Bạn đang ở đây

luật dân sự

Cá nhân cho vay tiền có được nhận tài sản thế chấp không?

Thời gian đọc: 6 Phút
Theo quy định tại điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản là 1 trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trường hợp thực hiện biện pháp thế chấp tài sản của một cá nhân với một cá nhân khác được Pháp luật Việt Nam hiện hành hướng dẫn.

Kính chào luật sư. Tôi có nội dung vướng mắc pháp lý mong luật sư tư vấn, giải đáp cho tôi. Nội dung cụ thể như sau: Tôi có tài sản cho người khác vay, tuy nhiên để đảm bảo khả năng thu hồi nợ tôi có yêu cầu người này thế chấp nhà đất cho tôi. Tuy nhiên, tôi không biết pháp luật quy định về việc thế chấp tài sản giữa cá nhân và cá nhân được quy định như thế nào? Tôi có thể nhận thế chấp tài sản được không? Xin cảm ơn luật sư!


Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư của Hongbach.vn quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định tại điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản là 1 trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Vậy thế chấp tài sản là gì? 
Theo quy định tại điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản được hiểu như sau:

Điều 317. Thế chấp tài sản

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Theo quy định pháp luật thì những tài sản sau được thế chấp, tham gia vào giao dịch dân sự.

+ Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

+ Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

Pháp luật hiện nay không có quy định cấm cá nhân nhận thế chấp tài sản của một cá nhân khác. Ảnh: baophapluat.vn

Như vậy, pháp luật hiện nay không có quy định cấm cá nhân nhận thế chấp tài sản của một cá nhân khác. Mặt khác các quy định về việc thế chấp tài sản giữa cá nhân và cá nhân được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, tại điều 35 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định về việc nhận tài sản thế chấp của cá nhân như sau:

Việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Điều 35. Việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất

1. Bên nhận thế chấp là tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đất đai, cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Việc nhận thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan, không trái đạo đức xã hội trong quan hệ hợp đồng về dự án đầu tư, xây dựng, thuê, thuê khoán, dịch vụ, giao dịch khác;

3. Trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm trả tiền lãi thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả hoặc lãi, lãi suất khác áp dụng không được vượt quá giới hạn thỏa thuận về lãi, lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 5 Điều 466 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp có thỏa thuận về việc xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên có nghĩa vụ và không có quy định khác của pháp luật thì chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn;

4. Điều kiện có hiệu lực khác của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

Như vậy, với các quy định nêu trên thì bạn hoàn toàn có quyền nhận thế chấp tài sản của người khác để đảm bảo người thế chấp thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo đảm vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
 

Cá nhân muốn mua bản quyền của bài hát Tiến quân ca

Thời gian đọc: 6 Phút
Bà Nghiêm Thúy Băng, với tư cách người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế đã trân trọng ngỏ lời hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm Tiến quân ca được sử dụng làm Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1945 đến nay.

Chào luật sư, tôi có vướng mắc pháp lý này mong luật sư tư vấn, giải đáp cho tôi. Nội dung câu hỏi như sau: Tôi muốn mua bản quyền của bài hát Tiến quân ca thì có được không? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?  Xin cảm ơn luật sư đã tư vấn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với nội dung bạn đang vướng mắc Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:


1.Văn bản pháp luật;
Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ;
Bộ luật dân sự 2005;
Bộ luật dân sự 2015;

2. Nội dung tư vấn.

Lời bài hát Tiến quân ca được cố nhạc sỹ Văn Cao (1923 -1995) sáng tác vào năm 1944 và đã được sử dụng làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1976.

Trước đó, bài Tiến quân ca được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Công hòa từ năm 1945 đến năm 1976.

Căn cứ theo các quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì tác phẩm Tiến quân ca được coi là tác phẩm hình thành trong lĩnh vực văn học nghệ thuật – tác phẩm âm nhạc.

Theo đó, thì nhà nước xác lập quyền bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm này trong đó có quyền tác giả và quyền của chủ sở hữu tác giả theo cơ chế tự động từ lúc tác phẩm được hình thành mà không phụ thuộc vào việc tác tác giả có đăng ký bản quyền đối với tác phẩm Tiến quân ca hay không?

Khi tác phẩm đã được bảo hộ thì nghiêm cấm mọi cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm các quyền đã được nhà nước bảo hộ như thực hiện hành vi cắt xén, sửa chữa xuyên tạc tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh…và mọi người khi sử dụng tác phẩm vào mục đích thương mại thì phải trả tiền nhuận bút cho tác giả.

ẢNh minh họa. (Nguồn: VOV.VN)

Trong khi đó thời hạn nhà nước xác lập cơ chế bảo hộ quyền nhân thân đối với tác phẩm văn học nghệ thuật được quy định như sau: Tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết, sau thời hạn này thì mọi người mới được quyền sử dụng tác phẩm mà không cần sự đồng ý của tác giả; Như vậy, nhạc sỹ Văn Cao mất từ năm 1995, do đó thời hạn bảo hộ tác phẩm được được kéo dài đến năm 2045 mới chấm dứt và đương nhiên sau thời điểm đó thì mọi người có quyền được sử dụng tác phẩm mà không cần sự đồng ý của tác giả. Tuy nhiên, do cố nhạc sỹ đã mất nên các quyền tác giả và quyền chủ sở hữu quyền tác giả vẫn đang trong thời hạn bảo hộ nên sẽ thuộc về những người thừa kế của cố nhạc sỹ Văn Cao, bao gồm người vợ và các con của của cố nhạc sỹ trực tiếp kế thừa tác giả quản lý, sử dụng.

Ngày 21 tháng 6 năm 2010, Cục Bản quyền tác giả nhận được thư ngỏ lời được hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca của bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bà Nghiêm Thúy Băng, với tư cách người đại diện gia đình, đang hưởng quyền thừa kế đã trân trọng ngỏ lời hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm Tiến quân ca được sử dụng làm Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1945 đến nay.

Sau đó, ngày 15 tháng 7 năm 2016, gia đình của nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho "nhân dân và Tổ quốc Việt Nam". Lễ tiếp nhận được tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội. Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà vợ góa của nhạc sĩ Nghiêm Thúy Bằng để ghi nhận những nỗ lực của bà trong việc bảo tồn các tác phẩm của nhà soạn nhạc.Theo Website chính thức Cục Bản quyền tác giả, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý bài Tiến quân ca quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan về bản quyền

Như vậy, các quyền tác giả và quyền của chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát Tiến quân ca đã chính thức thuộc sở hữu của Nhà nước và bạn không thể tiến hành mua bán đối với các tài sản đã xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Trên đây là những nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu cần tư vấn giải đáp cụ thể, bạn phản hồi lại cho chúng tôi để được giải đáp.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Phòng 403, tầng 4, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Email: info@hongbach.vn

Thủ tục để lập di chúc chia tài sản cho con, cháu gồm những gì?

Thời gian đọc: 5 Phút
Di chúc là ý chí của riêng người để lại tài sản mà không phụ thuộc vào các cá nhân khác. Trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

Xin chào Luật sư! Hiện tại, do tuổi đã cao, nhà đông con nên trong lúc còn khỏe mạnh minh mẫn, bản thân tôi muốn lập di chúc để phân chia tài sản cho các con, cháu sau khi mất. Tuy nhiên tôi chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này, xin hỏi Luật sư khi tôi lập di chúc thì có cần chữ ký của tất cả các con không? Mong các Luật sư giải đáp thắc mắc này cho tôi, xin chân thành cảm ơn!


Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì hongbach.vn có quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, theo pháp luật Việt Nam hiện hành, các vấn đề về khái niệm, điều kiện và quyền của người lập di chúc đã được quy định rất rõ trong các Điều 624, Điều 625, Điều 626 và Điều 630 Bộ Luật dân sự 2015 (BLDS).

Theo đó, di chúc là ý chí của riêng người để lại tài sản mà không phụ thuộc vào các cá nhân khác (Điều 624 BLDS). Về người lập di chúc, Điều 625 BLDS khẳng định người đã thành niên có toàn quyền định đoạt tài sản của mình. Không chỉ vậy, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 BLDS nêu rõ các quyền như sau:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Đồng thời, trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS).


Thứ hai, tại Bộ luật Dân sự 2015, di chúc có thể lập bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Theo đó, di chúc chỉ có chữ ký của người khác trong các trường hợp sau: 

- Di chúc miệng, di chúc trong trường hợp này chỉ được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn các điều kiện nêu tại khoản 5 Điều 630 BLDS. Người để lại di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng, ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ, sau đó trong vòng 05 ngày sau di chúc phải được cơ quan có thẩm quyền hoặc công chứng viên chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Do đó, trong trường hợp này, di chúc sẽ có chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng và xác nhận chữ ký của người làm chứng do cơ quan có thẩm quyền hoặc công chứng viên thực hiện.

- Trường hợp di chúc được lập bằng văn bản có người làm chứng. Căn cứ vào các quy định tại Điều 632 BLDS 2015, thì khi người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, di chúc được lập sẽ cần cả chữ ký của người lập di chúc và ít nhất 02 người làm chứng.

Ngoài ra, về điều kiện của người làm chứng đã được quy định rất rõ trong Điều 634 BLDS, theo đó mọi người đều có quyền làm chứng trong trường hợp này, chỉ trừ những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 644 BLDS quy định về người thừa kế theo di chúc, Điều 651 BLDS quy định về người thừa kế theo pháp luật, thì trong trường hợp này con cái của người lập di chúc không có quyền làm chứng đồng thời ký vào di chúc của cha mẹ mình.

Như vậy, từ các căn cứ trên, có thể thấy khi bạn lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản của mình mà không phải phụ thuộc vào bất cứ cá nhân, tổ chức nào, kể cả con cái, hay nói cách khác, khi bạn lập di chúc thì không cần phải có sự đồng ý của các con. Việc quyết định ai là người được hưởng di sản thừa kế và hưởng phần di sản thừa kế như thế nào hoàn toàn dự vào ý chí của bạn. Đồng thời trong mọi trường hợp di chúc của bạn cũng không cần có chữ ký của các con.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, Luật Hồng Bách chúc bạn và gia đình sức khỏe, bình an! 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Vô tình quay cảnh đánh ghen, đưa lên facebook có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Thời gian đọc: 5 Phút
Pháp luật quy định, cung cấp hoặc chia sẻ các thông tin xúc phạm danh dự của cá nhân có thể bị phạt tới 20.000.000 đồng. Không chỉ vậy, Nghị định 15/2020 còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sau sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

>>> Đỗ ô tô trên vỉa hè, tường đè bẹp thì ai bồi thường?

>>> Người vay tiền đang phải đi tù, tôi làm sao để thi hành bản án, đòi nợ?

>>> Thủ tục để lập di chúc chia tài sản cho con, cháu gồm những gì?

Xin chào Luật sư! Gần đây tôi có quay được một video đánh ghen sau đó đăng tải lên mạng xã hội facebook và thu hút được rất nhiều lượt xem, chia sẻ. Vài ngày sau, tôi có nhận được một tin nhắn trên facebook từ một người lạ, người này nhận là nạn nhân trong vụ đánh ghen mà tôi đã đăng tải, yêu cầu tôi gỡ video xuống và công khai xin lỗi họ nếu không thì sẽ nhờ Cơ quan công an xử lý. Vậy xin hỏi các Luật sư, việc làm của tôi có vi phạm pháp luật không ạ? Chân thành cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Với nội dung câu hỏi của bạn thì Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:

Việc quay video clip đánh ghen và đăng tải lên nền tảng mạng xã hội của bạn có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không được người đó cho phép, hành động này của bạn đã xâm phạm tới các quyền cá nhân đối với hình ảnh, quyền bí mật đời tư của người đó được pháp luật bảo vệ, cụ thể nội dung này được quy định tại khoản 1 Điều 32, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, việc đăng tải video của một người khác lên mạng xã hội Facebook khi không có sự đồng ý của họ thì người đăng tải đã vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, những hình ảnh cá nhân, video clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt và cũng nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của dư luận. Với sức lan truyền và sự quan tâm của dư luận cũng ít nhiều ảnh hưởng đến người có hình ảnh, video xuất hiện trên mạng xã hội. Theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào tính chất, mức độ gngười đăng tải phát tán video có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Đối với việc xử lý hành chính, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Nghị định 15/2020/NĐ – CP việc cung cấp hoặc chia sẻ các thông tin xúc phạm danh dự của cá nhân có thể bị phạt tới 20.000.000 đồng. Không chỉ vậy, Nghị định 15/2020 còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sau sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Hơn nữa người vi phạm có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm.

Nhiều người trở thành bị cáo vì đánh ghen, xúc phạm nhân phẩm người khác.

Đối với việc xử lý hình sự, trong trường hợp hành vi đăng tải, phát tán video clip này xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, nhân thân của nạn nhân trong video sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác (Điều 155) Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tóm lại, hành vi đăng tải phát tán video, clip đánh ghen trên mạng xã hội của bạn tưởng chừng như có vẻ đơn giản nhưng lại có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy như gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến nhiều người nhất là người trẻ như trẻ nhỏ vô tình xem các video này sẽ bắt chước các hành vi xấu, lời nói thiếu văn hóa. Các video trên có thể là tác nhân gây ra nạn bạo lực trong gia đình, bạo lực xã hội, bạo lực học đường. Vì vậy pháp luật hiện tại có những chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi trên, hơn nữa các Cơ quan có thẩm quyền cũng thắt chặt quản lý nội dung nhằm làm sạch môi trường mạng. Nếu có căn cứ làm rõ người liên hệ với bạn chính là người bị đánh ghen trong video thì những yêu cầu của người này đối với bạn là hoàn toàn có cơ sở.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, Luật Hồng Bách chúc bạn và gia đình sức khỏe, bình an!

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Phòng 403 tầng, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Email: bach@hongbach.vn