Bạn đang ở đây

Luật cạnh tranh

Quy định pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh

Thời gian đọc: 6 Phút
Thế nào là cạnh tranh không lành mạnh? Pháp luật cấm hành các hành vi cạnh tranh nào trong lĩnh vực kinh doanh thương mại? Phải làm gì khi quyền và lợi ích hợp pháp bị hành vi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh xâm phạm ?

 Xin chào Luật sư, luật sư có thể tứ vấn cho tôi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tôi phải khiếu nại hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến cơ quan nào? 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh 

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 thì Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Luật cạnh tranh quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam

Quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh 

Thực tế, trong hoạt động kinh doanh thì việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là việc không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hành vi cạnh tranh nào cũng được pháp luật cho phép. Căn cứ Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 thì pháp luật cấm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh sau: 

Điều 45. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quân trực thuộc Bộ Công Thương mà một trong các nhiệm vụ của cơ quan này là tiến hành tố tụng cạnh tranh. Ảnh minh họa: Internet

Trình tự, thủ tục điều tra xử lý vụ việc cạnh tranh. 

Tổ chức, cá nhân khi có căn cứ xác minh hành vi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì có quyền, trách nhiệm cung cấp thông tin, chúng cứ cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là cơ quân trực thuộc Bộ Công Thương mà một trong các nhiệm vụ của cơ quan này là tiến hành tố tụng cạnh tranh. Trong đó, căn cứ tại khoản 4 Điều 59 Luật Cạnh tranh thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm giải quyết xử lý việc vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh.

Về thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh: quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Cạnh tranh năm 2018 thì Thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 45 ngày.

Về xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh. 

Điều 90 Luật cạnh tranh năm 2018 quy định về xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh như sau: 

Điều 90. Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh;

b) Yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh điều tra bổ sung trong trường hợp nhận thấy các chứng cứ thu thập chưa đủ để xác định hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh. Thời hạn điều tra bổ sung là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định;

c) Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

2. Thời hạn xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh trong trường hợp điều tra bổ sung là 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, báo cáo điều tra và kết luận điều tra bổ sung.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Thủ tục kiểm soát tập trung kinh tế hiện nay

Thời gian đọc: 6 Phút
Tập trung kinh tế là gì? Trình tự thủ tục thực hiện tập trung kinh tế? Điều kiện để được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tập trung kinh tế.

Chào luật sư, luật sư có thể tư vấn cho tôi trình tự xem xét một vụ tập trung kinh tế theo quy định của nước ta hiện nay?

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau: 

Khái niệm về tập trung kinh tế

Theo quy định tại Điều 29 Luật cạnh tranh năm 2018 thì tập trung kình tế gồm các hình thức sau đây:  

Điều 29. Các hình thức tập trung kinh tế

1. Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây:

a) Sáp nhập doanh nghiệp;

b) Hợp nhất doanh nghiệp;

c) Mua lại doanh nghiệp;

d) Liên doanh giữa các doanh nghiệp;

đ) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

2. Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

3. Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

4. Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

5. Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.

Sáp nhập doanh nghiệp; Hợp nhất doanh nghiệp; Mua lại doanh nghiệp; Liên doanh giữa các doanh nghiệp là một trong các hình thức tập trung kinh tế được pháp luật quy định. Ảnh minh họa: internet. 

Trình tự xem xét một vụ tập trung kinh tế ở Việt Nam theo quy định của Luật Cạnh tranh hiện nay bao gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế 
Các trường hợp được xem xét chấp thuận theo quy định của pháp luật có nghĩa vụ thông báo tập trung kinh tế cho Ủy ban cạnh tranh quốc gia.

Bước 2: Ủy ban cạnh tranh quốc gia thụ lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế

Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế như sau: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Ủy ban cạnh tranh quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban cạnh tranh quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo. Khi kết thúc thời hạn mà bên được yêu cầu không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung không đầy đủ theo yêu cầu thì Ủy ban cạnh tranh quốc gia trả lại hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.

Bước 3: Thẩm định sơ bộ
Dựa theo các tiêu chí pháp luật quy định, cơ quan thẩm định cần thu thập thông tin, dữ liệu nhằm đưa ra các đánh giá ban đầu, sau 30 ngày ra một trong các quyết định: cho phép, chấp nhận để các doanh nghiêp tiến hành hành vi tập trung kinh tế hoặc chuyển hồ sơ đến giai đoạn thẩm định chính thức. Khi đó, cơ quan thẩm định sẽ trả lời bằng văn bản về việc được thực hiện tập trung kinh tế hoặc phải chuyển hồ sơ đến giai đoạn thẩm định chính thức.

Bước 4: Thẩm định chính thức (nếu cần)

Trong quá trình thẩm định chính thức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải tham vấn tùy theo yêu cầu từng vụ việc và đối tượng tham gia tập trung kinh tế. Thời gian và nội dung thẩm định chính thức được quy định cụ thể tại Điều 37 Luật cạnh tranh năm 2018. Sau thời gian này, Ủy ban cạnh tranh quốc gia sẽ đưa ra một trong ba quyết định sau:

- Thứ nhất, chấp nhận, cho phép các bên tiến hành tập trung kinh tế.

- Thứ hai, chấp nhận có điều kiện. Các bên được tiến hành tập trung kinh tế nhưng phải thực hiện những yêu cầu mà Ủy ban cạnh tranh quốc gia đã đưa ra trong quyết định.

- Thứ ba, không chấp nhận (trường hợp tập trung kinh tế bị cấm).

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn