Bạn đang ở đây

Bộ luật tố tụng dân sự

Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ việc hôn nhân gia đình

Thời gian đọc: 8 Phút
Thế nào là hoạt động hòa giải trong tố tụng dân sự? Việc hòa giải phải tuân thủ theo các nguyên tắc, quy định nào của pháo luật? Có phải mở phiên họp giải quyết việc dân sự để ra quyết định công nhận thỏa thuận của đương sự không?

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Vậy luật sư có thể tư vẫn cho tôi Tòa án có phải mở phiên họp giải quyết việc dân sự để ra quyết định trên hay không? 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

1. Quy định về hòa giả trong hoạt động tố tụng dân sự. 

Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) thì tổ chức, thực hiện hòa giải là một trong những nguyên tắc trong hoạt động tố tung dân sự 

Điều 10. Hòa giải trong tố tụng dân sự

Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.

Việc tiến hành hòa giải của Tòa án phải được thực hiện, tuân thủ theo những nguyên tắc được quy định tại Điều 205 BLTTDS năm 2015, cụ thể: 

Điều 205. Nguyên tắc tiến hành hòa giải

1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

2. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;

b) Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 cũng quy định những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, cụ thể: 

Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được

1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.

3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

2. Hòa giả trong hoạt động tố tũng lĩnh vực hôn nhân gia đình. 

Thẩm phán có trách nhiệm phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ. Ảnh minh họa: Internet. 

2. Hòa giải trong vụ việc hôn nhân và gia đình 

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về hoạt động hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn như sau: 

Điều 397. Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

1. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.

2. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

3. Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.

4. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;

b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;

c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

5. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định.

Như vậy, căn cứ với quy định tại khoản 4 Điều 397 BLTTDS năm 2015, đối chiếu với quy định tại Điều 212 BLTTDS : " Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự." thì quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được ban hành trên cơ sở biên bản hòa giải thành được lập tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Quyết định này do Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được phân công ban hành, không phải mở phiên tòa.

Theo tinh thần đó, đổi với trường hợp tại khoản 4 Điều 397 BLTTDS nêu trên, Thẩm phán tiến hành hòa giải sẽ ra quyết định công nhận thuận tinh ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện luật định mà không phải mở phiên họp giải quyết việc dân sự để ra quyết định.

Mặc dù Chương XXIII “Quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự" có quy định về phiên họp giải quyết việc dân sự nhưng đối với từng loại việc dân sự cần ưu tiên áp dụng các quy định riêng về thủ tục giải quyết loại việc đó (từ Chương XXIV đến Chương XXXIV của BLTTDS), theo đó, có việc phải mở phiên họp để giải quyết, có việc không phải mở phiên họp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giả tạo có bị vô hiệu không?

Thời gian đọc: 6 Phút
Ký kết hợp đồng mua bán đất nhằm che giấu quan hệ vay tiền có bị vô hiệu không? Pháp luật quy định thế nào về hợp đồng giả tạo?

Kính chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi: Ngày 01/2/2022, tôi có vay anh A số tiền là 500.000.000 đồng. Để làm tin cho việc vay tiền, anh A có yêu cầu tôi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang tên thửa đất của tôi cho anh A tại Văn phòng công chứng. Vậy trong trường hợp này, tôi có thể yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên vô hiệu hay không? Xin cảm ơn luật sư! 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Thứ nhất, về mục đích của việc xác lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Mục đích khi xác lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hai bên chính là việc đảm bảo thanh toán số tiền nợ là 500.000.000 đồng (Bằng chữ: Năm trăm triệu đồng).

Theo quy định của pháp luật, để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ, các bên có thể áp dụng các biện pháp sau: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản. Như vậy, việc xác lập một hợp đồng chuyển nhượng tài sản để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ là hoàn toàn không đúng mục đích của hai bên.

Thứ hai, về việc yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu

Theo như bạn trình bày, bạn có vay của anh A số tiền 500.000.000 đồng. Để làm tin cho việc vay tiền, anh A có yêu cầu bạn ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Văn phòng công chứng.

Như vậy, bản chất đây là quan hệ vay tài sản. Hai bên đã xác lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm che giấu đi quan hệ vay tài sản.

Căn cứ quy định tại Điều 124, Bộ Luật dân sự 2015:

Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Hợp đồng giả tạo được hiểu là các bên xác lập giao dịch dân sự nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác. Ảnh minh họa:Internet. 

Như vậy, chỉ cần bạn có thể chứng minh được rằng mục đích của bạn khi xác lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ cho anh A, chứ không phải nhằm mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó thì hoàn toàn có thể yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng trên là vô hiệu. Theo quy định của pháp luật, thì giao dịch chuyển nhượng (giao dịch giả tạo) vô hiệu, giao dịch vay tài sản (giao dịch bị che giấu) vẫn có hiệu lực.

Thứ ba, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Theo quy định tại Điều 132 Bộ Luật dân sự 2015 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là: 

Điều 132. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.

3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

Theo quy định của pháp luật, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong trường hợp này không bị hạn chế. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Quy định của pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Thời gian đọc: 8 Phút
Các quy định về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự? Tòa án căn cứ vào lý do nào để tạm đình chỉ? Khi nào quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án chấm dứt.

Đình chỉ vụ án là gì? Hậu quả của Quyết đình đình chỉ vụ án.

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Định nghĩa về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định pháp luật. 

Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm ngừng việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý trong một thời hạn nhất định khi có những căn cứ do pháp luật quy định và khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự hoặc việc dân sự đó. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không làm chấm dứt việc giải quyết vụ án mà chỉ làm gián đoạn tạm thời tiến trình tố tụng đang được tiến hành do xuất hiện những tình tiết, sự kiện nhất định.

Quy định về các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án áp dụng một trong các căn cứ sau để đưa ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:

Điều 214. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;

b) Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;

c) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;

d) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;

đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;

e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;

g) Theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản;

h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.

Khi lý do tạm đình chỉ không còn thì Tòa án sẽ ra Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Ảnh minh họa: Internet

Hậu quả pháp lý của Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. 

Theo quy định tại Điều 215 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể dẫn đến các hậu quả sau:

Điều 215. Hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Tòa án không xóa tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó.

2. Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được gửi tại kho bạc nhà nước và được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

3. Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này thì trước khi tạm đình chỉ, Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án phải có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn này mà cơ quan có thẩm quyền không có văn bản trả lời thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

4. Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án.
Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết.

Sau khi có Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, khi nào Tòa án có thể tiếp tục giải quyết: 

Căn cứ Điều 216 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

Điều 216. Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của Bộ luật này không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.
Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hết hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

5. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Như vậy, khi lý do tạm đình chỉ không còn thì Tòa án sẽ ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn