Khai tử cho người sống để chia tài sản bị xử phạt thế nào?
Chào Luật sư, bác em bỏ nhà đi từ năm 2005 đến nay đã 17 năm, người nhà không có tin tức gì của bác. Do các anh chị em trong nhà không có tin tức và nghĩ rằng bác đã mất, nên đã tự ý đi đăng ký khai tử cho bác nhằm ý định phân chia tài sản thừa kế. Tuy nhiên, gần đây mọi người đã tìm thấy tin tức của bác và bác hiện đang sống khỏe mạnh.Em muốn hỏi về việc đăng ký khai tử của anh chị họ đối với bác em trong khi bác em vẫn còn khỏe mạnh sẽ bị xử lý như nào trước pháp luật? Và có bị xử lý hình sự không?
Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:
1. Khai tử là gì?
Theo từ điển Tiếng Việt, khai tử là việc khai báo cho người đã chết. Dưới góc độ pháp lý thì đây là thủ tục nhằm xác nhận sự kiện một người đã qua đời và xác định sự chấm dứt các quan hệ pháp luật của người đó, đồng thời, là phương tiện để Nhà nước theo dõi biến động dân số của mình.
Theo quy định của pháp luật, khi có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử và nếu không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử (“Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử”).
Kết quả của thủ tục đăng ký khai tử là giấy khai tử do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
2. Hành vi khai tử đối với người còn sống bị xử phạt như thế nào? Và có bị xử lý hình sự không?
Hành vi kkhai tử đối với người còn sống nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên chưa đến mức để bị xử lý hình sự.
Theo Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thời hạn và trách nhiệm đăng ký khai tử như sau: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử, trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc khai tử cho người chết; trường hợp không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử”.
Như vậy, hoạt động khai tử chỉ được thực hiện khi có người chết. Hành vi khai tử đối với người đang sống là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này chưa đến mức bị xử lý hình sự nhưng bị xử lý hành chính.
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 41 Nghị định số: 82/2020/NĐ-CP ngày 25/1/2020 của Chính phủ quy: định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi đăng ký khai tử cho người còn sống sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Về việc khắc phục hậu quả, trong trường hợp người bị khai tử đang còn sống, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định hủy giấy chứng tử đã cấp sai quy định.
Qua tình huống mà bạn đã hỏi, thì anh chị họ của bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Số tiền phạt sẽ tùy vào mức độ của vụ việc.
Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn