Bạn đang ở đây

Mượn căn cước công dân để chụp ảnh bán, có thể bị phạt tù

15/04/22 10:10:49 | Lượt xem: 20
Thời gian đọc: 6 Phút
Với hành vi mượn Căn cước công dân để chụp ảnh sau đó bán cho người khác với giá 35USD/người khi không được sự đồng ý của những cá nhân này là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ theo tính chất, múc độ, hậu quả hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mượn căn cước công dân để chụp ảnh bán, có thể bị phạt tù

Công an huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đang củng cố hồ sơ xử lý các thanh niên là Hoàng Ngọc Giáp, SN 1995, trú tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn và Trần Văn Tình, SN 1993, trú tại xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Bích, SN 2001, trú tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn.

Các thanh niên này có hành vi mượn Căn cước công dân và chụp ảnh để bán với giá 35USD/người. Sau đó, những người này còn lôi kéo, rủ rê và trả tiền cho người giới thiệu thêm người để lấy thông tin cá nhân và hứa sẽ trả cho mỗi người cung cấp thông tin số tiền 300.000 đồng.

Căn cước công dân có độ bảo mật cao nhưng người dân không nên cho người khác mượn nếu không có mục đích chính đáng.

Các đối tượng yêu cầu mỗi người phải cầm trên tay giơ trước ngực 01 tờ giấy trắng khổ A4 để chụp ảnh chân dung, sau đó yêu cầu người dân đưa thẻ căn cước công dân để chụp ảnh. Bằng thủ đoạn trên, Giáp, Tình và Bích đã thu thập được thông tin dữ liệu cá nhân của hơn 100 người. Sau đó, Giáp chuyển thông tin dữ liệu cá nhân thu thập được cho người nước ngoài qua ứng dụng Telegram, người này trả cho Giáp tổng số tiền gần 80 triệu đồng dưới dạng tiền ảo (Bitcoin, Litecoin…).

Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự cho biết, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì quyền của cá nhân đối hình ảnh, thông tin cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo hộ. Chủ thể khác khi sử dụng hình ảnh, thông tin nhân thân của cá nhân đó phải được sự đồng ý của chính cá nhân đó, trừ những trường hợp đặc biệt theo quy đinh của pháp luật.

Theo đó, các đối tượng Giáp và Tình có hành vi mượn Căn cước công dân và chụp ảnh sau đó sử dụng mạng xã hội Telegram để bán cho người nước ngoài với giá 35USD/người khi không được sự đồng ý của những cá nhân này là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Bách, căn cứ theo tính chất, múc độ, hậu quả hành vi mượn căn cước công dân chụp ảnh bán có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo tính chất, múc độ, hậu quả hành vi vi phạm nhân thân của 2 đối tượng Giáp và Tình có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Giáp và Tính có thể bị các cơ quan chức năng huyện Kim Sơn xử phạt về hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái phép thông tin cá nhân của người khác theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.0000.000 đồng, và các đối tượng này bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin mà các đối tượng này thu thập được.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 159 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì hành vi của đối tượng Giáp và Tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác với mức phạt tù cao nhất có thể đến 3 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Bách khuyến cáo, mỗi người dân, cá nhân cần nâng cao ý thức bảo vệ các thông tin cá nhân của mình, không cho người khác biết, sử dụng các thông tin cá nhân của mình một cách tự do, tránh việc thông tin cá nhân của mình bị phát tán, người khác sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp nhằm trục lợi. Chỉ cho người khác biết, sử dụng các thông tin cá nhân của mình khi có quyết định hoặc yêu cầu từ cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền vào những mục đích thật sự cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, mỗi người dân, cá nhân cần nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm xâm phạm các quyền nhân thân, quyền cá nhân đối với hình ảnh. Nhà nước, các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật thường xuyên tăng cườnng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về việc bảo vệ quyền nhân thân trong cộng đồng dân cư, lớp học, khu công nghiệp để mỗi người tự có cách thức hợp lý bảo vệ các quyền nhân thân của mình.

(Theo Pháp Luật Xã Hội)

 

Tin tức liên quan