Bạn đang ở đây

Cá nhân cho vay tiền có được nhận tài sản thế chấp không?

19/05/22 10:36:12 | Lượt xem: 1676
Thời gian đọc: 6 Phút
Theo quy định tại điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản là 1 trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trường hợp thực hiện biện pháp thế chấp tài sản của một cá nhân với một cá nhân khác được Pháp luật Việt Nam hiện hành hướng dẫn.

Kính chào luật sư. Tôi có nội dung vướng mắc pháp lý mong luật sư tư vấn, giải đáp cho tôi. Nội dung cụ thể như sau: Tôi có tài sản cho người khác vay, tuy nhiên để đảm bảo khả năng thu hồi nợ tôi có yêu cầu người này thế chấp nhà đất cho tôi. Tuy nhiên, tôi không biết pháp luật quy định về việc thế chấp tài sản giữa cá nhân và cá nhân được quy định như thế nào? Tôi có thể nhận thế chấp tài sản được không? Xin cảm ơn luật sư!


Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư của Hongbach.vn quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định tại điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản là 1 trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Vậy thế chấp tài sản là gì? 
Theo quy định tại điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản được hiểu như sau:

Điều 317. Thế chấp tài sản

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Theo quy định pháp luật thì những tài sản sau được thế chấp, tham gia vào giao dịch dân sự.

+ Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

+ Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

Pháp luật hiện nay không có quy định cấm cá nhân nhận thế chấp tài sản của một cá nhân khác. Ảnh: baophapluat.vn

Như vậy, pháp luật hiện nay không có quy định cấm cá nhân nhận thế chấp tài sản của một cá nhân khác. Mặt khác các quy định về việc thế chấp tài sản giữa cá nhân và cá nhân được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, tại điều 35 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định về việc nhận tài sản thế chấp của cá nhân như sau:

Việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Điều 35. Việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất

1. Bên nhận thế chấp là tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đất đai, cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Việc nhận thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan, không trái đạo đức xã hội trong quan hệ hợp đồng về dự án đầu tư, xây dựng, thuê, thuê khoán, dịch vụ, giao dịch khác;

3. Trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm trả tiền lãi thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả hoặc lãi, lãi suất khác áp dụng không được vượt quá giới hạn thỏa thuận về lãi, lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 5 Điều 466 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp có thỏa thuận về việc xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên có nghĩa vụ và không có quy định khác của pháp luật thì chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn;

4. Điều kiện có hiệu lực khác của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

Như vậy, với các quy định nêu trên thì bạn hoàn toàn có quyền nhận thế chấp tài sản của người khác để đảm bảo người thế chấp thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo đảm vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Tin tức liên quan