Luật sư Nguyễn Hồng Bách trả lời: Nghị quyết 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra quy định tại Điều 1. Các trường hợp được bồi thường thiệt hại gồm: 1. Những người thuộc các trường hợp sau đây được bồi thường thiệt hại: a) Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; b) Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội; c) Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của toà án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội; d) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. 2. Những người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại thì được bồi thường. Đối chiếu với các quy định trên, trường hợp anh trai chị thuộc điểm c khoản 1 Điều 1 được bồi thường thiệt hại. Cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là toà án đã tuyên bản án sơ thẩm. Anh trai chị có thể làm đơn gửi lên toà án cấp sơ thẩm để được hướng dẫn giải quyết. Nếu không đồng ý với mức độ bồi thường, anh trai chị có thể khởi kiện ra toà án theo thủ tục tố tụng dân sự để được giải quyết. Nguồn: Báo Thanh tra Online Văn phòng Luật sư Hồng Bách và Cộng sự. Số 6 - Đường Trung Yên 3, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 84.4. 37868574 Fax: 84.4. 37868575. Website: www.hongbach.vn