Bạn đang ở đây

mất năng lực hành vi dân sự

Chồng mất năng lực hành vi dân sự, vợ có được quyền bán nhà ?

Thời gian đọc: 6 Phút
Vợ của nguời mất năng lực hành vi dân sự có được quyền bán nhà ở, là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hay không?

Xin chào luật sư! Vợ chồng tôi muốn mua ngôi nhà của gia đình chị Huyền. Ngôi nhà này là tài sản chung của vợ chồng chị Huyền. Tuy nhiên, hiện tại, chồng chị Huyền đang bị bệnh nặng và có khả năng bị mất năng lực hành vi dân sự. Vậy, khi vợ chồng tôi mua ngôi nhà trên thì chị Huyền có được quyền thay mặt chồng bán nhà không? Xin cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự năm 2015

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Điều 24 Bộ luật dân sự quy định hạn chế năng lực hành vi dân sự cụ thể:

Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

2. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Ảnh:Internet

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 53 Bộ luật dân sự 2015

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ. 

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:

3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Trong trường hợp  một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.

Trong trường hợp trên, chị Huyền có quyền đại diện cho chồng bán ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng cho gia đình bạn với điều kiện chồng chị Huyền phải có quyết định của Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Chồng mất năng lực hành vi dân sự, vợ có tự ý bán đất được không?

Thời gian đọc: 6 Phút
Việc định đoạt các quyền đối với thửa đất phải được sự đồng ý của cả bố mẹ bạn. Tuy nhiên, do bố bạn đã bị tuyên bố mất năng lực hành vi nên mọi giao dịch dân sự của bố bạn đều do người giám hộ - đại diện theo pháp luật của bố bạn thực hiện.

Câu hỏi: Bố mẹ tôi được UBND huyện H cấp Sổ đỏ năm 2018 được quyền sử dụng 140 m2 đất. Năm 2019, bố tôi bị mất năng lực hành vi đã có Quyết định của tòa án tuyên bố bố tôi bị mất năng lực hành vi dân sự. Hiện, nay, mẹ tôi muốn bán mảnh đất nêu trên thì gia đình tôi phải làm gì? Mong luật sư giải đáp cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với nội dung câu hỏi của bạn, Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:

  1. Văn bản pháp luật tham khảo.
  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
  • Luật Hộ tịch 2014;
  • Luật công chứng 2014;
  1. Nội dung tư vấn.

Do thửa đất mang tên bố mẹ bạn nên đây được xác định là tài sản chung của bố mẹ bạn được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Việc định đoạt các quyền đối với thửa đất phải được sự đồng ý của cả bố mẹ bạn. Tuy nhiên, do bố bạn đã bị tuyên bố mất năng lực hành vi nên mọi giao dịch dân sự của bố bạn đều do người giám hộ - đại diện theo pháp luật của bố bạn thực hiện. Trong trường hợp này, căn cứ theo khoản 3 điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì mẹ bạn sẽ là người đại diện của bố bạn, thay mặt bố bạn thực hiện các giao dịch dân sự có liên quan. Do đó, trong trường hợp này, mẹ bạn là người thay bố bạn quyết định việc bán đất.

Tuy nhiên, để hạn chế việc mẹ bạn thực hiện các giao dịch làm ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích của bố bạn thì pháp luật có quy định về chế định người giám sát việc giám hộ. Theo đó, tại khoản 1 điều 51 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người giám sát việc giám hộ như sau:

Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.

Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.

Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.

Như vậy, trong trường hợp này, để có thể thực hiện việc bán đất của bố bạn thì gia đình bạn cần lựa chọn người giám sát việc giám hộ, người giám sát việc giám hộ có thể một trong những người chúng tôi vừa nêu trên và gia đình bạn thực hiện thủ tục đăng ký người giám sát việc giám hộ tại UBND cấp xã nơi bố bạn cư trú. Việc thực hiện thủ tục đăng ký người giám sát việc giám hộ được thực hiện như sau:

Gia đình bạn chuẩn bị Văn bản cử người giám sát việc giám hộ;

Các giấy tờ tùy thân của người giám sát việc giám hộ;

Sau đó, gia đình bạn đến UBND cấp xã nơi bố bạn thực hiện việc đăng ký người giám sát việc giám hộ, trên cơ sở hồ sơ của gia đình bạn thì cán bộ, công chức của UBND cấp xã ghi nhận vào Hộ tịch của bố bạn. Tiếp theo người giám sát việc giám hộ của bố bạn lập văn bản đồng ý để mẹ bạn bán các tài sản của bố bạn.

Trên cơ sở các văn bản này thì mẹ bạn có toàn quyền thay mặt, đại diện cho bố bạn bán các tài sản là quyền sử dụng đất của bố bạn. Lưu ý, theo quy định của Luật đất đai thì Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành Văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật, và sau đó các bên trong Hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện để ghi nhận quyền sử dụng đất đối với bên mua. Như vậy, sau khi thực hiện xong các thủ tục nêu trên thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bố bạn đã hoàn tất.

Trên đây là những nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn thông tin cần làm rõ đề nghị bạn phản hồi với chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Phòng 403, tầng 4, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666;  Email:bach@hongbach.vn