Bạn đang ở đây

Thủ tục miễn nộp tiền vào ngân sách Nhà nước thực hiện như thế nào?

01/10/21 16:13:35 | Lượt xem: 44
Thời gian đọc: 7 Phút
Tôi đang phải thi hành án dân sự, nay tôi muốn được miễn nộp tiền thi hành án thì thủ tục thực hiện như thế nào?

 

Kính chào Luật sư, tôi có vướng mắc pháp lý như sau, mong Luật sư tư vấn giải đáp hộ tôi, nội dung câu hỏi như sau: Tôi đang phải thi hành một khoản tiền nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do tôi chưa có điều kiện để thi hành khoản tiền nộp vào ngân sách nhà nước.

Vậy Luật sư tư vấn cho tôi có được miễn nộp tiền vào ngân sách nhà nước không? Nếu được thì thủ tục được thực hiện như nào? Xin cảm ơn Luật sư.

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư của hongbach.vn có quan điểm tư vấn như sau:

  1. Về điều kiện để được miễn, giảm các khoản tiền nộp ngân sách nhà nước

Theo bạn trình bày thì chúng tôi không biết bạn đã thi hành được khoản tiền nào nộp ngân sách nhà nước hay chưa. Đối với mỗi trường hợp thì pháp luật có quy định về các điều kiện, thủ tục khác nhau. Do đó, để bạn nắm rõ thì chúng tôi phân chia thành 02 trường hợp như sau:

1.1 Đối với trường hợp đã thi hành được một phần các khoản tiền nộp ngân sách nhà nước thì điều kiện để được miễn các khoản tiền thi hành án dân sự còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước thì người phải thi hành án đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;

+  Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

1.2 Đối với trường hợp bạn đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho bạn và người mà bạn có trách nhiệm nuôi dưỡng thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có các điều kiện sau đây:

+ Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;

+ Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng;

Luật Hồng Bách - Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)

2. Về thủ tục thực hiện miễn, giảm các khoản tiền nộp ngân sách nhà nước được Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện như sau:

2.1. Về hồ sơ gồm:

+ Văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát trong trường hợp đề nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt;

+ Bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự;

+ Biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án được thực hiện trong thời hạn không quá 03 tháng trước khi đề nghị xét miễn, giảm;

+ Tài liệu khác chứng minh điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

+ Ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

2.2  Về quy trình, thủ tục được thực hiện như sau:

Bước 1: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Tòa án phải thụ lý hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phải mở phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án do một Thẩm phán chủ trì, có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm.

Khi tiến hành xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đại diện cơ quan thi hành án dân sự trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm; đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của đại diện của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, Thẩm phán ra quyết định chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người được xét miễn, giảm thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.

Trên đây là những ý kiến tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vụ việc bạn đang vướng mắc, nếu cần làm rõ các thông tin bạn phản hồi với Công ty chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan