Bạn đang ở đây

Quảng cáo hàng giả có phải chịu trách nhiệm liên đới?

07/03/23 08:42:14 | Lượt xem: 32
Thời gian đọc: 6 Phút
Căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng trên thực tế, hành vi đã biết về sản phẩm mình quảng cáo là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc mà vẫn cố tình quảng cáo với người tiêu dùng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của họ thì đại sứ thương hiệu cũng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong vai trò đồng phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Xin chào luật sư! Năm 2022 tôi ký hợp đồng quảng cáo thương hiệu cho một công ty mỹ phẩm. Ngày 23/2/2023 sản phẩm do tôi quảng cáo bị cơ quan chức năng thu giữ với lý do làm giả nhãn mác của công ty khác. Tôi rất lo lắng không biết tôi có phải chịu trách nhiệm liên đới không?

Xin cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Quảng Cáo năm 2012
  • Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2018
  • Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

Khái niệm đại sứ thương hiệu không được quy định trong bất kỳ văn bản pháp lý nào. Về bản chất, những người này là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, được quy định tại khoản 8, Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là “người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sửa đổi, bổ sung 2018 cũng quy định rất rõ trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Bên thứ ba ở đây được hiểu là các đại sứ thương hiệu đã ký hợp đồng quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp hoặc người chuyển tải thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng.

Tại Khoản 1 Điều 13 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sửa đổi, bổ sung 2018 quy định các đại sứ thương hiệu phải:

“Điều 13. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

1. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm:

a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;

c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;

d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.”

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu

Căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng trên thực tế, hành vi nếu đã biết về sản phẩm mình quảng cáo là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc mà vẫn cố tình quảng cáo với người tiêu dùng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của họ thì đại sứ thương hiệu cũng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong vai trò đồng phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 người phạm tội có thể bị phạt tù lên tới 15 năm tù.

Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015  thì hành vi của các đại sứ thương hiệu này có thể có thể bị phạt tiền từ 100 triệu – 1 tỷ đồng; khung hình phạt từ thấp nhất là 1 năm và cao nhất là 15 năm; ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1 – 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

 

 

Tin tức liên quan