Câu hỏi: Kính chào luật sư. Thời gian gần đây tại Việt Nam có một trường hợp tiêm chủng Vaccine phòng chống COVID-19 nhưng bị tử vong. Vậy, Luật sư cho tôi hỏi những trường hợp tử vong này thì Nhà nước có hỗ trợ gì đối với gia đình của người bị tử vong hay không? Và những cán bộ y tế để xảy ra hậu quả trong quá trình tiêm chủng có phải chịu trách nhiệm gì không? Mong luật sư giải đáp cho tôi. Trân trọng cảm ơn luật sư.
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho Công ty chúng tôi, với nội dung bạn đang vướng mắc Luật sư có quan điểm tư vấn như sau:
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;
- Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế;
- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP.
II. Nội dung tư vấn
1. Đối với nội dung câu hỏi người bị tử vong do tiêm Vaccine phòng, chống COVID - 19 được đền bù, hỗ trợ những khoản nào?
Thời gian qua để đảm bảo cho công tác Phòng, chống dịch COVID - 19 có hiệu quả thì Bộ Y tế đã và đang triển khai việc tiêm chủng nhiều loại Vaccine phòng chống dịch bệnh trên phạm vi cả nước cho người dân trên 18 tuổi. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong quá trình tiêm phòng Vaccine người được tiêm có thể có một số biểu hiện sốt nhẹ và cá biệt có một vài trường hợp không may đã tử vong sau khi tiêm (thường được xác định sau tiêm trong khoảng 39 giờ).
Vậy, tiêm chủng là gì?
Tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP định nghĩa về khái niệm tiêm chủng như sau: Tiêm chủng là việc đưa Vaccine vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch để dự phòng bệnh tật và:
Việc tiêm chủng chống dịch được hiểu là hoạt động tiêm chủng miễn phí do Nhà nước tổ chức cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch.
Theo các quy định và khuyến cáo của Bộ Y tế đưa ra thì để đảm bảo cho quá trình tiêm chủng Vaccine được an toàn đối người tiêm thì trước khi tiến hành tiêm những người này đã được khám sàng lọc xem có đạt các chỉ số, điều kiện để đưa Vaccine phòng, chống COVID-19 vào cơ thể người hay không? Và trong suốt và sau quá trình tiêm chủng những người được tiêm Vaccine được các cán bộ y tế theo dõi sát sao có xảy ra các triệu chứng và tai biến sau khi tiêm chủng không? Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Nhà sản xuất thì trong quá trình tiêm chủng vẫn có xác xuất xảy ra tai biến sau khi tiêm chủng và tại Việt Nam cũng đã ghi nhận 1 nữ y tá tại tỉnh An Giang sau khi tiêm chủng Vaccine phòng chống COVID-19 bị sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Xảy ra tai biến sau tiêm chủng là điều không mong muốn đối với bất kỳ ai. Để kịp thời hỗ trợ, khắc phục hậu quả đối với những người bị tử vong trong quá trình tiêm chủng thì căn cứ các quy định pháp luật đối với những trường hợp không may bị tử vong sau quá trình tiêm Vaccine thì sẽ được Nhà nước đền bù, hỗ trợ những khoản sau:
+ Toàn bộ các chi phí khám, điều trị khi bị tai biến tại các cơ sở y tế trước khi bị tử vong;
+ Các chi phí mai táng cho người bị tử vong do tiêm vắc xin, mức hỗ trợ bằng 10 tháng lương cơ bàn do Nhà nước quy định tại từng thời kỳ;
+ Chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100.000.000 đồng cho thân nhân của người tiêm chủng bị tử vong;
+ Các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút: bao gồm chi phí cho 01 người chăm sóc cho người bị tai biến, tùy từng đối tượng lao động thì sẽ có cách xác định thu nhập khác nhau;
2. Đối với nội dung câu hỏi những cán bộ để xảy ra tình trạng người tiêm chủng bị tử vong sau khi tiêm chủng thì có chịu chế tài gì không?
Pháp luật quy định đối với mỗi trường hợp bị tai biến do tiêm chủng thì Sở Y tế tại địa phương nơi có bệnh nhân bị tai biến có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra để điều tra về nguyên nhân dẫn đến tai biến: quá trình tiêm chủng đã thực hiện tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế đưa ra về tiêm chủng hay chưa? Vaccine có đúng chất lượng của nhà sản xuất không? Khi xảy ra tai biến thì xử lý thế nào?
Trên cơ sở kết luận điều tra của Sở Y tế ban hành thì sẽ kết luận và khẳng định các cán bộ y tế có chịu trách nhiệm, chế tài gì liên quan đến việc để xảy ra tai biến trong quá trình tiêm chủng hay không? Trường hợp Kết luận điều tra của Sở Y tế nhận định các cán bộ y tế có lỗi để xảy ra tai biến thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà các cán bộ này sẽ bị kỷ luật hoặc xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo điều 315 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù từ 1 đến 15 năm.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty chúng tôi liên quan đến nội dung bạn đang vướng mắc. Nếu có nội dung nào cần làm rõ thì bạn phản hồi với chúng tôi qua địa chỉ:
Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự
Trụ sở: Phòng 403 tầng 4, số 85 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 024.6299.6666; Fax: 024.6299.6666
Website: Hongbach.vn; Email: bach@hongbach.vn