Câu hỏi: Kính chào luật sư. Tôi có nội dung vướng mắc pháp lý như sau, mong nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của luật sư. Nội dung vướng mắc pháp lý như sau: Gần đây BH Media có đưa ra Thông báo về xác nhận bản quyền đối với một số ca khúc do một số nhạc sỹ sáng tác và đã công khai trước đó trên một soos kênh YouTube và yêu cầu người nghe phải trả phí khi sử dụng các ca khúc này.
Theo thống kê của Hội nhạc sỹ Việt Nam thì BH Media đang có hành vi xác nhận bản quyền đối với 865 ca khúc âm nhạc. Vậy, luật sư cho tôi hỏi hành vi này của BH Media sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Rất mong nhận được sự phản hồi của của luật sư. Xin cảm ơn luật sư!
Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự. Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc của bạn, Luật Hồng Bách có ý kiến tư vấn như sau:
Theo chúng tôi được biết thì ngày 9/11, tại Hà Nội nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã làm việc với các nhạc sĩ để làm rõ các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị của nhạc sĩ: Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê, nhóm M6 về việc các sản phẩm âm nhạc của họ bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên chính kênh YouTube của tác giả.
Tại buổi làm việc, ông Đinh Trung Cẩn thông tin, ngày 28/10/2021, VCPMC tiếp nhận kiến nghị của nhạc sĩ Ngọc Khuê về việc nhiều tác phẩm của nhạc sĩ tự sáng tác và đầu tư sản xuất (Hà Nội mùa thu vắng em) hoặc do Hội Nhạc sĩ đầu tư sản xuất (Hạt nắng hạt mưa) và thuê Dihavina thu âm nhưng bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền khi đưa lên chính kênh YouTube của mình.
Ông Cẩn khẳng định: “BH Media có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với một số tác phẩm âm nhạc và VCPMC sẽ tiến hành xử lý hành vi xâm phạm này theo đúng quy định của pháp luật và quy trình xử lý vi phạm của VCPMC. Nếu cần thiết sẽ khởi kiện để đòi lại quyền lợi cho các nhạc sĩ và Hội Nhạc sĩ Việt Nam”.
Dưới góc độ pháp lý thì chúng tôi có quan điểm nhận định như sau:
Về các vấn đề này thì theo chúng tôi quan sát trên thực tế thì tác giả các tác phẩm âm nhạc này chưa có văn bản, ý chí thể hiện việc xác lập chuyển giao các quyền tác giả, quyền chủ sở hữu tác giả và các quyền liên quan cho BH Media nên BH Media chưa có cơ sở pháp lý và thực tiễn để xác lập các quyền tài sản đối với các tác phẩm này.
Do đó, căn cứ theo khoản 1 điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ thì việc BH Media nắm giữ bản quyền của các tác phẩm này là hành vi có dấu hiệu vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Cụ thể, là BH Media đã có hành vi: Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
Tuy nhiên, để đi đến kết luận các hành vi nêu trên là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì căn cứ theo điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP cần xem xét tổng thể các căn cứ sau đây:
Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:
1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
2. Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam”.
Rõ ràng nếu những hành vi nêu trên không bị các tác giả ngăn chặn thì đã xảy ra hành vi trục lợi bản quyền đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật. Việc liên tục khẳng định các tác phẩm của các tác giả khác thuộc bản quyền của BH Media là hành vi có chủ ý, có hệ thống và có mục đích cụ thể của BH Media.
Để xử lý các hành vi vi phạm này thì theo quy định của pháp luật chủ sở hữu quyền liên quan có quyền yêu cầu người thực hiện hành vi tự nguyện chấm dứt việc vi phạm, hoặc khởi kiện tại cơ quan chức năng buộc chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại nếu có và tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm thì BH Media có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính thì BH Media có thể bị xử phạt về hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại theo quy định tại khoản 3 điều 29 của Văn bản hợp nhất số 1432/VBHN –BVHTTDL Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan với mức xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số. Cụ thể, điều luật quy định như sau:
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông, môi trường kỹ thuật số mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Về xử lý trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi xâm phạm chủ sở hữu quyền liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác theo quy định tại điều 172 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm tù và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến vấn đề pháp lý bạn đang vướng mắc, nếu còn những vấn đề chưa rõ thì bạn có thể phản hồi cho chúng tôi qua địa chỉ:
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.62.55.88.66
Web: hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn