Bạn đang ở đây

Khi nào "sếp" được phạt tiền, cắt lương nhân viên?

14/06/22 08:59:17 | Lượt xem: 107
Thời gian đọc: 6 Phút
Người sử dụng lao động có quyền cắt lương nhân viên? Phải làm gì khi bị sếp trừ lương?

Kính chào Luật sư! Ở công ty tôi, sếp ra quy định ai đi làm muộn sẽ bị phạt 100.000 đồng/lần, đi trễ quá ba lần trên 1 tháng sẽ bị trừ hai ngày lương. Sếp ra quy định vậy có đúng pháp luật hay không? Trường hợp nào thì sếp được phạt tiền, cắt lương của nhân viên?

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Quy định về thời gian vào làm mà người sử dụng lao động - "sếp" nơi bạn làm việc đưa ra được pháp luật lao động định nghĩa là kỷ luật lao động. Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công việc, điều hành sản xuất kinh doanh do người sử dụng lao động (NSDLĐ) ban hành trong nội quy lao động.

Trong trường hợp của bạn, việc người sử dụng lao động, sếp của bạn quy định thời gian đi làm là hợp pháp và đảm bảo tính kỉ luật, hiệu quả của công việc. Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) quy định một trong cách nghĩa vụ của người lao động (NLĐ) là: 

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động:

2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

Đồng thời, BLLĐ 2019 cũng cho phép NSDLĐ có quyền được xử lý vi phạm kỷ luật lao động trong trường hợp NLĐ không tuân thủ kỷ luật. Theo quy định của BLLĐ2019, NSDLĐ có quyền: 

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

a) Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

Một vấn đề cần lưu ý, NSDLĐ không được tự ý xử lý vi phạm kỷ luật mà phải tuân theo các hình thức xử lý luật định đồng thời không được thực hiện cách hành vi xử lý vi phạm lỷ luật mà pháp luật không cho phép. BLLĐ 2019 quy định điều cụ thể như sau: 

Điều 124. Hình thức xử lý kỷ luật lao động

1. Khiển trách.

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

3. Cách chức.

4. Sa thải.

Người sử dụng lao động  ra quy định trừ lương để xử lý kỷ luật lao động là hành vi vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa: Internet

Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Từ các căn cứ trên, có thể nhận định, việc phạt tiền, cắt lương để xử lý vi phạm kỷ luật lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp của bạn, nếu có căn cứ NSDLĐ vi phạm pháp luật thì NLĐ hoàn toàn có quyền khiếu nại đến NSDLĐ hoặc Chánh Thanh tra sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP để được bảo về quyền và lợi ích hợp pháp. 

Pháp luật lao động có quy định về chết tài khi thực hiện xử lý kỷ luật không đúng với quy định của pháp luật thì NSDLĐ, doanh nghiệp có thể phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Khoản 4 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP: 

Điều 19. Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động

4. Biện pháp khắc phục hậu quả

d) Buộc người sử dụng lao động trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Do đó, "sếp" ra quy định trừ lương để xử lý kỷ luật lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, về phía bạn là NLĐ cũng cần tuân thủ các quy định của công ty, doanh nghiệp một cách nghiêm chỉnh bởi pháp luật quy định việc tuân thủ kỷ luật lao động là nghĩa vụ của NLĐ.

Đồng thời, trong thực tiễn, NSDLĐ hoàn toàn có thể căn cứ vào việc bạn vi phạm kỷ luật lao động để cân nhắc số tiền thưởng hoặc xem xét kéo dài thời hạn nâng lương của bạn. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan