Bạn đang ở đây

Kết hôn giả tạo bị xử phạt như thế nào?

03/01/23 09:46:52 | Lượt xem: 98
Thời gian đọc: 4 Phút
Thế nào là kết hôn giả tạo? Chế tài xử lý nào với người thực hiện hành vi kết hôn giả tạo?

Thưa luật sư, tôi muốn đi nước ngoài để làm ăn, tuy nhiên qua một mối quen biết người ta bảo tôi phải kết hôn với một người để được sang nước ngoài với chi phí rẻ nhất, tôi băn khoăn không biết việc này được Pháp luật cho phép không và có những rủi ro gì không vì tôi với người đàn ông kia không có tình cảm gì. Xin luật sư tư vấn cho tôi. Xin cảm ơn!

Chào bạn! Cảm ơn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Hongbach.vn có ý kiến tư vấn như sau:

Việc bạn không có tình cảm yêu thương đối với một người nhưng vẫn kết hôn với người này để nhằm mục đích xuất cảnh ra nước ngoài có thể được hiểu là việc kết hôn giả tạo. Tại Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Đồng thời, theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hành vi kết hôn giả tạo là nghiêm cấm. 

Đối với việc các Bên lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể:

Hành vi kết hôn giả tạo là hành vi mà pháp luật Việt Nam nghiêm cấm thực hiện. Ảnh minh họa: Internet

Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà

không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP thì bạn còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi kết hôn giả tạo. Vì vậy, theo quan điểm của Luật sư, bạn tuyệt đối không được thực hiện hành vi kết hôn giả tạo nhằm mục đích xuất cảnh sang nước ngoài với chi phí rẻ tránh để lại những hậu quả đáng tiếc trong vụ việc.

Trên đây là nội dung tư vấn của Hongbach.vn liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ: 

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự 
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Tin tức liên quan