Bạn đang ở đây

luật sở hữu trí tuệ

Thủ tục đăng ký bảo hộ logo theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp

Thời gian đọc: 10 Phút

Thưa luật sư, tôi có một công ty và đã thiết kế logo riêng cho công ty mình. Giờ tôi muốn đăng ký bảo hộ logo của công ty tôi theo cơ chế của quyền sở hữu công nghiệp thì thủ tục như nào, nhờ luật sư tư vấn cho tôi.

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Việc đăng ký bảo hộ logo sẽ giúp các công ty bảo vệ được tài sản trí tuệ của mình, chống lại các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sao chép, tự ý sử dụng logo công ty khác, cạnh tranh không lành mạnh,…. Đồng thời, giúp doanh nghiệp được bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra, vì đây sẽ là bằng chứng để chứng minh hành vi xâm phạm của bên còn lại.

Thủ tục đăng ký bảo hộ logo theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp như sau:

Bước 1: Chuẩn bị logo, phân nhóm sản phẩm/ dịch vụ Logo đăng ký. Tiến hành tra cứu khả năng đăng ký của Logo 

Sau khi hoàn thành việc thiết kế Logo cho sản phẩm/ dịch vụ, chủ đơn đăng ký sẽ tiến hành tra cứu, lựa chọn nhóm sản phẩm/ dịch vụ vụ mà logo sẽ đăng ký để được độc quyền (theo Bảng phân loại hàng hóa/ dịch vụ Ni-xơ phiên bản 11- 2020). 

Sau khi kiểm tra về phân loại nhóm, chủ sở hữu có thể tiến hành tra cứu logo trước khi chính thức nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. 1 số trang Web tra cứu như: Trang Web thuộc thư viện số của Cục Sở hữu trí tuệ (http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php) và trang Web tra cứu thông tin nhãn hiệu của WIPO (http://www.wipo.int/madrid/monitor/en/index.jsp). 

Bước 2: Chuẩn bị đơn đăng ký 

Tài liệu cần thiết trong hồ sơ đăng ký logo như sau: 

- Tờ khai đăng ký Logo (02 bản). 

- Mẫu Logo cần đăng ký (File mềm JPEG): 05 bản; Tài liệu thông tin mô tả về logo. 

- Nhóm sản phẩm/ dịch vụ cần đăng ký. 

- Giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền (không cần công chứng) nếu thông qua đại diện. 

- Thông tin Công ty (bản sao đăng ký kinh doanh) hoặc chứng minh nhân dân (cá nhân) để lấy thông tin – Áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu đăng ký logo là pháp nhân hoặc chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu trong trường hợp chủ sở hữu logo là cá nhân. 

- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn (nếu hưởng quyền từ cá nhân hoặc tổ chức khác: chứng nhận thừa kế, chứng nhận hoặc thỏa thuận chuyển giao quyền nộp đơn); 

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký). 

- Chứng từ nộp phí, lệ phí đăng ký nếu nộp thông qua dịch vụ bưu chính hoặc chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ. 

Bước 3: Nộp đơn Đăng ký Logo tại Cục Sở hữu trí tuệ 

Hiện nay, pháp luật quy định có hai hình thức nộp hồ sơ đăng ký là nộp hồ sơ giấy và nộp hồ sơ trực tuyến. 

- Hình thức nộp đơn giấy: Chủ sở hữu logo hoặc cá nhân/tổ chức được ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể: 

+ Địa chỉ nộp hồ sơ đăng ký logo tại Hà Nội: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Địa chỉ: Số 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. 

+ Địa chỉ nộp hồ sơ đăng ký logo tại Hồ Chí Minh: 8A/1 Nguyễn Cảnh Chân, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh. 4 

+ Địa chỉ nộp hồ sơ đăng ký logo tại thành phố Đà Nẵng: 26 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. 

Lưu ý: Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp. 

- Hình thức nộp đơn trực tuyến: 

+ Điều kiện nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền Sở Hữu Công Nghiệp. 

+ Thủ tục nộp đơn đăng ký logo trực tuyến thực hiện như sau: 

Truy cập vào cổng thông tin http://dichvucong.bvhttdl.gov.vn và tạo tài khoản đăng ký

Đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản đã đăng ký. 

Nhập thông tin đơn đăng ký nhãn hiệu vào các trường theo yêu cầu. 

Người nộp đơn đính kèm các tài liệu bằng cách nhấn nút “Đính kèm” sau đó tải chọn tệp đính kèm lên hệ thống 

Ký số điện tử hồ sơ và nộp hồ sơ đến cục SHTT. 

Nộp lệ phí đăng ký nhãn hiệu (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) trực tiếp tại một trong các điểm nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trực tuyến. 

Việc đăng ký bảo hộ logo sẽ giúp các công ty bảo vệ được tài sản trí tuệ của mình, chống lại các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sao chép, tự ý sử dụng logo công ty khác, cạnh tranh không lành mạnh,... Ảnh minh họa: Internet.

Bước 4: Thẩm định hình thức đơn Đăng ký Logo 

Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định hình thức đơn. 

- Thời hạn thẩm định: 01 tháng từ ngày nộp đơn. 

- Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn/ từ chối chấp nhận đơn đặng ký: 

+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; 

+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho 5 đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

Bước 5: Công bố Đơn đăng ký Logo trên công báo sở hữu công nghiệp

Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đăng công bố logo trên trang Web chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ. Trong đó sẽ ghi rõ logo đăng ký, hình ảnh, nhóm ngành, mã đơn và ngày ra công bố chấp thuận đơn. 

Mục đích công bố đơn: Nhằm thông báo rộng rãi cho cá nhân tổ chức khác biết đơn đã được Công bố, nếu có khởi kiện hoặc ý kiến phản đối đơn thì liên hệ với Cục SHTT để làm thủ tục phản đối Cấp trong thời gian này. 

Bước 6: Thẩm định nội dung đơn Đăng ký Logo

- Thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký Logo:

+ Trường hợp Logo được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu: Thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký không quá 09 tháng kể từ ngày công bố đơn. 

+ Trường hợp Logo được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp: Thời hạn thẩm định nội dung đơn không quá 07 tháng kể từ ngày công bố đơn. 

- Cục sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký bảo hộ từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho Logo mà doanh nghiệp đăng ký. 

+ Trường hợp đơn đăng ký đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng cho Logo mà doanh nghiệp đã đăng ký. 

+ Trường hợp đơn đăng ký không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo không cấp văn bằng cho Logo mà doanh nghiệp đăng ký. 

- Doanh nghiệp xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu, đồng thời đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu của doanh nghiệp.

Bước 7: Quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. 

- Nếu hồ sơ hợp lệ và người nộp đơn nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí thì Cục sẽ ra quyết định cấp Văn bằng bảo hộ logo cho chủ sở hữu. 

- Nếu hồ sơ không hợp lệ thì Cục sẽ ra thông báo từ chối cấp và yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu đã nêu trong thông báo.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Điều kiện để logo được bảo hộ theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp.

Thời gian đọc: 5 Phút
Thế nào là đăng ký bảo hộ logo? Có mấy hình thức để bảo hộ Logo? Điều kiện để logo được bảo hộ theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp là gì? Chi phí đăng ký bảo hộ logo theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp là bao nhiêu?

Thưa luật sư, tôi có thành lập một công ty và thiết kế logo riêng cho doanh nghiệp của mình. Theo tôi biết, logo là biểu trưng của tổ chức để giúp khách hàng, đối tác dễ dàng nhận diện thương hiệu của tôi. Cho tôi hỏi điều kiện gì để logo được bảo hộ theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp và chi phí là bao nhiêu?

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Đăng ký bảo hộ logo là gì?

Hiện nay, các quy định của pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về logo nhưng có thể hiểu logo là một biểu tượng, biểu trưng được thể hiện bởi tập hợp những ký tự, hình ảnh và màu sắc nhằm tạo nên một dấu hiệu với mục đích nhận diện thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp, góp phần tại dựng vị thế của doanh nghiệp trên thị trường

Đăng ký bảo hộ logo được xem như cách thức để bảo vệ cho thương hiệu đại diện của mình. Đồng thời khi đã hoàn tất việc đăng ký bảo hộ thì đó chính là căn cứ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu trong quá trình kinh doanh. 

Điều kiện để logo được bảo hộ theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp

Có 2 hình thức để bảo hộ logo là đăng ký logo dưới dạng quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả và đăng ký Logo theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi cung cấp đến các bạn kiến thức pháp lý về hồ sơ, giấy tờ và thủ tục đăng ký bảo hộ Logo theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp.

Không phải tất cả logo chỉ cần đăng ký là sẽ được bảo hộ. Tùy theo loại đối tượng chủ sở hữu đăng ký cho logo thì sẽ có những điều kiện bảo hộ cụ thể. 

* Với trường hợp, Logo được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu khi đáp ứng các điều kiện sau đây: 

- Là dấu hiệu nhìn thấy được và dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. 

- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. 

* Với trường hợp, Logo được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp khi đáp ứng các điều kiện sau đây: 

- Có tính sáng tạo. 

- Có tính mới. 

- Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Có 2 hình thức để bảo hộ logo là đăng ký logo dưới dạng Quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả và đăng ký Logo theo Cơ chế quyền sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh minh họa: Internet. 

Chi phí đăng ký bảo hộ logo theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp

Đây là các khoản phí mà chủ đơn cần nộp cho cơ quan chức năng để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký logo, gồm các khoản sau: 

- Lệ phí nộp đơn đăng ký: 150.000 VNĐ/đơn; 

- Phí công bố đơn: 120.000 VNĐ; 

- Phí phân loại: 100.000 VNĐ/nhóm hàng hóa, dịch vụ (nếu chưa phân loại hoặc phân loại sai); 

- Phí phân loại từ hàng hóa, dịch vụ thứ 7 trở đi: 20.000 VNĐ/hàng hóa, dịch vụ; 

- Phí công bố quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 VNĐ; 

- Phí đăng bạ quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 VNĐ; 

- Phí tra cứu thông tin phục vụ thẩm định: 180.000 VNĐ/nhóm; 

- Phí tra cứu từ hàng hóa/dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000 VNĐ/hàng hóa, dịch vụ; - Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên nếu có: 600.000 VNĐ/đơn/yêu cầu; 

- Phí thẩm định nội dung: 550.000 VNĐ/nhóm hàng hóa, dịch vụ; - Phí thẩm định nội dung từ hàng hóa/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000 VNĐ/hàng hóa, dịch vụ; 

- Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 VNĐ/nhóm hàng hóa, dịch vụ; 

- Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ từ nhóm hàng hóa/dịch vụ thứ 2 trở đi: 100.000 đồng/nhóm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Đăng ký bản quyền tác giả đối với sách như thế nào?

Thời gian đọc: 6 Phút
Hiểu thế nào cho đúng luật về Quyền tác giả? Cá nhân đăng ký quyền tác giả được hưởng quyền, lợi ích như thế nào? Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả?

Kính chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi: Hiện nay, tôi đang có một vài cuốn sách do tôi tự viết ra. Luật sư cho tôi hỏi: Tôi muốn đăng ký bản quyền tác giả đối với các tác phẩm này thì cần thực hiện thủ tục gì?

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Về khái niệm “Quyền tác giả”. 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2019, định nghĩa quyền sác giả được hiểu như sau: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”

Khoản 1 Điều 14 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2019, quy định Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí; 

d) Tác phẩm âm nhạc; 

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Từ các quy định trên, có thể thấy điều kiện thiết yếu để được bảo hộ “Quyền tác giả” là tác phẩm được bảo hộ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Để được bảo hộ QUyền tác già thì tác phẩm phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác. Ảnh minh họa: Internet. 

Tại sao cần đăng ký bảo hộ “Quyền tác giả”? 

Khi thực hiện việc đăng ký bản quyền tác giả sách, chủ sở hữu tác phẩm sẽ được hưởng quyền và lợi ích sau:

- Chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm sách tại Việt Nam;

- Được độc quyền sử dụng tác phẩm sách. Do đó, có thể tiến hành ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm quyền của bên thứ ba;

- Được quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với bên xâm phạm;

- Được cho phép bên khác khai thác, sử dụng và được hưởng lợi ích vật chất từ việc khai thác và sử dụng đó.

Về thành phần hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả. 

- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan: 

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;

- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Về cơ quan có thẩm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Về thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Quyền của người biểu diễn

Thời gian đọc: 6 Phút
Người biểu diễn gồm những đối tượng nào. Pháp luật có các quy định về sở hữu trí tuệ với người biểu diễn như thế nào?

Câu hỏi: theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì người biểu diễn có những quyền gì? Mong Luật sư giải thích? Xin cám ơn 

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Người biểu diễn là ai?

Hiện nay, theo pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm chính thức về người biểu diễn, tuy nhiên, theo Điều 3 Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng thì:

Người biểu diễn là các diễn viên, ca sỹ, nhạc công, vũ công và các người khác nhập vai, hát, đọc, ngâm, trình bày, hoặc biểu diễn khác các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Do đó, người biểu diễn là diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Người biểu diễn là diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật. Ảnh minh họa: Internet

Các quyền của người biểu diễn

Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2019 quy định các quyền của người biểu diễn như sau: 

Điều 29. Quyền của người biểu diễn

1. Người biểu diễn có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn theo quy định của Luật này.
Trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn thì người biểu diễn được hưởng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều này; chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn được hưởng các quyền tài sản quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Quyền nhân thân bao gồm:

a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;

b) Bảo vệ sự toàn vẹn của hình tượng biểu diễn không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

3. Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền sau đây:

a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;

b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

c) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình của mình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;

d) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao bản định hình cuộc biểu diễn của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;

đ) Cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trong bản ghi âm, ghi hình, kể cả sau khi được phân phối bởi người biểu diễn hoặc với sự cho phép của người biểu diễn.

e) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản định hình cuộc biểu diễn của mình, bao gồm cả cung cấp đến công chúng bản định hình cuộc biểu diễn theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.

4. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 3 Điều này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp pháp luật không quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật này.

5. Chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi sau đây:

a) Sao chép cuộc biểu diễn chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;

b) Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao bản định hình cuộc biểu diễn đã được chủ sở hữu quyền thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn


 

Các trường hợp không xâm phạm quyền tác giả.

Thời gian đọc: 10 Phút
Quyền tác giả trong luật sở hữu trí tuệ được quy định như thế nào? Có phải trong mọi trường hợp, quyền tác giả mang tính tuyệt đối, không thể bị xâm phạm

 Xin chào Luật sư! Luật sư có thể giải đáp cho tôi  về: Quyền tác giả là gì? Những trường hợp nào không xâm phạm quyền tác giả

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Tác giả là ai? Quyền tác giả là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, khái niệm tác giả được hiểu như sau:

Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, quyền tác giả được hiểu: Là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu

Các trường hợp không xâm phạm quyền tác giả

Theo quy định tại Điều 25, 25a Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2022 trong những trường hợp sau người thực hiện hành vi không xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể:

Điều 25. Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:

a) Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép;

b) Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;

c) Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận tác phẩm này;

Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Ảnh:Internet

d) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước;

đ) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu;

e) Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số;

g) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không nhằm mục đích thương mại;

h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó, không nhằm mục đích thương mại;

i) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng cá nhân, không nhằm mục đích thương mại;

k) Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền;

l) Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát sóng sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó;

m) Người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường (sau đây gọi là người khuyết tật), người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ sử dụng tác phẩm theo quy định tại Điều 25a của Luật này.

2. Việc sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

3. Việc sao chép quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật, chương trình máy tính; việc làm tuyển tập, hợp tuyển các tác phẩm.

Điều 25a. Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật

1. Người khuyết tật, người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật được quyền sao chép, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm khi có quyền tiếp cận hợp pháp với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận là bản sao của tác phẩm được thể hiện bằng một phương thức hay định dạng khác dành cho người khuyết tật; chỉ được sử dụng cho mục đích cá nhân của người khuyết tật và có thể có những điều chỉnh kỹ thuật phù hợp, cần thiết để người khuyết tật có thể tiếp cận tác phẩm.

2. Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ có quyền sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm khi có quyền tiếp cận hợp pháp bản gốc hoặc bản sao tác phẩm và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

3. Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ có quyền phân phối hoặc truyền đạt bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận của tác phẩm tới tổ chức tương ứng theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

4. Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ có quyền phân phối hoặc truyền đạt bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận của tác phẩm tới người khuyết tật ở nước ngoài theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả với điều kiện trước khi phân phối hoặc truyền đạt, tổ chức này không biết hoặc không có cơ sở để biết bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận này sẽ được sử dụng cho bất cứ đối tượng nào khác ngoài người khuyết tật.

5. Người khuyết tật hoặc người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật hoặc tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ có quyền nhập khẩu bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận của tác phẩm từ tổ chức tương ứng theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên vì lợi ích của người khuyết tật mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn