Bạn đang ở đây

từ thiện

Cá nhân có được phép đứng ra kêu gọi, nhận tiền ủng hộ và đi làm từ thiện không?

Thời gian đọc: 8 Phút
Nếu các cá nhân muốn thực hiện các hoạt động từ thiện thì nên thành lập quỹ để bảo vệ cho chính mình và đảm bảo minh bạch trong công tác từ thiện.

Câu hỏi: Chào luật sư, mong luật sư tư vấn cho tôi hỏi nội dung câu hỏi sau đây:

Thời gian gần đây tôi thấy một số cá nhân đứng ra hô hào mọi người góp ủng hộ tiền, tài sản để làm từ thiện. Thế nhưng, sau đó, những người này không làm từ thiện theo đúng như lời kêu gọi của mình. Vậy trong trường hợp này, pháp luật có điều chỉnh đối với hoạt động kêu gọi từ thiện không? Những người đã kêu gọi từ thiện với tư cách cá nhân có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật không? Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách - Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Văn bản pháp luật tham khảo: 

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận phân phối sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện về hỗ trợ nhân dân trong khắc phục khó khăn do thiện tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

Nội dung tư vấn

Hoạt động trợ giúp trong lúc đồng bào gặp khó khăn là nghĩa cử hết sức cao đẹp đáng tôn trọng thể hiện tinh thần "Lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai rất nhiều người lâm cảnh khốn khó. Trong những lúc như vậy, rất nhiều người đã có nghĩa cử cao đẹp, hô hào các mạnh thường quân đóng góp tiền, tài sản để họ trực tiếp đứng ra đi làm từ thiện, tiếp tế đến những người khó khăn.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh pháp lý thì hoạt động kêu gọi, và nhận tiền ủng hộ tiền từ thiện của các cá nhân tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi:

Tại điều 4 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định thì chỉ có các tổ chức mới được kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ, bất kỳ cá nhân nào cũng không được đứng ra kêu gọi, vận động đóng góp tiền, hàng cứu trợ. Mặt khác, tại điều 5 của Nghị định này cũng quy định chỉ có các tổ chức, đơn vị mới được quyền tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.

Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ bao gồm: Uỷ ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ, Cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội chữ thập đỏ các cấp ở địa phương và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập Hợp pháp theo quy định của pháp luật và các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên-Huế trao tặng mì tôm cho các gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt. (Ảnh: TTXVN)

 

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Như vậy, hoạt động kêu gọi tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ là hoạt động có điều kiện theo quy định của pháp luật và cá nhận không thể tự ý, tùy tiện thực hiện việc kêu gọi từ thiện. Do đó, cá nhân tự đứng ra kêu gọi, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp cá nhân kêu gọi đóng góp tiền, hàng để thực hiện hoạt động từ thiện nhưng sau đó lại không thực hiện hoạt động từ thiện thì cá nhân đó đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào mục đích, hành vi thực hiện việc kêu gọi hoạt động từ thiện người nghệ sỹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 Bộ luật hình sự. Cụ thể, điều luật quy định như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Hoặc cá nhân trong trường hợp nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật hình sự:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Như vậy, nếu các cá nhân muốn thực hiện các hoạt động từ thiện thì nên thành lập quỹ để bảo vệ cho chính mình và đảm bảo minh bạch trong công tác từ thiện.Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn nội dung nào chưa rõ đề nghị bạn phản hồi lại cho Công ty chúng tôi.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66

Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn