Kính chào luật sư, Luật sư tư vấn cho tôi nội dung pháp lý như sau: Quê tôi có bãi bồi ven sông thời gian gần đây mùa nước cạn xuất hiện một số tàu thuyền hút cát trộm, gây nên tình trạng sạt lở bờ sông, xâm lấn vào bãi bồi của chúng tôi đang sử dụng. Vậy, luật sư cho tôi hỏi hành vi hút cát trộm sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Xin cảm ơn luật sư!
Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:
Theo quy định của khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 thì cát, sỏi dưới lòng sông được coi là một loại khoáng sản. Do đó, theo quy định của Luật này cá nhân, cơ quan, tổ chức muốn khai thác cát, sỏi phải có giấy phép của cơ quan Nhà nước cho phép khai thác. Mọi trường hợp khai thác cát, sỏi không có giấy phép đều là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi khai thác cát, sỏi không có giấy phép thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan. Cụ thể:
Về xử phạt hành chính.
Theo đó, căn cứ Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác cát trái phép như sau:
+ Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác cát trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng nặng vùng đất ven sông (Theo điểm a khoản 6 Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP)
+ Phạt tiền đối với hành vi khai thác cát ở vùng nước nội thủy ven biển vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác, cụ thể:
i) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 100 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép đến dưới 02 m;
ii) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác cát; sỏi vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100 m đến dưới 200 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 02 m đến dưới 05 m;
iii) Trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 200 m trở lên hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 05 m trở lên được coi là hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị áp dụng mức phạt tiền cao nhất tương ứng quy định tại điểm e khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
(Theo khoản 8 Điều 37 Nghị định 36/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 15 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)
+ Phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông; cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể như sau:
i) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10 m3;
ii) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3;
iii) Từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3;
iv) Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 30 m3 đến dưới 40 m3;
v) Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 40 m3 đến dưới 50 m3;
vi) Từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50 m3 trở lên.
(Theo khoản 1 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP)
Về truy cứu trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi khai thác cát, sỏi trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể:
Điều 227: Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Như vậy hành vi khai thác cát trái phép mà không có giấy phép thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn