Bạn đang ở đây

Xây nhà, lấn đất của dự án xử lý như thế nào?

18/04/22 14:56:41 | Lượt xem: 390
Thời gian đọc: 6 Phút
Người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình xây dựng trái phép theo quy định của pháp luật.

Thưa luật sư, tại địa phương tôi thời gian qua có một sự việc xảy ra như sau: Tại dự án đã được bàn giao đất xây dựng, xuất hiện tình trạng một số nhà gần dự án xây dựng nhà không phép, lấn chiếm lên phần đất của dự án.

Vậy, luật sư cho tôi hỏi đối với phần nhà xây không phép trên diện tích đất lấn chiếm sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật? Mong nhận được sự phản hồi của luật sư!

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quan điểm của luật sư đối với những hành vi như bạn trình bày theo luật sư thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trước tiên, để có cơ sở xử lý hành vi vi phạm của chủ căn nhà có vi phạm trong xây dựng thì theo luật sư các cơ quan chức năng cần làm rõ nội hàm của từ lấn đấtchiếm đất.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi: “Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép”.

Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP thì Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;

b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;

c) Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);

d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật;

Từ nội hàm của 2 khái niệm lấn đất và chiếm đất nêu trên chúng ta có thể thấy các hộ dân đã có hành vi chiếm đất của dự án.

Đối với hành vi chiếm đất của dự án thì chủ căn nhà này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a Khoản 4, Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, người xây nhà trên đất dự án còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả - buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 14 Nghị định này.

Điều 14. Lấn, chiếm đất

4. Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

5. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này;

Mặt khác, theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014 thì trước khi khởi công xây dựng nhà tại khu vực đô thị phải có giấp phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho phép chủ nhà được xây dựng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, chủ căn nhà đã thực hiện xây dựng công trình không có giấy phép, do đó, căn cứ theo quy định Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng thì chủ nhà sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép với mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình xây dựng trái phép theo quy định tại Điểm d Khoản 11 Điều 15 của Nghị định này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc. Nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

 

Tin tức liên quan