Bạn đang ở đây

Điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án tranh chấp đất đai

22/12/21 11:17:10 | Lượt xem: 324
Thời gian đọc: 4 Phút
Người dân muốn khởi kiện đến Tòa án để giải quyết việc tranh chấp thì phải thực hiện thế nào để được Tòa án thụ lý giải quyết?

Chị Lâm Thanh Mai ở Nghệ An hỏi: Gia đình tôi hiện đang có trang chấp mảnh đất có diện  tích 570m tại thị xã Cửa Lò. Tôi muốn khởi kiện đến Tòa án để giải quyết việc tranh chấp thì phải thực hiện như thế nào để được Tòa án thụ lý giải quyết?

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Về điều kiện để khởi kiện vụ án ra trước Tòa án: Trước khi gửi đơn đến Tòa Án chị phải gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã, phường theo điều 202 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 88 Nghị Đinh số 43/2014 NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai để UNBD cấp xã, phường hòa giải. Khi UBND cấp xã, phường hòa giải không thành thì Tòa án mới thụ lý vụ án.

Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Trường hợp tranh chấp đất đai của gia đình chị mà không có giấy CNQSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 Luật Đất đai thì được lựa chọn một trong 2 hình thức giải quyết tranh chấp đất đai: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của  pháp luật về tố tụng dân sự.

Chúc bạn và gia đình có biện pháp giải quyết một cách ổn thỏa.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề mà bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan