Bạn đang ở đây

vay lãi cao xử lý thế nào

Vay tiền mà chủ nợ bắt thế chấp hình ảnh "nóng" xử lý như thế nào?

Thời gian đọc: 20 Phút
Thời gian gần đây, báo chí có phản ánh một số người khi vay tiền chủ nợ bắt phải thế chấp hình ảnh nóng rồi mới cho vay tiền với lãi suất "cắt cổ". Khi con nợ không trả được tiền thì chủ nợ phát tán các hình ảnh lên mạng xã hội nhằm múc đích yêu cầu con nợ trả nợ. Vậy hành vi của chủ nợ bị xử lý như thế nào?

 

Xin chào Luật sư! Thời gian gần đây, trên các trang báo mạng có một số bài viết phản ánh tình trạng cho vay lãi nặng với lãi suất 365% một năm, để đảm bảo cho khoản vay người vay còn phải thế chấp bằng chính hình ảnh nhạy cảm của cá nhân họ, nếu không trả nợ sẽ bị các đối tượng cho vay tung lên mạng.

Tôi thắc mắc rằng đối với thực trạng này thì pháp luật nước ta hiện nay có chế tài xử lý như thế nào? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các Luật sư, xin chân thành cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

1. Đối với hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự:

Pháp luật không có quy định cụ thể mức lãi suất tối đa của hình thức cho vay tiêu dùng qua các công ty tài chính, tổ chức tín dụng ngoài ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng do Công ty tài chính tự điều chỉnh phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua và cho phép áp dụng.
Theo đó, căn cứ theo Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất trong hợp đồng vay dân sự không được vượt quá 20%/năm. Như thông tin bạn đã trao đổi, với mức lãi suất 365%/năm, có thể thấy mức lãi suất này gấp nhiều lần so với mức lãi suất cao nhất do BLDS quy định.

Trong khi đó theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì đối tượng nào cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên so với mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS 2015 tức là 100%/năm trở lên là đã có dấu hiệu hình sự.

Như vậy, với mức lãi suất “cắt cổ” như trên thì các đối tượng cho vay này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi cho vay lãi nặng quy định tại Điều 201 BLHS 2015 nếu như hành vi phạm tội bị phát giác. 
Ngoài điều kiện về mức lãi suất, hành vi phạm tội trên còn phải thoả mãn một trong các điều kiện sau: 

•    Một là, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; 

•    Hai là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng trong thời hạn là mười hai tháng; 

•    Ba là, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đối với các điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, thì quy định của pháp luật rõ ràng, cách hiểu đều thống nhất. Riêng điều kiện thu lợi bất chính thì còn cách hiểu thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên chưa được hiểu thống nhất.

Mặt khác, cách hiểu quy định thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất, cho rằng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là số tiền này được tính của tất cả các hợp đồng cho vay cộng lại để làm căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử, không được trừ phần tiền thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay.

Quan điểm thứ hai, cho rằng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên được tính trên cơ sở tiền thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay và được tính trên từng hợp đồng vay để xác định cấu thành tội phạm.

Quan điểm thứ ba, cho số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên được tính trên cơ sở đã trừ phần thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ và được tính trên từng hợp đồng vay để xác định cấu thành tội phạm, không được tính trên tổng các hợp đồng vay để xác định cấu thành tội.

Bởi lẽ, trong khi áp dụng pháp luật người tiến hành tố tụng có thể được áp dụng biện pháp tương tự, như xác định cấu thành cơ bản của tội Trộm cắp tài sản, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trường hợp chưa có tiền sự, tiền án về hành vi chiếm đoạt tài sản) mà tài sản trộm cắp, tài sản lừa đảo phải có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên. Đối với lần trộm cắp tài sản, lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 02 triệu đồng thì không cấu thành tội.

Trên thực tế, trước khi có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ của Quốc hội nên việc áp dụng xử lý đối với loại tội này gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra còn gây khó khăn, không đồng nhất trong việc áp luật của Tòa án đặc biệt trong thời gian hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các vụ án về tội cho vay lãi nặng, hậu quả là gây thiệt hại về tài sản cho người vay, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tín dụng.

Hơn nữa, hầu hết tất cả bên cho vay nặng lãi đều hành xử theo kiểu “xã hội đen”, ngoài khiến nhiều cá nhân, gia đình khánh kiệt còn có nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội.

Do đó, Tòa án nhân dân tối cao đưa ra Công văn số 212/TANDTC-PC hướng dẫn một số vướng mắt về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” mà bạn có thể tham khảo. Qua đó thấy được sự quan tâm pháp luật nước ta đến loại tội phạm này, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của xã hội, kịp thời ngăn ngừa hành vi cho vay nặng lãi và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định các hình phạt với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau:
-    Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm với tội cho vay nặng lãi như trên.
-    Phạt tiền từ 200 triệu - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật Hồng Bách - Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)

2. Hành vi bắt người vay phải thế chấp bằng hình ảnh nhạy cảm có vi phạm pháp luật?

Hiện nay, do nhu cầu chi tiêu bức thiết trong cuộc sống, bản thân người vay lại không có điều kiện tiếp cận với những khỏan vay hợp pháp, lợi dụng vào hiện trạng này các đối tượng kinh doanh loại hình cho vay nặng lãi ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để lôi kéo người vay sập bẫy của mình. Người vay đành phải chấp nhận những điều kiện cho vay oái oăm, cụ thể là trong trường hợp này, người vay buộc phải thế chấp thêm cả hình ảnh nhạy cảm của mình để nếu không trả nợ thì sẽ bị tung hình ảnh lên mạng. 

Trước hết, khái niệm “Hình ảnh của cá nhân” bao gồm mọi hình thức tác phẩm ghi lại hình dáng của con người cụ thể như chụp, ảnh vẽ, ảnh họa chép,..v..v.. Xét về mặt quyền sở hữu trí tuệ thì bức ảnh, tấm hình, đều là loại hình tác phẩm, người sử dụng tác phẩm trước hết phải xin phép người chủ bản quyền (chủ sở hữu quyền tác giả) và trả cho họ một khoản lợi ích vật chất, đồng thời phải trả thù lao, nhuận bút cho người sáng tác (người chụp ảnh, sao chép, họa hình...).

Còn xét về “quyền nhân thân của con người”, ai muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân đều phải được sự đồng ý của người đó. Hình ảnh của cá nhân có thể được hiểu là sự tái hiện lại vẻ bề ngoài của một người bằng cách thức nào đó có thể ghi lại và gây ấn tượng thị giác cho những người khác. Khi được mọi người nhìn vào hình ảnh tái hiện đó có thể nhận diện được rằng đó là ai. Do đó, Điều 32 BLDS năm 2015 đã đặt ra những quy định cụ thể về quyền nhân thân đối với hình ảnh, theo hướng chặt chẽ hơn, khả thi nhất.

Bản thân quyền nhân thân đối với hình ảnh là một quyền tuyệt đối của cá nhân. Quyền này hoàn toàn được bảo vệ một cách vô điều kiện khi cá nhân có hình ảnh thấy rằng hình ảnh của mình bị xâm phạm. Thực tế, nhiều văn bản luật dù chặt chẽ đến mấy cũng không thể giải quyết thỏa đáng được tất cả những vấn đề rắc rối phát sinh hàng ngày trong cuộc sống. Bởi vậy, quyền nhân thân đối với hình ảnh không nằm ngoài ngoại lệ này.

Một đặc điểm khác biệt nữa, tính bí mật cá nhân, bí mật gia đình hay trong trường hợp này là bí mật vì tính nhạy cảm của hình ảnh chỉ mang tính tương đối, bởi xét dưới góc độ này đối với cá nhân đó thì thông tin đó cần phải che đậy, giữ kín nhưng đứng dưới góc độ khác, đối với chủ thể khác thì những thông tin trên không cần che dấu. Vì vậy bí mật cá nhân, bí mật gia đình chỉ có cá nhân đó hoặc một số người hạn chế được biết. Quan điểm xác định như thế nào là bí mật cá nhân, bí mật gia đình là do từng cá nhân trong xã hội.

Ngoài ra, có thể coi hình ảnh cá nhân này của người vay là một loại tài sản thế chấp hiện có bởi nó đáp ứng hai tiêu chí về tính vật lý và tính pháp lý (Hữu hình hoàn chỉnh về cấu trúc vật chất và đang thuộc quyền sở hữu của chủ thể giao dịch).
Do đó, không thể nói pháp luật không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vay  mà do chính họ trong trường hợp này đã từ bỏ quyền này của mình.

Quyền nhân thân đối với hình ảnh là một quyền cơ bản của con người nên cá nhân có toàn quyền xử sự đối với hành vi xâm phạm tới hình ảnh của mình. Nhưng một khi người vay từ bỏ quyền này của mình thì mặc nhiên quyền nhân thân đối với hình ảnh đó của họ cũng bị từ bỏ. Vì chủ thể tự nguyện từ bỏ thì hình ảnh cũng được từ bỏ.

Vì vậy, có thể nói hành vi bắt người vay phải thể chấp cho khoản vay bằng chính hình ảnh nhạy cảm của họ là không vi phạm pháp luật hiện hành, qua đó thấy được mức độ tinh vi trong thủ đoạn mà các đối tượng này sử dụng.

3. Hành vi phát tán hình ảnh nhạy cảm của người vay lên mạng nếu người vay không trả hoặc chậm trả

3.1. Hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy:

Đối với hành vi tung hình ảnh nhạy cảm của người vay lên mạng có thể bị xử lý theo tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại Điều 326 BLHS 2015 nếu có đủ 4 dấu hiệu sau đây:

Về chủ thể: 

Chủ thể của tội truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy là chủ thể thường. Theo đó người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự nghĩa là không mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của bản thân theo quy định của Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 sẽ là chủ thể của tội này.

Về mặt khách quan:

Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên bên ngoài của tội phạm bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện phạm tội.... Hành vi khách quan được quy định cụ thể trong điều luật của Bộ luật hình sự và nếu bất kỳ người nào thực hiện hành vi đó dẫn đến hậu quả bằng phương tiện nào đó thì có thể xem là tội phạm.
Có thể thấy hành vi khách quan trong tội truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy bao gồm những hành vi đơn lẻ hoặc kết hợp những hành vi sau:

-    Làm ra là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các loại văn hóa phẩm đồi trụy như dựng hoặc đóng phim, vẽ tranh ảnh, sáng tác truyện...

-    Sao chép là hành vi chụp lại, chép lại, vẽ lại, ghi âm, ghi hình lại... nội dung trong văn hóa phẩm đồi trụy;

-    Lưu hành là hành vi công bố, phổ biến, cho thuê, cho mượn, lan truyền văn hóa phẩm đồi trụy;

-    Vận chuyển là hành vi đem các văn hóa phẩm đồi trụy đến những nơi khác nhau ví dụ như vận chuyển từ người bán đến người mua hoặc từ người làm ra đến người phân phối;

-    Mua bán văn hóa phẩm đổi trụy;

-    Tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy là hành vi lưu trữ trong nhà hoặc trong kho để sử dụng hoặc chờ phân phối ra bên ngoài;

Hậu quả hành vi này gây ra là làm rối loạn trật tự công cộng, gây lệch lạc đạo đức trong một bộ phận người tiếp cận, xâm phạm đến thuần phong mỹ tục của nền văn hóa Việt Nam.

Về khách thể:

Khách thể là những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được quy định tại chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng mục các tội xâm phạm trật tự công cộng nên khách thể của tội này sẽ là trật tự công cộng. Theo đó nếu một người có hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy như sao chép phim khiêu dâm thì đã xâm phạm đến an toàn và trật tự công cộng vì vậy phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về mặt chủ quan:

Mặt chủ quan là biểu hiện về mặt tâm lý bên trong người phạm tội bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Người phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy sẽ có lỗi cố ý và mục đích là phổ biến các sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy trong cộng đồng và có thể kèm với mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Với 4 dấu hiệu phân tích ở trên, nhận thấy hành vi phát tán hình ảnh nhạy cảm của người vay của các đối tượng này nếu có xảy ra trên thực tế sẽ bị xử lý với tội danh truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại Điều 326 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trong trường hợp này người đi vay thực hiện các hành vi như chụp ảnh nhạy cảm hoặc quay các clip cũng có dấu hiệu của hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy mà ở đây chính là hành vi làm ra các văn hóa phẩm đồi trụy này.

Về các chế tài xử phạt:

Theo quy định tại điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP. Và việc lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi như: Cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Căn cứ theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có quay định, người nào làm ra, sao chép, lưu hành… những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy thì mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, mức phạt tù từ 03 năm lên đến 15 năm và người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3.2. Ngoài ra với các hành vi khách quan nêu trên, những đối tượng này còn có thể bị truy cứu về tội làm nhục người khác:

Với tội danh này, người phạm tội phải có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự người khác dưới mọi hình thức, ở đây là hành vi đưa lên trang mạng internet hình ảnh riêng tư mang tính bêu rếu làm nhục người vay hạ thấp danh dự uy tín …

Việc đánh giá hành vi đó đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự người vay hay chưa các cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như hành vi cụ thể, tác động xã hội, đạo đức xã hội…phản ứng của dư luận…

Thêm vào đó, để thực hiện hành vi đăng tải lan truyền hình ảnh nhạy cảm của người vay lên mạng internet những đối tượng này chắc hẳn phải sử dụng các phương tiện điện tử cụ thể là điện thoại hoặc máy tính có kết nối mạng. Đây được xem là một tình tiết tăng nặng TNHS của người phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 155 BLHS hiện hành.
Về hình phạt:

Điều 155 quy định các khung hình phạt sau đây:

-    Người phạm tội bị cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

-    Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

-    Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa,  Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666;  Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn