Bạn đang ở đây

Quy định của pháp luật về mang thai hộ

13/06/22 12:02:52 | Lượt xem: 36
Thời gian đọc: 7 Phút
Mang thai hộ là một trong những quy định mới được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, mở ra niềm hy vọng mới cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không thể sinh con.

Tôi và vợ tôi kết hôn năm 2010 đến nay đã 12 năm nhưng chúng tôi không có con. Vợ chồng tôi đến bệnh viện khám sau khi có chuẩn đoán của bác sĩ thì vợ tôi bị vô sinh.

Hiện nay trên các phương tiện truyền thông đề cập đến việc mang thai và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bằng việc mang thai hộ. Vậy Luật hôn nhân và gia đình quy định như nào về việc này? Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

•    Căn cứ pháp lý:

-    Luật hôn nhân và gia đình 2014

-    Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Hiện nay việc mang thai hộ hoặc sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản đã được nhiều nước trên Thế Giới áp dụng. Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về điều kiện mang thai hộ. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được hiểu như sau:

•    Khái niệm:

“ Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.” (Khoản

22 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

“Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.” (Khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình)

“Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.” (Khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

Như vậy, trong trường hợp bác sĩ chuẩn đoán vợ bạn bị vô sinh thì vợ chồng bạn có thể nhờ người mang thai hộ khi vợ chồng bạn đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

“Điều 95. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng đang không có con chung;

c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”.

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Ảnh minh họa: Internet.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp các bên trục lợi chính sách mang mang thai hộ, Luật Hôn nhân và gia đình 2014  có một số quy định về việc cấm thực hiện sinh con bằng kỹ thuật sinh sản vì mục đích thương mại. Cụ thể, theo quy định tại Điểm g, i Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cấm mang thai hộ vì các mục đích sau:

“g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi”

Quy định về các nguyên tắc khi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được hướng dẫn cụ thể tại Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP. Các nguyên tắc gồm:

1. Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

2. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

3. Việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.

4. Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

5. Việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kỹ thuật; quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Tin tức liên quan