Một số hạn chế của Bộ luật tố tụng hình sự
1. Bất cập về việc thực hiện thủ tục đăng ký luật sư cho bị can, bị cáo, người bị hại trong vụ án hình sự
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được ban hành đã kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập khi tổ chức thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Tuy nhiên, qua một thời gian tổ chức triển khai Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục đăng ký luật sư tham gia tố tụng lại có một số bất cập như sau:
Tại điểm a khoản 2 điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về hồ sơ khi luật sư đăng ký bào chữa như sau:
Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội.
Trong khi đó, tại điều 17 của Thông tư số 46/2019/TT-BCA quy định về phương thức gửi, thông báo thủ tục đăng ký luật sư tham gia tố tụng được thực hiện thông qua một các phương thức sau:
+ Gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính
+ Thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng
+ Hoặc có thể thông báo bằng hình thức liên lạc qua dịch vụ bưu chính (điện thoại, fax…) hoặc qua các mạng ứng dụng phổ biến…
Thực tế thì thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nhiều địa phương thực hiện việc phong toả, giãn cách xã hội nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, các tổ chức hành nghề luật sư khi tham gia tố tụng đều thực hiện việc gửi hồ sơ đăng ký luật sư tham gia tố tụng qua đường bưu điện.
Nhưng, thời gian qua rất nhiều hồ sơ đăng ký luật sư tham gia tố tụng đã bị các Cơ quan tiến hành tố tụng từ chối và các cơ quan này viện dẫn quy định tại điểm a khoản 2 điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự trong đó yêu cầu luật sư phải có mặt tại trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng để xuất trình bản gốc thẻ luật sư cho cán bộ điều tra hoặc điều tra viên để vào hồ sơ đăng ký và ban hành thông báo cho những người tham gia tố tụng được biết. Việc cơ quan tố tụng đưa ra yêu cầu này khi luật sư thực hiện thủ tục đăng ký tố tụng là hết sức vô lý và không có cơ sở pháp lý. Bởi:
Các cơ quan tiến hành tố tụng đang hiểu và cho rằng việc xuất trình là hành động trực tiếp của luật sư tham gia tố tụng có mặt tại trụ sở Cơ quan tiến hành tố tụng xuất trình bản gốc thẻ luật sư để cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, xác thực và đối chiếu người đến “xuất trình” thẻ luật sư với nhân thân của luật sư trên thẻ luật sư có giống nhau hay không từ đó mới vào hồ sơ đăng ký luật sư tham gia tố tụng.
Rõ ràng cách hiểu này là lệch lạc nếu trường hợp vụ việc có nhiều luật sư của một tổ chức hành nghề luật sư tham gia bảo vệ cho thân chủ thì theo cách hiểu của Cơ quan tiến hành tố tụng thì tất cả các luật sư này cùng có mặt tại cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện việc “xuất trình” trong khi đó, để thực hiện thủ tục này thì tổ chức hành nghề luật sư có thể giới thiệu một nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình thực hiện mà không bắt buộc các luật sư đồng thời thực hiện.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định về giá trị của bản sao như sau “Bản sao được chứng thực từ bản chính theo đúng quy định có giá trị sử dụng thay cho bản chính” như vậy trong trường hợp này bản sao thẻ luật sư có giá trị như bản chính và do gửi thông qua đường bưu điện nên luật sư không thể xuất trình thẻ luật sư bản gốc cho cơ quan tiến hành tổ tụng để kiểm tra mà trong trường hợp này Các cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở bản sao thẻ luật sư và các giấy tờ khác phải thực hiện thủ tục đăng ký và thông báo luật sư tham gia tố tụng.
Ngoài ra, điều luật tại Bộ Luật Tố tụng cũng quy định rất rõ về việc xuất trình thẻ luật sư mà cũng không quy định về việc xuất trình bản gốc thẻ luật sư. Như vậy, rõ ràng Cơ quan tiến hành tố tụng đang có sự mâu thuẫn chồng chéo có các cách hiểu khác nhau giữa các văn bản pháp luật gây ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp của luật sư.
2. Về thời hạn ban hành Thông báo luật sư tham gia tố tụng
Theo quy định tại khoản 4 điều 78 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 thì trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ Cơ quan tiến hành tố tụng phải kiểm tra hồ sơ, nếu không thuộc các trường hợp từ chối thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải ban hành Thông báo luật sư tham gia tố tụng. Nhưng, trên thực tế thì các cơ quan tiến hành tố tụng thường xuyên vi phạm quy định về thời hạn ban hành Thông báo luật sư tham gia tố tụng gây ảnh hưởng đến quyền của luật sư trong hoạt động hành nghề quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong vụ việc;
3. Khi tiến hành hỏi cung lấy lời khai không có các biện pháp ghi âm, ghi hình theo đúng quy định
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 01/02/2018 có quy định về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng rất ít các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai việc thực hiện các quy định này, các cơ quan tiến hành tố tụng đều cho rằng do điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép thực hiện các quy định về việc ghi âm, ghi hình nên việc hỏi cung, lấy lời khai chưa cho phép được ghi âm, ghi hình; Do đó, trong quá trình hành nghề luật sư rất khó để có thể phát hiện ra trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung có diễn ra đúng theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự không? Có hoạt động bức cung, mớm cung, nhục hình trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung hay không?
4. Quy định về luật sư được tham gia các buổi hỏi cung, lấy lời khai
Theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự thì Luật sư có quyền: Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Như vậy, quy định trên cho phép luật sư được phép tham gia mọi buổi hỏi cung, lấy lời khai do Cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức đối với thân chủ mà luật sư có nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì Cơ quan tiến hành tố tụng thông báo luật sư được tham dự các buổi hỏi cung lấy lời khai rất ít gần như lúc vụ việc đã cơ bản đầy đủ chứng cứ, tài liệu để giải quyết vụ việc. Việc quy định không rõ ràng nên Cơ quan tiến hành tố tụng viện rất nhiều lý do để không cho luật sư tham dự vào hoạt động lấy lời khai, hỏi cung.
5. Thời điểm luật sư được sao chụp hồ sơ vụ việc
Để có thể đưa ra phương án, định hướng bảo vệ thì luật sư cần tiếp cận toàn bộ chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì luật sư được phép đọc, sao chụp hồ sơ vụ việc sau khi kết thúc quá trình điều tra.
Trong khi đó, theo nhiệm vụ thì luật sư thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích của thân chủ ngay khi được tham gia tố tụng, trong giai đoạn điều tra thì thân chủ của luật sư tâm lý thường không ổn định và luật sư do không được tiếp cận vụ việc một cách tổng quát, khách quan toàn diện nên không thể đưa ra định hướng rõ ràng cụ thể để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.
Do đó, cần phải sửa đổi quy định của luật về thời điểm luật sư được đọc, sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ việc để bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ.
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn