Bạn đang ở đây

đào tạo trình độ tiến sĩ

Hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ

Thời gian đọc: 6 Phút
Ngày 03/6/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030.

Thông tư 30/2022/TT-BTC áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng tham gia Đề án theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện Đề án.

Theo nội dung Thông tư 30/2022/TT-BTC, nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ như sau:

1. Học phí và các khoản có liên quan đến học phí: 

- Thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với cơ sở đào tạo ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại); tối đa không quá 25.000 đô la Mỹ/người học/năm học hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại. Trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 đô la Mỹ/người học/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả hoặc do cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

- Trường hợp đặc biệt, cần thu hút và tạo nguồn giảng viên từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, thực hiện thanh toán theo mức học phí quy định của cơ sở đào tạo và trong phạm vi dự toán được giao.

2. Chi phí làm hộ chiếu, visa: 

- Thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế của các nước nơi người học được cử đi đào tạo đối với chi phí làm visa.

Thông tư 30/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030.

3. Sinh hoạt phí:

- Sinh hoạt phí cấp cho người học theo mức quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. Sinh hoạt phí được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài (từ ngày nhập học đến ngày kết thúc khóa học nhưng không vượt quá thời gian ghi trong quyết định cử đi đào tạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);

- Việc thanh toán sinh hoạt phí cho người học được cấp định kỳ theo quý hoặc 06 tháng/lần, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu của người học.

4. Bảo hiểm y tế bắt buộc:

- Mức bảo hiểm y tế bắt buộc: Thực hiện thanh toán theo mức quy định của nước sở tại (căn cứ theo mức thông báo trong giấy tiếp nhận học viên của cơ sở đào tạo) và được cấp bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại; tối đa không vượt quá 1.000 đô la Mỹ/người/năm;

- Trường hợp người học có nguyện vọng mua bảo hiểm y tế ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư này thì phải tự bù phần chênh lệch.

5. Tiền vé máy bay đi và về (hạng phổ thông):

- Người học được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp được phía bạn đài thọ) trong toàn bộ thời gian đào tạo;

- Thực hiện thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước.

6. Chi phí đi đường (để bù đắp các khoản lệ phí sân bay và thuê phương tiện đi lại từ sân bay về nơi ở và ngược lại) được cấp 01 lần với mức khoán là 100 đô la Mỹ/người/cho toàn bộ thời gian đào tạo.

7. Các khoản chi khác phát sinh trong quá trình đào tạo:

- Chi phí chuyển và nhận tiền qua ngân hàng liên quan đến khóa đào tạo ở nước ngoài (nếu có): Căn cứ vào các quy định của ngân hàng nước sở tại và ở Việt Nam, nếu có phát sinh lệ phí chuyển tiền hoặc nhận tiền qua ngân hàng thì ngân sách nhà nước sẽ cấp khoản chi này theo thực tế phát sinh;

- Hỗ trợ chi phí để xử lý các rủi ro, bất khả kháng xảy ra đối với người học được cử đi đào tạo: Trường hợp người học tử vong, ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ cước phí vận chuyển thi hài hoặc lọ tro từ nước ngoài về nước hoặc hỗ trợ phần còn thiếu của cước phí vận chuyển sau khi bảo hiểm chi trả;

- Trường hợp thời gian thực tế đào tạo nhiều hơn thời gian ghi trong Quyết định cử đi đào tạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (bao gồm cả do nguyên nhân bất khả kháng như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh) và người học vẫn đảm bảo kết quả học tập, được cơ sở đào tạo nước ngoài xác nhận thì người học chỉ được thanh toán các chế độ, chính sách trong thời gian kéo dài khi có Quyết định bổ sung của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng tổng thời gian không vượt quá thời gian quy định về hoàn thành chương trình đào tạo tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 25/2021/TT-BGDĐT .

Thông tư 30/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2022.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024.6299.6666 ; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn

Xem chi tiết và tải Thông tư 30/2022/TT-BTC tại đây:
 

Tệp đính kèm: 

Đối tượng và tiêu chuẩn tham gia tuyển chọn đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học

Thời gian đọc: 4 Phút
Ngày 8/9/2021 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 25/2021/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học theo quyết định số 89/QĐ-TTG ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030.

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Thông tư này hướng dẫn việc tổ chức triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 (sau đây viết tắt là Đề án), bao gồm: những quy định chung; đối tượng và tiêu chuẩn tuyển chọn, quyền và trách nhiệm của người học; yêu cầu và tiêu chí xét chọn cơ sở đào tạo, trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở đào tạo, cơ sở cử đi và tổ chức thực hiện Đề án.
- Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học trong phạm vi Đề án.

2. Theo Thông tư, đối tượng và tiêu chuẩn tham gia tuyển chọn đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
2.1  Giảng viên cơ hữu, giảng viên nguồn được tham gia tuyển chọn để nhận kinh phí hỗ trợ của Đề án khi đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Là công dân Việt Nam, tuổi không quá 40 tính đến năm tham gia tuyển chọn; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để đi học; không trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên; không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật khi tham gia tuyển chọn đi học toàn thời gian ở nước ngoài;
b) Tham gia tuyển chọn đi học tiến sĩ, thạc sĩ hoặc đang theo học các chương trình đào tạo tiến sĩ lần đầu tiên;
c) Giảng viên cơ hữu đã đáp ứng điều kiện tuyển sinh của chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo dự kiến tiếp nhận học chính thức trong năm đăng ký tuyển chọn hoặc năm kế tiếp liền kề; hoặc giảng viên nguồn, giảng viên cơ hữu đang theo học chương trình đào tạo tiến sĩ phải còn thời gian học tập, nghiên cứu ít nhất từ 18 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia tuyển chọn;
d) Chưa nhận hoặc chưa cam kết nhận học bổng toàn phần từ ngân sách Nhà nước hoặc từ các nguồn kinh phí khác cho việc học tập, nghiên cứu ở trình độ dự tuyển tính đến thời điểm được tuyển chọn.
2.2 Đối tượng tham gia tuyển chọn để được nhận kinh phí hỗ trợ của Đề án khi đi học thạc sĩ phải là giảng viên cơ hữu giảng dạy những ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao của các cơ sở cử đi thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao.
Thông tư 25/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 24/10/2021.

Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403, tầng 4, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Email: bach@hongbach.vn

Xem chi tiết và tải Thông tư 25/2021/TT-BGDĐT tại đây:
 

Tệp đính kèm: