Bạn đang ở đây

Sổ tiết kiệm đứng tên vợ có phải chia khi ly hôn không?

02/06/22 10:53:36 | Lượt xem: 113
Thời gian đọc: 10 Phút
Sổ tiết kiệm đứng tên vợ thì khi ly hôn có phải phân chia không? Dựa trên căn cứ, nguyên tắc nào để phân chia tài sản, nợ chung khi ly hôn?

Kính chào Luật sư! Tôi là nạn nhân chất độc da cam, tôi cưới vợ năm 2000. Đến nay hai vợ chồng tôi có với nhau 2 người con 1 cháu sinh năm 2001, 1 cháu sinh năm 2013.

Trong quá trình hôn nhân, dù sức khỏe rất yếu nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc, dành tiền chăm sóc vợ con. Nhưng khi vợ tội đi làm công nhân thì không gửi tiền về cho gia đình dẫn đến cãi vã nhiều lần.

Tôi muốn hỏi: Nếu tôi muốn ly hôn thì việc chia tài sản sẽ diễn ra như thế nào? Về tài sản, hiện nay chúng tôi có: Một căn nhà trên mảnh đất của bố mẹ tôi. Mẹ tôi đã mất từ lâu, giờ chỉ còn bố tôi. Đất từ thời tổ tiên để lại cho bố mẹ tôi và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ).

Tôi và vợ có vay tiền để cho con đi du học, đến nay chưa trả hết. Ngoài ra, trong quá trình chung sống, tôi có để vợ đứng tên trên sổ tiết kiệm. 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo những chia sẻ của anh, Luật sư nhận thấy hai vợ chồng anh chưa có thỏa thuận, thống nhất về ly hôn mà hiện tại anh đang đơn phương muốn yêu cầu ly hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (HN&GĐ) quy định chi tiết về trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau: 

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Như vậy, trong trường hợp anh nhận thấy mâu thuẫn giữa anh và vợ không thể hòa giải dẫn đến cuộc hôn nhân của anh vào vợ rơi vào tình trạng nghiêm trọng, không thể chung sống thì anh hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Trong quá trình giải quyết, Tòa án có thể áp dụng các quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản liên quan để chia tài sản chung của hai vợ chồng.

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. 

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Nếu nhận thấy mâu thuẫn hai vợ chồng không thể hòa giải dẫn đến cuộc hôn nhân rơi vào tình trạng nghiêm trọng, không thể chung sống thì một bên hoàn toàn có quyền đơn phương yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Ảnh minh họa: Internet. 

Về nguyên tắc, khi giải quyết chia tài sản chung, Tòa án tôn trọng sự tự nguyện, thỏa thuận của hai bên. Trong trường hợp anh và vợ không thể thỏa thuận việc chia tài sản khi ly hôn, Tòa án thực hiện việc chia đôi tài sản chung của hai vợ chồng.

Cần lưu ý, trong một số trường hợp, Tòa án có thể xem xét các yếu tố luật định để chia tài sản phần nhiều hơn cho một bên. 

Từ các căn cứ trên, Luật sư nhận định: cuốn sổ tiết kiệm được đứng tên vợ anh và căn nhà vợ chồng đang ở được coi là tài sản chung của hai vợ chồng do thực tế đây là những tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. 

Về thửa đất, theo thông tin của anh, đây là tài sản có nguồn gốc từ các cụ để lại cho bố mẹ anh, chưa được cấp sổ đỏ. Ở đây sẽ có hai trường hợp. Nếu bố em anh đã làm hợp đồng tặng cho hai vợ chồng anh thì thửa đất sẽ được coi là tài sản chung của hai vợ chồng.

Còn trong trường hợp bố anh chưa làm hợp đồng tặng cho thì mảnh đất vẫn thuộc quyền sử dụng của bố anh và Tòa án sẽ xác định thửa đất không phải là tài sản chung của vợ chồng và không phân chia khi ly hôn.

Về khoản nợ hai vợ chồng có nghĩa vụ liên đới với khoản nợ, Luật HN&GĐ 2014 quy định:

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Trong quá trình giải quyết, Tòa án sẽ tôn trọng thỏa thuận về việc trả nợ của hai vợ chồng. Trong trường hợp cả hai không thỏa thuận được, Tòa án có quyền yêu cầu mỗi bên thanh toán một nửa khoản nợ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của bên thứ ba, tức là bên cho hai vợ chồng anh vay tiền. 

Trong cuộc sống vợ chồng, việc mâu thuẫn, bất hòa là không thể tránh khỏi, trong hoàn cảnh của anh, Luật sư thấy những bất hòa của anh và vợ vẫn có thể giải quyết để có thể tiếp tục cuộc sống gia đình, chăm sóc các con.

Trường hợp không thể hòa giải, anh tham khảo quan điểm của Luật sư để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan