Bạn đang ở đây

Có được quyền yêu cầu kiểm tra chuyên đề khi đang làm việc với Cảnh sát giao thông?

14/02/23 17:48:39 | Lượt xem: 11
Thời gian đọc: 7 Phút
Chuyên đề kế hoạch làm việc của Cảnh sát giao thông ("CSGT") có phải là một trong các nội dung công khai? Người dân có quyền yêu cầu kiểm tra chuyên đề khi trực tiếp làm việc với CSGT? Các hình thức để người dân tiếp cận chuyên đề của CSGT?

Thưa luật sư, xin luật sư cho tôi được biết là khi tham gia giao thông bị CSGT dừng xe kiểm tra và xử lý vi phạm thì người dân có được quyền kiểm tra chuyên đề kế hoạch làm việc của CSGT hay không? Cảm ơn luật sư.

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA có quy định như sau:

Thế nào là Chuyên đề của CSGT? 

Chuyên đề của CSGT là cách gọi tắt của người dân. Trên thực tế, căn cứ quy định tại điểm d Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28/11 2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì " Chuyên đề" gồm các nội dung: "Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện"

Cũng theo quy định tại Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA thì những nội dung liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sau được công khai: 

Điều 5. Nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính:

a) Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

b) Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

c) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;

d) Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện;

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

e) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

2. Công tác đăng ký, cấp biển số xe:

a) Quy trình, thủ tục đăng ký, cấp biển số xe;

b) Tên cơ quan, địa chỉ, thời gian làm việc, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;

c) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;

d) Lệ phí đăng ký xe;

đ) Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, cấp biển số xe;

e) Trách nhiệm của cơ quan Công an và cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đăng ký xe;

g) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các quy định về đăng ký, cấp biển số xe.

3. Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông:

a) Quy trình chỉ huy, điều khiển giao thông;

b) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;

c) Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông;

d) Tuyến đường hạn chế hoặc cấm phương tiện, loại phương tiện giao thông khi có yêu cầu về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông:

a) Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông;

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi điều tra, giải quyết tai nạn giao thông;

c) Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.

Việc người dân thực hiện tiếp cận kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT chỉ được thực hiện theo các hình thức mà pháp luật quy định. Ảnh minh họa: csgt.vn

Từ các căn cứ trên, có thể thấy pháp luật quy định người dân có quyền được biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT. Tuy nhiên, việc tiếp cận kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT chỉ được thực hiện theo các hình thức được quy định tại Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA. Cụ thể:

Điều 6. Hình thức công khai của Công an nhân dân

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:

1. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

2. Đăng Công báo.

3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

5. Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ các quy định trên việc người dân trực tiếp yêu cầu CSGT công khai chuyên đề khi CSGT đang làm nhiệm vụ là không có cơ sở pháp lý. Như vậy, CSGT hoàn toàn có quyền giải thích và từ chối yêu cầu trên của người dân.  

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan