Bạn đang ở đây

cảnh sát giao thông

Chửi bới, lăng mạ Cảnh giao thông khi bị kiểm tra có thể bị đi tù.

Thời gian đọc: 7 Phút
Pháp luật quy định thế nào về người thi hành công vụ? Lăng mạ, chửi bới cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ có thể bị đi tù không?

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp, khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra đo nồng độ cồn hay kiểm tra hành chính thì nhiều người dân đã tỏ thái độ bức xúc, nhiều người còn có hành vi chửi bới gây cản trờ người thi hành công vụ. Đối với những hành vi trên, thì sẽ bị  xử lý như thế nào?

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau

Thứ nhất, thế nào là người thi hành công vụ?

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, thì Người thi hành công vụ được hiểu là: cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Ngoài ra, theo quy định khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì: Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án.

Như vậy, từ các quy định trên thì cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn được coi là người thi hành công vụ. Các hành vi chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng của người dân được coi là hành vi gây rối, vi phạm pháp luật. 

Tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi thì người có hành vi chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ nói chung và Cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ nói riêng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh họa: VTV.vn

Thứ hai, hành vi chửi bới, lăng mạ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ bị xử lý như thế nào?

Tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi thì người có hành vi chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ nói chung và Cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ nói riêng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Xử lý vi phạm hành chính

Điều 21. Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ vào Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì: 

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

 

Có được quyền yêu cầu kiểm tra chuyên đề khi đang làm việc với Cảnh sát giao thông?

Thời gian đọc: 7 Phút
Chuyên đề kế hoạch làm việc của Cảnh sát giao thông ("CSGT") có phải là một trong các nội dung công khai? Người dân có quyền yêu cầu kiểm tra chuyên đề khi trực tiếp làm việc với CSGT? Các hình thức để người dân tiếp cận chuyên đề của CSGT?

Thưa luật sư, xin luật sư cho tôi được biết là khi tham gia giao thông bị CSGT dừng xe kiểm tra và xử lý vi phạm thì người dân có được quyền kiểm tra chuyên đề kế hoạch làm việc của CSGT hay không? Cảm ơn luật sư.

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA có quy định như sau:

Thế nào là Chuyên đề của CSGT? 

Chuyên đề của CSGT là cách gọi tắt của người dân. Trên thực tế, căn cứ quy định tại điểm d Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11 2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì " Chuyên đề" gồm các nội dung: "Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện"

Cũng theo quy định tại Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA thì những nội dung liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sau được công khai: 

Điều 5. Nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính:

a) Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

b) Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

c) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;

d) Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện;

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

e) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

2. Công tác đăng ký, cấp biển số xe:

a) Quy trình, thủ tục đăng ký, cấp biển số xe;

b) Tên cơ quan, địa chỉ, thời gian làm việc, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;

c) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;

d) Lệ phí đăng ký xe;

đ) Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, cấp biển số xe;

e) Trách nhiệm của cơ quan Công an và cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đăng ký xe;

g) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các quy định về đăng ký, cấp biển số xe.

3. Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông:

a) Quy trình chỉ huy, điều khiển giao thông;

b) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;

c) Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông;

d) Tuyến đường hạn chế hoặc cấm phương tiện, loại phương tiện giao thông khi có yêu cầu về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông:

a) Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông;

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi điều tra, giải quyết tai nạn giao thông;

c) Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.

Việc người dân thực hiện tiếp cận kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT chỉ được thực hiện theo các hình thức mà pháp luật quy định. Ảnh minh họa: csgt.vn

Từ các căn cứ trên, có thể thấy pháp luật quy định người dân có quyền được biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT. Tuy nhiên, việc tiếp cận kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT chỉ được thực hiện theo các hình thức được quy định tại Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA. Cụ thể:

Điều 6. Hình thức công khai của Công an nhân dân

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:

1. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

2. Đăng Công báo.

3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

5. Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ các quy định trên việc người dân trực tiếp yêu cầu CSGT công khai chuyên đề khi CSGT đang làm nhiệm vụ là không có cơ sở pháp lý. Như vậy, CSGT hoàn toàn có quyền giải thích và từ chối yêu cầu trên của người dân.  

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện đang lưu thông khi nào?

Thời gian đọc: 6 Phút
Khoản 1 Điều 16 của Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.

Chào luật sư. Tôi có vướng mắc pháp lý như sau, mong luật sư tư vấn, giải đáp hỗ trợ cho tôi.

Nội dung câu hỏi như sau: Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện đang lưu thông trên đường khi nào? Việc dừng phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường phải đảm bảo yêu cầu gì?

Xin cảm ơn luật sư tư vấn.

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông thì Cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện đang lưu thông trên đường trong các trường hợp sau đây:

1. Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

+ Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

+ Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

+ Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện đang lưu thông trên đường khi nào? (Ảnh: Nhà đầu tư)

Theo quy định tại khoản 2 điều 16 của Thông tư số 65/2020/TT-BCA khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông thì lực lượng thực thi nhiệm vụ phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;

2. Khi dừng, kiểm soát tại một điểm, tại Trạm Cảnh sát giao thông, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại điểm a Khoản này và yêu cầu sau đây:
Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc, 50m đối với quốc lộ và 30m đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng;

Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông vi phạm; bố trí Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông. Trường hợp kiểm soát trên đường cao tốc, phải đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đường đối ngoại) về phía trước Tổ Cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới theo quy định của pháp luật báo hiệu đường bộ;

3. Khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông trên đường cao tốc, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại mục 1, 2 nêu trên và yêu cầu sau đây:
Khi kiểm soát tại một điểm chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí: Khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc;

Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666;  Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

 

Vượt đèn đỏ bị phạt 800 nghìn đồng, cơ sở nào để cảnh sát giao thông quy định mức tiền phạt?

Thời gian đọc: 6 Phút
Tôi vượt đèn đỏ và bị cảnh sát giao thông phạt 800.000 đồng. Cơ sở nào để họ quy định mức tiền phạt đó?

Thưa luật sư, tôi có thắc mắc như sau mong luật sư hỗ trợ giải đáp. Sự việc cụ thể: Do có việc gấp nên tôi đã điều khiển xe máy vượt đèn đỏ nên bị cảnh sát giao thông bắt và xử phạt 800.000 đồng. Theo tôi được biết, mức xử phạt cho lỗi vượt đèn đỏ là từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, vậy họ dựa vào cơ sở nào để quy định mức tiền phạt trong khung đó?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ quy định tại điểm e, khoản 4, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trường hợp của bạn vi phạm lỗi "Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" với mức tiền phạt từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. 

Vậy cơ sở nào để quy định mức tiền phạt trong khung tiền phạt ?

Căn cứ Khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Vượt đèn đỏ và bị cảnh sát giao thông phạt 800.000 đồng. Ảnh minh họa

Theo đó, dù mức phạt tiền không được quy định là một khoản cố định nhưng nếu như không có tình tiết giảm nhẹ hoặc không có tình tiết tăng nặng thì sẽ lấy ở mức trung bình. Ví dụ như trong trường hợp của bạn, khung tiền phạt từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng thì mức phạt bình thường sẽ là 800.000 đồng.

 - Mức phạt là 600.000 đồng sẽ được áp dụng khi có các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như :

a) Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

b) Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

c) Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

d) Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

đ) Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

e) Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

g) Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;

h) Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.

- Mức phạt là 800.000 sẽ được áp dụng khi có các tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như:

a) Vi phạm hành chính có tổ chức;

b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm;

c) Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

d) Sử dụng người biết rõ là đang bị tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để vi phạm hành chính;

đ) Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm hành chính có tính chất côn đồ;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm hành chính;

g) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm hành chính;

h) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành hình phạt của bản án hình sự hoặc đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính;

i) Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

k) Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính;

l) Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn;

m) Vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề mà bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Án lệ số 18: Về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”

Thời gian đọc: 28 Phút
Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người” được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018.

Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”.

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Bản án phúc thẩm số 331/2018/HS-PT ngày 28-5-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Giết người” đối với bị cáo: Phan Thành H, tên gọi khác: Đ; sinh năm 1995; nơi đăng ký HKTT: Xã C, huyện D, tỉnh Bình Định; chỗ ở hiện nay: Thôn B, xã C, huyện D, tỉnh Bình Định.

- Bị hại: Anh Nguyễn Anh Đ.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 1, 3 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm nhưng không chấp hành mà điều khiển xe đâm thẳng vào cảnh sát giao thông. Khi cảnh sát giao thông bám vào cọng gương chiếu hậu của xe, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, bất ngờ đánh lái sát giải phân cách nhằm hất cảnh sát giao thông xuống đường.

Cảnh sát giao thông rơi khỏi xe, va vào giải phân cách cứng giữa đường, bị đa chấn thương.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Giết người đang thi hành công vụ”.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản d khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Từ khoá của án lệ:

“Tội Giết người”, “Cảnh sát giao thông” “Giết người đang thi hành công vụ”.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo bản cáo trạng và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1. Về hành vi giết người:

Thực hiện kế hoạch của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Hà Tĩnh (PC67), ngày 30-6-2017 Tổ tuần tra kiểm soát gồm các đồng chí: Võ Hoàng N, Nguyễn Anh Đ, Lê Hồ Việt A và Dương Hoài N (do đồng chí Võ Hoàng N làm tổ trưởng) thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn giao thông từ Km468 đến Km517 Quốc lộ 1A.

Đồng chí Dương Hoài N được giao nhiệm vụ sử dụng máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông số hiệu UX027957 đo tốc độ phương tiện tại Km11+450 đường tránh thành phố Hà Tĩnh, thuộc xã H, huyện I, tỉnh Hà Tĩnh. Các đồng chí Võ Hoàng N, Nguyễn Anh Đ và Lê Hồ Việt A có nhiệm vụ dừng, kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với các phương tiện vi phạm tại Km488 + 650 Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 30-6-2017, Từ Công T và Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 kéo theo Sơmirơmoóc BKS: 77R-001.37 lưu thông từ Nam ra Bắc. Khi đến địa phận tỉnh Quảng Bình thì xe do Phan Thành H điều khiển, còn Từ Công T nằm ngủ trong buồng lái. Lúc 15 giờ 28 phút cùng ngày, khi Phan Thành H điều khiển xe đến Km11+450 đường tránh thành phố Hà Tĩnh thì đồng chí Dương Hoài N dùng máy kiểm tra tốc độ phương tiện và phát hiện xe ô tô đầu kéo do H điều khiển vi phạm tốc độ 66/60km/h nên đã thông báo và gửi hình ảnh vi phạm bằng tin nhắn qua điện thoại di động cho Tổ tuần tra làm nhiệm vụ tại Km488 + 700 Quốc lộ 1A biết để xử lý.

Đến 16 giờ 05 phút cùng ngày, khi xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 do Phan Thành H điều khiển đi đến Km488+650 Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh thì bị Tổ tuần tra Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh ra tín hiệu dừng phương tiện. Sau khi Phan Thành H cho xe dừng lại, đồng chí Nguyễn Anh Đ đã thông báo lỗi, cho Phan Thành H xem hình ảnh vi phạm và yêu cầu xuất trình giấy tờ.

Tuy nhiên Phan Thành H cho rằng xe mình không vi phạm tốc độ, nên không xuất trình giấy tờ rồi tranh cãi với đồng chí Đ và các đồng chí trong Tổ tuần tra đang làm nhiệm vụ. Đồng thời, Phan Thành H lấy máy điện thoại di động có hiển thị hình ảnh tốc độ của xe mình để đối chiếu. Tổ tuần tra giải thích nhưng Phan Thành H vẫn không chấp nhận mà tiếp tục tranh cãi, sau đó lên xe ô tô đóng cửa lại (xe vẫn đang nổ máy).

Lúc này, đồng chí Lê Hồ Việt A đang đứng phía trước bên phải đầu xe, còn đồng chí Nguyễn Anh Đ đang đứng phía trước bên trái cách đầu xe ô tô BKS: 77C-016.47 khoảng 01 mét, ra hiệu cho Phan Thành H không được điều khiển xe di chuyển. Tuy vậy, Phan Thành H không chấp hành hiệu lệnh mà bất ngờ điều khiển xe lao thẳng vào đồng chí Lê Hồ Việt A và đồng chí Nguyễn Anh Đ đang đứng phía trước đầu xe để bỏ chạy.

Thấy vậy, đồng chí Lê Hồ Việt A nhảy ra lề đường phía bên phải tránh được, còn đồng chí Nguyễn Anh Đ không kịp tránh nên buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái trên nắp capo của xe. Mặc dù thấy đồng chí Nguyễn Anh Đ đang bám vào cọng gương chiếu hậu nhưng Phan Thành H vẫn tiếp tục điều khiển xe tăng tốc.

Khi đến Km488 + 250 Quốc lộ 1A (cách vị trí xuất phát khoảng 400 mét), lúc này xe của Phan Thành H điều khiển đang chạy ở làn đường bên phải, mặc dù phía trước không có chướng ngại vật hoặc xe cùng chiều nhưng H bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái, chuyển hướng đầu xe vào sát dải phân cách cứng giữa đường, mục đích để hất đồng chí Nguyễn Anh Đ xuống nhằm bỏ chạy. Do lúc này đồng chí Nguyễn Anh Đ chỉ bám hai tay vào cọng gương chiếu hậu của xe, hai chân không có điểm tựa nên khi xe đánh lái đột ngột đã bị văng khỏi xe va vào dải phân cách cứng, rồi rơi xuống mặt đường.

Sau khi đánh lái đột ngột hất đồng chí Nguyễn Anh Đ rơi xuống đường, Phan Thành H vẫn không dừng lại mà tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của Tổ tuần tra. Đến Km488 Quốc lộ 1A, khi Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh dùng xe chuyên dụng chặn xe lại thì Phan Thành H mới chịu dừng xe nhưng vẫn không chấp hành mà tiếp tục xuống xe tranh cãi với người thi hành công vụ rồi lên xe đóng cửa ngồi trên xe không hợp tác, sau đó điều khiển xe chắn ngang đường gây ách tắc giao thông. Công an huyện L đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh buộc Phan Thành H điều khiển xe vào lề đường và đưa về Trụ sở Công an huyện L giải quyết.

Hậu quả: Đồng chí Nguyễn Anh Đ bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh, sau đó chuyển đến điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, đến ngày 10-7-2017 được chuyển về điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho đến ngày 18-7-2017 thì ra viện.

Quá trình Phan Thành H thực hiện hành vi trên có anh Trần Trung Đ, trú tại số 102 đường M, quận N, thành phố Hà Nội là hành khách đi trên xe taxi BKS: 37A-304.84 của hãng taxi Mai Linh dùng máy di động quay lại diễn biến sự việc.

- Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 87 ngày 18-9-2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Tĩnh đối với thương tích của anh Nguyễn Anh Đ xác định:

+ Chấn thương sọ não: Đụng dập nhu mô não thùy trán trái, vỡ xương đỉnh phải;

+ Vùng đỉnh đầu sẹo vết thương kích thước 2,5cm x 0,2cm; vùng thùy thái dương phải sẹo vết thương 1,5cm x 0,2cm;

+ X Quang: Hình ảnh gãy 1/3 trên xương mác trái đã có can xương.

Kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 40%. (BL: 139, 140).

Quá trình điều tra Phan Thành H trình bày xe ô tô H điều khiển không vi phạm tốc độ, theo thiết bị giám sát hành trình VTR01 lắp trên xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 phản ánh trên đoạn đường tránh thành phố Hà Tĩnh xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 chạy tốc độ dưới 60km/h. Tuy nhiên, thiết bị giám sát hành trình VTR01 lắp đặt trên xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 đạt quy chuẩn QCVN31:2001/GTVT ban hành theo Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT ngày 08-3-2011 của Bộ Giao thông vận tải có sai số 5km/h và cập nhật tốc độ của xe với thời gian 10 giây/01 lần.

Trong khi đó, máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông với số hiệu UX027957 được kiểm định theo Giấy chứng nhận kiểm định số V08.KD.525.16 ngày 29-9-2016 của Viện đo lường Việt Nam, có đặc trưng kỹ thuật đo lường: Phạm vi đo 8 - 320 km/h, cấp chính xác 2km/h và đo trực tiếp tốc độ của phương tiện đang lưu thông.

Trong vụ việc này, Phan Thành H phải có trách nhiệm chấp hành hiệu lệnh, xuất trình giấy tờ theo yêu cầu của người thi hành công vụ, nếu không đồng ý với kết quả xử lý thì có thể khiếu nại. Tuy nhiên, do lo sợ bị phát hiện việc sử dụng giấy phép lái xe giả nên Phan Thành H không chấp hành và gây án.

2. Về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức:

Khoảng tháng 10-2016, Phan Thành H (có giấy phép lái xe hạng C) được Từ Công T nhận làm phụ xe ô tô đầu kéo đi cùng T vận chuyển hàng hóa. Quá trình làm phụ xe, Từ Công T thấy H có thể điều khiển được xe ô tô đầu kéo, nhưng Phan Thành H chưa đủ tuổi để được cấp phép lái xe hạng FC.

Khoảng tháng 02-2017, Từ Công T lấy ảnh của Phan Thành H rồi liên hệ với một người không quen ở thành phố Hải Phòng làm 01 giấy phép lái xe hạng FC giả, số: 520144004729 mang tên Lưu Văn C có gắn ảnh của Phan Thành H với giá 2.500.000 đồng rồi giao cho H sử dụng để đối phó, lừa dối khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra.

Ngày 30-6-2017, khi làm việc với Cơ quan CSĐT Công an huyện L, Phan Thành H đã xuất trình giấy phép lái xe giả hạng FC mang tên Lưu Văn C (sinh năm 1991; trú tại thị trấn O, huyện D, tỉnh Bình Định). Đồng thời, cả Phan Thành H và Từ Công T đều khai tên của H là Lưu Văn C nhằm lừa dối cơ quan điều tra. Do vậy, Cơ quan CSĐT Công an huyện L đã ra các quyết định tố tụng đối với Phan Thành H nhưng mang tên giả Lưu Văn C.

Trong quá trình điều tra còn xác định: Vào hồi 16 giờ 50 phút ngày 22-4-2017, tại Km1060 + 400 QL1A thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi, Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-103.69 kéo theo Sơmirơmoóc 77R-014.65 vi phạm lỗi “Chuyển hướng không có tín hiệu rẽ” và đã sử dụng giấy phép lái xe giả số 520144004728, mang tên Lưu Văn C để lừa dối Tổ tuần tra kiểm soát Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi.

- Tại bản kết luận giám định số 10 ngày 05-7-2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Tĩnh xác định: Giấy phép lái xe số 520144004729 mang tên Lưu Văn C, sinh ngày 10-6-1991, nơi cư trú: Thị trấn O, huyện D, tỉnh Bình Định cấp ngày 18-11-2015 là Giấy phép lái xe giả (BL: 91).

Vật chứng thu giữ gồm:

- 01 (một) xe ô tô đầu kéo nhãn hiệu FREIGHTLINER, BKS: 77C-016.47, số loại: CL 120064S, sơn màu đỏ, số máy: 0933U0841843, số khung: 6CV36LX06844 cùng các giấy tờ liên quan đến xe;

- 01 (một) giấy phép lái xe (thẻ nhựa) số: 520144004729, hạng FC giả mang tên Lưu Văn C;

- 01 (một) giấy phép lái xe (thẻ nhựa) số: 5201600087, hạng C mang tên Phan Thành H do Sở GTVT tỉnh Bình Định cấp;

- 01 (một) giấy chứng minh nhân dân số: 215341305, mang tên Phan Thành H do Công an tỉnh Bình Định cấp;

- 01 (một) chiếc điện thoại di động hiệu ARBUTUS màu vàng, màn hình cảm ứng, số IMEI: 355052654004631, 355052654004649, máy đã qua sử dụng;

- 01 (một) USB nhãn hiệu Kingston, dung lượng 8GB, trên bề mặt có chữ DT101 G2 có lưu trữ tập tin Video: IMG-1245.MOV thời lượng 00 phút 37 giây.

- 01 (một) USB nhãn hiệu Apacer dung lượng 8GB lưu trữ 02 tập tin Video: IMG-0507.MOV thời lượng 02 phút 58 giây và Video: IMG-0509.MOV thời lượng 03 phút 04 giây.

- 01 (một) USB nhãn hiệu Kingston, dung lượng 8GB, trên bề mặt có chữ DT101.G2 có lưu trữ tập tin Video: IMG-1689.MOV thời lượng 05 phút 10 giây.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã trả lại chiếc xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 và các giấy tờ liên quan cho chủ sở hữu là Công ty TNHH vận tải và Thương mại tổng hợp T; 03 (ba) chiếc USB đang được lưu giữ theo hồ sơ vụ án, còn các vật chứng khác được chuyển đến Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh để quản lý.

Với hành vi trên, tại Bản cáo trạng số 35/CTr - KSĐT, ngày 13-10-2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã truy tố Phan Thành H về tội “Giết người” theo điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 267 của Bộ luật Hình sự. Truy tố Từ Công T về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 267 của Bộ luật Hình sự.

Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người” ( Ảnh minh họa )

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2017/HSST ngày 26-12-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định:

1. Tuyên bố bị cáo Phan Thành H phạm tội: “Giết người” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, bị cáo Từ Công T phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

- Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 93; khoản 3 Điều 52; điểm b khoản 2 Điều 267; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999:

Xử phạt bị cáo Phan Thành H 08 (tám) năm tù về tội “Giết người” và 02 (hai) năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng khoản 1 Điều 50 Bộ luật Hình sự tổng hợp hình phạt của 02 tội buộc Phan Thành H phải chịu hình phạt chung là 10 (mười) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giữ, tạm giam (ngày 30-6-2017).

- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Từ Công T 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

Ngoài ra Tòa án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm, thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 03-01-2018, bị cáo Phan Thành H kháng cáo xin được giảm hình phạt; bị cáo Từ Công T kháng cáo xin giảm hình phạt và đề nghị được hưởng án treo.

Tại phiên tòa, bị cáo Phan Thành H đã khai nhận toàn bộ hành vi giết người và hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức như đã được nêu trên. Bị cáo trình bày, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt quá nặng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Từ Công T đã khai nhận toàn bộ hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức như đã được nêu trên, bị cáo trình bày, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại, gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được cải tạo tại địa phương.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau: Có đủ chứng cứ để kết luận bị cáo Phan Thành H đã phạm tội “Giết người” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93; điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự.

Đối với bị cáo Từ Công T: Đã phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sau khi đánh giá tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội của các bị cáo; xem xét nhân thân; các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phan Thành H, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Từ Công T, giữ nguyên hình phạt và cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách theo quy định của pháp luật.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thành H phát biểu ý kiến: Không tham gia tranh luận về tội danh và khung hình phạt, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999 và giảm hình phạt cho bị cáo Phan Thành H.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Luật sư và các bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến của mình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Lời khai nhận tội của bị cáo Phan Thành H và Từ Công T phù hợp với lời khai của người bị hại, lời khai của người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 16 giờ 05 phút ngày 30-6-2017, bị cáo Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 kéo theo sơmirơmoóc BKS: 77R-001.37, khi đi đến km 488 + 650 quốc lộ 1A thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh thì bị tổ tuần tra Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh dừng xe vì đã vi phạm về tốc độ (66/60km/giờ).

Bị cáo Phan Thành H đã không chấp hành vì cho rằng mình không vi phạm tốc độ, nên đã tranh cãi và điều khiển xe đâm thẳng vào ông Nguyễn Anh Đ và ông Lê Hồ Việt A là cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khi những người này đang đứng trước đầu xe ô tô. Ông Lê Hồ Việt A nhảy sang lề đường tránh được, còn ông Nguyễn Anh Đ buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái đầu xe.

Phan Thành H tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, rồi bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái vào sát giải phân cách giữa đường nhằm hất ông Nguyễn Anh Đ xuống đường để bỏ trốn. Hậu quả là ông Nguyễn Anh Đ bị rơi khỏi xe va vào giải phân cách cứng giữa đường, rồi rơi xuống đường. Phan Thành H bỏ mặc cho hậu quả xảy ra rồi tiếp tục điều khiển xe chạy trốn. Ông Nguyễn Anh Đ đã bị chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%.

[2] Phan Thành H và Từ Công T còn có hành vi phạm tội như sau: Bị cáo Từ Công T biết rõ bị cáo Phan Thành H chưa có giấy phép lái xe hạng FC và chưa đủ tuổi để được cấp giấy phép lái xe hạng FC, nhưng Từ Công T đã thuê một người ở Hải Phòng (T không biết rõ họ tên và địa chỉ) làm giấy phép lái xe hạng FC giả, số 520144004729 có ảnh của Phan Thành H, nhưng mang tên Lưu Văn C đưa cho Phan Thành H sử dụng nhằm lừa dối cơ quan chức năng khi điều khiển xe trên đường.

Khi có giấy phép lái xe giả do Từ Công T cung cấp, Phan Thành H đã hai lần sử dụng giấy phép lái xe giả để lừa dối cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ngãi và Công an huyện L, tỉnh Hà Tĩnh. Hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả lừa dối cơ quan chức năng nêu trên của Phan Thành H, thì Từ Công T đều biết.

[3] Do có hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phan Thành H về tội “Giết người” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 và điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[4] Bị cáo Từ Công T bị xét xử về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Xét kháng cáo của các bị cáo Phan Thành H và Từ Công T, Hội đồng xét xử, xét thấy: Hành vi giết người do bị cáo Phan Thành H thực hiện là nguy hiểm, đã trực tiếp xâm phạm tính mạng của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông công cộng.

[6] Hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức do các bị cáo Từ Công T và Phan Thành H thực hiện đã trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý hành chính, do đó, cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

[7] Bị cáo Phan Thành H là người có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự; quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường cho người bị hại để khắc phục hậu quả, người bị hại có đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo; bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo của địa phương; hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt”; ngoài ra, bị cáo còn có ông ngoại có công với cách mạng được hưởng chế độ như thương binh.

Như vậy, bị cáo Phan Thành H được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 1999. Do đó có căn cứ để giảm một phần hình phạt cho bị cáo về tội “Giết người”, giữ nguyên hình phạt về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

[8] Đối với bị cáo Từ Công T: Là người có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự. Quá trình khai báo thành khẩn, tỏ thái độ ăn ăn hối cải; bị cáo đã cùng gia đình bị cáo Phan Thành H bồi thường cho người bị hại để khắc phục hậu quả; bị cáo có hoàn cảnh khó khăn là lao động chính trong gia đình; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng. Xét thấy không cần thiết bắt bị cáo phải chấp hành hình phạt tù, cho bị cáo được cải tạo tại địa phương cũng đủ điều kiện để giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. Do đó, có đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Từ Công T.

[9] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[10] Các bị cáo Phan Thành H và Từ Công T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ điểm b khoản 1; Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

QUYẾT ĐỊNH:

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phan Thành H, sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 93; điểm b khoản 2 Điều 267; Điều 18; khoản 3 Điều 52 (tội Giết người); điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; khoản 1 Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Phan Thành H 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”; 02 (hai) năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung của hai tội là 09 (chín) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 30-6-2017.

2. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Từ Công T, sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Từ Công T 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, thời gian thử thách là 04 (bốn) năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo Từ Công T cho Ủy ban nhân dân thị trấn O (huyện D, tỉnh Bình Định) để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[1] Lời khai nhận tội của bị cáo Phan Thành H và Từ Công T phù hợp với lời khai của người bị hại, lời khai của người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 16 giờ 05 phút ngày 30-6-2017, bị cáo Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 kéo theo sơmirơmoóc BKS: 77R-001.37, khi đi đến km 488 + 650 quốc lộ 1A thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh thì bị tổ tuần tra Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh dừng xe vì đã vi phạm về tốc độ (66/60km/giờ).

Bị cáo Phan Thành H đã không chấp hành vì cho rằng mình không vi phạm tốc độ, nên đã tranh cãi và điều khiển xe đâm thẳng vào ông Nguyễn Anh Đ và ông Lê Hồ Việt A là cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khi những người này đang đứng trước đầu xe ô tô. Ông Lê Hồ Việt A nhảy sang lề đường tránh được, còn ông Nguyễn Anh Đ buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái đầu xe.

Phan Thành H tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, rồi bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái vào sát giải phân cách giữa đường nhằm hất ông Nguyễn Anh Đ xuống đường để bỏ trốn. Hậu quả là ông Nguyễn Anh Đ bị rơi khỏi xe va vào giải phân cách cứng giữa đường, rồi rơi xuống đường. Phan Thành H bỏ mặc cho hậu quả xảy ra rồi tiếp tục điều khiển xe chạy trốn. Ông Nguyễn Anh Đ đã bị chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%.

[3] Do có hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phan Thành H về tội “Giết người” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 và điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.”

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Cảnh sát giao thông xử phạt không lập Biên bản có đúng quy định?

Thời gian đọc: 4 Phút
Tôi không có bảo hiểm xe máy, khi tham gia giao thông bị cảnh sát giao thông xử phạt 300.000 đồng. Việc xử phạt không lập Biên bản có đúng quy định của pháp luật không?

Câu hỏi: Kính chào luật sư. Tôi có nội dung vướng mắc pháp lý như sau, mong nhận được sự hỗ trợ từ luật sư. Nội dung sự việc cụ thể như sau: Tôi đang lưu thông trên đường thì đến ngã tư trên tuyến đường tôi đi làm Cảnh sát giao thông có tiến hành kiểm tra hành chính đối với tôi. Do tôi không có bảo hiểm cho phương tiện nên đã bị Cảnh sát giao thông xử phạt 300.000 đồng. Việc xử phạt không có biên bản ghi nhận sự việc.

Luật sư cho tôi hỏi, cảnh sát giao thông làm như vậy có đúng không? Xin chân thành cảm ơn luật sư!

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách có ý kiến tư vấn như sau:

Tại nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Trong đó, tài xế phải tuân theo các quy định, nguyên tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính quy định.

Việc mua bảo hiểm xe máy bắt buộc là để bảo vệ tải sản của chủ xe, cũng như tránh được rủi ro trong quá trình tham gia giao thông. Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, bảo hiểm bắt buộc có thể chi trả trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm là 100 triệu đồng. Do bạn không có giấy chứng nhận bảo hiểm khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Luật Hồng Bách - Ảnh minh hoạ (nguồn Internet)

Vậy, pháp luật quy định lỗi không có bảo hiểm xe máy thì bị phạt bao nhiêu?

Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy nếu không có bảo hiểm bắt buộc sẽ bị phạt tiền. Tại điểm a, khoản 2 Điều 21 Nghị định 100 quy định mức phạt như sau:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Như vậy, đối với hành vi không có giấy chứng nhân bảo hiệm trách nhiệm dân sự thì bạn sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Việc xử phạt hành chính đối với bạn có phải lập biên bản không?

Tại khoản 1 điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ”.

Như vậy, chúng tôi nhận thấy việc cán bộ cảnh sát giao thông xử phạt hành chính đối với bạn không cần lập biên bản là đúng. Tuy nhiên, về mức tiền mà bạn đang bị xử phạt thì lại không đúng các quy định của pháp luật. 
Do đó, nếu không đồng ý với quyết định xử phạt này thì bạn có thể làm đơn khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử phạt này tới cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn