Bạn đang ở đây

TNHH 1 thành viên

Thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên

Thời gian đọc: 8 Phút
Để thành lập công ty TNHH 1 thành viên, bạn phải thỏa mãn điều kiện về chủ sở hữu tức không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp tại Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

Kính chào Luật sư! Tôi xin trình bày vụ việc cụ thể như sau: Tôi quê ở Phú Xuyên, Hà Nội. Hiện nay, tôi thấy nhu cầu mua đồ dùng sinh hoạt của các bà mẹ bỉm sữa là rất lớn.

Vì vậy, tôi muốn mở công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại quê, do chính mình làm chủ sở hữu về lĩnh vực bán buôn bán lẻ đồ dùng dành cho mẹ và bé.

Xin hỏi Luật sư, tôi cần chuẩn bị những gì để thành lập được công ty cho mình.

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư có quan điểm tư vấn như sau: 

Để thành lập công ty TNHH 1 thành viên, bạn phải thỏa mãn điều kiện về chủ sở hữu tức không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp tại Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020. Với thông tin bạn đưa ra không thể hiện được hiện tại bạn đang làm công việc gì. Giả sử bạn không thuộc những trường hợp bị cấm thì trình tự, thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo quy định tại điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp để đăng ký thành lập công ty TNHH 1 thành viên, bạn cần chuẩn bị những hồ sơ sau:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.…

Như vậy bạn cần có những hồ sơ sau: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty và bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân bạn. Trường hợp bạn ủy quyền cho người khác làm thay bạn thì cần phải lập văn bản ủy quyền cho người khác làm thay bạn và cũng cần phải có bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của người được ủy quyền đó.
 

Về Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp: mẫu văn bản được quy định tại Phụ lục I-2 của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT. Trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bạn cần điền đầy đủ các thông tin trong đó có một số thông tin cần lưu ý sau:

- Tên doanh nghiệp:

Việc đặt tên cần phải tuân thủ theo quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020, tên công ty bạn muốn đặt không trái với thuần phong mỹ tục và có đầy đủ các thành tố bao gồm: “Công ty TNHH” và “tên riêng”. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu. Tên công ty bạn muốn đặt cũng như tên viết tắt, tên tiếng anh không được trùngvới tên công ty đã được đăng ký trên trang thông tin điện tử quốc gia.

- Nghành nghề kinh doanh:

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp của bạn là nghành nghề về bán buôn bán lẻ đồ dùng dành cho mẹ và bé.

Luật sư tư vấn công ty Luật Hồng Bách gợi ý cho bạn một số mã nghành nghề để đăng ký như sau: 4771, 4773 (trừ vàng, súng, đạn, tem và tiền kim khí), 4791 (Trừ hoạt động đấu giá), 4799 (Trừ hoạt động đấu giá), 8299, 4764 (Trừ loại đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội), 4632, 4641, 4649 (Nghành nghề kinh doanh chính), 4699 (trừ Loại nhà nước cấm), 4772 (trừ loại nhà nước cấm), 4690, 4719, 4721, 4722. Bạn nhập những mã nghành nghề này vào mục nghành nghề trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Bạn đánh dấu X với nghành nghề kinh doanh chính.

- Vốn điều lệ:

Vốn điều lệ là một trong những mục quan trọng trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Pháp luật quy định một số nghành nghề kinh doanh cần có mức vốn tối thiểu để thành lập công ty. Trường hợp của bạn kinh doanh nghành nghề về lĩnh vực bán buôn bán lẻ đồ dùng dành cho mẹ và bé, pháp luật không có quy định về mức vốn tối thiểu khi thành lập công ty. Tuy nhiên bạn cũng không nên đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp bởi khi để vốn điều lệ quá thấp, công ty bạn đi giao dịch và làm việc với các đối tác làm ăn kinh doanh thì họ thường không có sự tin tưởng doanh nghiệp của bạn.

Về Điều lệ công ty

Điều lệ công ty cần có đầy đủ nội dung chủ yếu được quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật doanh nghiệp 2020 và không được trái với các quy định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Bộ luật dân sự, Luật Thương mại, pháp luật về thuế và kế toán… Điều lệ công ty phải có chữ ký của chủ sở hữu công ty.

Bước 2: Nộp hồ sơ và thanh toán phí

Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì việc nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Ngoài ra bạn cũng có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện.
Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.

Bước 3: Xử lý hồ sơ

Tại Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Bước 4: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bạn có thể nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng đăng ký kinh doanh-Sở kế hoạch và đầu tư của các tỉnh thành tương ứng với địa chỉ trụ sở công ty của bạn. Khi đến nhận kết quả, bạn phải xuất trình Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà Phòng đăng ký kinh doanh gửi cho bạn và chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu bản chính tương ứng khi bạn nộp hồ sơ.

Trường hợp khi nộp hồ sơ bạn ủy quyền cho người khác nộp thì khi nhận kết quả người được ủy quyền phải xuất trình văn bản ủy quyền và bạn ủy quyền cho họ và bản chính chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu
của người được ủy quyền.

Ngoài ra bạn có thể nhận kết quả qua đường bưu điện. Để nhận Giấy chứng nhận qua đường bưu điện bạn phải đăng ký dịch vụ trả kết quả tại nhà của Bưu điện Thành phố.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn