Theo nội dung Thông tư 09/2022/TT-BTC, sửa đổi Điều 5 quy định về hồ sơ thẩm định, chấp thuận chủ trương khoản vay nước ngoài, đơn cử như:
Hồ sơ để Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận chủ trương khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu cung cấp bao gồm:
1. Công văn của cơ quan đại diện chủ sở hữu đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận chủ trương vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp, trong đó, thuyết minh cụ thể về các nội dung:
- Việc đáp ứng các điều kiện thẩm định, chấp thuận chủ trương khoản vay nước ngoài quy định tại Điều 4 Quy chế này;
- Ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với sự cần thiết của khoản vay nước ngoài, khả năng cân đối vốn đối ứng của doanh nghiệp, khả năng trả nợ khoản vay nước ngoài, năng lực tài chính của doanh nghiệp.
2. Văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương khoản vay nước ngoài, bao gồm các nội dung:
- Mục đích vay;
- Các điều kiện chính của khoản vay nước ngoài: Giá trị khoản vay nước ngoài, đồng tiền nhận nợ, thời hạn vay, lãi suất và các khoản phí có liên quan đến khoản vay nước ngoài, phương thức trả nợ, thời gian ân hạn, thời gian trả nợ;
- Các điều khoản và các điều kiện cơ bản khác liên quan đến khoản vay nước ngoài (nếu có);
- Các thông tin cơ bản trong phương án tài chính của dự án sử dụng khoản vay nước ngoài gồm tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, tiến độ giải ngân khoản vay nước ngoài, kế hoạch bố trí vốn đối ứng hàng năm của doanh nghiệp.
3. Kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm của doanh nghiệp.
4. Văn bản của Bên cho vay chấp thuận cung cấp khoản vay nước ngoài để thực hiện dự án, trong đó có các điều kiện của khoản vay nước ngoài gồm: Giá trị khoản vay nước ngoài, đồng tiền nhận nợ, thời hạn vay, lãi suất và các khoản phí có liên quan đến khoản vay nước ngoài, phương thức trả nợ, thời gian ân hạn, thời gian trả nợ và các điều kiện cơ bản khác liên quan đến khoản vay nước ngoài (nếu có).
5. Quyết định đầu tư dự án của cấp có thẩm quyền hoặc quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ (FDP) đối với các dự án dầu khí.
6. Phương án tài chính của dự án sử dụng khoản vay nước ngoài do doanh nghiệp lập trong đó thuyết minh số liệu Tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư (vốn đối ứng của doanh nghiệp, vốn từ khoản vay nước ngoài và các nguồn vốn khác), tiến độ giải ngân khoản vay nước ngoài, kế hoạch bố trí vốn đối ứng hàng năm, kế hoạch cân đối nguồn trả nợ khoản vay hàng năm từ khấu hao, lợi nhuận do dự án mang lại và các biểu số liệu kèm theo.
7. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất.
8. Báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất (trong trường hợp doanh nghiệp là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con) đã được kiểm toán theo quy định của pháp luật trong 03 năm liền kề gần nhất và báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp tính đến thời điểm đề nghị Bộ Tài chính thẩm định.
Trường hợp doanh nghiệp chưa đủ 03 năm hoạt động liên tục, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có ý kiến về khả năng trả nợ kèm theo báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán, báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp.
9. Báo cáo của doanh nghiệp về giá trị các khoản bảo lãnh cho các công ty con vay vốn tại tổ chức tín dụng còn hiệu lực tại thời điểm cuối năm và cuối quý gần nhất tính đến thời điểm đề nghị Bộ Tài chính thẩm định (nếu có).
10. Báo cáo của doanh nghiệp về các khoản nợ quá hạn tại các tổ chức tài chính, tín dụng, nợ quá hạn liên quan đến các khoản được bảo lãnh, các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và ngân sách nhà nước tại thời điểm đề nghị Bộ Tài chính thẩm định.”.
Thông tư 09/2022/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/4/2022.
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn
Xem chi tiết và tải Thông tư 09/2022/TT-BTC tại đây: