình xác minh, thu thập chứng cứ,… giải quyết tin tố giác của ông nếu thấy có đủ các căn cứ, nhóm đối tượng cho con dâu ông vay tiền có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS 2015.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Vay tiền không trả được có bị xử lý hình sự không?

Thời gian đọc: 10 Phút
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thưa luật sư, xin luật sư cho tôi hỏi khi đi vay tiền đến hạn trả nợ mà người vay tiền không trả được có bị xử lý hình sự hay không thưa luật sư?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý                                       

- Bộ luật Dân sự 2015

- Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017

Ảnh minh hoạ.Nguồn:Internet

Quy định pháp luật về vay tài sản?

Cho vay tiền, cho vay tài sản là một giao dịch rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tình trạng cho vay không có giấy tờ hay có giấy tờ mà  không hề có thế chấp bằng tài sản khác xảy ra khá phổ biến. Với các hình thức vay như vậy rất dễ dẫn tới khả năng phía người cho vay gặp bất lợi trong việc lấy lại tài sản cho vay của mình.

Đối với vay tiền thì Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản tại Điều 463 như sau:

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Đồng thời, Bộ luật dân sự cũng quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay tại Điều 466:

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, người vay có nghĩa vụ trả lại số tài sản vay cho người cho vay khi đã đến hạn và nếu không thực hiện được theo đúng thỏa thuận thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có), và có thể sẽ bị tính lãi do nợ quá hạn.

Về trách nhiệm hình sự

Về vấn đề truy cứu trách nhiệm Hình sự, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 có quy định về tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 như sau:

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.

Như vậy theo quy định nêu trên, nếu bên vay có một trong các hành vi sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

Đến thời hạn trả tiền bên vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả,

Cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản 

Sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ

Người thực hiện một trong các hành vi trên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi:

+ Giá trị tài sản từ 04 triệu đến dưới 50 triệu đồng;

+ Giá trị tài sản dưới 04 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác là:

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm…

Phạt tù từ 05 - 12 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng.

Phạt tù từ 12 - 20 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, hình phạt bổ sung của tội này là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vậy, vay tiền mà không trả được có bị đi tù không?

Như vậy đối với câu hỏi của bạn thì cần phân biệt ra các trường hợp để xác định:

Nếu bên vay không trả nợ do không có khả năng chi trả và không có dấu hiệu bỏ trốn hay dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì đây sẽ là tranh chấp dân sự. Để đòi lại được tiền, bên cho vay có thể đến Tòa án để thực hiện thủ tục kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản..

Nếu bên vay có điều kiện trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, hoặc có hành vi sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bên cho vay có thể tới cơ quan công an có thẩm quyền để tố giác hành vi chiếm đoạt tài sản và đề nghị xem xét giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn