Bạn đang ở đây

Tặng cho nhà đất bằng miệng liệu có hợp pháp?

16/02/23 09:00:11 | Lượt xem: 16
Thời gian đọc: 5 Phút
Hiểu thế nào về các Hợp đồng tặng cho. Làm gì để Hợp đồng tặng cho có hiệu lực? Có bắt buộc phải công chứng Hợp đồng tặng cho bất động sản?

Bố mẹ tôi để lại cho tôi một thửa đất trên có một ngôi nhà, tuy nhiên bố mẹ chỉ nói bằng miệng và không có bất kì văn bản nào ghi nhận. Liệu việc bố mẹ tôi cho bằng miệng như vậy có đúng với quy định pháp luật hay không?

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

1. Điều kiện tặng cho bất động sản?

Tặng cho bất động sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng chuyển giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng mà không có bất cứ lợi ích hay đền bù nào. Cụ thể, Điều 457 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: 

Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Đất đai năm 2013, để được tặng cho bất động sản thì người sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

+ Đất không có tranh chấp;

+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

+ Trong thời hạn sử dụng đất.

+ Ngoài các điều kiện trên, trong một số trường hợp, ngoài người tặng cho có đủ điều kiện thì người được tặng cho không thuộc trường hợp cấm nhận tặng cho theo quy định của pháp luật.

Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký. Ảnh minh họa: Internet

2. Hình thức tặng cho bất động sản

Căn cứ vào khoản 1 Điều 522 Bộ Luật dân sự 2015: Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối chiếu với quy định tại Điều 459 Bộ Luật Dân sự 2015 và điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì Hợp đồng tặng cho bất động sản không chỉ cần phải đáp ứng các yêu cầu về nội dung mà cần đáp ứng đầy đủ về mặt hình thức. 

Điều 459. Tặng cho bất động sản

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Điều 167: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

Như vậy, khi bố mẹ bạn tặng cho bạn nhà, đất thì việc tặng cho phải được lập thành văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan