Người nước ngoài có phải chịu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam? Trường hợp nào người nước ngoài phạm tội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự?
Xin chào luật sư, gần đây xuất hiện clip giám đốc người Trung Quốc sát hại nữ kế toán gây bức xúc dư luận. Luật sư cho tôi hỏi, giám đốc người Trung Quốc có phải đi tù không?
Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:
Căn cứ Điều 1Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì nhiệm vụ của Bộ Luật Hình sự được quy định như sau .
Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Đối với hành vi vi phạm có dấu hiệu của người nước ngoài được thực hiện trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Như vậy, với quy định này, có thể thấy Bộ luật hình sự được áp dụng với mọi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ nước ta, không phân biệt người phạm tội là công dân Việt Nam hay người nước ngoài trừ trường hợp người thực hiện hành vi là đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự được quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam số 25-L/CTN ngày 23/8/1993 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trong trường hợp giám đốc người Trung Quốc không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Hành vi của giám đốc người sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự. Khi hành vi có đủ căn cứ, cấu thành tội phạm thì Giám đốc người Trung Quốc có thể bị phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo quy định Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể:
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.
Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018.
Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm
Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 07/2018/HS-GĐT ngày 20-3-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Giết người” đối với bị cáo Nguyễn Văn H, sinh năm 1977; trú tại phố A, thị trấn C, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Bị hại: Ông Dương Quang Q.
Vị trí nội dung án lệ:
Đoạn 1 phần “Nhận định của Tòa án”.
Khái quát nội dung của án lệ:
- Tình huống án lệ:
Trong vụ án có đồng phạm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, các đồng phạm đã rủ nhau đánh dằn mặt bị hại.
Khi thực hiện tội phạm, người thực hành dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay của bị hại; việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của người thực hành.
Người xúi giục không có mặt khi người thực hành thực hiện tội phạm, không biết việc người thực hành sử dụng mã tấu chém vào những vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, người thực hành phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Có tính chất côn đồ”. Người xúi giục bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” nhưng không bị áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ”.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
- Điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015);
- Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Từ khóa của án lệ:
“Đồng phạm”; “Có tính chất côn đồ”; “Vùng trọng yếu trên cơ thể”; “Người thực hành”; “Người xúi giục”; “Tội giết người”.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Khoảng 08h ngày 13-01-2015, do có mâu thuẫn trong sinh hoạt nên xảy ra xô xát giữa các con của ông Dương Quang Q là Dương Quang T, Dương Quang R và Dương Quang K với ông Dương Quang H, Dương Quang L và Nguyễn Văn H. Các con của ông Q dùng tay, chân đấm đá vào người ông Dương Quang H làm ông H bị xây xát nhẹ.
Thấy bố vợ là ông Dương Quang H bị các con của ông Q đánh, Nguyễn Văn H gọi điện báo cho Trần Quang V (là con rể của ông H). Biết tin bố vợ bị đánh, V đi từ Hà Tĩnh về Thừa Thiên Huế và rủ thêm Phạm Nhật T cùng đi đánh ông Q. Khi đi, V và T lấy ở nhà T 02 cây mã tấu, bỏ vào túi vợt cầu lông rồi mang theo. Khoảng 16 giờ ngày 19-01-2015, V chở T đến thị trấn Lăng Cô và gọi điện cho H đến nhậu cùng. Tại quán nhậu H nói với V “Ba bị đánh thương lắm, giờ vẫn còn đau”.
V hỏi H địa chỉ nhà ông Q ở đâu và đặc điểm nhận dạng ông Q như thế nào. Nghe H nói xong, V nói với T “Tý nữa nhậu xong tau với mi đi đánh lại”, H nói “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”. Sau đó, H về trước, V và T vẫn tiếp tục nhậu.
Khoảng 17 giờ 45 phút, khi đang thanh toán tiền, Trần Quang V nói với Phạm Nhật T “Có gì tao vào đánh, người dân ra thì mi chặn lại”, T đồng ý và lên xe máy để V chở đến nhà ông Q. Sau khi chạy vòng quanh nhà ông Q, biết ông Q không có ở nhà, V dừng xe ở một chỗ vắng người, lấy vải nilon che biển số xe rồi chở T đi lên cầu Lăng Cô đứng đợi. Đến khoảng 18 giờ, V chở T vòng xe quay lại đến trước nhà ông Q và nhìn thấy ông Q đang cúi người mở cổng.
V dừng xe mở túi vợt cầu lông lấy ra 01 cây mã tấu có lưỡi hình răng cưa rồi chạy đến chém liên tiếp vào đầu, mặt, lưng, chân và tay ông Q làm ông Q bị ngã gục xuống đất. Do nhiều người dân xung quanh nhìn thấy hô hoán và chạy đến nên T cầm mã tấu đe dọa, ngăn chặn tạo điều kiện cho V chạy đến chỗ để xe máy và nổ máy tẩu thoát. Khi đến gần đèo Phú Gia, V gọi điện thoại cho H hỏi về tình trạng thương tích của ông Q. H hỏi lại V “Thế em có chém ông Q không? Ông Q đi Bệnh viện rồi”. Gọi điện thoại cho H xong V gọi điện cho Dương Quang L nói “Anh vừa mới chém ông Q xong! Em ở đâu, về cất 02 cây mã tấu cho anh!”.
Nghe V điện xong L ra đường đứng đợi V và T đến. T đưa cho L túi vợt cầu lông đựng 02 cây mã tấu nhờ L cất giấu rồi V tiếp tục chở T về nhà của V và ngồi uống bia với T. Sau khi L đưa túi đựng 02 cây mã tấu về nhà nhờ ông Dương Quang H cất hộ, ông H đem túi này sang nhà bếp của ông Hồ T (bố vợ của ông H) cất giấu. Ông Dương Quang Q được người dân đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện thành phố Đà Nẵng đến ngày 03-02-2015 thì được ra viện.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 26-15/TgT ngày 28-01-2015, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế kết luận: Ông Dương Quang Q bị đa vết thương phần mềm vùng đầu, vai trái, khuỷu tay trái, đùi trái, để lại sẹo không ảnh hưởng chức năng 3%; vết thương phần mềm vùng mặt ít ảnh hưởng chức năng 8%; chấn thương gãy 04 răng cửa R1.1,1.2,1.3, 3.3; 2 răng hàm nhỏ 1.4,1.5; răng hàm 1.6 và 1.7 đang điều trị, hiện mất chức năng răng đối diện 20%; vết thương đứt gần lìa 1 bàn tay trái đã phẫu thuật tái tạo, hiện còn điều trị chưa đánh giá được di chứng chức năng 8%; vết thương đứt lìa ngón 2 và 3 bàn tay trái 25%; tỷ lệ tổn thương cơ thể chung là 51%; vật gây thương tích các tổn thương trên là vật sắc nặng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2016/HSST ngày 23-5-2016, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; các điểm b và p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 18; khoản 3 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Nguyễn Văn H 07 năm tù về tội “Giết người”.
Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh, hình phạt đối với các bị cáo khác, về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Nguyễn Văn H có đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 217/2016/HSPT ngày 02-8-2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn H; áp dụng khoản 2 Điều 104; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 20; Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt Nguyễn Văn H 03 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 13/2017/KN-HS ngày 03-7-2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 217/2016/HSPT ngày 02-8-2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về phần tội danh và hình phạt đối với Nguyễn Văn H; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần tội danh và hình phạt đối với Nguyễn Văn H để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì: Sau khi chứng kiến việc bố vợ là ông Dương Quang H bị các con của ông Dương Quang Q đánh, Nguyễn Văn H là người trực tiếp gọi điện báo cho Trần Quang V biết việc ông H bị đánh. Trong lúc ăn nhậu cùng V và Phạm Nhật T vào tối ngày 19-01-2015, biết V và T có ý định đi đánh ông Q để trả thù, H nói “Ba bị đánh thương lắm, chừ còn đau”, làm củng cố ý thức, quyết tâm của V trong việc đi đánh ông Q. H cũng là người chỉ nơi ở, đặc điểm nhận dạng của ông Q cho V và T biết để V và T có thể thực hiện hành vi đánh ông Q.
Khi nghe V và T bàn bạc kế hoạch đi đánh ông Q, H không can ngăn mà còn nói “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”, thể hiện sự thống nhất ý chí về việc đánh ông Q. Sau đó, H bỏ về trước. Thực tế, Trần Quang V đã dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay ông Q làm ông Q gục ngay tại chỗ. Do mọi người can ngăn và được đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông Q không chết là ngoài ý muốn chủ quan của V. Sau khi chém ông Q, V đã gọi liên tiếp ba cuộc điện thoại cho H để hỏi về thương tích của ông Q.
Mặc dù, H không biết trước việc V dùng mã tấu chém liên tiếp vào những vùng trọng yếu trên cơ thể ông Q, có thể tước đoạt tính mạng của ông Q nhưng H đã thống nhất ý chí với V và T trong việc đánh ông Q, chấp nhận hậu quả xảy ra. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H đồng phạm với Trần Quang V và Phạm Nhật T về tội “Giết người” là có căn cứ. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” là không đúng, bởi vì:
Trong vụ án này Trần Quang V và Phạm Nhật T là người trực tiếp thực hiện hành vi đánh ông Q; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với các con của ông Q mà V và T đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của ông Q nên chỉ hành vi phạm tội của V và T “Có tính chất côn đồ”, còn Nguyễn Văn H không trực tiếp tham gia đánh ông Q mà giúp sức cho V và T trong việc đánh ông Q nên hành vi phạm tội của H không “Có tính chất côn đồ” mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999.
[2] Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Việc Trần Quang V sử dụng mã tấu chém vào đầu, mặt ông Dương Quang Q là hành vi vượt quá ý chí của Nguyễn Văn H nên H không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” mà chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả thực tế xảy ra với ông Q, từ đó sửa bản án hình sự sơ thẩm, chuyển tội danh cho H từ tội “Giết người” sang tội “Cố ý gây thương tích” là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Đồng thời, Tòa án cấp phúc thẩm đã quá nhấn mạnh tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, xử phạt Nguyễn Văn H 03 năm tù là đánh giá không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra, không có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ vào khoản 3 Điều 388 và Điều 391 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 2107/2016/HSPT ngày 02-8-2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về phần tội danh và hình phạt đối với Nguyễn Văn H, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
NỘI DUNG ÁN LỆ
“[1] Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì: Sau khi chứng kiến việc bố vợ là ông Dương Quang H bị các con của ông Dương Quang Q đánh, Nguyễn Văn H là người trực tiếp gọi điện báo cho Trần Quang V biết việc ông H bị đánh. Trong lúc ăn nhậu cùng V và Phạm Nhật T vào tối ngày 19-01-2015, biết V và T có ý định đi đánh ông Q để trả thù, H nói “Ba bị đánh thương lắm, chừ còn đau”, làm củng cố ý thức, quyết tâm của V trong việc đi đánh ông Q. H cũng là người chỉ nơi ở, đặc điểm nhận dạng của ông Q cho V và T biết để V và T có thể thực hiện hành vi đánh ông Q. Khi nghe V và T bàn bạc kế hoạch đi đánh ông Q, H không can ngăn mà còn nói “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”, thể hiện sự thống nhất ý chí về việc đánh ông Q.
Sau đó, H bỏ về trước. Thực tế, Trần Quang V đã dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay ông Q làm ông Q gục ngay tại chỗ. Do mọi người can ngăn và được đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông Q không chết là ngoài ý muốn chủ quan của V. Sau khi chém ông Q, V đã gọi liên tiếp ba cuộc điện thoại cho H để hỏi về thương tích của ông Q. Mặc dù, H không biết trước việc V dùng mã tấu chém liên tiếp vào những vùng trọng yếu trên cơ thể ông Q, có thể tước đoạt tính mạng của ông Q nhưng H đã thống nhất ý chí với V và T trong việc đánh ông Q, chấp nhận hậu quả xảy ra. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H đồng phạm với Trần Quang V và Phạm Nhật T về tội “Giết người” là có căn cứ.
Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” là không đúng, bởi vì: Trong vụ án này Trần Quang V và Phạm Nhật T là người trực tiếp thực hiện hành vi đánh ông Q; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với các con của ông Q mà V và T đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của ông Q nên chỉ hành vi phạm tội của V và T “Có tính chất côn đồ”, còn Nguyễn Văn H không trực tiếp tham gia đánh ông Q mà giúp sức cho V và T trong việc đánh ông Q nên hành vi phạm tội của H không “Có tính chất côn đồ” mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999.”
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người” được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018.
Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”.
Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn án lệ:
Bản án phúc thẩm số 331/2018/HS-PT ngày 28-5-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Giết người” đối với bị cáo: Phan Thành H, tên gọi khác: Đ; sinh năm 1995; nơi đăng ký HKTT: Xã C, huyện D, tỉnh Bình Định; chỗ ở hiện nay: Thôn B, xã C, huyện D, tỉnh Bình Định.
- Bị hại: Anh Nguyễn Anh Đ.
Vị trí nội dung án lệ:
Đoạn 1, 3 phần “Nhận định của Tòa án”.
Khái quát nội dung của án lệ:
- Tình huống án lệ:
Bị cáo bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm nhưng không chấp hành mà điều khiển xe đâm thẳng vào cảnh sát giao thông. Khi cảnh sát giao thông bám vào cọng gương chiếu hậu của xe, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, bất ngờ đánh lái sát giải phân cách nhằm hất cảnh sát giao thông xuống đường.
Cảnh sát giao thông rơi khỏi xe, va vào giải phân cách cứng giữa đường, bị đa chấn thương.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là “Giết người đang thi hành công vụ”.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản d khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Từ khoá của án lệ:
“Tội Giết người”, “Cảnh sát giao thông” “Giết người đang thi hành công vụ”.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo bản cáo trạng và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
1. Về hành vi giết người:
Thực hiện kế hoạch của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Hà Tĩnh (PC67), ngày 30-6-2017 Tổ tuần tra kiểm soát gồm các đồng chí: Võ Hoàng N, Nguyễn Anh Đ, Lê Hồ Việt A và Dương Hoài N (do đồng chí Võ Hoàng N làm tổ trưởng) thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn giao thông từ Km468 đến Km517 Quốc lộ 1A.
Đồng chí Dương Hoài N được giao nhiệm vụ sử dụng máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông số hiệu UX027957 đo tốc độ phương tiện tại Km11+450 đường tránh thành phố Hà Tĩnh, thuộc xã H, huyện I, tỉnh Hà Tĩnh. Các đồng chí Võ Hoàng N, Nguyễn Anh Đ và Lê Hồ Việt A có nhiệm vụ dừng, kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với các phương tiện vi phạm tại Km488 + 650 Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 30-6-2017, Từ Công T và Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 kéo theo Sơmirơmoóc BKS: 77R-001.37 lưu thông từ Nam ra Bắc. Khi đến địa phận tỉnh Quảng Bình thì xe do Phan Thành H điều khiển, còn Từ Công T nằm ngủ trong buồng lái. Lúc 15 giờ 28 phút cùng ngày, khi Phan Thành H điều khiển xe đến Km11+450 đường tránh thành phố Hà Tĩnh thì đồng chí Dương Hoài N dùng máy kiểm tra tốc độ phương tiện và phát hiện xe ô tô đầu kéo do H điều khiển vi phạm tốc độ 66/60km/h nên đã thông báo và gửi hình ảnh vi phạm bằng tin nhắn qua điện thoại di động cho Tổ tuần tra làm nhiệm vụ tại Km488 + 700 Quốc lộ 1A biết để xử lý.
Đến 16 giờ 05 phút cùng ngày, khi xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 do Phan Thành H điều khiển đi đến Km488+650 Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh thì bị Tổ tuần tra Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh ra tín hiệu dừng phương tiện. Sau khi Phan Thành H cho xe dừng lại, đồng chí Nguyễn Anh Đ đã thông báo lỗi, cho Phan Thành H xem hình ảnh vi phạm và yêu cầu xuất trình giấy tờ.
Tuy nhiên Phan Thành H cho rằng xe mình không vi phạm tốc độ, nên không xuất trình giấy tờ rồi tranh cãi với đồng chí Đ và các đồng chí trong Tổ tuần tra đang làm nhiệm vụ. Đồng thời, Phan Thành H lấy máy điện thoại di động có hiển thị hình ảnh tốc độ của xe mình để đối chiếu. Tổ tuần tra giải thích nhưng Phan Thành H vẫn không chấp nhận mà tiếp tục tranh cãi, sau đó lên xe ô tô đóng cửa lại (xe vẫn đang nổ máy).
Lúc này, đồng chí Lê Hồ Việt A đang đứng phía trước bên phải đầu xe, còn đồng chí Nguyễn Anh Đ đang đứng phía trước bên trái cách đầu xe ô tô BKS: 77C-016.47 khoảng 01 mét, ra hiệu cho Phan Thành H không được điều khiển xe di chuyển. Tuy vậy, Phan Thành H không chấp hành hiệu lệnh mà bất ngờ điều khiển xe lao thẳng vào đồng chí Lê Hồ Việt A và đồng chí Nguyễn Anh Đ đang đứng phía trước đầu xe để bỏ chạy.
Thấy vậy, đồng chí Lê Hồ Việt A nhảy ra lề đường phía bên phải tránh được, còn đồng chí Nguyễn Anh Đ không kịp tránh nên buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái trên nắp capo của xe. Mặc dù thấy đồng chí Nguyễn Anh Đ đang bám vào cọng gương chiếu hậu nhưng Phan Thành H vẫn tiếp tục điều khiển xe tăng tốc.
Khi đến Km488 + 250 Quốc lộ 1A (cách vị trí xuất phát khoảng 400 mét), lúc này xe của Phan Thành H điều khiển đang chạy ở làn đường bên phải, mặc dù phía trước không có chướng ngại vật hoặc xe cùng chiều nhưng H bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái, chuyển hướng đầu xe vào sát dải phân cách cứng giữa đường, mục đích để hất đồng chí Nguyễn Anh Đ xuống nhằm bỏ chạy. Do lúc này đồng chí Nguyễn Anh Đ chỉ bám hai tay vào cọng gương chiếu hậu của xe, hai chân không có điểm tựa nên khi xe đánh lái đột ngột đã bị văng khỏi xe va vào dải phân cách cứng, rồi rơi xuống mặt đường.
Sau khi đánh lái đột ngột hất đồng chí Nguyễn Anh Đ rơi xuống đường, Phan Thành H vẫn không dừng lại mà tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của Tổ tuần tra. Đến Km488 Quốc lộ 1A, khi Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh dùng xe chuyên dụng chặn xe lại thì Phan Thành H mới chịu dừng xe nhưng vẫn không chấp hành mà tiếp tục xuống xe tranh cãi với người thi hành công vụ rồi lên xe đóng cửa ngồi trên xe không hợp tác, sau đó điều khiển xe chắn ngang đường gây ách tắc giao thông. Công an huyện L đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh buộc Phan Thành H điều khiển xe vào lề đường và đưa về Trụ sở Công an huyện L giải quyết.
Hậu quả: Đồng chí Nguyễn Anh Đ bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh, sau đó chuyển đến điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, đến ngày 10-7-2017 được chuyển về điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho đến ngày 18-7-2017 thì ra viện.
Quá trình Phan Thành H thực hiện hành vi trên có anh Trần Trung Đ, trú tại số 102 đường M, quận N, thành phố Hà Nội là hành khách đi trên xe taxi BKS: 37A-304.84 của hãng taxi Mai Linh dùng máy di động quay lại diễn biến sự việc.
- Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 87 ngày 18-9-2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Hà Tĩnh đối với thương tích của anh Nguyễn Anh Đ xác định:
+ Vùng đỉnh đầu sẹo vết thương kích thước 2,5cm x 0,2cm; vùng thùy thái dương phải sẹo vết thương 1,5cm x 0,2cm;
+ X Quang: Hình ảnh gãy 1/3 trên xương mác trái đã có can xương.
Kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 40%. (BL: 139, 140).
Quá trình điều tra Phan Thành H trình bày xe ô tô H điều khiển không vi phạm tốc độ, theo thiết bị giám sát hành trình VTR01 lắp trên xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 phản ánh trên đoạn đường tránh thành phố Hà Tĩnh xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 chạy tốc độ dưới 60km/h. Tuy nhiên, thiết bị giám sát hành trình VTR01 lắp đặt trên xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 đạt quy chuẩn QCVN31:2001/GTVT ban hành theo Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT ngày 08-3-2011 của Bộ Giao thông vận tải có sai số 5km/h và cập nhật tốc độ của xe với thời gian 10 giây/01 lần.
Trong khi đó, máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông với số hiệu UX027957 được kiểm định theo Giấy chứng nhận kiểm định số V08.KD.525.16 ngày 29-9-2016 của Viện đo lường Việt Nam, có đặc trưng kỹ thuật đo lường: Phạm vi đo 8 - 320 km/h, cấp chính xác 2km/h và đo trực tiếp tốc độ của phương tiện đang lưu thông.
Trong vụ việc này, Phan Thành H phải có trách nhiệm chấp hành hiệu lệnh, xuất trình giấy tờ theo yêu cầu của người thi hành công vụ, nếu không đồng ý với kết quả xử lý thì có thể khiếu nại. Tuy nhiên, do lo sợ bị phát hiện việc sử dụng giấy phép lái xe giả nên Phan Thành H không chấp hành và gây án.
2. Về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức:
Khoảng tháng 10-2016, Phan Thành H (có giấy phép lái xe hạng C) được Từ Công T nhận làm phụ xe ô tô đầu kéo đi cùng T vận chuyển hàng hóa. Quá trình làm phụ xe, Từ Công T thấy H có thể điều khiển được xe ô tô đầu kéo, nhưng Phan Thành H chưa đủ tuổi để được cấp phép lái xe hạng FC.
Khoảng tháng 02-2017, Từ Công T lấy ảnh của Phan Thành H rồi liên hệ với một người không quen ở thành phố Hải Phòng làm 01 giấy phép lái xe hạng FC giả, số: 520144004729 mang tên Lưu Văn C có gắn ảnh của Phan Thành H với giá 2.500.000 đồng rồi giao cho H sử dụng để đối phó, lừa dối khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra.
Ngày 30-6-2017, khi làm việc với Cơ quan CSĐT Công an huyện L, Phan Thành H đã xuất trình giấy phép lái xe giả hạng FC mang tên Lưu Văn C (sinh năm 1991; trú tại thị trấn O, huyện D, tỉnh Bình Định). Đồng thời, cả Phan Thành H và Từ Công T đều khai tên của H là Lưu Văn C nhằm lừa dối cơ quan điều tra. Do vậy, Cơ quan CSĐT Công an huyện L đã ra các quyết định tố tụng đối với Phan Thành H nhưng mang tên giả Lưu Văn C.
Trong quá trình điều tra còn xác định: Vào hồi 16 giờ 50 phút ngày 22-4-2017, tại Km1060 + 400 QL1A thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi, Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-103.69 kéo theo Sơmirơmoóc 77R-014.65 vi phạm lỗi “Chuyển hướng không có tín hiệu rẽ” và đã sử dụng giấy phép lái xe giả số 520144004728, mang tên Lưu Văn C để lừa dối Tổ tuần tra kiểm soát Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi.
- Tại bản kết luận giám định số 10 ngày 05-7-2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Tĩnh xác định: Giấy phép lái xe số 520144004729 mang tên Lưu Văn C, sinh ngày 10-6-1991, nơi cư trú: Thị trấn O, huyện D, tỉnh Bình Định cấp ngày 18-11-2015 là Giấy phép lái xe giả (BL: 91).
Vật chứng thu giữ gồm:
- 01 (một) xe ô tô đầu kéo nhãn hiệu FREIGHTLINER, BKS: 77C-016.47, số loại: CL 120064S, sơn màu đỏ, số máy: 0933U0841843, số khung: 6CV36LX06844 cùng các giấy tờ liên quan đến xe;
- 01 (một) giấy phép lái xe (thẻ nhựa) số: 520144004729, hạng FC giả mang tên Lưu Văn C;
- 01 (một) giấy phép lái xe (thẻ nhựa) số: 5201600087, hạng C mang tên Phan Thành H do Sở GTVT tỉnh Bình Định cấp;
- 01 (một) giấy chứng minh nhân dân số: 215341305, mang tên Phan Thành H do Công an tỉnh Bình Định cấp;
- 01 (một) chiếc điện thoại di động hiệu ARBUTUS màu vàng, màn hình cảm ứng, số IMEI: 355052654004631, 355052654004649, máy đã qua sử dụng;
- 01 (một) USB nhãn hiệu Kingston, dung lượng 8GB, trên bề mặt có chữ DT101 G2 có lưu trữ tập tin Video: IMG-1245.MOV thời lượng 00 phút 37 giây.
- 01 (một) USB nhãn hiệu Apacer dung lượng 8GB lưu trữ 02 tập tin Video: IMG-0507.MOV thời lượng 02 phút 58 giây và Video: IMG-0509.MOV thời lượng 03 phút 04 giây.
- 01 (một) USB nhãn hiệu Kingston, dung lượng 8GB, trên bề mặt có chữ DT101.G2 có lưu trữ tập tin Video: IMG-1689.MOV thời lượng 05 phút 10 giây.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã trả lại chiếc xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 và các giấy tờ liên quan cho chủ sở hữu là Công ty TNHH vận tải và Thương mại tổng hợp T; 03 (ba) chiếc USB đang được lưu giữ theo hồ sơ vụ án, còn các vật chứng khác được chuyển đến Cục thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh để quản lý.
Với hành vi trên, tại Bản cáo trạng số 35/CTr - KSĐT, ngày 13-10-2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã truy tố Phan Thành H về tội “Giết người” theo điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 267 của Bộ luật Hình sự. Truy tố Từ Công T về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 267 của Bộ luật Hình sự.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2017/HSST ngày 26-12-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định:
1. Tuyên bố bị cáo Phan Thành H phạm tội: “Giết người” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, bị cáo Từ Công T phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
- Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 93; khoản 3 Điều 52; điểm b khoản 2 Điều 267; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999:
Xử phạt bị cáo Phan Thành H 08 (tám) năm tù về tội “Giết người” và 02 (hai) năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Áp dụng khoản 1 Điều 50 Bộ luật Hình sự tổng hợp hình phạt của 02 tội buộc Phan Thành H phải chịu hình phạt chung là 10 (mười) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giữ, tạm giam (ngày 30-6-2017).
- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Từ Công T 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.
Ngoài ra Tòa án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí hình sự sơ thẩm, thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 03-01-2018, bị cáo Phan Thành H kháng cáo xin được giảm hình phạt; bị cáo Từ Công T kháng cáo xin giảm hình phạt và đề nghị được hưởng án treo.
Tại phiên tòa, bị cáo Phan Thành H đã khai nhận toàn bộ hành vi giết người và hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức như đã được nêu trên. Bị cáo trình bày, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt quá nặng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Từ Công T đã khai nhận toàn bộ hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức như đã được nêu trên, bị cáo trình bày, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại, gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được cải tạo tại địa phương.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau: Có đủ chứng cứ để kết luận bị cáo Phan Thành H đã phạm tội “Giết người” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93; điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Đối với bị cáo Từ Công T: Đã phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Sau khi đánh giá tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội của các bị cáo; xem xét nhân thân; các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phan Thành H, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Từ Công T, giữ nguyên hình phạt và cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách theo quy định của pháp luật.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thành H phát biểu ý kiến: Không tham gia tranh luận về tội danh và khung hình phạt, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999 và giảm hình phạt cho bị cáo Phan Thành H.
Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Luật sư và các bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến của mình.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Lời khai nhận tội của bị cáo Phan Thành H và Từ Công T phù hợp với lời khai của người bị hại, lời khai của người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 16 giờ 05 phút ngày 30-6-2017, bị cáo Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 kéo theo sơmirơmoóc BKS: 77R-001.37, khi đi đến km 488 + 650 quốc lộ 1A thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh thì bị tổ tuần tra Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh dừng xe vì đã vi phạm về tốc độ (66/60km/giờ).
Bị cáo Phan Thành H đã không chấp hành vì cho rằng mình không vi phạm tốc độ, nên đã tranh cãi và điều khiển xe đâm thẳng vào ông Nguyễn Anh Đ và ông Lê Hồ Việt A là cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khi những người này đang đứng trước đầu xe ô tô. Ông Lê Hồ Việt A nhảy sang lề đường tránh được, còn ông Nguyễn Anh Đ buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái đầu xe.
Phan Thành H tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, rồi bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái vào sát giải phân cách giữa đường nhằm hất ông Nguyễn Anh Đ xuống đường để bỏ trốn. Hậu quả là ông Nguyễn Anh Đ bị rơi khỏi xe va vào giải phân cách cứng giữa đường, rồi rơi xuống đường. Phan Thành H bỏ mặc cho hậu quả xảy ra rồi tiếp tục điều khiển xe chạy trốn. Ông Nguyễn Anh Đ đã bị chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%.
[2] Phan Thành H và Từ Công T còn có hành vi phạm tội như sau: Bị cáo Từ Công T biết rõ bị cáo Phan Thành H chưa có giấy phép lái xe hạng FC và chưa đủ tuổi để được cấp giấy phép lái xe hạng FC, nhưng Từ Công T đã thuê một người ở Hải Phòng (T không biết rõ họ tên và địa chỉ) làm giấy phép lái xe hạng FC giả, số 520144004729 có ảnh của Phan Thành H, nhưng mang tên Lưu Văn C đưa cho Phan Thành H sử dụng nhằm lừa dối cơ quan chức năng khi điều khiển xe trên đường.
Khi có giấy phép lái xe giả do Từ Công T cung cấp, Phan Thành H đã hai lần sử dụng giấy phép lái xe giả để lừa dối cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ngãi và Công an huyện L, tỉnh Hà Tĩnh. Hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả lừa dối cơ quan chức năng nêu trên của Phan Thành H, thì Từ Công T đều biết.
[3] Do có hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phan Thành H về tội “Giết người” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 và điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.
[4] Bị cáo Từ Công T bị xét xử về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.
[5] Xét kháng cáo của các bị cáo Phan Thành H và Từ Công T, Hội đồng xét xử, xét thấy: Hành vi giết người do bị cáo Phan Thành H thực hiện là nguy hiểm, đã trực tiếp xâm phạm tính mạng của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông công cộng.
[6] Hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức do các bị cáo Từ Công T và Phan Thành H thực hiện đã trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý hành chính, do đó, cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
[7] Bị cáo Phan Thành H là người có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự; quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường cho người bị hại để khắc phục hậu quả, người bị hại có đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo; bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo của địa phương; hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt”; ngoài ra, bị cáo còn có ông ngoại có công với cách mạng được hưởng chế độ như thương binh.
Như vậy, bị cáo Phan Thành H được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 1999. Do đó có căn cứ để giảm một phần hình phạt cho bị cáo về tội “Giết người”, giữ nguyên hình phạt về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
[8] Đối với bị cáo Từ Công T: Là người có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự. Quá trình khai báo thành khẩn, tỏ thái độ ăn ăn hối cải; bị cáo đã cùng gia đình bị cáo Phan Thành H bồi thường cho người bị hại để khắc phục hậu quả; bị cáo có hoàn cảnh khó khăn là lao động chính trong gia đình; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng. Xét thấy không cần thiết bắt bị cáo phải chấp hành hình phạt tù, cho bị cáo được cải tạo tại địa phương cũng đủ điều kiện để giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. Do đó, có đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Từ Công T.
[9] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[10] Các bị cáo Phan Thành H và Từ Công T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ điểm b khoản 1; Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
QUYẾT ĐỊNH:
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phan Thành H, sửa bản án sơ thẩm.
Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 93; điểm b khoản 2 Điều 267; Điều 18; khoản 3 Điều 52 (tội Giết người); điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; khoản 1 Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Phan Thành H 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”; 02 (hai) năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung của hai tội là 09 (chín) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 30-6-2017.
2. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Từ Công T, sửa bản án sơ thẩm.
Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt bị cáo Từ Công T 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, thời gian thử thách là 04 (bốn) năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm. Giao bị cáo Từ Công T cho Ủy ban nhân dân thị trấn O (huyện D, tỉnh Bình Định) để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
NỘI DUNG ÁN LỆ
“[1] Lời khai nhận tội của bị cáo Phan Thành H và Từ Công T phù hợp với lời khai của người bị hại, lời khai của người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 16 giờ 05 phút ngày 30-6-2017, bị cáo Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 kéo theo sơmirơmoóc BKS: 77R-001.37, khi đi đến km 488 + 650 quốc lộ 1A thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh thì bị tổ tuần tra Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh dừng xe vì đã vi phạm về tốc độ (66/60km/giờ).
Bị cáo Phan Thành H đã không chấp hành vì cho rằng mình không vi phạm tốc độ, nên đã tranh cãi và điều khiển xe đâm thẳng vào ông Nguyễn Anh Đ và ông Lê Hồ Việt A là cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khi những người này đang đứng trước đầu xe ô tô. Ông Lê Hồ Việt A nhảy sang lề đường tránh được, còn ông Nguyễn Anh Đ buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái đầu xe.
Phan Thành H tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, rồi bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái vào sát giải phân cách giữa đường nhằm hất ông Nguyễn Anh Đ xuống đường để bỏ trốn. Hậu quả là ông Nguyễn Anh Đ bị rơi khỏi xe va vào giải phân cách cứng giữa đường, rồi rơi xuống đường. Phan Thành H bỏ mặc cho hậu quả xảy ra rồi tiếp tục điều khiển xe chạy trốn. Ông Nguyễn Anh Đ đã bị chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%.
[3] Do có hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phan Thành H về tội “Giết người” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 và điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.”
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
Án lệ số 28/2019/AL về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 22 tháng 8 năm 2019 và được công bố theo Quyết định số 293/QĐ-CA ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Án lệ số 28/2019/AL về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 22 tháng 8 năm 2019 và được công bố theo Quyết định số 293/QĐ-CA ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 16/2018/HS-GĐT ngày 25-9-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” đối với bị cáo Trần Văn C, sinh năm 1991.
- Bị hại: Anh Nguyễn Hồng Q, sinh năm 1994 (đã chết).
Vị trí nội dung án lệ:
Đoạn 1 phần “Nhận định của Tòa án”.
Khái quát nội dung của án lệ:
- Tình huống án lệ:
Bị hại đã thực hiện một chuỗi hành vi trái pháp luật tấn công bị cáo liên tục, kéo dài làm cho bị cáo bị ức chế tâm lý, kích động về tinh thần. Trong trạng thái bị mất khả năng tự chủ, bị cáo dùng dao đâm bị hại nhằm thoát khỏi sự tấn công. Bị cáo không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà mình đã thực hiện. Hậu quả dẫn đến bị hại chết.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với khoản 1 Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Từ khóa của án lệ:
“Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”; “Bị kích động mạnh về tinh thần”; “Mất khả năng tự chủ”.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 03-11-2016, Trần Văn C đang chơi game ở quán Internet “Su Su” thuộc thôn 1A, xã N, huyện K, tỉnh Đắk Lắk thì bạn là anh Nguyễn Hồng Q gọi điện thoại hỏi C đang ở đâu. Khi biết C đang chơi game ở quán Internet, anh Q cũng đến và vào chơi ở máy số 6.
Trong lúc chơi game, anh Q nhiều lần đến chỗ C ngồi hỏi mượn tiền, nhưng C nói không có tiền. Một lúc sau, anh Q đến chỗ C đưa 02 chiếc điện thoại di động của mình nói C cầm cố để mượn tiền, C vẫn không đồng ý nên anh Q bỏ về chỗ của mình tiếp tục ngồi chơi game.
Khoảng 15 phút sau, anh Q đi đến chỗ C nói “Anh không tin em sao, giúp em đi”. C trả lời “Anh không có tiền thật mà, mày làm ơn đi chỗ khác để anh chơi”. Anh Q chửi “Đ.M mày, nhớ mặt tao”.
C nghe vậy không nói gì, anh Q bỏ về chỗ máy của mình. Ít phút sau, anh Q đi đến chỗ C đang chơi game, tay phải đấm mạnh 01 cái vào má trái của C làm chảy máu. Bị đánh, C tức giận lấy dao Thái Lan có sẵn trên bàn giữa 02 máy vi tính, rồi cầm dao bằng tay phải đứng lên ghế mình ngồi.
Thấy vậy, anh Q lao đến, C dùng dao quơ ngang qua lại trúng vào mặt anh Q làm chảy máu. Anh Q xông đến dùng hai tay kéo C xuống ghế, sau đó anh Q dùng hai tay kẹp cổ C theo tư thế phần đầu của C ở phía sau lưng anh Q, còn phần hai tay, thân người và hai chân của C ở phía trước người anh Q. Bị anh Q kẹp cổ, C dùng tay trái nắm vào phần hông bên phải anh Q, còn tay phải C cầm dao Thái Lan đâm 01 nhát trúng ngực anh Q. Anh Nguyễn Hải Q1 đang chơi game thấy vậy chạy đến giật con dao trên tay C vút vào góc quán.
Lúc này anh Q bị ngã xuống nền nhà, sau đó C và một số người có mặt trong quán đưa anh Q đến bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 04-11-2016, anh Q tử vong. Ngay sau đó, C đến Công an huyện K đầu thú.
Kết quả khám nghiệm tử thi anh Nguyễn Hồng Q ghi nhận: Vùng trán trái phía trên lông mày có vết rách da hình khe, dài 0,7cm. Đỉnh mũi có vết rách da hình khe dài 02cm, sâu 0,4cm; cách vết này 03cm tại môi trên có vết rách da hình khe dài 02cm. Mép phải có vết rách da hình khe dài 03 cm, sâu 0,8cm. Ba vết rách da tạo đường thẳng không liên tục hướng từ trên xuống dưới, từ trái qua phải.
Ngực phải cách núm vú phải 3,5cm về phía dưới, cách đường giữa 09 cm có vết xây xát da nằm ngang hình khe dài 1,3cm. Ngực trái cách gót chân trái 120cm, cách đường giữa 05cm có vết rách da dài 2,5cm, hở rộng 01 cm, nằm ngang hướng từ trái sang phải, từ trước ra sau, từ ngoài vào trong.
Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 714/QĐPY ngày 24-11-2016 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Nguyên nhân tử vong của anh Nguyễn Hồng Q là vết thương thấu ngực trái gây nên thương tổn xuyên tim dẫn đến tim ngừng đập và mất máu suy tuần hoàn cấp không hồi phục.
Tại Bản kết luận pháp y thương tích số 113/PY-TgT ngày 04-01-2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Trần Văn C bị chấn thương vùng má trái với thương tích 02%.
Trước Khi xét xử sơ thẩm, gia đình Trần Văn C đã bồi thường cho gia đình người bị hại 95.000.000 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 09-5-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk áp dụng khoản 1 Điều 95; các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Trần Văn C 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”; căn cứ Điều 42 Bộ luật Hình sự, các điều 606, 610 Bộ luật Dân sự buộc bị cáo C phải bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền 122.600.000 đồng, đã bồi thường 95.000.000 đồng, còn lại phải bồi thường 27.600.000 đồng; buộc cấp dưỡng cho cháu Nguyễn Hồng M 600.000 đồng/tháng; đối với con mới sinh của anh Nguyễn Hồng Q, chị Lại Thị Minh T có quyền khởi kiện về yêu cầu cấp dưỡng bằng một vụ án dân sự khác Khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 22-5-2017, người đại diện hợp pháp của người bị hại chị Lại Thị Minh T kháng cáo đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự đối với Trần Văn C và tăng hình phạt; đồng thời, đề nghị tăng mức cấp dưỡng đối với cháu Hồng M và yêu cầu xác định trách nhiệm cấp dưỡng cho con mới sinh của anh Q là cháu Hải Đ (sinh ngày 29-4-2017).
Ngày 24-5-2017, Trần Văn C kháng cáo xin giảm hình phạt.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 200/2017/HSPT ngày 10-8-2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng căn cứ điểm a, b, C khoản 2 Điều 248; khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự:
- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Văn C.
- Chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại:
+ Sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm hình sự: Áp dụng khoản 2 Điều 93; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, xử phạt Trần Văn C 07 (bảy) năm tù về tội “Giết người”.
+ Hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm liên quan đến trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của người bị hại; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án số 47/2017/HSST ngày 14-9-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định buộc Trần Văn C có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 02 cháu Nguyễn Hồng M và Nguyễn Hải Đ, mỗi cháu 650.000 đồng/tháng.
Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/2018/KN-HS ngày 22-5-2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 200/2017/HSPT ngày 10-8-2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thấm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần trách nhiệm hình sự đối với Trần Văn C và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đê xét xử phúc thẩm lại.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt đối với Trần Văn C.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Về tội danh: Căn cứ vào lời khai của Trần Văn C phù hợp với lời khai của các nhân chứng Lê Hữu N1, Nguyễn Văn N2 có cơ sở xác định nguyên nhân xảy ra sự việc bắt nguồn từ lỗi của người bị hại Nguyễn Hồng Q. Anh Q đã có một chuỗi hành vi liên tục tác động đến Trần Văn C như hỏi vay tiền C, C trả lời không có tiền, anh Q chửi C, C không nói gì, tiếp đó anh Q đến chỗ C ngồi đấm vào mặt C (gây thương tích 02%). Sau Khi bị anh Q đấm, C lấy con dao (dùng để gọt trái cây, có sẵn trên bàn) rồi đứng lên ghế quơ qua quơ lại (thể hiện C không có ý định tấn công anh Q mà nhằm ngăn chặn sự tấn công của anh Q), nhưng anh Q bất chấp C đang cầm dao vẫn lao vào và kéo C xuống khỏi ghế, kẹp cổ C.
Trong tư thế bị khống chế, phần đầu của C bị kẹp ở phía sau lưng anh Q, hai tay, chân và thân người của C ở phía trước người anh Q, C đã dùng tay phải đang cầm dao đâm vào ngực anh Q, gây ra cái chết cho anh Q. Trường hợp này, bị hại là người gây sự, tấn công bị cáo trước. Hành vi tấn công của bị hại diễn ra liên tục với mức độ tăng dần.
Hành vi của bị hại là trái pháp luật, xâm phạm sự an toàn về thân thể của bị cáo. Trong trạng thái bị kích động dẫn đến mất khả năng tự chủ, không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, bị cáo dùng dao đâm vào ngực bị hại là nhằm thoát khỏi sự tấn công. Do đó, có đủ cơ sở xác định Trần Văn C đã bị kích động mạnh về tinh thần.
Tòa án cấp sơ thẩm kết án Trần Văn C về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là có căn cứ.
[2] Tòa án cấp phúc thẩm nhận định Trần Văn C bị kích động về tinh thần, nhưng chưa đến mức bị kích động mạnh, là chưa xem xét khách quan, toàn diện nguyên nhân, quá trình diễn biến của sự việc cũng như mức độ nghiêm trọng, liên tục của hành vi trái pháp luật của người bị hại, từ đó chuyển tội danh từ “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” sang “Giết người” đối với Trần Văn C là không đúng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ vào Điều 382, khoản 2 Điều 388, Điều 390 Bộ luật Tố tụng hình sự:
1. Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 200/2017/HSPT ngày 10-8-2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về phần trách nhiệm hình sự (tội danh, hình phạt và án phí) đối với Trần Văn C.
2. Giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 09-5-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về phần trách nhiệm hình sự đối với Trần Văn C.
NỘI DUNG ÁN LỆ
“[1] ... bị hại là người gây sự, tấn công bị cáo trước. Hành vi tấn công của bị hại diễn ra liên tục với mức độ tăng dần. Hành vi của bị hại là trái pháp luật, xâm phạm sự an toàn về thân thế của bị cáo. Trong trạng thái bị kích động dẫn đến mất khả năng tự chủ, không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, bị cáo dùng dao đâm vào ngực bị hại là nhằm thoát khỏi sự tấn công. Do đó, có đủ cơ sở xác định Trần Văn C đã bị lách động mạnh về tinh thần. Tòa án cấp sơ thẩm kết án Trần Văn C về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ” là có căn cứ. ”
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn