Kính chào Luật sư tôi đang có vướng mắc vấn đề pháp lý mong luật sư giải đáp cho tôi. Nội dung sự việc cụ thể như sau: Chúng tôi hiện đang sinh sống tại chung cư Z tại quận Cầu Giấy, trong thời gian gần đây chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư cấp cho chúng tôi giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư như đúng trong sự thỏa thuận hợp đồng mua bán nhưng chủ đầu tư rất nhiều lần không trả lời yêu cầu của chúng tôi.
Chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu khuất tất trong công tác cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình. Sau nhiều lần yêu cầu mà không nhận được phản hồi chúng tôi đã phải treo băng rôn thể hiện thái độ phản đối, không đồng tình với cách giải quyết của chủ đầu tư. Chủ đầu tư sau khi thấy chúng tôi treo băng rôn, khẩu hiệu có đe dọa chúng tôi bôi nhọ hình ảnh của họ.
Xin hỏi Luật sư, trong trường hợp này chúng tôi phạm luật không?
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì hongbach.vn có quan điểm tư vấn như sau:
Việc treo băng rôn, biểu ngữ trong trường hợp có mục đích phi quảng cáo, phi lợi nhuận thì hiện pháp luật Việt Nam không có quy định nào cấm hay hạn chế hành động treo băng rôn, biểu ngữ. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Theo quy định của Hiến pháp thì mọi người có quyền tự do ngôn luận. Hành động cư dân treo băng rôn để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trả giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư theo hợp đồng chuyển nhượng là hành vi thể hiện quan điểm cá nhân của các cư dân trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hành vi này bên cạnh đó cũng không có mục đích lợi nhuận, quảng cáo nên được tự do thực hiện mà không cần tiến hành đăng ký với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, một số hành vi treo băng rôn khẩu hiệu biến tướng, có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cấu thành tội phạm. Cụ thể:
- Nếu hành vi treo băng rôn, khẩu hiệu mà gây mất trật tự công cộng, xuyên tạc vu khống thì bị xử phạt vi phạm hành chính tại Điểm b, điểm l khoản 3 Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân;”
- Trong trường hợp, nội dung của băng rôn, biểu ngữ không đúng sự thật, có tính chất xuyên tạc, vu khống có xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đến người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội Làm nhục người khác, hoặc tội vu khống theo quy định tại các điều 155, 156 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể:
Điều 155. Tội làm nhục người khác
“Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm
b) Đối với hai người trở lên”
Điều 156. Tội vu khống
“a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;”
Vơi tội làm nhục người khác, người phạm tội có hành vi có tính chất xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác. Hình thức biểu hiện rất đa dạng, có thể là những lời nói có tính chất sỉ nhục, miệt thị, hạ thấp danh dự, xúc phạm nhân phẩm như chửi bới… hoặc có thể là những cử chỉ, hành vi có tính chất trên. Các hành vi này có thể thực hiện công khai trước mặt người bị xúc phạm hoặc có thể qua người khác để đến người này. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, biết hành vi của mình là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng đã thực hiện hành vi để đạt được mục đích.
Tội vu khống có 3 dạng hành vi phạm tội: hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước. Cả 3 dạng hành vi này người phạm tội đều thực hiện với lỗi cố ý, biết thông tin mà mình bịa đặt, loan truyền, biết rõ việc mình phản ánh thông tin của người khác là không có thật nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi nhằm gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm uy tín cho người khác.
Do đó có thể thấy, với 2 tội trên, người phạm tội phải có mục đích, động cơ rõ ràng, thực hiện các hành vi thì mới cấu thành tội phạm các tội này. Hơn nữa các tội này là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và của công dân thông qua hành vi phạm quy định về quyền của công dân, cơ quan tổ chức. Như vậy tội làm nhục người khác, tội vu khống không chỉ áp dụng đối với các cá nhân mà còn cả tổ chức. Nếu có hành vi vu khống hay xúc phạm danh dự của cả một doanh nghiệp thì cũng xét vào tội này.
Việc treo băng rôn phán ánh sai phạm của chủ đầu tư thì pháp luật Việt Nam không cấm. Tuy nhiên, nội dung băng rôn khẩu hiệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc hành vi treo băng rôn khẩu hiệu gây ảnh hưởng trật tự công cộng thì sẽ xem xét hành chính hoặc hình sự theo đúng quy định.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Địa chỉ: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.