Thủ tục tạm ngừng kinh doanh theo Luật doanh nghiệp 2020
Câu hỏi: Do tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, UBND thành phố Hà Nội đã ra Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 17 để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh. Công ty của tôi thuộc diện phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh cho đến khi có thông báo mới. Mong luật sư có thể tư vấn giúp tôi điều kiện và thủ tục tạm ngừng kinh doanh được không?
Luật Hồng Bách xin cảm ơn sự quan tâm của Quý khách hàng đã tin tưởng và sử dụng các dịch vụ pháp lý do Công ty chúng tôi cung cấp. Với nội dung câu hỏi của bạn, Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:
Đối với câu hỏi của bạn chúng tôi đưa ra những quan điểm và nhận định như sau:
Những trường hợp tạm ngừng kinh doanh
Theo quy định của luật doanh nghiệp năm 2020, có hai trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh đó là:
TH1: Tạm ngừng kinh doanh theo quyết định của chủ sở hữu công ty
Tạm ngừng kinh doanh công ty là việc công ty tạm ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Việc tạm ngừng kinh doanh là một phương án tối ưu cho doanh nghiệp so với hình thức giải thể khi doanh nghiệp tạm thời gặp khó khăn trong kinh doanh. Theo đó, Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
TH2: Tạm ngừng kinh doanh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
Như vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, môi trường, tòa án là cơ quan có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong một số trường hợp vi phạm trên đây.
Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh
Căn cứ theo điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP hồ sơ tạm ngừng kinh doanh bao gồm những giấy tờ sau:
Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh theo mẫu Phụ lục II-19 ban hành kèm theo thông tư 01/2021/TT-BKHĐT
Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.
Giấy ủy quyền (nếu có)
Bản sao chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu của người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (nếu có)
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh gồm các bước như sau
Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh theo quyết định của chủ doanh nghiệp
Theo Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Cách thức thực hiện: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục tiến hành nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/
Bước 2: Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hệ thống đăng ký doanh nghiệp sẽ gửi giấy biên nhận hồ sơ qua email của người nộp hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, trong thời hạn 3 ngày làm việc ra thông báo về việc sửa đổi bổ sung hồ sơ hoặc thông báo về việc hồ sơ đã hợp lệ.
Bước 4: Người đại diện thực hiện thủ tục lên phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Việc tạm ngừng kinh doanh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Điều 67 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp doanh nghiệp không tạm ngừng, không chấm dứt kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh hoặc chấp hành xong hình phạt, chấp hành xong biện pháp tư pháp theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và công bố trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Những lưu ý khi tạm ngừng kinh doanh công ty
Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày trước ngày tạm ngừng.
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm. Theo quy định hiện hành, không giới hạn tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm như quy định cũ trước đây.
Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Người thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh có thể là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền.
Trong quá trình tạm ngừng doanh nghiệp công ty vẫn phải đóng thuế môn bài và nộp báo cáo tài chính cho những tháng chưa tạm ngừng trong năm.
Tuy nhiên nếu công ty tạm ngừng hoạt động đúng dương lịch, tức là từ ngày 01/01 đến này 31/12 thì sẽ không phải nộp các loại thuế.
Vậy trong trường hợp của bạn cần chuẩn bị thủ tục theo các bước như trên để hoàn thiện hồ sơ làm thủ tục TH1 để tạm ngừng hoạt động kinh doanh đối với công ty bạn.
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403, tầng 4 số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn