Bạn đang ở đây

hàng xóm

Đất của tôi nhưng hàng xóm lại trồng cây ăn quả trên đó thì giải quyết như thế nào?

Thời gian đọc: 9 Phút
Hiện nay những trường hợp tự ý trồng cây trên đất của người khác đã không còn quá xa lạ, thường thấy ở những vùng nông thôn. Khi gặp tình huống như vậy thì sẽ giải quyết như thế nào? Có được tự ý chặt cây mà người khác đã trồng lên đất của mình hay không?

Câu hỏi: Kính chào Luật sư, tôi đang có tranh chấp đất đai với nguòi hàng xóm. Tôi xin trình bày vụ việc cụ thể như sau: Khoảng 2 năm trước tôi có mua một mảnh đất ở quê đã được cấp sổ đỏ. Sau đó tôi phải đi ra nước ngoài làm việc. Nay khi tôi về thì thấy hàng xóm trồng cây trên đất của tôi.

Xin hỏi luật sư, vậy trong trường hợp này tôi có quyền chặt cây mà hàng xóm đã trồng không?

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách (hongbach.vn) có ý kiến tư vấn như sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. 

quyền của người sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất. Ảnh minh họa

Tại điều 166 Luật đất đai 2013 quy định quyền của người sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất:

“1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;  

    2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;   

  3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp; 

    4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp; 

    5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; 

    6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này;

    7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.”

Quyền của người sử dụng đất có thể hiểu là khả năng, công việc mà pháp luật cho phép người sử dụng đất được thực hiện những hành vi nhất định trong quá trình sử dụng đất phù hợp với mục đích, hợp lý và đạt hiệu quả kinh tế cao. Bạn tự mình thực hiện những hành vi này mà hoặc có thể thông qua ủy quyền cho người khác thực hiện thay mình. Người khác không có quyền thực hiện những hành vi đó nếu chưa được sự đồng ý cho phép từ bạn. 

Theo thông tin bạn chia sẻ bạn có mua một mảnh đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy bạn được Nhà nước bảo hộ quyền lợi của mình bởi mảnh đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bạn nên bạn có toàn quyền của người sử dụng đất được nêu trên, thực hiện những hành vi pháp luật cho phép trong quá trình sử dụng đất và những chủ thể khác phải tôn trọng quyền năng này của bạn.

Đối chiếu các quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật đất đai 2013 thì việc hàng xóm trồng cây trên đất của bạn là hành vi trái pháp luật bởi họ đã xâm phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của bạn. 

Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ; ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.”

Căn cứ quy định trên bạn có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Những biện pháp này được quy định cụ thể tại điều 11 Bộ luật dân sự 2015:

“Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.

5. Buộc bồi thường thiệt hại.

6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

7. Yêu cầu khác theo quy định của luật.”

Theo điều luật trên, bạn không có quyền chặt cây của người hàng xóm mà chỉ có thể giải quyết tranh chấp theo những phương thức được quy định trong pháp luật dân sự kể trên. Hành vi tự ý chặt cây của bạn sẽ không được coi là phương thức giải quyết hợp pháp bởi về bản chất cây mà hàng xóm trồng trên đất của bạn là tài sản của những người hàng xóm.

Nếu bạn tự ý chặt cây, bạn có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;”

Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự. Với tội danh này sẽ phụ thuộc giá trị tài sản mà bạn hủy hoại tức tùy vào giá trị cây của hàng xóm mà bạn chặt theo đó có các khung hình phạt tương ứng, cao nhất là lên tới 20 năm.  

Tại Điều 166 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền chung của người sử dụng đất thì người sử dụng đất có quyền khiếu nại, tố cáo; khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai. Như vậy trước hết bạn nên thỏa thuận, hòa giải với hàng xóm để đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất. Trường hợp các bên không thống nhất được phương án giải quyết thì bạn có thể gửi đơn tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được can thiệp và giải quyết. Trong vụ việc này thì Cơ quan Công an nơi có thửa đất có trách nhiệm giải quyết vụ việc.

Nếu bạn phát hiện và có căn cứ cho rằng hành vi của hàng xóm là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, bạn có thể tố giác tới cơ quan công an để họ có những biện pháp xác minh, biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của người hàng xóm. Bạn có thể làm đơn tố giác hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan công an. 

Trường hợp tố giác được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố giác phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố giác; họ tên, địa chỉ của bản thân bạn và cách thức liên hệ; hành vi vi phạm pháp luật bị tố giác của người hàng xóm; thông tin của người hàng xóm. Bạn phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố giác. 

Trường hợp bạn đến tố giác trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận sẽ hướng dẫn bạn viết đơn tố giác hoặc ghi lại nội dung tố giác bằng văn bản và yêu cầu bạn ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung nêu trên (Căn cứ Điều 23 Luật tố cáo 2018).

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Địa chỉ: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn