Bất chấp biển báo “đi chậm”
Theo bản án sơ thẩm, sáng 18/7/2020, Đỗ Đức Thắng (SN 1989, ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển ô tô nhãn hiệu Ford Transit 10 chỗ ngồi (BKS 14B-027.40) chở khách đi từ TP Móng Cái đến TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Khi xe đến khu vực ngã ba giao nhau giữa quốc lộ 18 và đường nội thị Mông Dương (thuộc tổ 8, khu 8, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả), Thắng đã không chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ (công trường đang thi công 5km/h, đi chậm và người đi bộ cắt ngang; mặt đường có gờ giảm tốc), không điều khiển xe giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn tại nơi có biển cảnh báo nên đâm vào bên trái xe mô tô do ông Đinh Văn Siêng (SN 1955, ở huyện Phù Yên, Sơn La) điều khiển đang sang đường.
Sau khi gây tai nạn, xe ô tô của Thắng đã lao sang chiều đường bên kia, đẩy xe mô tô của ông Siêng đi 31,5m mới dừng lại. Ông Siêng ngã xuống đường, bị thương tích nặng và đã tử vong sau đó gần 3 tháng.
Tuy xác định lỗi của bị cáo Thắng là “không giảm tốc độ an toàn khi đến khu vực giao nhau, có biển nguy hiểm” nhưng Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Cẩm Phả còn cho rằng, vụ tai nạn cũng có một phần lỗi bị hại khi điều khiển xe mô tô từ đường nhánh ra đường chính, khu vực giao nhau đã “không chú ý quan sát”, “không nhường đường” cho xe của bị cáo. Chính vì vậy, HĐXX cấp sơ thẩm đã xử phạt Thắng 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Về dân sự, HĐXX cho rằng phần lỗi của bị cáo là 60% và lỗi của bị hại là 40% nên cũng chỉ yêu cầu cầu bị cáo bồi thường hơn 250 triệu đồng trong tổng số thiệt hại về tính mạng của bị hại bị xâm hại gần 420 triệu đồng (thời điểm xét xử sơ thẩm, bị cáo đã bồi thường được 180 triệu đồng).
Nhiều tình tiết cần làm rõ
Cũng theo bản án sơ thẩm thì HĐXX xác định cả bị cáo và bị hại đều vi phạm quy định khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 12 Luật Giao thông đường bộ và khoản 1, 3, 5 Điều 5 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông Vận tải (quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ).
Bị cáo Đỗ Đức Thắng tại phiên tòa.
Phản đối nhận định này, chị Đinh Thị Hoa (con gái ông Đinh Văn Siêng) cho biết: “HĐXX quy kết bị hại vi phạm các lỗi trên, tức là cho rằng bố tôi phải tuân thủ tốc độ, giữ khoảng cách với xe đi trước hoặc phải giảm tốc độ khi có biển cảnh báo trên đường là không đúng quy định vì không có xe nào đi trước xe của bố tôi và trên đường bố tôi đang lưu thông cũng không có biển cảnh báo nguy hiểm”.
Khẳng định ông Siêng không có lỗi “không nhường” xe ô tô của bị cáo Thắng, chị Hoa nói “bị cáo Thắng phải chịu hoàn toàn lỗi chứ không thể chịu 60% lỗi như nhận định của TAND TP Cẩm Phả. Có thể khẳng định xe máy của bố tôi đã đến điểm giao nhau trước. Nếu xe bị cáo Thắng đi chậm đúng theo yêu cầu như biển báo thì sẽ đến ngã ba sau xe bố tôi, và tai nạn không xảy ra. Tuy nhiên, do Thắng chạy xe quá nhanh (sau khi xảy ra tai nạn, xe chạy hơn 31m mới dừng hẳn) nên đã gây ra vụ tai nạn. Việc bắt buộc bố tôi phải nhận định xe Thắng chạy nhanh, chạy ẩu như vậy để nhường đường khi đến ngã ba là thiếu căn cứ?
Cùng quan điểm, Luật sư Đỗ Mạnh Linh (Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự, người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại) cho rằng, bản án sơ thẩm nhận định bị cáo có 60% lỗi là phiến diện, không có đủ cơ sở. Đồng thời, quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa làm rõ vận tốc khi xe ô tô do bị cáo Thắng điều khiển trước khi xảy ra va chạm là bao nhiêu? Khi phát hiện có người sang đường, Thắng có đạp phanh hay không? (Biên bản bản khám nghiệm hiện trường không thể hiện vết phanh của xe ô tô trên mặt đường).
Do đó, HĐXX phúc thẩm cần hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số nội dung như: Đánh giá tính chất hành vi của bị cáo, mức độ lỗi của bị cáo, bị hại; lý giải về sự khác nhau giữa 2 Phiếu trả kết quả xét nghiệm hóa sinh của Bệnh viện Cẩm Phả; làm rõ vì sao ông Lê Minh Tiến cùng một lúc tham gia hai hoạt động là khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn và lập Biên bản tạm giữ phương tiện, tang vật; xem xét lời khai của bị cáo về việc có “đạp phanh”, bấm còi báo hiệu hay không để đánh giá về tính thành khẩn của bị cáo. Thậm chí, cần thiết có thể thực nghiệm điều tra để xác định tốc độ xe, về tình trạng kỹ thuật của xe, về việc bị hại có đủ điều kiện để nhường đường cho xe của bị cáo khi xe này đang chạy bất chấp cảnh báo hay không…?
Một vấn đề quan trọng cũng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đánh giá là trách nhiệm của chủ xe ô tô trong vụ việc này. Theo chị Hoa, chiếc xe do Thắng điều khiển được gắn mác xe chở khách “limousine”. Trong hồ sơ vụ án này, bị cáo Thắng đã khai rõ việc lái xe cho Công ty Vận tải Việt Trung để đón chở khách từ TP Móng Cái đi TP Hạ Long. Vì vậy, phải làm rõ chiếc xe này có được phép tham gia vận tải hành khách tuyến cố định Hạ Long - Móng Cái (và ngược lại) hay không? Công ty Vận tải Việt Trung có được khai thác tuyến vận tải hành khách theo tuyến này hay không?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của phiên xử phúc thẩm tới đây.