Bạn đang ở đây

ly hôn

Muốn ly hôn đơn phương nhưng chồng giữ hết giấy tờ thì phải làm gì?

Thời gian đọc: 5 Phút
Ly hôn theo yêu cầu của 1 bên khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà Tòa án hòa giải không thành thì Tòa án giải quyết ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ chồng có hành vi làm cho đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Tôi muốn gửi đơn ly hôn đơn phương nhưng chồng không đưa giấy kết hôn và giấy khai sinh của con. Thì khi ly hôn cần chuẩn bị những giấy tờ gì và trường hợp này có áp dụng được Thông tư 01/2022/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 18/01/2022 không?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý : Luật hôn nhân gia đình năm 2014

Điều 56 Luật hôn nhân gia đình  ly hôn theo yêu cầu của 1 bên: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà Tòa án hòa giải không thành thì Tòa án giải quyết ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Ly hôn đơn phương cần thủ tục gì? (Ảnh Minh họa. Nguồn Tạp chí Tòa án).

Ly hôn đơn phương cần những giấy tờ gì?

Căn cứ điều 53 Luật Hôn nhân gia đình về thụ lý đơn yêu cầu ly hôn;

 Tòa án thụ lý đơn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự :

Để được Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương, người yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như sau:

- Đơn xin ly hôn đơn phương được ban hành theo mẫu;

- Đăng ký kết hôn (bản chính); nếu không có thì có thể xin cấp bản sao…

- Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân… của vợ và chồng; sổ hộ khẩu của gia đình;

- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con nếu có con chung;

- Nếu có tài sản chung và yêu cầu phân chia tài sản chung khi ly hôn thì chuẩn bị giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung này…

Ngoài ra, một số trường hợp khác như:

- Trường hợp bạn không giữ Giấy chứng nhận kết hôn thì có thể liên hệ trực tiếp đến cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao.

- Trường hợp bạn không có Chứng minh nhân dân của vợ/chồng thì làm theo hướng dẫn của Tòa án để có thể nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế.

2. Trường hợp này có áp dụng được Thông tư 01/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 18/01/2022 không?

Theo khoản 2 Điều 9 của Thông tư  01/2022/TT-BTP quy định giá trị pháp lý của bản điện tử Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Như vậy, trong tình huống trên thì người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết gồm: tên giấy tờ hộ tịch; số, ngày, tháng, năm đăng ký, cơ quan đã đăng ký việc hộ tịch.

Trường hợp không cung cấp được đầy đủ các thông tin nêu trên, thì người yêu cầu phải cung cấp được thông tin cơ bản trong giấy tờ hộ tịch đã đăng ký để có cơ sở tra cứu.

Ví dụ: - Đề nghị cấp bản sao Trích lục kết hôn nhưng không cung cấp được số Giấy chứng nhận kết hôn, ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn thì phải cung cấp được các thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của vợ và chồng.

- Đề nghị cấp bản sao Giấy khai sinh nhưng không cung cấp được số Giấy khai sinh, ngày, tháng, năm đăng ký khai sinh thì phải cung cấp được họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của người được khai sinh; họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cha, mẹ người được khai sinh.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

 

Không phải mọi tài sản vợ chồng có trong thời kỳ kết hôn đều là tài sản chung

Thời gian đọc: 7 Phút
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thưa luật sư, luật sư có thể giải thích quy định pháp luật hiện nay quy định như thế nào về tài sản chung của vợ chồng? Có phải mọi tài sản vợ chồng mua sắm được trong thời kỳ kết hôn đều đương nhiên được coi là tài sản chung hay không?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý     

- Luật Hôn nhân Gia đình (HNGĐ) 2014

- Nghị định 126/2014/NĐ-CP

Tài sản chung và riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác định thể nào?

Tài sản chung của vợ chồng là gì?

Điều 33 Luật HNGĐ quy định về Tài sản chung của vợ chồng

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Điều 40 Luật Hôn nhân Gia đình quy định: Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

1. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

2. Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.

Điều 9, Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về Điều 33 Luật Hôn nhân Gia đình như sau:

Điều 9. Thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân

1. Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Nghị định này.

2. Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.

3. Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng

1. Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình.

2. Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.

Tài sản riêng của vợ, chồng là gì?

Điều 43. Luật HNGĐ quy định về Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về Điều 43 Luật HNGĐ như sau:

Điều 11 Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật

1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Như vậy, đối với câu hỏi “mọi tài sản vợ chồng mua sắm được trong thời kỳ kết hôn đều đương nhiên được coi là tài sản chung hay không?” thì trong trường hợp này chúng ta phải hiểu là không phải mọi tài sản vợ chồng mua sắm được trong thời kỳ kết hôn đều đương nhiên được coi là tài sản chung bởi rất có thể tài sản đó có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng của vợ hoặc của chồng.

Do đó, để xác định tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng cần xem xét các tài sản và đối chiếu theo quy định của pháp luật thì chúng ta mới có thể xác định được tài sản đó là tài sản riêng hay là tài sản chung của vợ chồng.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Vợ làm nội trợ, chồng kiếm tiền mua đất có được coi là tài sản chung không?

Thời gian đọc: 6 Phút
Điều 33 Luật hôn nhân gia đình ở trên quy định rất rõ “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng".

Thưa luật sư, trường hợp người vợ ở nhà nội trợ, người chồng đi làm kiếm tiền sau đó mua nhà trong thời kỳ hôn nhân thì theo quy định pháp luật trường hợp này ngôi nhà đó có phải là tài sản riêng của người chồng không hay vẫn thuộc tài sản chung của cả hai vợ chồng?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý     

- Luật Hôn nhân Gia đình (HNGĐ) năm 2014.

- Nghị định 126/2014/NĐ-CP

Tài sản chung là gì?

Tại Điều 33 Luật HNGĐ quy định về Tài sản chung của vợ chồng

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Căn cứ theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

Điều 9. Thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân

1. Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Nghị định này.

2. Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.

3. Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng

1. Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình.

2. Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.

Tài sản riêng của vợ, chồng là gì?

Điều 43. Luật HNGĐ quy định về Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về Điều 43 Luật HNGĐ như sau:

Điều 11 Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật

1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Như vậy, quy định đã nêu tại Điều 33 Luật hôn nhân gia đình ở trên quy định rất rõ “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng".

Do đó, nếu tài sản này không phải do người chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng thì tài sản là nhà đã mua thuộc về tài sản chung của vợ chồng.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Toà án quyết định vợ chồng được ly hôn dựa trên những căn cứ nào?

Thời gian đọc: 7 Phút
Vợ chồng tôi thời gian gần đây phát sinh mâu thuẫn, tôi muốn ly hôn, Toà án quyết định việc ly hôn dựa trên những căn cứ nào?

Kính chào Luật sư! Mong Luật sư giải đáp cho tôi nội dung vướng mắc sau đây: Thời gian gần đây vợ chồng chúng tôi thường xuyên phát sinh nhiều mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng và chúng tôi cũng đã nộp đơn ly hôn. Chúng tôi có một bé gái 4 tuổi. Vậy luật sư cho tôi hỏi khi nào thì Tòa cho vợ chồng chúng tôi được ly hôn và ai được quyền nuôi cháu bé? Xin cảm ơn luật sư đã tư vấn.

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Đối với nội dung câu hỏi thứ nhất của bạn về việc Tòa án sẽ quyết định cho vợ chồng bạn được ly hôn dựa trên những căn cứ nào?

Khi hướng tới xây dựng gia đình, hạnh phúc vợ chồng ai cũng mong muốn được hạnh phúc, đoàn kết đầm ấm tình cảm vợ chồng, và không ai mong muốn việc ly hôn xảy ra. Trước hết cần hiểu khái niệm ly hôn là gì? Tại khoản 14 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có định nghĩa về việc ly hôn như sau: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án". Như vậy, vợ chồng được coi là ly hôn với nhau khi và chỉ khi có bản án của Tòa đã có hiệu lực pháp luật về việc quyết định cho vợ chồng được chấm dút quan hệ hôn nhân. Việc Tòa án cho vợ chồng được ly hôn trước tiên sẽ dựa vào ý chí của vợ chồng bạn, hay nói cách khác đây là trường hợp thuận tình ly hôn vợ và chồng cùng thỏa thuận chấm dứt quan hệ hôn nhân thì Tòa án có thẩm quyền sẽ quyết định cho hai vợ chồng bạn được ly hôn.

Hoặc Tòa án sẽ quyết định cho vợ chồng bạn được ly hôn theo yêu cầu của bạn hoặc chồng của bạn. Việc Tòa án quyết định cho vợ chồng bạn được ly hôn trong trường hợp này sẽ dựa vào một trong các căn cứ, điều kiện sau đây: i) Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình; ii) Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Trong khi đó, tại tiểu mục a.1 điểm a khoản 8 của Nghị Quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 hướng dẫn luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hướng dẫn xác định về tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được của vợ chồng được hiểu như sau:

a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Như vậy, nếu vợ chồng bạn có một trong các căn cứ như chúng tôi vừa nêu trên thì Tòa án sẽ quyết định cho vợ, chồng bạn được ly hôn trên thực tế theo yêu cầu của một bên mà không phụ thuộc vào ý kiến của người kia.

Ảnh minh hoạ ly hôn
Toà án quyết định việc ly hôn dựa trên những căn cứ nào? - Ảnh minh hoạ

Đối với nội dung câu hỏi thứ hai của bạn về việc khi vợ chồng bạn ly hôn thì con sẽ do ai nuôi thì Luật sư có quan điểm như sau:

Việc nuôi con sau ly hôn là quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của cha và mẹ đối với con chưa thành niên. Việc cháu sinh sống với ai sẽ do vợ chồng bạn tự quyết định phù hợp với đời sống của con. Trường hợp vợ chồng bạn không thỏa thuận được về việc con sẽ chung sống với ai thì Tòa án sẽ quyết định việc giao con cho vợ hoặc chồng trên cơ sở đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con trong đó có tính tới các điều kiện sau đây: Về khả năng tài chính, đạo đức nhân cách lối sống và điều kiện về nơi ăn chỗ ở của người nào tốt hơn thì Tòa sẽ quyết định giao con cho người có điều kiện hơn được chăm sóc, nuôi dưỡng và người còn lại có trách nhiệm, nghĩa vụ cấp dưỡng tiền, tài sản cho con để con có cuộc sống tốt nhất (nếu người kia có yêu cầu).

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi liên quan đến vấn đề bạn đang vướng mắc, nếu còn nội dung chưa rõ thì bạn liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Án lệ số 3 : Về vụ án “Ly hôn”

Thời gian đọc: 19 Phút
Án lệ số 03/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 03-5-2013 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội.

>>> Chồng không ký đơn và giữ giấy tờ, tôi có ly hôn được không?

>>> Luật sư Nguyễn Hồng Bách tư vấn thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

Án lệ số 03/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 03-5-2013 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội.

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 03-5-2013 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội giữa nguyên đơn là chị Đỗ Thị Hồng với bị đơn là anh Phạm Gia Nam; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Gia Phác, bà Phùng Thị Tài, anh Phạm Gia Ơn, chị Phạm Thị Lữ, anh Bùi Văn Đáp, chị Đỗ Thị Ngọc Hà.

Khái quát nội dung của án lệ:

Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

  - Điều 14 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986;

  - Điều 242 của Bộ luật Dân sự năm 1995;

  - Khoản 2 Điều 176 của Bộ luật Dân sự năm 1995.

Từ khoá của án lệ:

“Ly hôn”; “Tài sản chung của vợ chồng”; “Tặng cho tài sản”; “Căn cứ xác lập quyền sở hữu”; “Xác lập quyền sở hữu theo thỏa thuận”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Chị Đỗ Thị Hồng và anh Phạm Gia Nam kết hôn năm 1992, có đăng ký tại Ủy ban nhân dân xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Sau chung sống một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn, hai vợ chồng sống ly thân từ tháng 9 năm 2008 đến nay. Ngày 18-4-2009, chị Hồng khởi kiện xin ly hôn anh Nam, anh Nam cũng đồng ý.

Về con chung: Vợ chồng có hai con là Phạm Gia Khang, sinh năm 1992 và Phạm Hương Giang, sinh năm 2000. Chị Hồng và anh Nam đều có nguyện vọng nuôi cả hai con và không yêu cầu người còn lại đóng góp nuôi con. Nguyện vọng của cháu Khang là muốn ở với anh Nam, nguyện vọng của cháu Giang là muốn ở với chị Hồng.

Về tài sản: Trong quá trình chung sống thì vợ chồng có xây nhà hai tầng vào năm 2002 (năm 2005 xây thêm một tum để chống nóng), nhà được xây trên thửa đất 80m2 tại xóm Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín. Về nhà, vợ chồng thống nhất là tài sản chung hai vợ chồng. Riêng về đất thì các bên không thống nhất được với nhau.

Theo chị Hồng: Đất là của gia đình ông Phạm Gia Phác (bố đẻ anh Nam) được cấp đất giãn dân năm 1992, sau đó gia đình ông Phác đã họp và tuyên bố cho vợ chồng chị diện tích đất, không làm giấy tờ. Năm 2001, ông Phác sang báo và anh Nam đi làm thủ tục cấp sổ đỏ nên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ anh Phạm Gia Nam nên đất này là tài sản chung của vợ chồng.

Chị yêu cầu được sử dụng nhà và đất nêu trên và thanh toán 1/2 giá trị đất và tài sản trên đất cho anh Nam như giá mà Hội đồng định giá đã đưa ra.

Theo anh Nam: Thửa đất này bố mẹ anh được cấp giãn dân năm 1992, bố mẹ chỉ cho vợ chồng ở nhờ chứ chưa cho vì gia đình anh còn đông anh em. Năm 2001, anh tự kê khai làm giấy tờ đất, gia đình anh không biết. Quan điểm của anh là trả lại đất cho ông Phác.

Theo ông Phác và bà Tài (bố mẹ anh Nam): Nguồn gốc đất là của ông được Ủy ban nhân dân xã Vân Tảo cấp đất giãn dân năm 1992, ông có xây một căn nhà cấp 4 trên đó. Năm 1993, gia đình ông cho vợ chồng anh Nam, chị Hồng ra đó làm ăn sinh sống chứ không cho đất vì vợ ông bị liệt 15 năm nay, ông và anh Ơn (em trai anh Nam) phải chăm sóc, nguyện vọng của gia đình là để mảnh đất này cho anh Ơn vì anh Ơn chưa có chỗ ở. Khi gia đình được cấp đất giãn dân thì gia đình chỉ có 4 người là ông, bà Tài, chị Lữ, anh Ơn (còn anh Nam đã thoát ly khỏi địa phương). Khi chị Hồng xin ly hôn anh Nam thì gia đình mới biết anh Nam đã tự động sang tên đất từ năm 2001. Nay ông, bà yêu cầu anh Nam, chị Hồng trả lại đất cho ông, bà.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án chị Hồng còn khai anh Nam được trường Cán bộ Sỹ quan Lục quân I cấp một thửa đất có diện tích 125m2 ở huyện Thạch Thất, ban đầu chị yêu cầu chia thửa đất này nhưng sau đó chị không yêu cầu giải quyết nữa.

Về nợ: Theo chị Hồng, vợ chồng vay của bà Hoàng Thị Chu (mẹ chị) 7,5 chỉ vàng 9999, vay của chị Đỗ Thị Ngọc Hà (chị gái chị) 1 cây vàng 9999, vay của anh Bùi Văn Đáp 150.000.000 đồng, lãi suất 1,25%/tháng, tất cả các khoản vay này đều không có giấy tờ. Chị yêu cầu anh Nam phải cùng chị thanh toán các khoản nợ trên.

Theo anh Nam, vợ chồng chỉ nợ bà Chu 7,5 chỉ vàng, anh đã trả được 13.875.000 đồng (tương đương 3,75 chỉ vàng). Còn các khoản vay khác anh không biết, anh không đồng ý trả theo yêu cầu của chị Hồng.

Ngày 03-11-2010, Hội đồng định giá đã định giá tài sản như sau:

Đất: 80m2 x 22.000.000 đồng/m2 = 1.760.000.000 đồng.

Nhà: 475.865.000 đồng. Tổng giá trị tài sản là: 2.235.865.000 đồng.

Án lệ số 03/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 03-5-2013 của Toà dân sự
Toà án nhân dân tối caovề vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội. ( Ảnh minh họa )

Tại Bản án sơ thẩm số 03/2011/HNGĐ-ST ngày 17-5-2011, Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đã quyết định:

1. Về quan hệ vợ chồng: Chị Đỗ Thị Hồng được ly hôn anh Phạm Gia Nam.

2. Về con chung: Giao cháu Phạm Hương Giang, sinh ngày 14-8-2000 cho chị Hồng nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành. Tạm hoãn việc đóng góp phí tổn nuôi con chung cho anh Nam đến khi chị Hồng có yêu cầu. Anh Nam có quyền đi lại thăm hỏi con chung, không ai được ngăn cản.

3. Tài sản chung, công sức đóng góp: Xác nhận ngôi nhà hai tầng 1 tum và Tòan bộ công trình trên thửa đất số 63 tờ bản đồ số 5 ở Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là tài sản chung của chị Đỗ Thị Hồng và anh Phạm Gia Nam có giá trị 475.865.000 đồng.

4. Xác nhận quyền sử dụng đất 80m2 đất thửa số 63 tờ bản đồ số 5 ở Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội thuộc hộ gia đình ông Phạm Gia Phác. Buộc chị Đỗ Thị Hồng và anh Phạm Gia Nam phải trả lại cho hộ gia đình ông Phạm Gia Phác quyền sử dụng 80m2 thửa số 63 tờ bản đồ số 5 ở Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Giao hộ gia đình ông Phạm Gia Phác được quyền sở hữu Tòan bộ tài sản trên thửa đất này gồm nhà hai tầng và công trình trên đất. Buộc ông Phạm Gia Phác phải thanh toán trả chị Đỗ Thị Hồng và anh Phạm Gia Nam mỗi người 237.932.500 đồng.

5. Kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U060645 cấp ngày 21-12-2001, mang tên hộ ông Phạm Gia Nam để làm thủ tục cấp lại cho ông Phạm Gia Phác khi ông Phác có yêu cầu.

6. Ghi nhận sự tự nguyện của anh Phạm Gia Nam hỗ trợ chị Đỗ Thị Hồng số tiền là 800.000.000 đồng.

7. Buộc chị Đỗ Thị Hồng phải thanh toán trả cho anh Bùi Văn Đáp số tiền là 179.820.000 đồng.

8. Bác các yêu cầu khác của chị Đỗ Thị Hồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 19-5-2011, chị Hồng có đơn kháng cáo Tòan bộ Bản án sơ thẩm.

Ngày 24-5-2011, anh Nam kháng cáo không đồng ý hỗ trợ chị Hồng 800.000.000 đồng tạo dựng chỗ ở mới. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm anh Nam rút yêu cầu kháng cáo này.

Tại Bản án phúc thẩm số 105/2011/LHPT ngày 30-8-2011 và ngày 06-9-2011 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

Giữ nguyên Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 03/2011/HNGĐ-ST ngày 17-5-2011 của Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội (như đã nêu ở trên).

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn tuyên về án phí.

Sau khi xét xử phúc thẩm, chị Hồng và bà Hoàng Thị Chu có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định kháng nghị số 05/2013/KN-HNGĐ-LĐ ngày 03-01-2013, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị đối với Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 105/2011/LHPT ngày 30-8-2011 và 06-9-2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Hủy Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm nêu trên và Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 03/2011/HNGĐ-ST ngày 17-5-2011 của Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội về phần quan hệ tài sản; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm soát nhân dân tối cao cho rằng đối với đất tranh chấp, khi cấp giãn dân cho gia đình ông Phác thì không có anh Nam, không có căn cứ cho rằng bố mẹ đã cho vợ chồng anh Nam nên đất vẫn là của gia đình ông Phác. Tòa án hai cấp xác định là của bố mẹ anh Nam là có căn cứ. Có sai phần nợ của bà Chu. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Hội đồng giám đốc thẩm Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao nhận định:

Về quan hệ hôn nhân và con chung, Tòa án các cấp đã giải quyết, các đương sự không có khiếu nại.

Về quan hệ tài sản: Tài sản mà các đương sự tranh chấp là diện tích đất 80m2 tại xóm Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội mang tên hộ anh Phạm Gia Nam.

Hồ sơ thể hiện nguồn gốc diện tích đất nêu trên là của ông Phạm Gia Phác được Ủy ban nhân dân xã Vân Tảo, huyện Thường Tín cấp đất giãn dân vào năm 1992. Căn cứ Biên bản bàn giao đất của Ủy ban nhân dân xã cho ông Phác thì thời điểm có biên bản giao đất này chị Hồng đã kết hôn với anh Nam. Tuy nhiên, theo xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm tại xã Vân Tảo, Thường Tín về thủ tục cấp đất thì xã Vân Tảo đã có chủ trương cấp đất giãn dân từ năm 1991. Dù khi làm thủ tục cấp đất, gia đình ông Phác chỉ có 4 người là ông Phác, bà Tài, chị Lữ, anh Ơn (vì thời điểm này anh Nam đi bộ đội chưa về địa phương), nhưng việc cấp đất giãn dân là cấp đất cho hộ đông người, cấp cho vợ chồng ông Phác và các con, nên anh Nam cũng là đối tượng được cấp đất. Sau khi nhận đất, gia đình ông Phác đã xây dựng một căn nhà cấp 4. Năm 1993, gia đình ông Phác cho vợ chồng anh Nam chị Hồng ra ở riêng trên diện tích đất này và anh chị là người quản lý, sử dụng đất liên tục từ đó cho đến nay.

Chị Hồng cho rằng gia đình ông Phác đã tuyên bố cho vợ chồng chị diện tích đất nêu trên, ông Phác và anh Nam khẳng định gia đình chưa cho vợ chồng.

Xét thấy: Theo xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Vân Tảo thì năm 2001, xã tổ chức cho các hộ dân trong xã Vân Tảo đăng ký kê khai để xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và các hộ kê khai tại trụ sở thôn xóm (BL 103). Tất cả các hộ dân trong xã đều được biết về chủ trương kê khai đất này. Ông Phác là chủ đất nhưng không đi kê khai. Anh Nam đang ở trên đất và là người đi kê khai làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Ngày 21-12-2001, anh Nam được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U060645 đứng tên hộ ông Phạm Gia Nam. Vợ chồng anh chị đã xây nhà 2 tầng kiên cố vào năm 2002 và đến năm 2005 thì xây thêm tum tầng 3. Ông Phác và các anh chị em trong gia đình anh Nam đều biết việc xây dựng trên của vợ chồng anh Nam chị Hồng, nhưng cũng không ai có ý kiến gì. Như vậy, từ khi được cấp giấy chứng nhận (2001) cho đến khi có việc ly hôn của anh Nam, chị Hồng (2009), gia đình ông Phác cũng không ai có khiếu nại gì về việc cấp đất, xây nhà này. Điều đó thể hiện ý chí của gia đình ông Phác là đã cho anh Nam và chị Hồng diện tích đất nêu trên. Do đó, việc ông Phác và anh Nam khai rằng anh Nam tự ý kê khai giấy tờ đất, ông Phác không biết là không có cơ sở chấp nhận. Như vậy, có căn cứ xác định lời khai của chị Hồng về việc gia đình ông Phác đã cho anh chị diện tích đất trên, là có cơ sở.

Do đó, việc Tòa án các cấp nhận định rằng anh Nam đi làm giấy tờ đất ông Phác không biết và việc chị Hồng khai gia đình chồng đã cho vợ chồng nhưng không có chứng cứ chứng minh, để xác định diện tích đất 80m2 tại thôn Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là tài sản thuộc hộ gia đình ông Phạm Gia Phác; đồng thời, buộc anh Nam, chị Hồng trả lại đất cho gia đình ông Phác, là không đúng. Cần phải xác định diện tích đất tranh chấp trên là tài sản chung của vợ chồng anh Nam, chị Hồng và khi chia phải coi anh Nam có công sức đóng góp nhiều hơn để chia theo công sức của mỗi bên và cần phải căn cứ vào nhu cầu về chỗ ở để chia hiện vật cho các bên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

Đối với nội dung khiếu nại của bà Hoàng Thị Chu (mẹ đẻ chị Hồng), thấy rằng: Ngày 07-5-2011 (trước ngày xét xử sơ thẩm), bà Chu đã có đơn gửi Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, nội dung: “Hôm nay là ngày 07-5-2011, tôi đã nhận được số tiền các cháu trả tôi. Tôi không đề nghị Tòa án giải quyết nữa”. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên sung công quỹ đối với số tiền tạm ứng án phí của bà Chu (200.000đ), nhưng không tuyên đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu đòi nợ của bà Chu, là trái với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, bà Chu không kháng cáo và Viện kiểm sát không kháng nghị, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm đã căn cứ Điều 263 Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị, nên kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với nội dung trên là không cần thiết.

Do đó, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét thấy kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với phần tài sản tranh chấp của anh Nam, chị Hồng (là 80m2 đất tại xóm Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội), là có căn cứ chấp nhận.

Vì các lẽ trên, căn cứ khoản 2 Điều 291; khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

Hủy Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 105/2011/LH-PT

ngày 30-8-2011 và ngày 06-9-2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 03/2011/HNGĐST ngày 17-5-2011 của Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội về phần quan hệ tài sản, đã giải quyết vụ án “Ly hôn” giữa nguyên đơn là chị Đỗ Thị Hồng và bị đơn là anh Phạm Gia Nam;

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“Theo xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Vân Tảo thì năm 2001 xã tổ chức cho các hộ dân trong xã Vân Tảo đăng ký kê khai để xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và các hộ kê khai tại trụ sở thôn xóm (BL 103). Tất cả các hộ dân trong xã đều được biết về chủ trương kê khai đất này. Ông Phác là chủ đất nhưng không đi kê khai. Anh Nam đang ở trên đất và là người đi kê khai làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Ngày 21-12-2001 anh Nam được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U060645 đứng tên hộ ông Phạm Gia Nam. Vợ chồng anh chị đã xây nhà 2 tầng kiên cố vào năm 2002 và đến năm 2005 thì xây thêm tum tầng 3. Ông Phác và các anh chị em trong gia đình anh Nam đều biết việc xây dựng trên của vợ chồng anh Nam chị Hồng, nhưng cũng không ai có ý kiến gì. Như vậy, từ khi được cấp giấy chứng nhận (2001) cho đến khi có việc ly hôn của anh Nam, chị Hồng (2009), gia đình ông Phác cũng không ai có khiếu nại gì về việc cấp đất, xây nhà này. Điều đó thể hiện ý chí của gia đình ông Phác là đã cho anh Nam và chị Hồng diện tích đất nêu trên. Do đó, việc ông Phác và anh Nam khai rằng anh Nam tự ý kê khai giấy tờ đất, ông Phác không biết là không có cơ sở chấp nhận. Như vậy, có căn cứ xác định lời khai của chị Hồng về việc gia đình ông Phác đã cho anh chị diện tích đất trên, là có cơ sở.

Do đó, việc Tòa án các cấp nhận định rằng anh Nam đi làm giấy tờ đất ông Phác không biết và việc chị Hồng khai gia đình chồng đã cho vợ chồng nhưng không có chứng cứ chứng minh, để xác định diện tích đất 80m2 tại thôn Vân Hòa, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là tài sản thuộc hộ gia đình ông Phạm Gia Phác; đồng thời buộc anh Nam, chị Hồng trả lại đất cho gia đình ông Phác, là không đúng. Cần phải xác định diện tích đất tranh chấp trên là tài sản chung của vợ chồng anh Nam, chị Hồng và khi chia phải coi anh Nam có công sức đóng góp nhiều hơn để chia theo công sức của mỗi bên và cần phải căn cứ vào nhu cầu về chỗ ở để chia hiện vật cho các bên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.”

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Chồng không ký đơn và giữ giấy tờ, tôi có ly hôn được không?

Thời gian đọc: 5 Phút
Vợ chồng tôi phát sinh mẫu thuẫn, tôi đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ để ở. Chồng tôi không ký vào đơn ly hôn và đang giữ các giấy tờ của tôi. Vậy, tôi có được quyền ly hôn với chồng không?

Câu hỏi: Kính chào luật sư. Tôi có vướng mắc pháp lý sau, mong luật sư tư vấn, giải đáp cho tôi nội dung cụ thể như sau: Tôi và chồng kết hôn năm 2018, thời gian gần đây vợ chồng chúng tôi phát sinh nhiều mâu thuẫn, tôi đã bỏ về nhà mẹ đẻ sống.

Tôi muốn ly hôn với chồng, nhưng hiện nay anh ta đang giữ các giấy tờ của tôi và không đồng ý ký vào đơn ly hôn. Vậy, luật sư cho tôi hỏi, tôi muốn ly hôn với chồng thì phải thực hiện như nào? Thủ tục ra sao? Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hiện nay pháp luật có quy định hai thủ tục để vợ chồng tiến hành việc ly hôn khi không các bên không còn tình cảm vợ chồng nữa. 

Cụ thể, vợ chồng có thể lựa chọn hình thức thuận tình ly hôn hoặc tiến hành ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng. Trong đó, thuận tình ly hôn được hiểu là việc vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn. 

Còn việc ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng được hiểu là việc khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Do đó, việc chồng bạn không ký vào đơn ly hôn thì bạn vẫn có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn mà không phụ thuộc vào ý kiến của chồng bạn.

Luật Hồng Bách - Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)

Theo bạn trình bày do hiện nay chồng bạn đang giữ các giấy tờ liên quan đến việc bạn ly hôn thì để giải quyết việc ly hôn thì phải làm thế nào? Về vấn đề này luật sư có quan điểm như sau:

Để giải quyết được việc ly hôn thì một trong các bên vợ hoặc chồng phải chuẩn bị bản sao hoặc bản chính một trong các giấy tờ sau: i) Giấy đăng ký kết hôn; ii) Căn cước công dân, Sổ hộ khẩu; iii) Giấy khai sinh của các con; iv) Các giấy tờ liên quan đến tài sản của vợ chồng (nếu có); 
Trường hợp của bạn do không có bản chính các giấy tờ này thì bạn có thể đến Cơ quan nơi đã cấp các giấy tờ này cho bạn để thực hiện thủ tục xin trích sao các giấy tờ này để xin cấp bản sao.

Trên cơ sở đó, cán bộ phụ trách có trách nhiệm trích sao các giấy tờ cho bạn để thực hiện thủ tục ly hôn. Như vậy, sau khi xin trích sao các giấy tờ này thì bạn có thể nộp đơn ly hôn cùng các giấy tờ mà không phụ thuộc vào ý kiến của chồng bạn và không phụ thuộc vào việc chồng bạn đang giữ các giấy tờ. Việc giải quyết ly hôn của bạn sẽ do Toà án nơi chồng bạn cư trú, sinh sống, làm việc giải quyết theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Khi ly hôn, vợ không có điều kiện kinh tế thì có được nuôi con hay không?

Thời gian đọc: 6 Phút
Vợ chồng tôi hiện đang phát sinh mâu thuẫn, chúng tôi muốn ly hôn nhưng hiện tại điều kiện kinh tế không ổn định. Vậy, tôi có được quyền nuôi con?

Câu hỏi: Kính chào luật sư. Mong luật sư có thể tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho tôi nội dung sau đây: “Vợ chồng tôi gần đây phát sinh nhiều mâu thuẫn do chồng tôi hay ghen và chúng tôi đã nộp đơn dị hôn. Tuy nhiên, do hiện tại kinh tế của tôi không ổn định, tôi không biết mình có được quyền nuôi con khi chúng tôi ly dị hay không? Tôi nên làm gì, mong luật sư tư vấn cho em?” Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách có ý kiến tư vấn như sau:

Trước hết, để bạn có thể hiểu vấn đề của mình thì cần hiểu khái niệm ly dị là gì? Theo cách hiểu thông thường thì ly dị được hiểu là vợ chồng bỏ nhau một cách hợp pháp, các bên chấm dứt quan hệ hôn nhân do Toà án quyết định dựa theo yêu cầu của một trong các bên vợ hoặc chồng, huỷ bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác.

Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản pháp luật không dùng thuật ngữ ly dị mà thay vào đó bằng thuật ngữ “ly hôn”. Theo đó, tại khoản 14 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có giải thích từ ly hôn như sau: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án”. Vậy, khi vợ chồng ly hôn thì ai có quyền nuôi con?

Theo các quy định của luật hôn nhân và gia đinh thì vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dạy các con khi các bên ly hôn. Tuy nhiên, để đảm bảo cho con có cuộc sống tốt nhất, đảm bảo con phát triển về mọi mặt thì Toà án sẽ quyết định giao con cho người có điều kiện để cho con có cuộc sống tốt nhất.

Do bạn không cung cấp con bạn bao nhiêu tuổi và có nguyện vọng chung sống với ai khi 2 vợ chồng bạn ly hôn, nên chúng tôi chia ra các trường hợp sau đây để bạn dễ hiểu vấn đề của mình.

Trường hợp: Con dưới 36 tháng tuổi.

Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì căn cứ theo khoản 3 điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Toà án sẽ quyết định việc giao con cho mẹ trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không có mong muốn nguyện vọng chăm sóc, nuôi con hoặc vợ chồng bạn có thoả thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Trường hợp này, nếu người mẹ có yêu cầu cấp dưỡng để nuôi con thì người cha có nghĩa vụ thực hiện việc cấp dưỡng cho con theo mức sống hiện tại của con.

Luật Hồng Bách - Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)

Trường hợp con trên 36 tháng tuổi.

Trường hợp con bạn trên 36 tháng tuổi thì Toà án sẽ quyết định giao con cho ai có điều kiện hơn người kia được chăm sóc, nuôi dưỡng. Vậy, Toà án sẽ xem xét những điều kiện gì của các bên để quyết định việc giao con cho một trong các bên? 

Thực tiễn hiện nay khi giải quyết các vụ việc tranh chấp quyền nuôi con thì Toà án sẽ xem xét điều kiện về kinh tế, điều kiện về nhân thân, điều kiện về chỗ ở để quyết định việc giao con cho vợ hoặc chồng chăm sóc để con có thể phát triển toàn diện về mọi mặt. Cụ thể:

+ Về điều kiện kinh tế: Gồm những vấn đề có liên quan như sau: Có việc làm, có thu nhập ổn định đảm bảo cho việc sinh hoạt, học tập của con, điều kiện để con vui chơi, học tập, giải trí…

+ Về điều kiện nhân thân: gồm những vấn đề có liên quan sau đây: Có lối sống lành mạnh, tuân thủ các quy định pháp luật, chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, sống gương mẫu… đảm bảo con có thể sống trong môi trường văn minh, có thời gian chăm sóc con…

+ Về điều kiện nơi ở: Một trong các bên vợ hoặc chồng phải đảm bảo có chỗ ở hợp pháp, đủ diện tích để con sinh sống, học tập, sinh hoạt cá nhân…

Như vậy, dựa vào việc xem xét tổng hợp các điều kiện nêu trên thì Toà án sẽ quyết định việc giao con cho vợ hoặc chồng được chăm sóc. Căn cứ theo khoản 2 điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nếu người được giao con yêu cầu phía còn lại thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì người kia phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng để mang lại cuộc sống tốt nhất cho con.

Ngoài ra, trường hợp con bạn trên 7 tuổi thì Toà án sẽ quyết định việc giao con cho vợ hoặc chồng được quyền nuôi dựa vào các điều kiện nêu trên và dựa theo nguyện vọng chính đáng của con.

Như vậy, trường hợp bạn mặc dù không có đủ điều kiện về kinh tế thì bạn vẫn có cơ hội và điều kiện được nuôi con và bạn có thể yêu cầu người chồng của mình thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn