Tôi có viết đơn xin nghỉ nhưng giám đốc công ty đã không ký nhưng cũng không thấy phản hồi gì về việc tôi nghỉ. Cho đến ngày 8/8/2009, Công ty mới liên hệ và hỏi tôi khi nào có thể tiếp tục đi làm trở lại được. Đến ngày 10/8/2009, tôi trở lại làm việc bình thường và không thấy phản ứng gì từ phía ban giám đốc. Cho đến ngày 14/8/2009, đại diện nhân sự của Công ty đã đưa quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tôi và ghi ngày thi hành quyết định là 25/6/2009 với lý do tôi vi phạm hợp đồng lao động (nghỉ quá 5 ngày). Xin Quý Báo giải đáp giúp tôi: Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với tôi có đúng không? Việc chấm dứt hợp đồng lao động như vậy, tôi có được quyền lợi gì không? Tôi tham gia đóng bảo hiểm sau 03 tháng vào công ty, việc tôi nghỉ việc có ảnh hưởng gì đến chế độ thai sản của tôi khi sinh không? Tôi xin chân thành cảm ơn Quý Báo! (Đào Thị Thanh Hương- E-mail: daohuongmirae@yahoo.com) Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Tại điểm b - Khoản 1 - Điều 38 và Điểm c - Khoản 1 - Điều 85 - Luật số 35/2002/QH10 sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Bộ luật Lao động năm 1994 quy định: “Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng” là một trong những trường hợp người sử dụng lao động có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải và đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đối với người lao động. Bạn không cung cấp cho chúng tôi các thông tin cụ thể về thời gian bạn tự ý nghỉ việc (quá năm ngày), mà Công ty lấy làm cơ sở để đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với bạn. Do đó, chúng tôi không thể tư vấn chi tiết cho bạn về tính pháp lý của khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, tại mục 3 của Phần II của Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định các trường hợp được coi là tự ý bỏ việc “có lý do chính đáng”, bao gồm: “a) Do thiên tai, hoả hoạn có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi xảy ra; b) Do bản thân ốm có giấy nghỉ ốm của cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc có xác nhận của cơ sở y tế được thành lập hợp pháp khám và điều trị; c) Do thân nhân bị ốm trong trường hợp cấp cứu và có xác nhận của cơ sở y tế được thành lập hợp pháp tiếp nhận khám và điều trị. Thân nhân bị ốm bao gồm: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con; d) Các trường hợp khác do người sử dụng lao động quy định trong nội quy lao động.” Vì vậy, nếu thời gian bạn tự ý bỏ việc đó là thời gian bạn đang nghỉ điều trị do sức khoẻ yếu và bị động thai, có giấy nghỉ ốm hoặc xác nhận của cơ sở ý tế, thì Công ty không thể lấy lý do trên, làm căn cứ để đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với bạn. Mặt khác, vì thời điểm Công ty ban hành quyết định đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với bạn (25/6/2009), bạn vẫn đang mang thai, phải nghỉ điều trị do sức khỏe yếu và thai bị động theo chỉ định của thầy thuốc, nên việc làm đó của Công ty là trái pháp luật, đã vi phạm các quy định tại Điều 39, khoản 3 - Điều 111 - Luật số 35/2002/QH10 sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Bộ luật Lao động năm 1994; Điều 8 - Nghị định số 41/CP ngày 06/7/1995 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ. Theo các quy định nêu trên, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật, sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ trong thời gian có thai; nghỉ thai sản; nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, người lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kéo dài thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Đồng thời, khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động và đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với bạn, Công ty không tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật bạn, không mời bạn tham gia phiên họp xử lý kỷ luật lao động là vi phạm các quy định tại Điều 87 - Bộ luật Lao động, Điều 11 - Nghị định số 41/CP ngày 06/7/1995 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ, phần IV của Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Như đã phân tích ở trên, do bạn đang mang thai nên Công ty không có quyền xử lý kỷ luật, sa thải hay đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đối với bạn. Công ty chỉ có thể chấm dứt Hợp đồng lao động đối với bạn khi được bạn đồng ý. Trong trường hợp bạn cũng không muốn làm việc cho Công ty nữa, do bạn đã làm việc trong công ty liên tục trên 12 tháng (từ tháng 10/2007), nên theo quy định tại Điều 42 -Bộ luật lao động, khi chấm dứt Hợp đồng lao động với bạn, Công ty sẽ phải trợ cấp thôi việc cho bạn, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, công phụ cấp lương nếu có và hoàn trả sổ Bảo hiểm xã hội và sổ lao động cho bạn. Đồng thời, Công ty cũng sẽ phải bồi thường cho bạn một khoản tiền tường ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) của bạn trong những ngày bạn không được làm việc, cộng ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) của bạn. Nếu bạn không đồng ý với quyết định đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của Công ty, bạn có thể khiếu nại việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái pháp luật của Công ty đến Công ty, Sở Lao động thương binh và Xã hội cấp tỉnh nơi Công ty có trụ sở chính hoặc khởi kiện Công ty tại Toà án nhân dân có thẩm quyền. Theo quy định tại điều 28 - Luật Bảo hiểm xã hội, do bạn đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con, nên bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội. Nguồn : Dân Trí Văn phòng Luật sư Hồng Bách và Cộng sự. Số 6 đường Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy,Hà Nội. Điện thoại: 84.4. 37868574 Fax: 84.4. 37868575. Website: www.hongbach.vn