Bạn đang ở đây

Mẹ không cho bố gặp con sau ly hôn thì phải làm gì?

16/03/22 10:19:14 | Lượt xem: 698
Thời gian đọc: 5 Phút
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của pháp luật.

Kính chào luật sư, tôi có nội dung vướng mắc pháp lý như sau, mong luật sư tư vấn, giải đáp cho tôi. Vợ chồng tôi đã tiến hành ly hôn, theo bản bán thì vợ tôi được quyền nuôi con, thời gian gần đây tôi có qua thăm con thì vợ lấy nhiều lý do, không cho tôi gặp con. Tôi phải làm thế nào để gặp được con thưa luật sư. Xin cảm ơn luật sư!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 81, Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì sau khi ly hôn, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ trông nom chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con không ai được cản trở, ngăn cản quyền của cha mẹ đối với con.

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Ảnh minh hoạ.(Nguồn:Intrernet)

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, việc người mẹ cố tình không cho bạn gặp con là hành vi xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp giữa bạn đối với người con.

Theo đó, căn cứ quy định của pháp luật thì hành vi ngăn cản bạn thăm gặp con của người mẹ có thể bị xử phạt về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau mới mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Cụ thể, điều luật quy định như sau:

Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Trường hợp sau khi bị xử phạt mà người mẹ vẫn cố tình không cho bạn thăm, gặp con thì bạn có thể đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự nơi người con bạn đang ở tổ chức việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án để bạn được thực hiện các quyền của mình đối với người con.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

 

 

 

Tin tức liên quan