Quy định Nội quy cơ sở lưu trú đối với trường hợp trong thời gian chờ xuất cảnh
1. Đối tượng áp dụng
- Người lưu trú tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an.
- Cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên Công an nhân dân.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Theo Thông tư 07/2021/TT-BCA , người lưu trú phải thực hiện những quy định sau:
2.1. Chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Nhà nước Việt Nam), các quy định của cơ sở lưu trú trong công tác quản lý và thực hiện các chế độ đối với người lưu trú về thời gian sinh hoạt, hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình, thông tin liên lạc, thăm gặp, nhận quà, phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh, bảo vệ môi trường; chấp hành mệnh lệnh, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú.
Có trách nhiệm ngăn chặn và tố giác, báo cáo kịp thời, trung thực những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Nội quy cơ sở lưu trú của người lưu trú hoặc của người khác.
2.2. Ở đúng vị trí quy định trong buồng lưu trú, ngủ, nghỉ đúng giờ, có ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh cá nhân, chỗ ở và nơi công cộng; đến giờ quy định, người lưu trú được nhận khẩu phần ăn của mình và phải ăn đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
2.3. Chấp hành sự quản lý, kiểm tra, điểm danh, kiểm diện của cán bộ cơ sở lưu trú. Khi có thông báo tập hợp phải tập trung đúng thời gian, địa điểm được chỉ định, mặc quần áo gọn gàng, giữ trật tự, trường hợp có báo động thì phải giữ nguyên vị trí và tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh, chỉ dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú.
2.4. Khi ra ngoài cơ sở lưu trú, người lưu trú phải được sự đồng ý bằng văn bản của Trưởng cơ sở lưu trú và chịu sự quản lý, giám sát của cán bộ cơ sở lưu trú; khi ra, vào cổng cơ sở lưu trú, người lưu trú không được đeo kính màu, khẩu trang (trừ trường hợp do yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh), nếu có mũ, nón thì phải cầm tay và báo cáo với cán bộ trực cơ sở lưu trú.
2.5. Trong giao tiếp, người lưu trú sử dụng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt (người bị hạn chế khả năng nghe, nói được sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hoặc thiết bị y tế hỗ trợ cho việc giao tiếp). Người lưu trú xưng danh với cán bộ là “tôi” và “cán bộ”, với khách là “tôi” và “quý khách”, với người lưu trú khác là “tôi” và “anh” hoặc “chị” hoặc tùy theo lứa tuổi, quan hệ gia đình, họ hàng, người lưu trú xưng hô, giao tiếp, ứng xử với nhau bảo đảm phù hợp phong tục, truyền thống văn hóa của nước mình, văn minh, lịch sự.
Trường hợp người lưu trú sử dụng tiếng nước ngoài thì phải dùng các từ xưng danh tương đương.
2.6. Đồ dùng cá nhân mang vào buồng lưu trú, người lưu trú phải gấp, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ, để và phơi đúng nơi quy định. Đồ dùng được đưa vào buồng lưu trú, gồm: quần, áo, chiếu, chăn, màn, khăn mặt, gối, giày, dép, cốc nhựa, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược nhựa, kẹp tóc nhựa, giấy, bút, kính thuốc, thuốc chữa bệnh theo chỉ định của bác sỹ hoặc cán bộ y tế của cơ sở lưu trú, sách, báo đã được kiểm duyệt, đồ dùng thiết yếu cho người lưu trú là nữ, đồ dùng sinh hoạt cho trẻ em (nếu có trẻ em ở cùng cha, mẹ trong cơ sở lưu trú) và túi đựng đồ dùng theo quy định.
Người lưu trú phải có trách nhiệm quản lý, giám sát, chăm sóc con ở cùng trong cơ sở lưu trú.
2.7. Người lưu trú có tiền mặt phải gửi lưu ký tại cơ sở lưu trú, được sử dụng mua lương thực, thực phẩm đã chế biến sẵn để ăn thêm và đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt cá nhân theo quy định của cơ sở lưu trú.
Tiền mặt, quần áo, tư trang chưa sử dụng hoặc các loại máy móc, thiết bị, những tài sản, giấy tờ có giá trị khác phải gửi lưu ký tại cơ sở lưu trú để quản lý hoặc gửi cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
2.8. Người lưu trú khi gặp thân nhân, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, nhận quà, thông tin liên lạc, khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật phải chịu sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của cán bộ cơ sở lưu trú. Người lưu trú khi gặp cán bộ, tham gia sinh hoạt tập thể, ra, vào cổng cơ sở lưu trú, khi được phép gặp thân nhân, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, tiếp xúc với khách hoặc làm việc với cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phải mặc quần áo lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ.
2.9. Người lưu trú có trách nhiệm bảo vệ tài sản của cơ sở lưu trú, tài sản của mình và của người khác; phải báo cáo kịp thời với cán bộ cơ sở lưu trú về các hành vi xâm phạm đến tài sản đó.
Người lưu trú làm mất, hư hỏng tài sản của cơ sở lưu trú hoặc của người khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, khi chưa bồi thường xong tài sản, người lưu trú chỉ được làm thủ tục xuất cảnh về nước khi được sự đồng ý của Trưởng cơ sở lưu trú hoặc của người có tài sản bị người lưu trú làm mất, hư hỏng.
Thông tư 07/2021/TT-BCA có hiệu lực thi hành ngày 05/3/2021.
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403, tầng 4 số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
Xem chi tiết và tải Thông tư 07/2021/TT-BCA tại đây: