Bạn đang ở đây

vốn vay ưu đãi

Trình tự, thủ tục rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi

Thời gian đọc: 9 Phút
Ngày 16/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Nghị định 114/2021/NĐ-CP áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, vốn đối ứng của phía Việt Nam.

Theo nội dung Nghị định 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021, trình tự, thủ tục rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định như sau:

1. Trình tự, thủ tục rút vốn theo hình thức hỗ trợ ngân sách:

- Cơ quan chủ quản, chủ dự án có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thực hiện các cam kết của phía Việt Nam theo thỏa thuận với bên cho vay nước ngoài, đảm bảo thỏa mãn điều kiện tiên quyết về rút vốn nêu trong điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết;

- Đối với hình thức hỗ trợ ngân sách chung: Bộ Tài chính lập đơn rút vốn gửi bên cho vay nước ngoài và chuyển các khoản rút vốn về ngân sách nhà nước để sử dụng theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết;

- Đối với hình thức hỗ trợ ngân sách trung ương cho Chương trình mục tiêu quốc gia: Cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia sau khi thống nhất với cơ quan chủ quản dự án thành phần có trách nhiệm thống nhất với Bộ Tài chính về thời điểm rút vốn, số tiền rút vốn, đảm bảo khoản tiền giải ngân đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công và dự toán hằng năm của Chương trình, các dự án thành phần; lập hồ sơ đề nghị đơn rút vốn gửi Bộ Tài chính theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký;
Vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi giải ngân về ngân sách nhà nước được phân bổ cho các dự án thành phần để sử dụng theo đúng quy trình quản lý vốn ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Trình tự và thủ tục rút vốn theo phương thức tài trợ dựa trên kết quả:

- Chủ dự án, cơ quan chủ quản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ số giải ngân liên quan theo thỏa thuận với bên cho vay nước ngoài để làm cơ sở rút vốn. Chủ dự án được tiếp nhận vốn tạm ứng theo quy định của bên cho vay nước ngoài để thực hiện các công việc đã thỏa thuận nhằm đạt được cam kết gắn với chỉ số giải ngân;

- Chủ dự án, cơ quan chủ quản có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan lập báo cáo, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu chứng minh việc hoàn thành các tiêu chí giải ngân quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã ký để gửi bên cho vay nước ngoài. Chủ dự án lập hồ sơ và đơn rút vốn gửi Bộ Tài chính theo quy định của bên cho vay nước ngoài;

- Nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi giải ngân được chuyển về tài khoản của đơn vị thực hiện chương trình, dự án mở tại Kho bạc Nhà nước theo thỏa thuận với nhà tài trợ. Việc chi tiêu tuân thủ quy trình quản lý vốn ngân sách nhà nước hiện hành. Hết niên độ ngân sách, số dư dự toán nguồn vốn ngoài nước được xử lý theo các quy định quản lý vốn ngân sách nhà nước hiện hành; số dư tiền mặt trên tài khoản tạm ứng được tiếp tục sử dụng cho các hoạt động của chương trình, dự án trong niên độ tiếp theo theo quy định;

- Khi rút vốn theo phương thức tài trợ dựa trên kết quả, chủ dự án sử dụng tỷ giá giữa Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) với đồng Việt Nam (VNĐ) thông báo trên Cổng thông tin điện tử của nhà tài trợ tại thời điểm làm đơn rút vốn.

Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

3. Trình tự và thủ tục rút vốn đối với khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi theo phương thức tài trợ dự án:

- Các hình thức rút vốn:

Thanh toán trực tiếp: Chuyển tiền thanh toán trực tiếp cho nhà thầu, nhà cung cấp của dự án;

Thanh toán theo hình thức Thư tín dụng (L/C): Là hình thức thanh toán bằng thư tín dụng do ngân hàng phát hành theo yêu cầu của chủ dự án cam kết với nhà thầu hoặc nhà cung cấp về việc thanh toán một khoản tiền nhất định nếu nhà thầu hoặc nhà cung cấp xuất trình được một bộ chứng từ hợp lệ, đúng theo quy định trong L/C;

Hoàn vốn: Là hình thức nhà tài trợ nước ngoài thanh toán tiền để hoàn lại các khoản chi hợp lệ do chủ dự án đã chi cho dự án;

Tài khoản tạm ứng: Là hình thức nhà tài trợ nước ngoài tạm ứng trước một khoản tiền vào một tài khoản mở riêng cho dự án tại ngân hàng phục vụ hoặc Kho bạc Nhà nước để chủ dự án chủ động trong việc thanh toán cho các khoản chi tiêu và hợp lệ của dự án, giảm bớt số lần rút vốn vay;

Đối với phương thức rút vốn về tài khoản đặc biệt, chủ đầu tư (chủ dự án) có trách nhiệm báo cáo chi tiêu và gửi đơn hoàn chứng từ hàng tháng.

Thời hạn hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính đối với các khoản chi tiêu từ tài khoản đặc biệt không vượt quá 06 tháng. Trường hợp sau 06 tháng chủ đầu tư (chủ dự án) không thực hiện hoàn chứng từ, các khoản giải ngân tiếp theo áp dụng hình thức thanh toán trực tiếp.

- Sau khi nhà tài trợ nước ngoài thông báo phía Việt Nam đã hoàn thành các điều kiện tiên quyết để rút vốn theo quy định tại điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án lập bộ hồ sơ đề nghị rút vốn theo mẫu của bên cho vay nước ngoài và theo từng hình thức rút vốn gửi Bộ Tài chính;

- Trường hợp bên cho vay nước ngoài yêu cầu tài liệu bổ sung hoặc chỉ chấp thuận một phần đơn rút vốn, Bộ Tài chính hoặc bên cho vay nước ngoài thông báo cho chủ dự án để phối hợp xử lý kịp thời các yêu cầu hợp lý của bên cho vay nước ngoài;

- Hồ sơ rút vốn gửi Bộ Tài chính: Đối với mỗi đợt rút vốn, chủ dự án hoặc đơn vị được ủy quyền lập và gửi Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ rút vốn theo từng hình thức rút vốn. Hồ sơ rút vốn quy định tại Phụ lục IX kèm theo Nghị định này. Chủ dự án chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lệ về hồ sơ rút vốn bao gồm: số kiểm soát chi bảo đảm một khoản chi không được kiểm soát và thanh toán hai lần, khối lượng nghiệm thu thanh toán, định mức, đơn giá, dự toán các loại công việc, các thông tin chỉ dẫn thanh toán cho các nhà thầu và hồ sơ phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính của nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi;

- Thủ tục rút vốn trên môi trường điện tử khi đủ điều kiện được thực hiện trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính theo quy định của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử.

4. Giới thiệu chữ ký mẫu, hủy chữ ký mẫu ký đơn rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi:

- Cơ quan chủ quản gửi văn bản cho Bộ Tài chính giới thiệu chữ ký mẫu, thông báo hủy chữ ký mẫu đại diện của chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án do chủ dự án ủy quyền đối với dự án áp dụng cơ chế tài chính cấp phát, cho vay lại theo tỷ lệ; bên vay lại gửi văn bản cho Bộ Tài chính giới thiệu chữ ký mẫu, thông báo hủy chữ ký mẫu đại diện của chủ dự án hoặc Ban quản lý dự án do chủ dự án ủy quyền đối với dự án áp dụng cơ chế tài chính cho vay lại toàn bộ.

Nghị định 114/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/12/2021

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Xem chi tiết và tải Nghị định 114/2021/NĐ-CP tại đây:

Tệp đính kèm: