Bạn đang ở đây

hợp nhất doanh nghiệp

Thủ tục kiểm soát tập trung kinh tế hiện nay

Thời gian đọc: 6 Phút
Tập trung kinh tế là gì? Trình tự thủ tục thực hiện tập trung kinh tế? Điều kiện để được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tập trung kinh tế.

Chào luật sư, luật sư có thể tư vấn cho tôi trình tự xem xét một vụ tập trung kinh tế theo quy định của nước ta hiện nay?

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau: 

Khái niệm về tập trung kinh tế

Theo quy định tại Điều 29 Luật cạnh tranh năm 2018 thì tập trung kình tế gồm các hình thức sau đây:  

Điều 29. Các hình thức tập trung kinh tế

1. Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây:

a) Sáp nhập doanh nghiệp;

b) Hợp nhất doanh nghiệp;

c) Mua lại doanh nghiệp;

d) Liên doanh giữa các doanh nghiệp;

đ) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

2. Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

3. Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

4. Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

5. Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.

Sáp nhập doanh nghiệp; Hợp nhất doanh nghiệp; Mua lại doanh nghiệp; Liên doanh giữa các doanh nghiệp là một trong các hình thức tập trung kinh tế được pháp luật quy định. Ảnh minh họa: internet. 

Trình tự xem xét một vụ tập trung kinh tế ở Việt Nam theo quy định của Luật Cạnh tranh hiện nay bao gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế 
Các trường hợp được xem xét chấp thuận theo quy định của pháp luật có nghĩa vụ thông báo tập trung kinh tế cho Ủy ban cạnh tranh quốc gia.

Bước 2: Ủy ban cạnh tranh quốc gia thụ lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế

Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế như sau: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Ủy ban cạnh tranh quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban cạnh tranh quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo. Khi kết thúc thời hạn mà bên được yêu cầu không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung không đầy đủ theo yêu cầu thì Ủy ban cạnh tranh quốc gia trả lại hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.

Bước 3: Thẩm định sơ bộ
Dựa theo các tiêu chí pháp luật quy định, cơ quan thẩm định cần thu thập thông tin, dữ liệu nhằm đưa ra các đánh giá ban đầu, sau 30 ngày ra một trong các quyết định: cho phép, chấp nhận để các doanh nghiêp tiến hành hành vi tập trung kinh tế hoặc chuyển hồ sơ đến giai đoạn thẩm định chính thức. Khi đó, cơ quan thẩm định sẽ trả lời bằng văn bản về việc được thực hiện tập trung kinh tế hoặc phải chuyển hồ sơ đến giai đoạn thẩm định chính thức.

Bước 4: Thẩm định chính thức (nếu cần)

Trong quá trình thẩm định chính thức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải tham vấn tùy theo yêu cầu từng vụ việc và đối tượng tham gia tập trung kinh tế. Thời gian và nội dung thẩm định chính thức được quy định cụ thể tại Điều 37 Luật cạnh tranh năm 2018. Sau thời gian này, Ủy ban cạnh tranh quốc gia sẽ đưa ra một trong ba quyết định sau:

- Thứ nhất, chấp nhận, cho phép các bên tiến hành tập trung kinh tế.

- Thứ hai, chấp nhận có điều kiện. Các bên được tiến hành tập trung kinh tế nhưng phải thực hiện những yêu cầu mà Ủy ban cạnh tranh quốc gia đã đưa ra trong quyết định.

- Thứ ba, không chấp nhận (trường hợp tập trung kinh tế bị cấm).

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn