Bạn đang ở đây

trách nhiệm hình sự

Chế tài xử lý hành vi tảo hôn

Thời gian đọc: 6 Phút
Tảo hôn là gì? Pháp luật có quy định xử phạt các bên thực hiện tảo hôn? Quan hệ hôn nhân có được pháp luật công nhận nếu các bên tảo hôn? Cùng Luật Hồng Bách tìm hiểu các vấn đề này.

Thưa luật sư, tôi là người vùng cao, theo truyền thống dân tộc tôi lấy vợ sớm, khi mới 18 tuổi, tôi với vợ tôi đã chung sống được hơn 5 năm hạnh phúc không phát sinh mâu thuẫn, có 01 người con chung và vợ chồng có tạo lập được kinh tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây có người bảo tôi tảo hôn và quan hệ vợ chồng chúng tôi không được Pháp luật công nhận, tôi rất hoang mang, lo sợ về việc quan hệ vợ chồng tôi sẽ chấm dứt. Luật sư tư vấn cho tôi về việc quan hệ vợ chồng tôi có chấm dứt hay không, việc chúng tôi tảo hôn có bị xử lý theo quy định Pháp luật không? Xin cảm ơn luật sư!

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Tảo hôn là gì?

Theo quy định Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên thì đủ tuổi để kết hôn. Căn cứ quy định này tảo hôn xảy ra trong 03 trường hợp sau:

- Nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi.

- Nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.

- Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.

Như vậy, theo bạn trình bày việc bạn lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi là tảo hôn.

Việc tảo hôn tùy theo tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Về xử phạt hành chính

Theo Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

 Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

Về xử lý hình sự

Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự, 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể:

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

 Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

 Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa:Internet

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thời hiệu để xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tảo hôn tối đa là 5 năm, hết thời hiệu người thực hiện hành vi không bị xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp của bạn chúng tôi nhận thấy bạn đã chung sống với vợ bạn trên 5 năm do đó, trường hợp của bạn đã hết thời hiệu để xử lý hành vi vi phạm.

Vợ chồng bạn có được công nhận là vợ chồng hay không?

Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, các trường hợp kết hợp trái với quy định pháp luật, trong đó có tảo hôn vẫn được công nhận là vợ chồng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

- Hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.

Trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật, tức là khi bạn từ đủ 20 tuổi. Như vậy, đối với trường hợp của bạn chúng tôi nhận thấy quan hệ vợ, chồng của bạn sẽ được pháp luật công nhận khi vợ, chồng bạn cùng có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Mua bán tài khoản ngân hàng phải chịu trách nhiệm hình sự gì?

Thời gian đọc: 7 Phút
Rủi ro nào sẽ đến với người dân khi bán tài khoản ngân hàng mình đứng tên cho người khác. Pháp luật quy định chế tài xử phạt cho hành vi mua bán tài khoản ngân hàng như thế nào?

Kính chào luật sư. Thời gian gần đây tôi có mở một số tài khoản ngân hàng để giao dịch. Tuy nhiên, có một số người nhắn tin, gọi điện cho tôi với nội dung tôi bán lại số tài khoản cho họ, mức giá họ đưa ra khá hợp lý. Tôi có trao đổi lại với một số người bạn thì họ bảo không nên bán vì có thể là hành vi vi phạm pháp luật, tôi rất phân vân không biết phải làm thế nào? Xin luật sư tư vấn, hỗ trợ cho tôi trong vấn đề nêu trên!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Tài khoản ngân hàng do tổ chức tín dụng cung cấp cho khách hàng của mình dưới dạng một dãy số gồm 8 chữ số đến 15 chữ số tùy theo quy định của từng tổ chức tín dụng. Số tài khoản giúp khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính nhanh chóng, chính xác và an toàn. Theo đó, mỗi cá nhân có thể mở nhiều tài khoản ngân hàng cùng lúc.

Pháp luật hiện nay nghiêm cấm việc mua, bán, trao đổi thông tin tài khoản ngân hàng. Do đó, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Tùy theo tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm người thực hiện hành vi mua, bán trao đổi thông tin về tài khoản ngân hàng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

Về xử phạt hành chính

Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và Ngân hàng được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 14/11/2019 Nghị định quy định về sử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và Ngân hàng thì đối với hành vi mua bán thông tin tài khoản ngân hàng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể:

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”;

d) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:

6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Hoạt động không đúng nội dung chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng;

Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 9, khoản 10 điều 26 của Nghị định này. Theo đó, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Pháp luật hiện nay nghiêm cấm việc mua, bán, trao đổi thông tin tài khoản ngân hàng. Ảnh minh họa:Internet

Về xử lý hình sự
Điều 291. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng

1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Bố mẹ không tố giác hành vi phạm tội của con có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Thời gian đọc: 6 Phút
Tố giác người có hành vi phạm tội là gì? Bố mẹ không tố giác hành vi phạm tội của con có bị coi là vi phạm pháp luật? Các quy định của pháp luật về trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm.

Thưa Luật sư việc bố mẹ khi biết con của mình vừa có hành vi phạm tội nhưng không đi tố giác với cơ quan công an thì có bị xử lý gì không? 

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn, hongbach.vn có quan điểm tư vấn như sau: 

Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Không tố giác tội phạm là gì?

Không tố giác tội phạm là hành vi biết rõ hành vi phạm tội đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác.

Điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về việc Không tố giác tội phạm của bố, mẹ người phạm tội như sau:

Điều 19. Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Ảnh:Internet

Bố, mẹ không tố giác con có phạm tội không?

Tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về việc không tố giác tội phạm của bố, mẹ người phạm tội như sau:

Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp không tố giác các tội liên quan xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác thì các đối tượng nêu trên vẫn phải chịu  trách nhiệm hình sự.

Trong đó, Theo điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì “Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”. Một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng điển hình được quy định tại Bộ luật Hình sự có thể kể đến như: Tội giết người, Tội hiếp dâm, Tội cướp tài sản, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Tội tổ chức đua xe trái phép; Tội mua dâm người
dưới 18 tuổi, Tội tham ô tài sản…

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự: Tội phản bội Tổ quốc, Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Tội gián điệp, Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, Tội bạo loạn, Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, Tội phá hoại chính sách đoàn kết, Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tội phá rối an ninh, Tội chống phá cơ sở giam giữ, Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn